Các tin tức tại MEDlatec

Sự phát triển của thai nhi qua từng giai đoạn khác nhau

Ngày 09/10/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Bất cứ người phụ nữ nào khi biết mình được làm mẹ đều có cảm giác hồi hộp, mong ngóng, không biết thai nhi trong bụng mẹ sẽ lớn lên như thế nào. Mẹ có thể theo dõi được sự phát triển của thai nhi qua những thay đổi của cơ thể hoặc siêu âm hình ảnh. Cùng MEDLATEC tìm hiểu rõ hơn thai nhi phát triển như thế nào trong bụng mẹ qua bài viết sau đây.

1. Sự phát triển của thai nhi ở tam cá nguyệt thứ nhất

Quá trình mang thai của mẹ trải qua 3 kỳ tam cá nguyệt, bắt đầu tính từ ngày đầu tiên của chu kỳ kinh nguyệt cuối cùng cho đến khi mẹ sinh bé ra. Đây là giai đoạn quan trọng để phôi thai hình thành, phát triển ổn định trong tử cung của mẹ. Các cơ quan quan trọng của trẻ đã dần được hình thành, khi siêu âm mẹ có thể thấy hình hài nhỏ bé của con.

Thai nhi sẽ phát triển từ từ qua từng tuần tuổi

Thường nếu chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn 28 ngày, vào ngày đầu tiên của tuần thứ 3, trứng sẽ rụng và tinh trùng được thụ tinh trong khoảng 24 giờ sau thời điểm này. Tinh trùng sau khi thụ tinh thành công vào trứng sẽ phát triển thành phôi thai khi các tế bào dần phân chia nhiều hơn. Trong cùng quá trình đó, phôi thai di chuyển vào lớp niêm mạc tử cung để làm tổ.

Khi đã ổn định, phôi thai sẽ lớn dần về kích thước. Thông thường vào tuần thứ 5 kể từ kỳ kinh cuối, mẹ sẽ biết mình đang mang thai qua một vài dấu hiệu sớm như ra máu báo thai, dùng que thử thai. Song lúc này, thai 5 tuần tuổi có kích thước rất nhỏ, chưa thể quan sát bằng siêu âm hay khiến bụng mẹ lớn lên.

Thai nhi tuần 6 sẽ bắt đầu hình thành trái tim

Thế nhưng bắt đầu sang tuần thai thứ 6 trở đi, phôi thai sẽ phát triển kích thước rất nhanh, cơ quan đầu tiên được hình thành là hệ tuần hoàn, sau đó là trái tim. Sang tuần thai thứ 7 trở đi, nhịp tim thai mới trở nên rõ ràng và nghe thấy qua siêu âm. Cùng lúc đó, thai nhi đã tạo hình các bộ phận mũi, miệng, tai, não bộ, ruột dù kích thước lúc này chỉ bằng hạt đậu mà thôi.

Sang tuần thai thứ 8, thai nhi đã lớn gấp đôi, chân và tay mọc ra có hình như mái chèo, đuôi vẫn còn tồn tại. Hình dạng người trở nên rõ ràng hơn khi đến tuần thai 9, bé đã thực hiện một vài cử động nhỏ nhưng mẹ chưa thể nhận ra. Lúc này tế bào thần kinh đầu tiên sẽ xuất hiện, ống thở cũng mở rộng để phổi hình thành.

Đuôi thai sẽ biến mất vào tuần thứ 10, cùng sự phát triển hoàn thiện hơn ở các bộ phận trên cơ thể. Sang đến tuần thai 12, cơ thể trẻ đã gần như hoàn thiện, tay chân đã có thể uốn gập, kích thước trẻ lúc này bằng khoảng quả chanh.

Bé trong bụng mẹ bắt đầu biết xòe, co tay, gập ngón chân hay có những động tác bú mút rồi. Đến hết tam cá nguyệt thứ nhất, kích thước trẻ chỉ bằng quả chanh vàng.

Thai nhi sau tam cá nguyệt thứ nhất chỉ lớn bằng quả chanh vàng

2. Đặc điểm phát triển thai nhi trong tam cá nguyệt thứ hai

Nếu như tam cá nguyệt thứ nhất là giai đoạn phôi thai ổn định và phát triển các cơ quan thì sang giai đoạn sau, các chi tiết nhỏ và tinh vi như não bộ sẽ phát triển mạnh mẽ. Đầu tiên là sự hoạt động của xung não giúp trẻ bắt đầu có những cử động cơ mặt, thậm chí khi siêu âm, mẹ còn thấy được bé đang mút ngón tay.

Sang đến tuần thai 16, dù mắt chưa mở nhưng bé đã có thể cảm nhận ánh sáng để di chuyển tránh khỏi vùng sáng rồi. Đầu của bé sẽ thẳng dần, thai cũng ổn định đúng vị trí, hơn nữa cơ chân phát triển khiến những cú đạp của bé mẹ có thể thấy rõ ràng. Khung xương thai và các khớp cơ bản đã hoàn thiện ở tuần thai 18.

Tuần thai thứ 19 đánh dấu thời điểm dây thần kinh hình thành cùng các tế bào thần kinh myelin bao quanh. Từ đó, các giác quan của trẻ mới bắt đầu phát triển như: khứu giác, xúc giác, vị giác, thị giác và thính giác. Nhờ đó mà trẻ nghe được âm thanh bên ngoài, mẹ có thể hát hoặc nói chuyện với con nhé.

Hệ tiêu hóa của thai bắt đầu hoạt động vào tuần thứ 21, biểu hiện bằng việc trẻ bắt đầu nuốt nước ối, xuất hiện phân su màu đen, đặc sệt. Phân này bé sẽ ị sau khi chào đời. Mẹ biết không, kích thước thai đã lớn nên mọi cử động nhỏ của bé mẹ đều thấy rõ.

Khi thai lớn, mẹ sẽ cảm nhận thấy chuyển động của bé

Sang tuần thai thứ 26, thai nhi có vẻ đầy đặn hơn khi lớp mỡ hình thành khiến làn da căng hơn. Tóc cũng bắt đầu mọc, hình thành kết cấu, màu sắc rồi. Hệ hô hấp của thai nhi bắt đầu hoạt động từ tuần thai 27, bé bắt đầu luyện tập bằng việc hít phải nước ối để có thể tự thở không khí ngay sau khi sinh.

Đến tuần thai cuối cùng của tam cá nguyệt thứ 2, trẻ đã hình thành lịch trình thức - ngủ rõ ràng, não phản xạ nhạy bén hơn, kích thước khoảng bằng cây cải thảo.

3. Sự phát triển của thai nhi ở tam cá nguyệt thứ ba

Ở giai đoạn phát triển cuối cùng này¸ kích thước thai nhi sẽ đạt cực đại và hoàn thiện những phát triển cuối cùng để sẵn sàng chào đời. Tuần thai đầu tiên của tam cá nguyệt thứ 3, thị giác sẽ phát triển mạnh mẽ, giúp bé cảm nhận được ánh sáng bên ngoài. Đầu bắt đầu to lên khi bộ não phát triển hoàn thiện.

Đến tuần thai thứ 31, thai nhi đã lớn lên đáng kể, chiếm nhiều không gian trong tử cung. Lượng nước ối còn lại bao quanh bé chỉ khoảng 1,5 lít. Bé ngày càng bụ bẫm hơn khi lớp chất béo đã hình thành dưới da.

Kể từ tuần thai 33, cân nặng trẻ sẽ tăng rất nhanh, mỗi tuần có thể tăng đến 0.5 kg để cho đến khi trẻ chào đời. Đầu trẻ đã có thể xoay từ bên này sang bên kia, đến tuần 34 thì có xu hướng ngả về phía âm đạo của mẹ.

Sang đến tuần thai 35, hệ thần kinh trung ương và phổi đã dẫn hoàn thiện. Nhiều trẻ sinh non có thể ra đời vào thời điểm này, vẫn có thể sống khỏe mạnh mà không gặp biến chứng sức khỏe nào. Nếu còn trong bụng mẹ, những chuẩn bị cuối cùng cho ngày sinh sẽ được thực hiện. Đầu tiên là lớp sáp trắng hình thành khắp cơ thể để bảo vệ làn da, chất béo được sản sinh cần thiết để điều chỉnh nhiệt độ.

Bé thường ra đời ở tuần thai thứ 39 - 42

Trong những tuần thai cuối nào, gan và não trẻ vẫn tiếp tục hoàn thiện. Thông thường mẹ sẽ sinh vào khoảng tuần thai thứ 39 - 42, nếu muộn hơn thời điểm này, bác sĩ có thể cần kích thích chuyển dạ cho mẹ.

Có thể thấy, sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ vô cùng kỳ diệu và phức tạp. Cùng với theo dõi sự phát triển của bé, mẹ cũng đồng thời chuẩn bị tốt nhất tâm lý, sức khỏe và vật dụng để đón bé chào đời.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.