Các tin tức tại MEDlatec
Tìm hiểu thông tin cập nhật về tiêu chuẩn chẩn đoán suy tim
- 09/12/2024 | Suy tim độ 4: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
- 20/02/2025 | 6 dấu hiệu suy tim nặng và cách thức chẩn đoán
- 13/03/2025 | Suy tim độ 3: Mức độ nguy hiểm và phương pháp điều trị
1. Suy tim là gì?
Tình trạng tim mất khả năng bơm máu để đáp ứng nhu cầu oxy và dưỡng chất của cơ thể được gọi là suy tim. Đây không phải là một bệnh riêng lẻ mà là hậu quả của nhiều bệnh lý tim mạch khác, như tăng huyết áp, bệnh mạch vành, bệnh van tim hoặc rối loạn nhịp tim.
Suy tim có thể diễn tiến từ nhẹ đến nặng và được chia thành nhiều loại khác nhau, bao gồm:
- Suy tim với phân suất tống máu giảm (HFrEF): Khi tim không co bóp đủ mạnh để bơm máu đi khắp cơ thể;
- Suy tim với phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF): Khi tim co bóp bình thường nhưng không giãn nở đủ để chứa và bơm máu hiệu quả;
- Suy tim cấp tính và suy tim mạn tính: Phân biệt dựa trên mức độ tiến triển của bệnh.
Tình trạng suy tim được phân loại thành nhiều dạng
Khi mắc suy tim, người bệnh có thể gặp phải các triệu chứng bao gồm mệt mỏi, khó thở, tim đập nhanh, chân phù… Nếu không được điều trị kịp thời, suy tim có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm như phù phổi cấp, rối loạn nhịp tim hoặc sốc tim.
2. Tiêu chuẩn chẩn đoán suy tim
Việc chẩn đoán suy tim dựa trên sự kết hợp của triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm cận lâm sàng và các tiêu chuẩn từ các tổ chức y khoa uy tín như Hiệp hội Tim mạch Châu Âu (ESC), Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) và Hội Tim mạch Việt Nam.
Tiêu chuẩn chẩn đoán theo ESC 2021
Theo hướng dẫn của ESC, chẩn đoán suy tim cần dựa vào ba yếu tố chính:
- Triệu chứng suy tim: Khó thở, mệt mỏi, phù chi dưới, nhịp tim nhanh…;
- Dấu hiệu suy tim: Phù phổi, tĩnh mạch cổ nổi, gan to, tiếng T3…;
- Bằng chứng rối loạn chức năng tim: Được xác định qua siêu âm tim, BNP/NT-proBNP, MRI tim hoặc các xét nghiệm khác.
Phân loại suy tim theo phân suất tống máu (EF - Ejection Fraction):
- HFrEF (Suy tim với phân suất tống máu giảm): EF ≤ 40%;
- HFmrEF (Suy tim với phân suất tống máu trung bình): EF 41-49%;
- HFpEF (Suy tim với phân suất tống máu bảo tồn): EF ≥ 50%.
Tiêu chuẩn Framingham
Một trong những tiêu chuẩn lâm sàng phổ biến nhất để chẩn đoán suy tim là tiêu chuẩn Framingham, chia thành hai nhóm: Tiêu chuẩn chính và tiêu chuẩn phụ.
Tiêu chuẩn chính:
- Về đêm xuất hiện các cơn khó thở kịch phát;
- Phù phổi cấp;
- Phản xạ gan – tĩnh mạch cổ dương tính;
- Tĩnh mạch cổ nổi;
- Nghe tim có tiếng ngựa phi (T3);
- X-quang tim phổi cho thấy tim lớn và ứ máu phổi;
- Cân nặng giảm sau điều trị.
Tiêu chuẩn phụ:
- Chân bị phù;
- Các cơn ho xuất hiện về đêm;
- Khó thở khi gắng sức;
- Gan tăng kích thước;
- Tràn dịch màng phổi;
- Nhịp tim nhanh trên 120 lần/phút
Tình trạng suy tim được chẩn đoán xác định khi có ít nhất 2 tiêu chuẩn chính hoặc 1 tiêu chuẩn chính và 2 tiêu chuẩn phụ.
Xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán
- Siêu âm tim: Đánh giá chức năng co bóp và giãn nở của tim;
- BNP hoặc NT-proBNP: Chỉ số tăng cao khi tim bị quá tải thể tích;
- Điện tâm đồ (ECG): Kiểm tra rối loạn nhịp tim hoặc dấu hiệu thiếu máu cơ tim;
- X-quang phổi: Đánh giá tim lớn và tình trạng ứ máu phổi;
- MRI tim: Được sử dụng trong các trường hợp đặc biệt để đánh giá cấu trúc và chức năng tim.
Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được ứng dụng trong hỗ trợ chẩn đoán tình trạng suy tim
Tóm lại, chẩn đoán suy tim cần kết hợp triệu chứng lâm sàng, cận lâm sàng, và các tiêu chuẩn chẩn đoán để đưa ra đánh giá chính xác.
3. Phương pháp điều trị suy tim
Điều trị suy tim nhằm mục tiêu cải thiện triệu chứng, ngăn ngừa tiến triển bệnh, giảm nguy cơ nhập viện và tử vong. Các phương pháp điều trị được áp dụng tùy từng trường hợp cụ thể bao gồm:
Thay đổi lối sống
- Chế độ ăn uống: Hạn chế muối (<2g/ngày) để giảm giữ nước và phù nề; hạn chế rượu bia, tránh các chất kích thích (caffeine, thuốc lá); kiểm soát lượng nước uống hàng ngày, đặc biệt với bệnh nhân suy tim nặng;
- Tập luyện thể dục: Ưu tiên các bộ môn vận động nhẹ nhàng để tăng cường chức năng tim. Tránh gắng sức quá mức, cần theo dõi nhịp tim khi vận động;
- Kiểm soát bệnh lý kèm theo: Kiểm soát huyết áp, đường huyết, mỡ máu đồng thời điều trị tốt các bệnh nền như bệnh mạch vành, tiểu đường, rối loạn nhịp tim.
Điều trị bằng thuốc
Các loại thuốc điều trị suy tim giúp cải thiện triệu chứng, hỗ trợ chức năng tim và giảm tỷ lệ tử vong, do đó cần sử dụng đúng liều lượng theo chỉ định.
Điều trị bằng thuốc là một trong những phương pháp điều trị suy tim
Can thiệp thủ thuật và phẫu thuật
Nếu tình trạng suy tim tiến triển nặng, có thể cần các phương pháp can thiệp:
- Cấy máy điều hòa nhịp tim đối với bệnh nhân suy tim có rối loạn dẫn truyền;
- Cấy máy khử rung giúp ngăn ngừa đột tử do rối loạn nhịp tim;
- Tái thông động mạch vành (can thiệp hoặc phẫu thuật bắc cầu động mạch vành) đối với bệnh nhân suy tim do bệnh mạch vành;
- Khi các phương án điều trị khác không khả thi, bệnh nhân có thể được chỉ định ghép tim.
Theo dõi và kiểm soát suy tim
Tái khám định kỳ để đánh giá hiệu quả điều trị, đồng thời theo dõi những bất thường có thể xảy ra để xử trí kịp thời. Điều trị suy tim cần sự phối hợp giữa thay đổi lối sống, dùng thuốc, can thiệp thủ thuật và theo dõi chặt chẽ.
Những thông tin về tiêu chuẩn chẩn đoán suy tim được trình bày trên đây hy vọng mang đến cho bạn đọc những kiến thức hữu ích và ứng dụng hiệu quả trong phòng ngừa bệnh tật, bảo vệ sức khỏe. Nếu có thắc mắc cần tư vấn hoặc nhu cầu thăm khám sức khỏe tim mạch, bạn đọc hãy liên hệ tới Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được hỗ trợ kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!