Các tin tức tại MEDlatec
Tiểu đường biến chứng thành những bệnh lý nguy hiểm nào?
- 12/06/2020 | Gợi ý cách lựa chọn thực phẩm cho người tiểu đường
- 11/06/2020 | Nhận biết sớm để ngăn chặn kịp thời biến chứng tiểu đường
- 15/05/2020 | Tìm hiểu về thuốc tiểu đường và các biện pháp hỗ trợ điều trị
1. tiểu đường biến chứng liên quan đến tim mạch
Bệnh tiểu đường gây glucose trong máu tăng cao kéo dài, làm rối loạn và suy yếu chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, trong đó, biến chứng tim mạch là nguy hiểm và phổ biến nhất. Theo thống kê có tới 70% bệnh nhân tiểu đường tử vong do biến chứng này.
Tiểu đường gây ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trong cơ thể
1.1. Bệnh tiểu đường gây biến chứng tim mạch thế nào?
Có lẽ chúng ta đều biết rằng tiểu đường là bệnh rối loạn chuyển hóa glucose liên quan đến hormone Insulin do tuyến tụy tiết ra. Bệnh nhân tiểu đường do không chuyển hóa được glucose nên đường huyết cao, làm tổn thương tế bào nội mạc, rối loạn chức năng nội mạc mạch máu.
Tình trạng này xảy ra khiến các cholesterol dễ dàng xâm nhập qua lớp nội mạc vào máu, khiến tế bào bạch cầu dễ bị kết dính và xuyên thành vào trong lớp nội mạc. Từ đó các mảng xơ vữa động mạch hình thành và tiến triển nhanh chóng, làm hẹp lòng mạch. Bệnh nhân xuất hiện nhiều vấn đề bệnh lý liên quan đến thiếu máu cục bộ mạn tính, tổn thương nội mạc mạch máu, tắc lòng mạch cấp tính,…
Tùy theo vị trí mạch máu bị tổn thương mà các khu vực ảnh hưởng là khác nhau. Các triệu chứng gặp phải như: nhồi máu cơ tim, nhồi máu não, đau thắt ngực, tai biến mạch máu não, viêm tắc động mạch chi, hoại tử đầu chi, tăng huyết áp, suy thận, giảm thị lực,… có thể đe dọa tới tính mạng bệnh nhân.
Bệnh tiểu đường gây biến chứng tim mạch có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân
1.2. Biến chứng tim mạch do tiểu đường nguy hiểm như thế nào?
Tiểu đường biến chứng tim mạch rất nguy hiểm, có thể gây những tổn thương vĩnh viễn, thậm chí là tử vong. Điều này lý giải tại sao đến 70% trường hợp tử vong do tiểu đường là từ biến chứng tim mạch. Hơn nữa, bệnh nhân tiểu đường có những yếu tố thuận lợi thì tỷ lệ biến chứng tim mạch cũng như mức độ nguy hiểm tăng lên gấp nhiều lần như:
- Béo phì.
- Tăng huyết áp.
- Tuổi cao (trên 60 tuổi).
- Rối loạn lipid máu do tăng triglycerid hoặc tăng cholesterol hoặc kết hợp.
- Hút nhiều thuốc lào, thuốc lá.
- Lười tập thể dục.
- Đã từng bị nhồi máu cơ tim.
Vì thế bệnh nhân tiểu đường luôn được khuyên tăng cường vận động, bỏ hút thuốc, tập thể dục, kiểm soát lipid máu, huyết áp,… để ngăn ngừa biến chứng tim mạch.
1.3. Tiểu đường gây biến chứng tim mạch có những biểu hiện nào?
Như đã trình bày ở trên, nhóm mạch máu ở vị trí nào bị ảnh hưởng sẽ dẫn đến những bệnh lý lâm sàng khác nhau.Tiểu đường biến chứng bệnh tim mạch thường gặp là:
Bệnh mạch vành
Bệnh mạch vành khiến bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim nhưng biểu hiện rất nghèo nàn nên rất khó phát hiện. Một số bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng là những cơn đau thắt ngực, đau thắt sau xương ức, cảm giác tức nặng ngực trái, khó thở, đánh trống ngực,… Nhiều bệnh nhân tiểu đường mắc bệnh mạch vành nhưng không hề có những triệu chứng đó, chỉ có thể phát hiện bằng kiểm tra tim mạch định kỳ.
Bệnh mạch vành có triệu chứng không rõ ràng
Bệnh mạch vành ở bệnh nhân tiểu đường rất nguy hiểm, là biến chứng hàng đầu gây tử vong. Vì thế ngay khi xuất hiện những dấu hiệu nhỏ người bệnh cũng cần được khám xét kỹ lưỡng về tim mạch. Các thăm dò chẩn đoán bệnh hiệu quả như: Siêu âm tim, xạ hình tưới máu cơ tim, ghi điện tâm đồ, chụp động mạch vành,…
Bệnh lý mạch máu não
Bệnh nhân tiểu đường có thể gặp tai biến mạch máu não, đột quỵ não với biểu hiện là xuất huyết não hoặc nhồi máu não. Bệnh nhân có thể bị bại liệt nửa người hoặc cả người, rối loạn ý thức, méo miệng,… Những biểu hiện này có thể chỉ thoáng qua, tái phát nhiều lần hoặc diễn tiến nặng để lại tàn phế kéo dài hoặc thậm chí là tử vong.
Bệnh nhân có thể phát hiện sớm bệnh lý mạch máu não bằng các dấu hiệu như: Giảm sút trí nhớ, mất thăng bằng, rối loạn giấc ngủ, chóng mặt,… Các biện pháp thăm dò hiệu quả được sử dụng chẩn đoán như: lưu huyết não, siêu âm mạch máu não, chụp cắt lớp vi tính,…
Bệnh lý mạch máu ngoại biên
Mạch máu ngoại biên đưa máu tới các chi nên khi vùng mạch máu này bị tổn thương do tiểu đường, bệnh nhân có nhiều triệu chứng điển hình như: thường xuyên đau mỏi chân, chuột rút sau khi đi bộ, loét, hoại tử đầu chi, huyết áp chi thấp,…
Khi gặp tình trạng này, bệnh nhân cần sớm được chẩn đoán kiểm tra bằng siêu âm Doppler mạch máu, chụp động mạch bằng CT để phát hiện vị trí và tình trạng tổn thương.
2. Biến chứng nhiễm trùng
Bệnh nhân tiểu đường có hệ miễn dịch yếu, sức đề kháng cơ thể giảm nên rất dễ bị nhiễm trùng. Bệnh tiểu đường biến chứng nhiễm trùng thường gặp là:
- Nhiễm nấm Candida ở kẽ móng tay, chân hoặc bộ phận sinh dục.
- Nhiễm trùng ngoài da do Staphylococcus.
- Nhiễm trùng đường tiểu do E.coli.
Bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng hơn người bình thường khác
Đặc biệt, bệnh nhân tiểu đường dễ bị nhiễm trùng, viêm loét chân do kết hợp nhiễm trùng và biến chứng thần kinh - mạch máu. Tình trạng này rất nguy hiểm, nếu không can thiệp kịp thời có thể gây nhiễm trùng nặng, cắt bỏ chi.
3. Cách phòng ngừa tiểu đường biến chứng
Tiểu đường gây rối loạn hoạt động và chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể, từ đó gây nhiều bệnh lý liên quan với triệu chứng lâm sàng đa dạng. Những biến chứng này, đặc biệt là biến chứng tim mạch là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở bệnh nhân tiểu đường.
Do đó điều trị tiểu đường ngoài kiểm soát chặt chẽ đường huyết cần phòng ngừa biến chứng bằng cách: Quản lý huyết áp, lipid máu, chỉ số khối cơ thể. Bệnh nhân ngoài việc sử dụng thuốc đều đặn theo đúng chỉ định của bác sĩ còn cần thực hiện chế độ ăn uống và luyện tập khoa học, giúp tăng cường sức khỏe và đẩy lùi bệnh tật.
Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân tiểu đường cần kiểm soát lượng đường, tinh bột phù hợp, giảm muối, giảm chất béo, thay vào đó là các thức ăn nhiều chất xơ và vitamin. Tăng cường vận động thể lực giúp đẩy lùi biến chứng tim mạch, giúp giảm đường huyết và giảm tính kháng insulin. Giữ trọng lượng cơ thể ổn định ở mức vừa phải cũng giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường hiệu quả.
Tập thể dục đều đặn và khoa học giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường
Cùng với đó, bệnh nhân tiểu đường cũng cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình trạng bệnh thường xuyên để bác sĩ có sự điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp. Rất nhiều bệnh nhân hiện đang điều trị bệnh tại bệnh viện đa khoa MEDLATEC và có tiến triển tốt. Nếu cần tư vấn hỗ trợ điều trị bệnh, hãy liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!