Tin tức
6 dấu hiệu suy tim nặng và cách thức chẩn đoán
- 20/11/2024 | Xét nghiệm chẩn đoán suy tim và cách điều trị bệnh
- 29/11/2024 | Suy tim phải: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- 09/12/2024 | Suy tim độ 4: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị
1. Như thế nào gọi là suy tim nặng?
1.1. Cấp độ suy tim
Có khá nhiều tiêu chí để phân loại mức độ nặng nhẹ có bệnh suy tim. Hiệp hội Tim mạch Hoa kỳ (NYHA) phân độ suy tim dựa trên mức độ tiến triển triệu chứng như sau:
- Suy tim độ 1
Đây là mức độ nhẹ nhất của suy tim vì các hoạt động sinh hoạt và thể lực hàng ngày không bị ảnh hưởng. Người bệnh không có triệu chứng rõ ràng nào nên hầu như không thể tự phát hiện bệnh.
- Suy tim độ 2
Khi bước sang giai đoạn này, người bệnh đã có những giới hạn nhất định về hoạt động sinh hoạt và thể lực nhưng mức độ suy tim vẫn được xem là nhẹ. Khi nghỉ ngơi hay làm việc, người bệnh vẫn khỏe mạnh bình thường, chỉ khi tăng vận động, hoạt động gắng sức mới có hiện tượng đánh trống ngực, mệt mỏi, khó thở,...
- Suy tim độ 3
Khi chuyển sang giai đoạn này, người bệnh đã bị suy tim ở mức trung bình, các hoạt động sinh hoạt bị hạn chế tương đối nhiều. Đặc biệt, nếu gắng sức nhẹ sẽ cảm thấy hồi hộp, mệt mỏi, khó thở nhưng nếu nghỉ ngơi thì những triệu chứng này được thuyên giảm. Người bệnh cần điều trị thường xuyên.
- Suy tim độ 4
Đây chính là mức độ nặng nhất trong các cấp độ bệnh suy tim. Bước sang giai đoạn này, dù nghỉ ngơi hay làm việc, vận động, người bệnh đều bị mệt mỏi, khó thở.
Bệnh suy tim tiến triển qua nhiều cấp độ
1.2. Thế nào được gọi là suy tim nặng?
Dựa theo phân loại cấp độ suy tim của NYHA thì suy tim độ 4 là mức độ nặng của bệnh. Khi bệnh nhân đã suy tim độ 4 tức là lúc các triệu chứng mệt mỏi, khó thở tăng dần dần. Người bị suy tim độ 4, cần được điều trị tích cực để kiểm soát triệu chứng, làm chậm hoặc dự phòng bệnh tiến triển gây biến chứng.
2. 6 dấu hiệu suy tim nặng cần lưu ý
Dấu hiệu suy tim nặng tương đối dễ nhận diện vì lúc này người bệnh đã gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện sinh hoạt, vận động thể lực:
2.1. Khó thở
Sự tiến triển của bệnh suy tim khiến cho tim không thể bơm máu đủ để cung cấp oxy cho các mô của cơ thể. Lúc này, người bệnh sẽ bị khó thở, thậm chí cả khi tham gia hoạt động thể chất nhẹ nhàng. Người bệnh có thể bị thở gấp, thở hụt hơi ngay cả khi đang nghỉ ngơi.
2.2. Phù nề mặt, tay chân
Phù nề là kết quả của sự tích tụ dịch trong cơ thể, thường xảy ra ở chân, mắt cá chân, cẳng chân, mặt. Do tim không thể bơm máu hiệu quả nên máu dồn lại ở các khu vực xa tim, gây phù.
Ngoài ra, dịch còn có thể tích tụ trong khoang bụng hoặc phổi, khiến người bệnh cảm thấy khó chịu. Phù nề tay chân, mặt chính là dấu hiệu suy tim nặng không thể bỏ qua.
2.3. Yếu và mệt
Đây là những dấu hiệu thường xuyên gặp ở bệnh nhân suy tim nặng. Khả năng bơm máu không hiệu quả của tim làm cho oxy và dưỡng chất cung cấp cho các cơ quan không đầy đủ.
Đây chính là lý do khiến người bệnh cảm thấy kiệt sức, mệt mỏi dù không đang trong thời điểm thực hiện hoạt động quá sức. Cảm giác mệt mỏi này kéo dài và không giảm bớt dù người bệnh đã nghỉ ngơi.
Hình ảnh mô phỏng các dấu hiệu suy tim nặng
2.4. Nhịp tim bất thường
Người bị suy tim nặng có hiện tượng tim đập nhanh, đập mạnh hoặc nhịp tim chậm bất thường. Cảm giác đánh trống ngực hoặc tim đập mạnh thường xảy ra đột ngột do tim không điều hòa lưu lượng máu hiệu quả.
2.5. Đau ngực
Đau ngực trong suy tim là đau thắt, đau khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi, đau thường kèm theo triệu chứng khó thở.
2.6. Kém tập trung, chán ăn, buồn nôn
Suy tim nặng khiến não bộ không nhận đủ oxy nên người bệnh khó tập trung, suy giảm trí nhớ, chóng mặt, thiếu năng lượng,... Ngoài ra, dạ dày không được bơm máu đủ nên cũng không hoạt động bình thường, người bệnh sẽ cảm thấy đầy bụng, chán ăn, buồn nôn, giảm cân nhanh và suy kiệt cơ thể.
3. Phương pháp có thể chẩn đoán đúng suy tim nặng?
Bệnh nhân có dấu hiệu suy tim nặng cần thực hiện các phương pháp giúp chẩn đoán bệnh sau đây:
3.1. Khám lâm sàng
Khám lâm sàng là bước đầu tiên trong việc chẩn đoán suy tim. Bác sĩ sẽ hỏi thông tin tiền sử bệnh lý và tiền sử gia đình của bệnh nhân. Trong quá trình này, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra các triệu chứng đang mắc phải ở người bệnh như phù nề, khó thở, mệt mỏi,...
3.2. Xét nghiệm máu
Kết quả xét nghiệm máu cung cấp các chỉ số liên quan đến chức năng tim như mỡ máu, đường huyết, men tim, chức năng thận, điện giải đồ, khí máu động mạch,...
3.3. Điện tâm đồ (ECG)
Điện tâm đồ giúp bác sĩ theo dõi hoạt động điện của tim. Việc phát hiện bất thường trong nhịp tim sẽ giúp xác định mức độ suy tim và có hướng điều trị thích hợp.
Điện tâm đồ ECG góp phần chẩn đoán suy tim nặng
3.4. Siêu âm tim
Siêu âm tim giúp xác định tình trạng van tim, chức năng bơm máu và sự tồn tại của các vấn đề tim mạch khác như bệnh van tim, viêm cơ tim. Phương pháp này cũng giúp phân loại suy tim dựa trên phân suất tống máu của thất trái.
3.5. Chụp X-quang ngực
X-quang ngực giúp bác sĩ phát hiện dịch trong phổi - một trong những dấu hiệu suy tim nặng. Hình ảnh chụp X-quang ngực ở bệnh nhân suy tim nặng thường thấy hình ảnh bóng tim to, tràn dịch màng phổi và sung huyết phổi.
3.6. Chụp CT-Scanner mạch vành
Thông qua hình ảnh cắt ngang cấu trúc tim, mạch máu lớn và mạch vành, bác sĩ sẽ đánh giá sự tắc nghẽn của mạch máu tim ở tim, phát hiện tổn thương tim,...
Bệnh nhân có dấu hiệu suy tim nặng cần được chẩn đoán đúng để điều trị ngay. Điều này giúp cải thiện triệu chứng để nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm thiểu rủi ro nguy hại đến tính mạng của người bệnh.
Quý khách hàng nếu gặp phải bất cứ dấu hiệu bất thường nào nghi ngờ bệnh suy tim cần được chẩn đoán đúng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
