Các tin tức tại MEDlatec
Tác dụng của thuốc mỡ bôi da loại kháng sinh ít người biết
Tác dụng của thuốc mỡ bôi da loại kháng sinh ít người biết
Da chính là bộ phận có diện tích lớn nhất trên cơ thể, đây đồng thời là hàng rào đầu tiên giúp bảo vệ cơ thể trước những tác nhân bên ngoài môi trường. Tuy da có khả năng tự phục hồi nhưng vẫn có thể bị tổn thương bởi những yếu tố gây bệnh. Thuốc mỡ bôi da loại kháng sinh là một trong những giải pháp giúp cứu nguy cho làn da trước nguy cơ bị nhiễm trùng.
1. Khái niệm thuốc mỡ bôi da loại kháng sinh
Thuốc mỡ là những sản phẩm dược phẩm được bào chế với tính chất mềm mịn, có độ nhớt, trong thuốc chứa những thành phần hoạt chất có thể thẩm thấu vào da nhưng lại không dễ gây bít tắc lỗ chân lông. Nếu thuốc mỡ có chứa thêm thành phần kháng sinh thì sẽ được phân loại là thuốc mỡ kháng sinh với tác dụng tiêu diệt những tác nhân gây nhiễm khuẩn. Vì vậy thuốc mỡ sẽ thường được áp dụng đối với những trường hợp bị nhiễm khuẩn mô mềm và da.
Thuốc mỡ có tác dụng điều trị các bệnh lý về da
Thuốc mỡ kháng sinh được xếp vào danh sách các loại thuốc kê đơn, chỉ được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Bởi vì sự gia tăng của tình trạng kháng kháng sinh nên theo khuyến cáo của các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm thì việc sử dụng các loại thuốc mỡ bôi da chứa kháng sinh ít có vai trò thực tế trong điều trị. Hiện nay thuốc mỡ kháng sinh thường chỉ được dùng trong những trường hợp như:
● Điều trị viêm nang lông và mụn trứng cá mủ;
● Điều trị tổn thương ngoài da do ghẻ lở, chốc và dự phòng nhiễm trùng da,...;
● Các bệnh nhiễm trùng tái phát do vi khuẩn Staphylococcus aureus gây ra, có thể sử dụng thuốc mỡ bôi ngoài da có chứa mupirocin hoặc axit fusidic. Nếu vi khuẩn kháng kháng sinh có trong thuốc hoặc vẫn tiếp tục bị nhiễm trùng thì có thể kết hợp với thuốc kháng sinh đường uống.
2. Phân loại thuốc mỡ bôi da kháng sinh
2.1. Thuốc mỡ bôi da Erythromycin
Đây là một loại kháng sinh dạng bôi được dùng trong điều trị tình trạng nhiễm trùng da do trứng cá mức độ từ trung bình đến nặng. Thuốc hoạt động theo cơ chế là tiêu diệt hay ức chế sự phát triển của vi khuẩn P.Acne gây mụn trên da. Bên cạnh đó thuốc cũng có tác dụng làm giảm triệu chứng đỏ và viêm da.
Thuốc mỡ bôi da Erythromycin
2.2. Clindamycin và Benzoyl Peroxide
2 loại thuốc này được áp dụng phổ biến trong điều trị tình trạng mọc mụn trứng cá có kèm theo viêm nhiễm, giúp làm giảm số lượng mụn trên da. Đặc biệt kháng sinh Clindamycin còn giúp ức chế những loại vi khuẩn gây mụn phát triển. Thêm vào đó Benzoyl Peroxide còn có công dụng ngăn ngừa vi khuẩn sinh sôi, kiểm soát bã nhờn trên da, duy trì sự thông thoáng cho hệ thống lỗ chân lông của da.
2.3. Thuốc mỡ bôi da Bacitracin
Kháng sinh Bacitracin khá phổ biến khi được sử dụng để điều trị những bệnh lý nhiễm khuẩn. Các hoạt chất chứa trong thuốc sẽ ức chế quá trình tổng hợp vỏ tế bào của vi khuẩn, nhờ đó sẽ dần dần làm tổn thương cấu trúc vi khuẩn và tiêu diệt chúng.
Thời gian trước đây loại thuốc này được bào chế theo dạng tiêm. Tuy nhiên vì tác dụng phụ là có thể gây hại cho thận nên thuốc được khuyên dùng chỉ nên bôi tại chỗ. Các thuốc mỡ bôi da trên thị trường có chứa bacitracin thường có kết hợp thêm với kẽm hay những loại kháng sinh khác như polymyxin B hay neomycin.
Thuốc mỡ bôi da Bacitracin
3. Hướng dẫn sử dụng đúng cách các loại thuốc mỡ bôi da
Khi sử dụng thuốc mỡ bôi da cần phải lưu ý đến những yếu tố như sau:
● Tính chất bệnh lý;
● Mức độ và giai đoạn của bệnh;
● Khu vực da bị tổn thương là ở vị trí nào;
● Các yếu tố khác: giới tính, độ tuổi, tính chất và môi trường làm việc,...
Những bước cơ bản khi sử dụng thuốc mỡ bôi da:
● Rửa sạch tay, lau khô tay trước khi bôi thuốc;
● Làm sạch và lau khô vùng da đang bị tổn thương cần điều trị;
● Dùng đầu ngón tay lấy một lượng thuốc vừa đủ, không quá ít cũng không quá nhiều và xoa nhẹ nhàng lên vùng da bị tổn thương;
● Tuân thủ đúng liều lượng và số lần theo hướng dẫn sử dụng;
● Sau khi bôi thuốc xong cần rửa lại tay sạch sẽ.
Ngoài ra cần phải lưu ý là không được dùng thuốc trong thời gian dài, chỉ bôi duy nhất một loại thuốc và không tự ý thay đổi thuốc hay thay đổi tần suất sử dụng vì điều này sẽ không giúp đánh giá chính xác được hiệu quả điều trị và nguy cơ lờn thuốc, kháng thuốc là rất cao.
Bên cạnh đó, bệnh nhân không nên tự ý mua thuốc mà chưa có chỉ định của bác sĩ. Trong quá trình dùng thuốc hãy làm đúng theo hướng dẫn, theo dõi bệnh và tái khám theo lịch hẹn để cập nhật diễn tiến của bệnh, đồng thời có thể kịp thời can thiệp và điều chỉnh loại thuốc, liều lượng nếu cần thiết.
4. Cảnh báo về tác dụng phụ khi dùng thuốc mỡ kháng sinh
Thuốc mỡ bôi da có chứa các thành phần kháng sinh có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn, cụ thể như sau:
● Phản ứng dị ứng ngay tại chỗ da tiếp xúc với thuốc như phát ban, ngứa ngáy khó chịu, nóng rát,...;
● Da trở nên nhạy cảm hơn dưới ánh nắng mặt trời;
● Có những trường hợp bệnh nhân bị dị ứng nghiêm trọng hơn là xuất hiện hội chứng Lyell và hội chứng Stevens - Johnson.
Một trong những tác dụng phụ của thuốc mỡ bôi da đó chính là triệu chứng mẩn ngứa
Nếu gặp phải những triệu chứng bất thường nêu trên hoặc khi sử dụng thuốc được một vài ngày nếu không thấy tình trạng da được cải thiện tích cực, thậm chí là có dấu hiệu xấu đi thì bệnh nhân nên ngừng sử dụng thuốc và đi tái khám ngay để được xử trí kịp thời. Ngoài ra khi bôi thuốc không được để thuốc tiếp xúc trực tiếp với miệng hoặc mắt. Nếu có bạn nên lau sạch số thuốc bị dính vào những vùng này và rửa lại thật kỹ với nước sạch.
Hy vọng rằng những thông tin trong bài viết trên đây đã giúp bạn hiểu rõ hơn về các loại thuốc mỡ bôi da có chứa thành phần kháng sinh. Nhìn chung việc dùng những loại thuốc này cần phải có sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa và bệnh nhân tuyệt đối không được tự ý mua thuốc về sử dụng. Khi được kê đơn cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất và bác sĩ để đạt được hiệu quả tối ưu trong điều trị.
BS Vân đã duyệt
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!