Các tin tức tại MEDlatec
Ung thư biểu mô tế bào đáy: Những thông tin cần ghi nhớ để phát hiện và điều trị bệnh
- 29/12/2021 | Các dấu ấn sinh học trong ung thư biểu mô đường mật trong gan
- 06/10/2024 | Hiếm gặp: Ung thư biểu mô thần kinh nội tiết tế bào lớn kết hợp ung thư biểu mô vảy được MEDLATEC chẩn đoán chính xác
- 14/10/2024 | Phát hiện ung thư biểu mô tuyến vú xâm nhập từ dấu hiệu nổi hạch vùng nách
1. Các dạng thường gặp trong bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy
ung thư biểu mô tế bào đáy là bệnh lý ác tính khởi phát từ tế bào đáy - tế bào trong da đảm nhận nhiệm vụ sản xuất tế bào da mới thay thế tế bào da cũ đã chết đi. Khối u có thể khu trú ở bất cứ vùng da nào nhưng thường gặp nhất là vùng da thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy phổ biến gồm các loại sau:
- Ung thư biểu mô tế bào đáy dạng nốt
Khoảng 60% trường hợp ung thư da mắc phải dạng ung thư này. Với ung thư biểu mô tế bào đáy dạng nốt, người bệnh sẽ xuất hiện trên da các nốt nhỏ, bóng, cứng, màu hồng hoặc hơi đục. Theo thời gian, những nốt này có xu hướng lở loét và tạo thành vảy ở khu vực trung tâm.
- Ung thư biểu mô tế bào đáy lan trên bề mặt
Khi mắc bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy trên bề mặt, người bệnh sẽ có các mảng da màu hồng hoặc đỏ với bờ viền rất rõ, khó phân biệt với bệnh vảy nến.
- Ung thư biểu mô tế bào đáy thâm nhiễm
Đây là loại ung thư thường khu trú vùng mặt, là mảng bám dạng sáp hơi giống sẹo, phẳng và không có bờ. Vùng da bị tổn thương có màu đỏ nhạt.
Sự nhân lên bất thường của tế bào ác tính trong bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy
2. Các yếu tố nguy cơ và tính chất nguy hiểm của ung thư biểu mô tế bào đáy
2.1. Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy
Các yếu tố sau được xem là làm tăng nguy cơ hình thành bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy:
- Thường xuyên tiếp xúc với tia cực tím từ ánh nắng mặt trời khiến DNA của tế bào da bị tổn thương, gây rối loạn quá trình phân chia và phát triển tế bào.
- Tiền sử gia đình có người bị bệnh ung thư da làm tăng nguy cơ bệnh ở thế hệ sau.
- Hội chứng Gorlin-Goltz.
- Suy giảm miễn dịch do ghép tạng, HIV/AIDS, dùng thuốc ức chế miễn dịch.
- Có tiếp xúc lâu dài với hóa chất độc hại, nhất là asen.
2.2. Bệnh ung thư biểu mô tế bào đáy nguy hiểm mức độ nào?
Đại đa số trường hợp bị ung thư biểu mô tế bào đáy có thời gian sống > 5 năm tính từ thời điểm được chẩn đoán bệnh. Ít có trường hợp Khối u di căn đến các vùng khác của cơ thể nhưng khối u lại có khả năng:
- Xâm lấn mô lành và lan rộng, gây tổn thương mô xung quanh, ăn sâu vào xương, sụn và cơ.
- Có thể gây biến dạng khuôn mặt.
- Dễ tái phát nhiều lần. Vì thế, người đã có tiền sử với bệnh lý này cần tái khám thường xuyên để kịp thời ngăn chặn nguy cơ bệnh tái diễn.
Bệnh nhân có tiền sử ung thư biểu mô tế bào đáy trong quá trình khám định kỳ để đánh giá khả năng tái phát
3. Phương pháp chẩn đoán chính xác ung thư biểu mô tế bào đáy
Bệnh nhân có dấu hiệu nghi ngờ ung thư tế bào đáy cần được thực hiện các biện pháp chẩn đoán sau đây để xác định bệnh, đánh giá mức độ xâm lấn và đưa ra phương án điều trị phù hợp:
3.1. Khám lâm sàng
Bác sĩ sẽ quan sát tổn thương trên da và kiểm tra các đặc điểm bất thường như: vết loét không lành, mảng da gồ lên, nốt mụn bóng,... Những tổn thương này thường khu trú ở vùng da có thời gian tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời như cổ, mặt, tai, cánh tay, vai.
Ngoài ra, người bệnh cũng sẽ được bác sĩ hỏi về thời gian xuất hiện tổn thương trên da, sự thay đổi về kích thước, triệu chứng đi kèm như ngứa, chảy máu, đóng vảy liên tục,... và hỏi về tiền sử gia đình đối với bệnh ung thư da.
3.2. Kiểm tra cận lâm sàng
Sau quá trình khám lâm sàng bác sĩ sẽ có nhận định ban đầu và chỉ định người bệnh thực hiện các hình thức kiểm tra phù hợp như:
- Sinh thiết da
Người bệnh sẽ được lấy một mẫu mô nhỏ từ tổn thương để quan sát dưới kính hiển vi nhằm phát hiện sự hiện diện của tế bào ung thư.
- Chẩn đoán hình ảnh
+ Chụp CT-Scanner: Xác định xem khối u đã ăn sâu vào mô mềm hay xương chưa. Phương pháp này đặc biệt quan trọng với trường hợp tổn thương nằm ở vùng đầu và cổ.
+ Chụp MRI: Thường được thực hiện khi tổn thương ở gần dây thần kinh hoặc các mô quan trọng. Hình ảnh chi tiết từ phim chụp MRI giúp bác sĩ đánh giá sự ảnh hưởng của khối u ác tính đến cấu trúc xung quanh.
- Xét nghiệm bổ sung
Mặc dù ung thư biểu mô tế bào đáy hiếm khi di căn, nhưng ở những bệnh nhân có tổn thương kích thước lớn, tái phát nhiều lần hoặc có suy yếu miễn dịch, bác sĩ có thể chỉ định thêm xét nghiệm bổ sung để kiểm tra mức độ lan rộng của khối u:
+ Xét nghiệm máu: Đánh giá sức khỏe tổng quát của người bệnh.
+ Sinh thiết hạch bạch huyết: Thực hiện với trường hợp bác sĩ nghi ngờ ung thư đã lan đến hạch.
Từ kết quả của những chẩn đoán trên đây bác sĩ sẽ đưa ra kết luận về tình trạng bệnh và lên phác đồ điều trị cụ thể cho bệnh nhân.
Phương pháp sinh thiết da được thực hiện để chẩn đoán ung thư biểu mô tế bào đáy
Ung thư biểu mô tế bào đáy là dạng ung thư da phổ biến nhưng tiên lượng sống tương đối cao nếu người bệnh phát hiện bệnh sớm và thực hiện điều trị ngay. Bởi vậy, ngay khi phát hiện bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên da, tốt nhất người bệnh hãy sớm đến bác sĩ Da liễu thăm khám để được chẩn đoán đúng và điều trị tích cực.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám, chẩn đoán bất thường về da có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Da liễu - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!