Các tin tức tại MEDlatec

Tiết nhiều nước bọt khi mang thai nguyên nhân do đâu?

Ngày 16/11/2021
Thời gian thai kỳ, cơ thể mẹ bầu có nhiều thay đổi để phù hợp cho việc nuôi dưỡng thai nhi tốt nhất, tăng tiết nước bọt là một trong những thay đổi thường gặp. Đặc biệt trong khoảng 12 tuần thai đầu tiên, mẹ bầu bị tiết nhiều nước bọt thấy rõ cũng như các triệu chứng thai nghén gây không ít khó chịu. Làm sao để khắc phục tiết nhiều nước bọt khi mang thai?

1. Tiết nước bọt đem đến những lợi ích gì cho sức khỏe?

Chắc hẳn không ai muốn mình tiết quá nhiều nước bọt, ảnh hưởng đến việc nói chuyện, giao tiếp và đôi khi còn gây buồn nôn khó chịu. Song hoạt động tiết nước bọt này lại đem đến rất nhiều lợi ích sức khỏe với cả người bình thường lẫn phụ nữ mang thai như:

1.1. Bôi trơn khoang miệng

Nước bọt chính là dịch tiết bôi trơn khoang miệng, giúp phòng ngừa chứng khô miệng có thể dẫn tới hôi miệng, tăng nguy cơ mắc bệnh lý răng miệng,…

Phụ nữ mang thai thường tiết nhiều nước bọt hơn bình thường

1.2. Cân bằng axit

Nước bọt được tiết ra giúp trung hòa acid và từ đó giảm chứng ợ nóng – nguyên nhân gây kích thích khiến mẹ bầu dễ bị nôn ói hơn.

1.3. Tiêu hóa thức ăn

Trong nước bọt có chứa 1 số lại enzyme giúp tiêu hóa thức ăn một phần, giảm gánh nặng tiêu hóa cho dạ dày, giúp cơ thể hấp thu năng lượng và dưỡng chất nhanh chóng hơn.

1.4. Bảo vệ khoang miệng

Miệng được tiết nước bọt liên tục giúp khoang miệng và răng được làm sạch tốt hơn, chống lại vi khuẩn gây sâu răng.

Tiết nước bọt giúp làm sạch khoang miệng

Khi nước bọt được tiết ra trong khoang miệng, hầu hết mọi người có thói quen nuốt vào. Song nếu nước bọt quá nhiều, bạn có thể nhổ ra để tránh hiện tượng buồn nôn. Cơ thể mỗi người có thể tiết nhiều hay ít nước bọt hơn bình thường tùy vào cơ địa, tình trạng sức khỏe,… song hầu hết không gây ra ảnh hưởng sức khỏe quá lớn.

2. Tiết nhiều nước bọt khi mang thai có sao không?

Các nhà khoa học cho biết, ở người bình thường mỗi ngày cơ thể sẽ tiết ra khoảng 2 lít nước bọt để bôi trơn khoang miệng, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và làm sạch khoang miệng. Ở phụ nữ mang thai khoảng 12 tuần đầu tiên, nước bọt thường tiết ra nhiều hơn bình thường đi kèm với các triệu chứng thai kỳ như: buồn nôn, cơ thể khó chịu, mệt mỏi, tiết nhiều đờm,…

Đây là hiện tượng bình thường trong thai kỳ do nhiều nguyên nhân gây ra, mẹ bầu không nên quá lo lắng nếu nó không ảnh hưởng quá lớn đến sức khỏe, sinh hoạt. Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tiết nhiều nước bọt khi mang thai gồm:

Phụ nữ mang thai tiết nhiều nước bọt do ốm nghén và thay đổi hormone

  • Do ốm nghén, nôn mửa thường trực kích thích cơ thể tăng tiết nước bọt.

  • Thay đổi hormone trong khi mang thai.

  • Chứng ợ nóng hoặc bệnh lý răng miệng.

Ngược lại với suy nghĩ của nhiều mẹ bầu, việc tăng tiết nước bọt khi mang thai hoàn toàn vô hại, trong 1 số trường hợp lại đem đến lợi ích như: giúp cân bằng nồng độ acid dạ dày, giảm ợ chua, nôn ói, làm sạch khoang miệng, hỗ trợ tiêu hóa thức ăn,…

Thông thường khi thai lớn hơn, mẹ bầu không còn triệu chứng ốm nghén khó chịu thì chứng tăng tiết nước bọt cũng giảm. Song khi nước bọt tiết quá nhiều ảnh hưởng đến sinh hoạt thì mẹ có thể áp dụng một số biện pháp đơn giản và an toàn để kiểm soát, hạn chế tình trạng này.

3. Cách khắc phục tình trạng tiết nhiều nước bọt khi mang thai

Nếu đang phải đối mặt với tình trạng tăng tiết nước bọt khi mang thai, kèm với nhiều triệu chứng thai nghén khác thì thai phụ không nên quá lo lắng. Chỉ khi tình trạng này kéo dài gây khó chịu, tăng áp lực tâm lý và chứng ốm nghén thì hãy đi khám bác sĩ để có biện pháp khắc phục hiệu quả.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng có thể áp dụng một số biện pháp sau để giảm tiết nước bọt khi mang thai:

Phụ nữ mang thai không nên hút thuốc lá, tránh ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ và bé

3.1. Bỏ thói quen hút thuốc lá

Phải bỏ ngay thói quen hút thuốc lá nếu thai phụ có thói quen này bởi hút thuốc lá không chỉ là nguyên nhân gây tăng tiết nước bọt mà còn gây ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của thai nhi. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, thai phụ hút thuốc trong thai kỳ thì thai nhi có nguy cơ dị tật, sinh non nhẹ cân cao hơn bình thường.

Các trường hợp thai phụ hút thuốc lá thụ động cũng gây ảnh hưởng tương tự với sự phát triển và sức khỏe của thai.

3.2. Khám và điều trị bệnh lý răng miệng

Nếu mắc phải bệnh lý răng miệng, tình trạng tăng tiết nước bọt ở thai phụ cũng nhiều hơn và gây đau đớn, khó chịu, khó ăn uống,… Hãy đi khám và điều trị sớm, tránh để bệnh lý răng miệng ảnh hưởng tới sức khỏe của mẹ và gián tiếp ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

3.3. Hạn chế thực phẩm giàu carbohydrate và tinh bột

Ăn quá nhiều thực phẩm giàu carbohydrate và tinh bột có thể gây ra chứng đầy bụng, ợ hơi khó chịu ở mẹ bầu. Đặc biệt ở những mẹ bầu có tiền sử bệnh dạ dày, hãy ăn nhiều trái cây, rau xanh, thực phẩm tốt và chia thành nhiều bữa ăn nhỏ để giảm gánh nặng cho dạ dày.

3.4. Uống nhiều nước hơn

Khi tình trạng tăng tiết nước bọt khiến bạn khó chịu hoặc là nguyên nhân dẫn đến mùi hôi miệng, hãy uống nhiều nước hơn và liên tục hơn. Ngoài ra, có thể ngậm gừng hoặc lát chanh để giảm tiết nước bọt trong miệng.

Ngậm kẹo giúp mẹ bầu giảm cảm giác khó chịu do tăng tiết nước bọt

Như vậy, tiết nhiều nước bọt khi mang thai thường không phải là vấn đề nguy hiểm, mẹ bầu không nên quá lo lắng. Hãy áp dụng các biện pháp trên để giảm tiết nước bọt, nếu tình trạng này không thuyên giảm và gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khỏe của bạn, hãy đi khám bác sĩ và có thể dùng thuốc kiểm soát giảm tiết nước bọt nếu cần thiết.

Để được tư vấn trực tiếp, hãy liên hệ tới hotline Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC 1900 56 56 56.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.