Các tin tức tại MEDlatec

Thực hư việc trẻ bị vàng da do sữa mẹ? Khắc phục như thế nào?

Ngày 22/05/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Vàng da là hiện tượng khá phổ biến ở trẻ sơ sinh, trong đó có nhiều trường hợp được cho là liên quan đến sữa mẹ khiến không ít phụ huynh hoang mang, lo lắng. Vậy thực chất vàng da do sữa mẹ có đúng hay không? Bài viết sau sẽ giúp bạn giải đáp rõ ràng những thắc mắc này dựa trên cơ sở khoa học và lời khuyên từ chuyên gia nhi khoa.

1. Vàng da do sữa mẹ - liệu có đúng không? 

Tình trạng vàng da ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là hiện tượng khá phổ biến, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, nhiều người băn khoăn không biết liệu Vàng da do sữa mẹ liệu đúng hay không? Câu trả lời là có! 

Trên thực tế, sữa mẹ là một trong những yếu tố khiến thay đổi màu da của trẻ, thường gặp ở những trẻ sơ sinh bú mẹ hoàn toàn. Tình trạng này thường xuất hiện sau 3-5 ngày tuổi và có thể kéo dài vài tuần, thậm chí vài tháng.

Vàng da do sữa mẹ là tình trạng nhiều trẻ có thể gặp phải  

Theo các chuyên gia y tế, một số nguyên nhân gây vàng da do sữa mẹ được xác định có thể kể đến như sau: 

  • Tăng bilirubin gián tiếp: Sữa mẹ có chứa một số chất có thể làm tăng hấp thu bilirubin từ ruột của bé hoặc ức chế khả năng chuyển hóa bilirubin của gan bé;
  • Bú mẹ chưa đủ: Trong những ngày đầu sau sinh, sữa mẹ có thể chưa về nhiều, khiến bé bú không đủ, dẫn đến tăng tái hấp thu bilirubin.

Trẻ có tình trạng vàng da do sữa mẹ sẽ có những đặc điểm sau đây: 

  • Thường xuất hiện muộn hơn vàng da sinh lý (sau 3-5 ngày tuổi);
  • Mức độ vàng da có thể dao động nhưng thường không quá cao;
  • Trẻ vẫn bú tốt, tăng cân đều và không có các dấu hiệu bất thường khác;
  • Tình trạng vàng da sẽ giảm dần và tự hết khi bé lớn hơn (thường sau 3-4 tháng).

2. Trẻ bị vàng da do sữa mẹ có đáng lo không? 

Như đã thông tin ở trên, vàng da do sữa mẹ thường không đáng lo ngại và sẽ tự khỏi theo thời gian. Tuy nhiên, cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan, cần theo dõi sát sao tình trạng sức khỏe của trẻ và đưa trẻ đi thăm khám kịp thời nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào sau đây:

  • Vàng da xuất hiện sớm: Vàng da xuất hiện trong vòng 24 giờ sau sinh có thể là dấu hiệu của các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác;
  • Vàng da lan nhanh: Nếu màu vàng lan xuống bụng, tay, chân, đây có thể là dấu hiệu mức bilirubin trong máu tăng cao;
  • Vàng da đậm: Da bé có màu vàng cam hoặc vàng sẫm;
  • Bé bú kém hoặc bỏ bú: Bé không chịu bú hoặc bú rất ít;
  • Bé li bì, khó đánh thức: Bé ngủ nhiều hơn bình thường và khó đánh thức;
  • Bé quấy khóc, khó chịu: Bé có vẻ bứt rứt, khó chịu hơn bình thường;
  • Bé sốt: Nhiệt độ trực tràng trên 38°C;
  • Nước tiểu sẫm màu hoặc phân nhạt màu: Đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề về gan hoặc đường mật.

Cha mẹ cần theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ để kịp thời phát hiện bất thường nếu có 

Như vậy, việc theo dõi sát sao và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ là rất quan trọng để kiểm soát tốt tình trạng vàng da cũng như đảm bảo an toàn cho trẻ.

3. Cách xử trí tình trạng vàng da do sữa mẹ 

Để xử trí tình trạng vàng da do sữa mẹ, cha mẹ có thể tham khảo và áp dụng các biện pháp sau:

Tiếp tục cho bé bú mẹ thường xuyên

  • Tăng cữ bú: Cho bé bú thường xuyên hơn, khoảng 8-12 lần mỗi ngày, đặc biệt là trong những ngày đầu sau sinh. Việc bú nhiều giúp bé đi tiêu và đi tiểu nhiều hơn, từ đó đào thải bilirubin ra khỏi cơ thể;
  • Đảm bảo bú đúng cách: Hãy đảm bảo bé ngậm bắt vú đúng khớp để nhận đủ sữa. Nếu bạn gặp khó khăn, hãy tìm đến sự hỗ trợ của chuyên gia tư vấn sữa mẹ;
  • Không nên ngừng cho bú mẹ: Trừ khi có chỉ định đặc biệt của bác sĩ, việc ngừng cho bé bú mẹ có thể không cần thiết và thậm chí có thể làm tình trạng vàng da kéo dài hơn. Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho bé.

Tăng cường tiếp xúc với ánh sáng

  • Ánh sáng mặt trời: Cho bé tắm nắng nhẹ nhàng vào buổi sáng sớm (trước 8 giờ) hoặc chiều muộn (sau 5 giờ) trong khoảng 10-15 phút mỗi ngày. Lưu ý che chắn mắt và bộ phận sinh dục của bé;

Ưu tiên cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời trong khoảng thời gian phù hợp 

  • Ánh sáng xanh: Trong trường hợp vàng da nặng hơn, bác sĩ có thể chỉ định liệu pháp ánh sáng xanh tại bệnh viện hoặc tại nhà. Ánh sáng này giúp chuyển hóa bilirubin thành dạng dễ hòa tan và đào thải qua nước tiểu.

Theo dõi sát sao

  • Quan sát màu da của bé: Theo dõi sự thay đổi màu da của bé hàng ngày. Nếu thấy vàng da lan rộng hoặc đậm hơn, cần đưa bé đi khám lại;
  • Theo dõi số lần đi tiêu và đi tiểu: Đảm bảo bé đi tiêu và đi tiểu đủ số lần trong ngày;
  • Tái khám theo lịch hẹn: Đưa bé đi tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ để được theo dõi và đánh giá tình trạng vàng da.

Như vậy, bài viết đã cung cấp tới bạn đọc thông tin đầy đủ về tình trạng vàng da do sữa mẹ, hy vọng mang đến cho các bậc phụ huynh những kiến thức quan trọng trong quá trình chăm sóc trẻ. Điều quan trọng là việc theo dõi sát sao sức khỏe của trẻ để có kế hoạch thăm khám và điều trị kịp thời trong trường hợp cần thiết. 

Nếu cha mẹ có thêm thắc mắc liên quan cần giải đáp hoặc nhu cầu thăm khám, theo dõi sức khỏe của trẻ, hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ, tư vấn một cách nhanh chóng, kịp thời.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.