Các tin tức tại MEDlatec
Thuốc Azithromycin kết hợp với kháng sinh nào và lưu ý khi dùng
- 18/05/2025 | Trẻ uống kháng sinh bị đi ngoài: Nguyên nhân và cách xử trí an toàn cho trẻ
- 17/05/2025 | Cefepime - Thuốc kháng sinh Cephalosporin thế hệ thứ 4 và những lưu ý khi dùng
- 16/05/2025 | Cefotaxime - Kháng sinh dùng trong điều trị nhiễm khuẩn nghiêm trọng
- 01/06/2025 | Giải đáp: Mẹ truyền kháng sinh có cho con bú được không?
- 25/06/2025 | Uống kháng sinh có ảnh hưởng đến tinh trùng không? Cần lưu ý gì?
1. Công dụng chính của Azithromycin
Azithromycin là một loại kháng sinh thuộc nhóm Macrolid với tác dụng chính là ngăn chặn quá trình phát triển, lây lan của nhiều loại vi khuẩn gây tình trạng nhiễm trùng.
Thuốc Azithromycin có khả năng kìm hãm sự sinh sôi nhiều loại vi khuẩn gây nhiễm trùng
Thuốc có hiệu quả trên cả vi khuẩn Gram dương, Gram âm và đặc biệt là các vi khuẩn không điển hình như Chlamydia trachomatis, Mycoplasma pneumoniae, Legionella pneumophila, Mycobacterium avium… Thuốc kháng sinh Azithromycin thường được bào chế theo dạng viên nang, bột pha hỗn dịch uống, thuốc tiêm tĩnh mạch và thuốc nhỏ mắt. Loại kháng sinh này có thể được chỉ định cho một số trường hợp dưới đây:
- Người bị viêm họng, viêm xoang cấp tính, viêm tai giữa cấp tính, viêm amidan, viêm phổi do sự tấn công của các loại vi khuẩn như Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Moraxella catarrhalis.
- Người bị nhiễm khuẩn da do sự tấn công của một số loại vi khuẩn S. pyogenes, S. agalactiae, Staphylococcus aureus.
- Người mắc bệnh lý lây qua đường tình dục như bệnh lậu.
- Người bị nhiễm khuẩn Chlamydia trachomatis.
- Người bị nhiễm khuẩn Legionella pneumophila.
- Người bị nhiễm vi khuẩn Mycobacterium avium (MAC) cần điều trị phòng ngừa lan tỏa và phòng ngừa tái phát ở bệnh nhân HIV/AIDS.
- Dự phòng viêm nội tâm mạc ở bệnh nhân dị ứng penicillin.
- Người bị ho gà do nhiễm khuẩn Bordetella pertussis.
2. Tác dụng phụ khi dùng thuốc
Tình trạng lạm dụng các loại kháng sinh như Azithromycin dễ khiến người dùng gặp phải nhiều tác dụng phụ. Với Azithromycin, loại thuốc này không có tác dụng với bệnh lý nhiễm trùng gây ra bởi virus như cảm cúm hoặc cảm lạnh. Sau khi dùng thuốc, bạn có thể phải đối mặt với những tác dụng phụ như:
Lưu ý: Tác dụng phụ trong bảng được phân loại theo tần suất xuất hiện
Thường gặp | Ít gặp | Hiếm gặp | Nghiêm trọng |
- Tiêu chảy. - Buồn nôn. - Đau bụng. | - Ngứa. - Phát ban da. - Đau bụng. - Chán ăn. - Nôn. - Viêm âm đạo. | - Giảm tiểu cầu. - Viêm gan ứ mật. - Phản ứng quá mẫn: phản vệ. - Đau khớp, suy nhược. - Viêm tụy, đại tràng. - Hội chứng Stevens-Johnson. | - Rối loạn dẫn truyền tim: QT kéo dài, rung thất, xoắn đỉnh, ngất... - Viêm gan cấp, hoại tử tế bào gan. - Sốc phản vệ, ban đỏ đa dạng. - Giảm thính lực, ù tai. - Co giật, rối loạn thần kinh. |
Hầu hết tác dụng phụ thường gặp có thể biến mất sau một thời gian dùng thuốc. Mặc dù vậy nếu cơ thể xuất hiện triệu chứng nghiêm trọng, bạn nên chủ động đi khám hoặc trao đổi tình hình với bác sĩ.
Buồn nôn là tác dụng phụ thường xuất hiện ở người dùng thuốc Azithromycin
3. Giải đáp: Thuốc Azithromycin kết hợp với kháng sinh nào?
Azithromycin có thể được phối hợp cùng nhiều loại kháng sinh. Thuốc Azithromycin kết hợp với kháng sinh nào chắc hẳn là thắc mắc của không ít người. Tuy nhiên việc phối hợp các loại thuốc kháng sinh dùng trong điều trị nhiễm trùng cần dựa vào tình trạng bệnh lý cụ thể, chỉ định điều trị của bác sĩ chuyên môn. Trong đó, Azithromycin thường được kết hợp với một số loại kháng sinh dưới đây:
- Azithromycin kết hợp Ceftriaxone hoặc Cefixime: Được sử dụng trong điều trị lậu cầu (Neisseria gonorrhoeae) và nhiễm Chlamydia phối hợp.
- Azithromycin kết hợp với Atovaquone: Sự kết hợp này được ứng dụng trong điều trị Babesia hoặc Pneumocystis jirovecii ở người suy giảm miễn dịch.
- Azithromycin kết hợp với Rifabutin hoặc Ethambutol: Được dùng để điều trị và dự phòng nhiễm Mycobacterium avium complex (MAC) ở bệnh nhân HIV/AIDS.
- Azithromycin phối hợp với Quinolon hoặc beta-lactam: Được dùng trong điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng nặng, giúp bao phủ cả vi khuẩn điển hình và không điển hình.
Thuốc Azithromycin kết hợp với kháng sinh nào sẽ tùy thuộc vào từng trường hợp, mục đích điều trị
Ngoài ra, Azithromycin còn có thể kết hợp với nhiều loại thuốc khác, tùy mục đích điều trị. Tuy vậy, việc chỉ định kết hợp những loại thuốc với nhau cần được thực hiện bởi bác sĩ chuyên môn. Trong mọi trường hợp, bạn không nên phối hợp Azithromycin với bất kỳ loại thuốc nào khác nếu chưa được bác sĩ hướng dẫn.
4. Đối tượng không nên dùng Azithromycin
Thuốc kháng sinh Azithromycin không thích hợp chỉ định cho các nhóm đối tượng sau:
- Người dị ứng với Azithromycin hoặc các kháng sinh nhóm Macrolid (như erythromycin, clarithromycin).
- Người có tiền sử rối loạn nhịp tim, đặc biệt là hội chứng QT kéo dài, nhịp chậm, hoặc đang dùng thuốc kéo dài QT.
- Người đang có tiêu chảy liên quan đến Clostridioides difficile hoặc có tiền sử viêm đại tràng giả mạc do kháng sinh.
- Người bị nhược cơ (Myasthenia gravis), Azithromycin có thể làm bệnh nặng hơn.
- Người bị bệnh gan nặng do khi dùng thuốc có thể làm nguy cơ tổn thương gan tăng lên.
- Phụ nữ có thai và cho con bú cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng
- Đặc biệt, người có bệnh nền mạn tính như tiểu đường, bệnh thận, hoặc suy tim nên dùng thuốc theo hướng dẫn sát sao của bác sĩ để phòng ngừa biến chứng hiếm gặp.
Người bị tiêu chảy cấp khi dùng kháng sinh không nên sử dụng Azithromycin
5. Không nên kết hợp Azithromycin với những loại thuốc nào?
Nếu kết hợp không đúng cách, Azithromycin dễ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sức khỏe. Theo đó, loại kháng sinh này không nên phối hợp cùng các loại thuốc dưới đây:
- Thuốc kháng acid (nhôm, magie): Làm giảm hấp thu Azithromycin, nên uống cách nhau ít nhất 1 - 2 giờ
- Colchicine: Tăng độc tính trên thần kinh và cơ khi dùng chung, đặc biệt ở người suy thận hoặc gan.
- Ergotamine, Dihydroergotamine: Gây co mạch mạnh, nguy cơ thiếu máu chi, vì vậy chống chỉ định phối hợp các loại thuốc này.
- Nelfinavir (thuốc kháng HIV): Làm tăng nồng độ Azithromycin trong máu.
- Warfarin: Có thể tăng nguy cơ chảy máu nên cần theo dõi INR thường xuyên.
- Rifabutin: Tăng nguy cơ viêm màng bồ đào, giảm bạch cầu khi dùng phối hợp.
Lưu ý rằng, Azithromycin có thể gây tình trạng rối loạn nhịp tim. Vì vậy, nếu từng mắc bệnh lý về tim hoặc đang dùng thuốc khả năng ảnh hưởng đến nhịp tim như các loại thuốc sau đây, bạn cần trao đổi với bác sĩ:
- Thuốc chống loạn nhịp: Amiodarone, Sotalol, Procainamide.
- Kháng sinh fluoroquinolone: Moxifloxacin, Levofloxacin.
- Thuốc chống trầm cảm SSRI: Citalopram, Escitalopram.
- Thuốc chống loạn thần: Haloperidol, Quetiapine, Ziprasidone.
- Thuốc chống say tàu xe: Meclizine.
- Thuốc kháng histamine thế hệ cũ: Astemizole, Terfenadine (rút khỏi thị trường ở nhiều nước).
6. Lưu ý khi dùng thuốc
Trước khi sử dụng Azithromycin để điều trị bệnh lý về nhiễm khuẩn, bạn cần lưu ý:
- Không lạm dụng thuốc trong thời gian dài.
- Người mắc bệnh lý về gan, thận cần thận trọng khi sử dụng Azithromycin, bởi loại thuốc này thường đào thải qua gan.
- Nên uống thuốc trước khi ăn 1 tiếng hoặc sau khi ăn 2 tiếng, nhằm tạo điều kiện cho thuốc phát huy tối ưu hiệu quả.
- Không uống thuốc cùng rượu, bia và các loại đồ uống có cồn.
- Tuân thủ hướng dẫn về liều lượng, thời điểm và tần suất dùng thuốc.
- Không kết hợp Azithromycin với bất kỳ loại kháng sinh hay loại thuốc nào khác khi chưa được bác sĩ chỉ định, hướng dẫn chi tiết.
- Chú ý theo dõi biểu hiện của cơ thể. Nếu nhận thấy tác dụng phụ kéo dài, tác dụng phụ nghiêm trọng, bạn nên đi khám để được kiểm tra, hướng dẫn điều chỉnh liều lượng hoặc đổi thuốc.
Mọi người không nên dùng Azithromycin trong thời gian dài
Hy vọng qua bài viết, bạn đã được giải đáp chi tiết thắc mắc thuốc Azithromycin kết hợp với kháng sinh nào. Loại thuốc này có thể kết hợp với một số loại kháng sinh như Cefuroxime, Klamentin, Amoxicillin. Tuy nhiên, việc kết hợp các loại thuốc với nhau cần thực hiện theo chỉ dẫn bác sĩ. Để phòng ngừa rủi ro, biến chứng bạn không nên tự ý dùng thuốc tại nhà khi chưa thăm khám, tham khảo hướng dẫn của bác sĩ. Nếu cần thăm khám sức khỏe, tư vấn dùng thuốc đúng cách, Quý khách vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được hỗ trợ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!