Các tin tức tại MEDlatec
Trẻ bị nôn bất thường: Nhận biết và hướng dẫn xử trí
- 15/10/2020 | Tư vấn: Cách xử lý khi trẻ ăn vào là bị nôn ra
- 06/02/2023 | Bé sơ sinh bị sôi bụng kèm nôn trớ là dấu hiệu của bệnh gì?
- 13/12/2022 | Dùng thuốc chống nôn cần lưu ý điều gì?
1. Nhận biết dấu hiệu trẻ bị nôn bất thường
Việc nhận biết sớm các dấu hiệu nguy hiểm và đưa trẻ đến cơ sở y tế kịp thời là yếu tố then chốt để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra. Cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan khi thấy trẻ có các biểu hiện bất thường dưới đây:
1.1. Nôn ra dịch có màu lạ
Chất nôn của trẻ có những màu dưới đây được xem là màu lạ và bất thường:
- Màu xanh lá cây (dịch mật): Có thể là dấu hiệu của tình trạng tắc ruột, cần được cấp cứu ngay lập tức.
- Màu vàng đậm: Chất nôn có màu này cũng liên quan đến hệ thống đường mật hoặc có tắc nghẽn trong ống tiêu hóa ở trẻ.
- Có máu (đỏ tươi hoặc nâu đen): Có thể là dấu hiệu của tổn thương nghiêm trọng ở đường tiêu hóa như viêm loét, xuất huyết tiêu hóa.
Trẻ nôn ra dịch có màu lạ là tình trạng bất thường không được bỏ qua
1.2. Nôn vọt
Là tình trạng chất nôn bị đẩy ra xa với lực mạnh một cách bất thường. Đây có thể dấu hiệu của tăng áp lực nội sọ, tắc nghẽn đường tiêu hóa.
1.3. Nôn kéo dài liên tục
Nếu trẻ nôn nhiều lần trong thời gian ngắn (trên 2-3 lần trong vòng 1 giờ) hoặc kéo dài quá 12-24 giờ mà không cải thiện, cha mẹ cần nhanh chóng đưa trẻ đi khám.
1.4. Nôn kèm theo các triệu chứng toàn thân nghiêm trọng
Các triệu chứng toàn thân nghiêm trọng là:
- Sốt cao: Đặc biệt là sốt trên 38.5°C, kéo dài hoặc không đáp ứng với thuốc hạ sốt.
- Trẻ li bì, lơ mơ, khó đánh thức: Đây là dấu hiệu hệ thần kinh bị ảnh hưởng, cần can thiệp y tế ngay lập tức.
- Co giật: Bất kỳ hình thức co giật nào đều là dấu hiệu nguy hiểm, dù là cơn co giật ngắn.
- Đau bụng dữ dội: Trẻ có thể quấy khóc kéo dài, ôm bụng, phản ứng mạnh khi chạm vào vùng bụng.
- Bụng trướng: Bụng căng to, kèm theo khó chịu, quấy khóc là dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh lý nguy hiểm.
1.5. Nôn sau chấn thương
Nếu trẻ nôn sau khi bị ngã, va đập mạnh vào đầu hoặc có bất kỳ chấn thương nào ở vùng đầu, cha mẹ cần hết sức cẩn trọng. Đây có thể là dấu hiệu sớm của chấn thương sọ não, cần được theo dõi và xử trí kịp thời tại cơ sở y tế.
Trên đây là những dấu hiệu nhận biết trẻ bị luôn bất thường. Khi trẻ có một hoặc nhiều dấu hiệu kể trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ thăm khám, chẩn đoán và có biện pháp can thiệp kịp thời. Việc chậm trễ trong những trường hợp này có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe trẻ.
2. Nguyên nhân khiến trẻ bị nôn bất thường
Tình trạng trẻ bị nôn bất thường có thể bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Việc xác định đúng nguyên nhân giúp lựa chọn hướng điều trị hiệu quả. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến nhất:
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa: Đây là nguyên nhân hàng đầu gây nôn ở trẻ nhỏ, thường do virus như Rotavirus, vi khuẩn hoặc ký sinh trùng. Trẻ có thể kèm theo các triệu chứng như tiêu chảy, Đau bụng, sốt.
- Ngộ độc thực phẩm: Khi ăn phải thức ăn không đảm bảo vệ sinh, ôi thiu hoặc có chứa chất độc hại có thể khiến trẻ bị nôn ngay sau ăn.
Ngộ độc thực phẩm là một trong những nguyên nhân khiến trẻ bị nôn bất thường
- Tắc nghẽn đường tiêu hóa: Các tình trạng nghiêm trọng như lồng ruột, xoắn ruột hay hẹp môn vị thường gây ra hiện tượng nôn vọt và đòi hỏi can thiệp y tế khẩn cấp.
- Viêm ruột thừa: Dù ít gặp ở trẻ nhỏ, nhưng khi xảy ra, viêm ruột thừa có thể gây Đau bụng dữ dội vùng hố chậu phải, kèm theo sốt và nôn.
- Bệnh lý liên quan đến não bộ: Những bệnh như viêm màng não, viêm não hoặc tình trạng tăng áp lực nội sọ do u não, chảy máu não cũng có thể biểu hiện qua triệu chứng nôn.
- Dị ứng thực phẩm: Khi tiếp xúc với thực phẩm gây dị ứng, trẻ có thể phản ứng bằng cách nôn, nổi mẩn hoặc khó thở.
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Tình trạng này thường thấy ở trẻ sơ sinh, nhưng nếu kéo dài và ảnh hưởng đến cân nặng, sự phát triển của trẻ thì cần được khám và điều trị kịp thời.
Nếu tình trạng nôn kéo dài, dữ dội hoặc kèm theo các dấu hiệu bất thường khác, cha mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị đúng cách.
3. Cách xử trí đúng khi trẻ bị nôn trớ bất thường
Khi trẻ có dấu hiệu nôn bất thường, điều đầu tiên cha mẹ cần làm là giữ bình tĩnh. Việc hoảng hốt có thể khiến việc xử trí bị sai và khiến tình trạng sức khỏe trẻ càng trở nên nghiêm trọng hơn.
Thay vào đó, bố mẹ hãy tập trung quan sát và ghi lại chi tiết triệu chứng: trẻ nôn bao nhiêu lần, vào thời điểm nào, chất nôn có màu sắc hay mùi lạ không, kèm theo đó là các dấu hiệu như sốt, tiêu chảy hay đau bụng. Những thông tin này sẽ hỗ trợ rất nhiều trong quá trình chẩn đoán của bác sĩ.
Sau khi trẻ nôn, hãy cho trẻ nghỉ ngơi ở tư thế nằm nghiêng để hạn chế nguy cơ hít phải chất nôn. Khi trẻ đã ổn định, cha mẹ nên bù nước cho trẻ bằng cách cho uống từng ngụm nhỏ nước lọc hoặc dung dịch oresol. Lưu ý, không nên cho trẻ uống nước ngọt có gas hay nước trái cây, vì có thể khiến hệ tiêu hóa bị kích thích và tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Một điểm quan trọng nữa là không tự ý cho trẻ dùng thuốc, đặc biệt là thuốc chống nôn. Việc dùng sai thuốc không chỉ gây hại mà còn che lấp các triệu chứng, làm chậm trễ quá trình chẩn đoán và điều trị.
Trong trường hợp trẻ có các biểu hiện nguy hiểm như nôn vọt, nôn ra dịch màu xanh, vàng hoặc có máu, sốt cao, lừ đừ, co giật hay đau bụng dữ dội, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt. Khi đưa trẻ đi khám, hãy chuẩn bị và cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến tình trạng của trẻ để bác sĩ có cơ sở đánh giá nhanh và chính xác hơn.
Cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt khi trẻ bị nôn bất thường
Để được tư vấn cụ thể hơn về tình trạng trẻ bị nôn bất thường và nhận được sự hỗ trợ y tế kịp thời, bố mẹ hãy liên hệ ngay với Hệ thống Y tế MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để đặt lịch khám. Đội ngũ bác sĩ Nhi khoa giàu kinh nghiệm sẽ trực tiếp tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho trẻ.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!