Các tin tức tại MEDlatec

Triệu chứng lao phổi và những điều cần biết về bệnh lý

Ngày 18/04/2020
Tham vấn y khoa: ThS.BS Nguyễn Thị Ly
Lao phổi là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với cộng đồng. Các triệu chứng lao phổi thường bị dễ nhầm lẫn với các bệnh ho thông thường. Do đó, người bệnh thường chủ quan không thăm khám. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu sơ lược về lao phổi, các triệu chứng để bạn đọc nắm được những thông tin cơ bản của bệnh lý.

1. Sơ lược về bệnh lao phổi

lao phổi là căn bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn có tên là Mycobacterium Tuberculosis (MTB) gây ra tại phổi của người bệnh. Bệnh lý gây ảnh hưởng tới sức khỏe, thậm chí là tính mạng của người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

bệnh lao phổi có thể lây lan khi người bệnh ho, hắt hơi hay khạc nhổ đờm ra môi trường bên ngoài. Vi khuẩn lao có khả năng thông qua đường máu hay bạch huyết di chuyển tới các bộ phận khác của cơ thể và gây ra bệnh lao tại đó.

Bệnh lao phổi có thể lây lan bằng việc phát tán vi khuẩn khi người bệnh ho, hắt hơi hay khạc nhổ đờm

Bệnh lao phổi có thể xảy ra với bất cứ ai. Tuy nhiên, các nhóm đối tượng sau đây sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bình thường:

  • Người tiếp xúc thường xuyên với người mắc bệnh lao như người nhà bệnh nhân, bác sĩ, y tá chăm sóc,…

  • Người sống trong môi trường không sạch sẽ, điều kiện y tế kém.

  • Người mắc phải các bệnh gây suy giảm hệ miễn dịch như HIV, ung thư

  • Người bị các bệnh mạn tính gồm đái tháo đường, suy thận, loét đại - trực tràng,…

  • Người thường xuyên lạm dụng thuốc lá, rượu bia, ma túy, các chất kích thích,…

  • Người sử dụng các loại thuốc gây ức chế miễn dịch như corticosteroid, người thường xuyên hóa trị điều trị ung thư,…

Để phòng ngừa sự lây truyền của lao phổi, nên áp dụng một số biện pháp phòng chống như sau:

  • Nên tiêm phòng lao phổi, đặc biệt là với trẻ em.

  • Sử dụng khẩu trang khi phải tiếp xúc với người mắc lao phổi.

  • Không dùng chung vật dụng cá nhân, ở cùng phòng với người bệnh.

  • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ nơi ở, nơi làm việc.

  • Khám sức khỏe định kỳ để nhanh chóng phát hiện bệnh lý và được điều trị kịp thời.

  • Thực hiện một lối sống lành mạnh, khoa học: thường xuyên tập thể dục thể thao, ăn uống theo chế độ dinh dưỡng, không lạm dụng rượu bia và các chất kích thích,…

  • Thường xuyên rửa tay sạch sẽ, nhất là sau khi đi vệ sinh và trước khi ăn.

Tiêm phòng lao phổi, đặc biệt là với trẻ em

2. Những triệu chứng lao phổi mà người bệnh gặp phải

Trong giai đoạn ủ bệnh, người bệnh gần như không có các triệu chứng cụ thể nào. Chỉ sau khi bệnh phát triển, các triệu chứng lao phổi mới bắt đầu xuất hiện.

Triệu chứng lao phổi thường rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng của viêm họng, viêm phổi, ho hay đau họng bình thường. Cũng vì vậy, người bệnh thường chủ quan không phát hiện bệnh kịp thời. Một số triệu chứng lao phổi điển hình mà người bệnh nên biết gồm:

Ho kéo dài

Các bệnh liên quan đến đường hô hấp như viêm phổi, viêm họng, viêm phế quản, giãn phế quản, amidan… đều có triệu chứng cơ bản là ho. Tuy nhiên, nếu người bệnh ho kéo dài trên 3 tuần, có sử dụng kháng sinh nhưng vẫn ho dai dẳng. Đồng thời được xác nhận không phải là các bệnh nói trên thì bạn có thể nghĩ đến triệu chứng lao phổi.

Khạc đờm

Khi phế quản hay phổi bị kích thích, viêm nhiễm hoặc gặp các tổn thương bất thường sẽ làm tăng xuất tiết dẫn hình thành đờm. Đờm là chất tiết dạng sánh bao gồm chất nhầy, bạch cầu mủ, hồng cầu,…

Khạc đờm kéo dài trong hơn ba tuần dù đã sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị có thể là dấu hiệu của bệnh lao phổi. Đây cũng là triệu chứng của lao phổi phổ biến thứ 2 sau ho mà người bệnh có thể gặp phải.

Ho ra máu

Theo kết quả thống kê, có tới 60% người bị lao phổi đều có triệu chứng lao phổi là ho ra máu. Nguyên nhân là do phổi bị tổn thương gây xuất huyết trong.Tuy nhiên, những người bị viêm phổi, ung thư phổi, áp xe phổi,… ở diễn biến nặng cũng có thể xảy ra tình trạng này. Do đó, dù chưa thể chắc chắn việc xuất hiện triệu chứng này là do lao phổi gây ra, nhưng người bệnh không nên bỏ qua dấu hiệu bất thường này.

Người bị lao phổi có thể gặp phải tình trạng ho ra máu do đường hô hấp bị tổn thương gây xuất huyết trong

Sốt

Sốt có thể được coi là phản ứng lại của hệ miễn dịch trong cơ thể với các vi khuẩn. Người mắc bệnh lao phổi thường không có dấu hiệu số cao, thay vào đó là các cơn sốt nhẹ vào buổi chiều muộn.

Đau tức vùng ngực, khó thở

Đau tức vùng ngực hay khó thở là triệu chứng lao phổi dễ thấy nhất. Áp suất tại phế quản, phổi bị tổn thương là nguyên nhân gây ra tình trạng khó thở, ức chế, hô hấp khó khăn,… thường đi kèm với các cơn ho. Người bị lao phổi cũng thường xuyên gặp các cơn đau tức âm ỉ tại vùng ngực, đặc biệt khó chịu khi ho.

Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân mạnh

Người bị lao phổi thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, khó chịu, ăn không ngon miệng, sụt cân, tinh thần giảm sút,… do một phần ảnh hưởng của các cơn ho, đau tức ngực. Hầu hết mọi người thường chủ quan cho rằng mình bị áp lực công việc hoặc biếng ăn.

Nếu bạn gặp tình trạng nói trên, xác nhận nguyên nhân không phải do tiêu chảy, nhiễm HIV, thiếu dinh dưỡng,… đồng thời xuất hiện các dấu hiệu tiêu cực về đường hô hấp thì cần nghĩ ngay đến bệnh lao phổi.

3. Bệnh lao phổi có thể chữa trị được không?

Bệnh lao phổi có thể được trị khỏi nếu như được phát hiện kịp thời và xử lý điều trị đúng cách. Thông thường, người bệnh cần phải sử dụng các loại thuốc điều trị trong khoảng 6 tháng, hoặc có thể lâu hơn tùy theo tình trạng của người bệnh.

Thuốc điều trị lao phổi thường gồm 3 - 4 loại kháng sinh hàng ngày. Bạn sẽ cảm thấy khỏe hơn và giảm bớt mức độ của triệu chứng lao phổi sau vài tuần sử dụng thuốc. Người bệnh cần hoàn tất việc điều trị theo đúng liệu trình, ngay cả khi không nhận thấy các triệu chứng bệnh lý. Nếu tự ý ngưng thuốc sớm, vi khuẩn vẫn sẽ tồn tại trong cơ thể và nhanh chóng gây bệnh trở lại.

Thuốc điều trị lao phổi thường là các loại kháng sinh

Lao phổi là căn bệnh nguy hiểm và có khả năng lây nhiễm cho cộng đồng. Ngay khi nhận các triệu chứng lao phổi, bạn cần nhanh chóng tiến hành thăm khám để được chẩn đoán bệnh lý chính xác nhất. Không chỉ xảy ra với những người có sức khỏe kém hay bị suy giảm miễn dịch, một người khỏe mạnh vẫn có nguy cơ mắc bệnh lý. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng, bạn cần xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh và khoa học nhất.

Từ khoá: lao phổi

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.