Các tin tức tại MEDlatec
Tất tần tật mọi thông tin cần nhớ về bệnh giãn tĩnh mạch ở chân
- 16/03/2021 | Điểm danh thuốc điều trị suy giãn tĩnh mạch chân có thể tham khảo trong điều trị
- 03/03/2021 | Tìm hiểu nguyên nhân và phương pháp điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch chi dưới
- 29/01/2021 | Hiểu như thế nào về giãn tĩnh mạch và mức độ nguy hiểm của bệnh
1. Suy giãn tĩnh mạch ở chân - cơ chế và nguyên nhân gây bệnh
1.1. Cơ chế gây nên bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân
Suy giảm tĩnh mạch chân là tình trạng các tĩnh mạch nông ở chân bị giãn ra, phồng lên, máu ứ đọng thành các dây nằm nông nổi ngoằn ngoèo bên dưới da, có màu xanh hoặc tím. Bệnh có 3 dạng: suy giảm tĩnh mạch nông gần da, suy giảm tĩnh mạch sâu nằm ở giữa các nhóm cơ và suy giảm tĩnh mạch xuyên nối giữa tĩnh mạch nông và tĩnh mạch sâu.
Bệnh nhân bị suy giãn tĩnh mạch ở chân giai đoạn đầu
Bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân được gây nên bởi cơ chế sau:
- Phía dưới nếp bẹn, trong lòng tĩnh mạch chân có các van tĩnh mạch được cấu tạo bằng 2 lá van. Một đầu của hai lá van này dính vào thành tĩnh mạch còn đầu kia nằm tự do trong lòng tĩnh mạch.
Khi cử động bàn chân sẽ khiến cơ co bóp và bơm máu từ chân lên phía trên. Đây cũng là lúc các lá van mở ra để dòng máu chứa nhiều CO2 về tim. Khi chân đứng yên, dòng máu có xu hướng đi ngược từ trên xuống vì có tác động của trọng lực nhưng do các van đã đóng lại nên máu không thể chảy ngược xuống dưới. Cứ như vậy, trong tĩnh mạch có hệ thống dòng chảy một chiều do các van tạo nên.
Nói một cách cụ thể hơn thì khi các van trong lòng tĩnh mạch bị hỏng máu sẽ chảy theo chiều ngược lại chiều thông thường và xảy ra tình trạng suy giãn tĩnh mạch. Điều này có nghĩa là máu thay vì được bơm từ bàn chân lên tim, thì lại đi theo chiều ngược lại và làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch, khiến cho tĩnh mạch bị kéo giãn và van hở ngày càng nặng, xuất hiện nhiều hơn các dòng chảy ngược. Hậu quả của nó chính là trên chân xuất hiện các tĩnh mạch giãn to, ngoằn ngoèo bên dưới da hoặc tình trạng viêm ở các mô xung quanh gây phù mắt cá chân, cẳng chân viêm và lở loét da.
1.2. Nguyên nhân gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân
Đến nay nguyên nhân chính xác gây ra bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân là gì vẫn chưa tìm ra được nhưng nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh có liên quan đến sự tổn thương chức năng các van một chiều của hệ tĩnh mạch ngoại biên. Sở dĩ các van này tổn thương là bởi:
Thai phụ thuộc nhóm có nhiều nguy cơ với bệnh giãn tĩnh mạch ở chân
- Tư thế đứng hoặc ngồi lâu một chỗ, ít vận động, thường xuyên mang vác nặng khiến cho máu bị dồn xuống chân và ứ đọng tại đây tạo ra áp lực cản trở quá trình trở về tim của máu.
- Quá trình mang thai làm thay đổi hormone tăng cao và sự lớn lên của thai làm tĩnh mạch bị chèn ép, quá trình máu trở về tim bị cản trở.
- Thường xuyên đi giày cao gót hoặc mặc quần áo bó sát làm tăng áp lực đến hệ tĩnh mạch ngoại biên, tăng áp lực lên chân và sinh ra suy giãn tĩnh mạch ở chân.
- Người bị béo phì có chế độ ăn uống không lành mạnh, ít vận động, thiếu chất xơ, cơ thể nặng nề gây ra áp lực lớn dồn đến chân và dễ bị suy giãn tĩnh mạch.
Ngoài ra, quá trình lão hóa, từng phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, làm việc nhiều trong môi trường có nhiệt độ cao, tai biến phải nằm bất động,... cũng được xem là những lý do khiến cho tĩnh mạch chân bị suy giãn.
2. Biến chứng và triệu chứng nhận diện bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân
2.1. Những biến chứng do suy giãn tĩnh mạch chân gây ra
Khi suy giãn tĩnh mạch ở chân tiến triển kéo dài mà không được điều trị không những ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh mà còn gây ra nhiều mối nguy hại khác như:
Các giai đoạn tiến triển bệnh giãn tĩnh mạch chân
- Thường xuyên có cảm giác bắp chân như bị bó chặt, nặng và mỏi.
- Dễ có cảm giác kiến bò ở chân hoặc bị chuột rút bắp chân vào buổi đêm.
- Huyết khối tĩnh mạch nông: các tĩnh mạch nổi hẳn lên da, nhìn rõ bằng mắt, sờ vào thấy ấm và cứng, có thể kèm theo đỏ da gây đau đớn.
- Huyết khối tĩnh mạch sâu: sưng đỏ, nóng chân, đau nhức, chảy máu, ngứa hoặc nhiễm trùng. Nếu huyết khối di chuyển lên phổi làm tắc mạch phổi thì nguy cơ tử vong rất cao.
- Loạn dưỡng da chân: da chân bong vảy, chảy nước, dày, phù nề.
- Loét chân: có các vết loét đau đớn trên da, rất dễ bội nhiễm vi khuẩn.
2.2. Triệu chứng nhận diện bệnh
- Giai đoạn đầu
Đây là lúc các triệu chứng suy giãn tĩnh mạch ở chân còn mờ nhạt nên ít ai nhận ra. Một số người sẽ cảm thấy chân nặng, đau hoặc đi giày dép thấy chật hơn bình thường, chân mỏi và phù nhẹ nếu ngồi lâu hoặc đứng nhiều, chuột rút, có cảm giác như bị kim đâm, các mạch máu nhỏ li ti xuất hiện dưới bàn chân và cổ chân.
- Giai đoạn tiến triển
Bước sang giai đoạn này thì triệu chứng suy giãn tĩnh mạch ở chân đã dễ nhận diện hơn:
+ Chân bị phù, nhiều nhất ở bàn hoặc mắt cá chân.
+ Thay đổi màu sắc da ở vùng cẳng chân vì máu bị ứ ở tĩnh mạch lâu ngày nên loạn dưỡng.
+ Sưng phồng tĩnh mạch gây đau, nặng hoặc phù chân.
+ Nếu nặng có thể nhìn thấy trên da có các búi tĩnh mạch trương phồng nổi lên, da có các mảng bầm máu,...
- Giai đoạn biến chứng
Khi đã bước sang giai đoạn này thì suy giãn tĩnh mạch chân có thể gây ra các biến chứng như đã nói đến ở trên.
Suy giãn tĩnh mạch ở chân thường về cơ bản không nguy hiểm đến tính mạng mà thường chỉ gây mất thẩm mỹ, khiến người bệnh bị đau nhức, trở thành rào cản cho sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, khi không được điều trị kịp thời, bệnh có thể biến chứng nặng vô cùng nguy hại. Vì thế khi phát hiện các triệu chứng của bệnh tốt nhất nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để có giải pháp ngăn ngừa bệnh diễn tiến nặng hơn.
Nếu bạn đang nghi ngờ mình mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch ở chân hoặc cần thêm thông tin về bệnh lý này, đừng ngần ngại gọi tới tổng đài 24/7 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC: 1900 56 56 56. Tại đây, các chuyên viên y tế với trình độ chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm làm việc lâu năm sẽ sẵn sàng đồng hành chia sẻ kiến thức, định hướng xử trí an toàn cho bạn.
Video liên quan
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!