Các tin tức tại MEDlatec

Tắc tia sữa là gì? Bỏ túi những mẹo giúp mẹ không bị tắc tia sữa

Ngày 27/02/2022
Tắc tia sữa không chỉ khiến mẹ đau nhức và khó chịu, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm nếu không được chữa trị đúng cách và kịp thời. Bài viết hôm nay sẽ chia sẻ một số mẹo giúp mẹ không bị tắc tia sữa. Nhờ đó, đảm bảo an toàn cho sức khỏe của mẹ và duy trì nguồn sữa chất lượng cho bé.

1. Tắc tia sữa là gì?

Tắc tia sữa còn được gọi là tắc tuyến sữa. Đây là hiện tượng sữa bị ứ đọng và vón cục ở ống dẫn sữa, không thể chảy ra ngoài. Mặc dù là hiện tượng phổ biến nhưng nếu không được can thiệp kịp thời thì tắc tia sữa có thể gây ra nhiều biến chứng như viêm tuyến vú, áp xe vú, mất sữa,…

Bất kỳ mẹ nào cũng có thể bị tắc tia sữa, đặc biệt là khi mới sinh và đang trong thời kỳ nuôi con bằng sữa mẹ. Vì vậy, việc tìm hiểu các mẹo giúp mẹ không bị tắc tia sữa là quan trọng và cần thiết.

Tắc tia sữa là hiện tượng phổ biến ở các mẹ sau sinh và nuôi con bằng sữa mẹ

2. Nguyên nhân và biểu hiện của tắc tia sữa

Để có thể áp dụng những mẹo giúp mẹ không bị tắc tia sữa phù hợp, mẹ cần biết tắc tia sữa những nguyên nhân, biểu hiện nào.

Nguyên nhân tắc tia sữa

Tắc tia sữa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, và do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó phải kể đến những nguyên nhân phổ biến sau:

  • Sữa không chảy hết ra ngoài, cộng với sữa mới được tiết ra liên tục gây thừa sữa, sữa vón cục và tắc tia sữa.

  • Mẹ không vắt sữa thường xuyên khiến bầu ngực luôn trong tình trạng căng sữa.

  • Bé không ngậm đúng khớp ngậm khi bú nên không bú hết sữa trong mỗi cữ bú.

  • Khoảng cách giữa các cữ bú quá lâu, trên 4 - 5 giờ.

  • Mẹ mặc quần áo, đặc biệt là áo ngực quá chật, gây áp lực lên bầu ngực, chèn ép lên ống dẫn sữa, khiến sữa khó lưu thông.

  • Mẹ không vệ sinh núm vú sạch sẽ, tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập, gây ra tình trạng viêm nhiễm.

  • Mẹ luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng, mệt mỏi,… vì chăm con và áp lực cuộc sống.

Mẹ mệt mỏi, căng thẳng, mất ngủ,… cũng là nguyên nhân dẫn đến tắc tia sữa

Biểu hiện tắc tia sữa

Không khó để nhận biết mẹ đang bị tắc tia sữa. Bởi hiện tượng tắc tia sữa thường có những biểu hiện đặc trưng sau:

  • Bầu ngực căng và to, sờ vào thấy nổi cục.

  • Sữa khó hoặc không tiết ra được, ngay cả khi dùng máy vắt sữa.

  • Mẹ bị sốt, kèm theo đó là cảm giác rất đau khi chạm vào ngực.

  • Nếu bị tắc tia sữa nghiêm trọng và kéo dài, mẹ có thể bị sốt cao, rét run và áp xe vú.

3. Những mẹo giúp mẹ không bị tắc tia sữa

Tắc tia sữa thực sự là nỗi ám ảnh của các mẹ đang cho con bú. Nếu để tình trạng kéo dài, mẹ có thể bị áp xe vú và mất sữa. Vì vậy, nên chủ động phòng ngừa bằng những mẹo giúp mẹ không bị tắc tia sữa dưới đây.

Massage vú sau sinh

Sau khi sinh, mẹ hãy massage cho 2 bầu vú. Cách làm rất đơn giản, chỉ cần dùng tay xoa nhẹ bầu vú theo chiều kim đồng hồ. Thực hiện nhẹ nhàng và đều đặn cho 2 bên vú. Trường hợp thấy vú bị căng tức thì hãy bắt đầu massage từ vị trí căng tức này rồi hướng về phía núm vú. Cách làm này vừa phòng ngừa tắc tia sữa, vừa kích thích vú tiết sữa hiệu quả.

Massage vú nhẹ nhàng vừa giúp kích thích tiết sữa, vừa phòng nguy cơ tắc tia sữa

Duy trì cữ bú hợp lý

Một trong những mẹo giúp mẹ không bị tắc tia sữa đơn giản là duy trì cữ bú hợp lý. Trong tháng đầu, mẹ hãy cho bé bú thường xuyên và liên tục theo nhu cầu, còn những tháng sau đó thì đảm bảo khoảng cách giữa các cữ bú là 2 - 3 giờ. Không nên để thời gian giữa mỗi cữ bú quá lâu, trên 4 - 5 giờ.

Thực hiện vắt sữa đều đặn

Trường hợp sau khi cho bé bú xong mà bầu ngực vẫn còn căng, mẹ hãy dùng máy vắt sữa để vắt cạn sữa ra ngoài, tránh để sữa bị tồn đọng. Cách làm này không chỉ giúp mẹ không bị tắc tia sữa, mà trong trường hợp đang bị tắc tia sữa thì vẫn có thể áp dụng. Dưới áp lực hút của máy vắt sữa, ống dẫn sữa sẽ được khơi thông và sữa được chảy hết ra ngoài dễ dàng.

Vắt sữa đều đặn là mẹo giúp mẹ không bị tắc sữa được nhiều người áp dụng

Vệ sinh đầu vú sạch sẽ

Đây là việc làm cực kỳ quan trọng mà các mẹ không được bỏ qua. Theo đó, trước và sau mỗi lần cho bé bú, mẹ nên dùng gạc hoặc khăn sữa sạch nhúng vào nước muối sinh lý và lau sạch sẽ vú. Bắt đầu lau từ núm vú (đặc biệt là kẽ đầu vú), sau đó lau ra cả bầu vú.

Vệ sinh đầu vú sạch sẽ vừa giúp phòng ngừa tắc tia sữa, vừa đảm bảo an toàn cho bé. Bởi trẻ nhỏ có hệ miễn dịch non yếu, nếu đầu vú mẹ không sạch và bé ngậm mút thì sẽ vô tình bị nhiễm khuẩn, khiến bé dễ bị nhiễm bệnh.

Dành thời gian nghỉ ngơi

Sau sinh, cơ thể mẹ có nhiều thay đổi, cộng với việc chăm bé vất vả có thể khiến nhiều mẹ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng. Và điều này có thể gây ra những vấn đề tiêu cực về nguồn sữa như ít sữa, tắc tia sữa, mất sữa,… Do đó, mẹ nên dành nhiều thời gian để nghỉ ngơi và thư giãn, tránh tâm lý căng thẳng, áp lực, thậm chí là trầm cảm sau sinh.

Mẹ bỉm nên tranh thủ thời gian con ngủ để nghỉ ngơi, thư giãn, tránh để tinh thần bị căng thẳng, áp lực

Trên đây là những mẹo giúp mẹ không bị tắc tia sữa, bạn đọc có thể tham khảo và áp dụng. Nếu chẳng may bị tắc tia sữa, mẹ cần có biện pháp thông tắc tia sữa kịp thời.

Trường hợp tự chữa tắc tia sữa mà không hiệu quả, mẹ bị sốt cao, rét run, áp xe vú, có nguy cơ mất sữa thì cần đến ngay bệnh viện. Tuyệt đối không chủ quan và để tắc tia sữa kéo dài.

Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ tin cậy để các mẹ đến thăm khám và thực hiện các phương pháp điều trị nếu không may bị tắc tia sữa. Mọi nhu cầu tư vấn, đặt lịch khám nhanh chóng, đừng quên gọi đến hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ và hướng dẫn.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.