Các tin tức tại MEDlatec

Vành hậu môn có cục cứng là bị làm sao? Chẩn đoán nguyên nhân bằng cách nào?

Ngày 09/07/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI.BSNT Phạm Văn Quang
Vành hậu môn có cục cứng có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý như trĩ ngoại, u nhú hậu môn, áp xe hậu môn,... Muốn tìm ra nguyên nhân làm xuất hiện cục cứng vành hậu môn, kịp thời điều trị ngăn chặn biến chứng, người bệnh không nên tự tìm hiểu tại nhà mà cần thăm khám bác sĩ chuyên khoa càng sớm càng tốt.

1. Vành hậu môn có cục cứng là triệu chứng của bệnh gì?

Cục cứng ở vành hậu môn có thể hiểu là khối nhỏ có thể nằm dưới da xung quanh hậu môn hoặc trong ống hậu môn, sờ thấy được khi vệ sinh khu vực này hoặc cảm nhận thấy rõ sự xuất hiện của u cục trong khi ngồi. Cục cứng có thể đau hoặc không, mềm hoặc rắn, di động hoặc cố định, có thể kèm theo ngứa, rát, chảy máu hoặc tiết dịch.

Nguyên nhân vành hậu môn có cục cứng thường là do:

1.1. Bệnh trĩ ngoại

Trĩ ngoại là kết quả từ sự giãn ra và phình to của tĩnh mạch vùng hậu môn tạo thành búi trĩ lồi ra ngoài rìa hậu môn. Người mắc bệnh lý này có thể sờ thấy vành hậu môn có cục cứng, gây vướng khi ngồi. Nếu rặn mạnh khi đại tiện, bệnh nhân bị trĩ ngoại có thể chảy máu tươi nhỏ giọt xuống bồn cầu, gây đau.

Búi trĩ ngoại có thể là nguyên nhân khiến vành hậu môn có cục cứng

1.2. Áp xe hậu môn

Áp xe là tình trạng viêm nhiễm, tụ mủ quanh hậu môn do sự xâm nhập của vi khuẩn. Người bị áp xe hậu môn dễ xuất hiện cục cứng sưng, đỏ, nóng và có thể chảy dịch mủ ở rìa hậu môn. Khối áp xe là nguyên nhân khiến người bệnh bị đau dữ dội ở hậu môn và có thể kèm theo sốt.

1.3. Rò hậu môn

Rò hậu môn biến chứng sau khi áp xe hậu môn vỡ hoặc không điều trị dứt điểm làm xuất hiện đường hầm từ trong ống hậu môn ra ngoài da. Triệu chứng điển hình của bệnh lý này là có lỗ nhỏ hoặc cục cứng nổi ở rìa hậu môn kèm theo dịch tiết có mùi hôi, người bệnh bị ngứa, viêm hậu môn tái đi tái lại.

1.4. U nhú hậu môn

U nhú là khối thịt dư lành tính, do sự tăng sinh lành tính của tổ chức niêm mạc hoặc da quanh hậu môn, viêm hoặc do hậu môn bị kích thích trong thời gian dài. Đặc điểm của u nhú hậu môn là vành hậu môn có cục cứng hoặc mềm, không đau nhưng gây vướng víu trong sinh hoạt hàng ngày. Người bệnh rất dễ nhầm u nhú hậu môn với Bệnh trĩ ngoại.

1.5. Ung thư hậu môn

Bệnh ung thư hậu môn có thể khởi phát bằng sự xuất hiện của một cục nhỏ cứng không đau ở vùng hậu môn kèm theo tình trạng rỉ dịch, chảy máu trong thời gian dài. Hầu hết các trường hợp ung thư hậu môn thường phát hiện muộn nên việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

2. Phương pháp chẩn đoán xác định nguyên nhân vành hậu môn có cục cứng

2.1. Khám lâm sàng

Tình trạng vành hậu môn có cục cứng ở mỗi bệnh nhân xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau, người bệnh thường không thể tự chẩn đoán chính xác bệnh lý mắc phải. Vì thế, người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa nếu xuất hiện cục cứng ở vành hậu môn không tự biến mất sau vài ngày kèm theo biểu hiện sưng, đỏ, có mủ, đau rát,...

Qua thăm khám, bác sĩ sẽ đặt ra các câu hỏi để thu thập thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh. Ngoài ra, bác sĩ sẽ đeo găng tay để kiểm tra hậu môn - trực tràng của người bệnh xem có tiết dịch, viêm loét, có đau hay xuất hiện khối bất thường hay không.

2.2. Chẩn đoán cận lâm sàng

Sau quá trình khám lâm sàng, để xác định chính xác nguyên nhân khiến cho vành hậu môn có cục cứng, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân thực hiện các kiểm tra như:

  • Nội soi hậu môn - trực tràng: Xác định bệnh trĩ, polyp hay tổn thương sâu không thể nhìn thấy bên ngoài.
  • Siêu âm đầu dò hậu môn: Xác định tình trạng rò hậu môn, áp xe hoặc khối u hậu môn.
  • Chụp MRI vùng chậu: được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán và đánh giá rò hậu môn phức tạp, đặc biệt là các đường rò xuyên cơ thắt, rò ngựa, rò liên cơ thắt hoặc những trường hợp tái phát.
  • Sinh thiết mô: Nếu phát hiện khối u bất thường nghi ngờ ung thư, trong quá trình nội soi hậu môn - trực tràng, bác sĩ sẽ lấy mẫu mô nhỏ để xét nghiệm tế bào.

Nội soi giúp chẩn đoán nguyên nhân nổi cục cứng ở vành hậu môn

3. Điều trị bệnh lý gây nổi cục cứng ở vành hậu môn bằng cách nào?

Vành hậu môn nổi cục cứng ở mỗi bệnh nhân đều xuất phát từ những nguyên nhân khác nhau. Vì thế, phương pháp điều trị cũng cần mang tính cá nhân hóa. Tùy vào bệnh lý gây nên triệu chứng này mà bác sĩ sẽ lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp như: 

  • Điều trị bệnh trĩ: Tùy theo mức độ sẽ có thái độ điều trị khác nhau. Sử dụng thuốc kháng viêm, thuốc giảm đau và thuốc làm co búi trĩ. Ngoài ra, người bệnh cũng cần điều chỉnh lối sống bằng cách hạn chế ngồi lâu và rặn mạnh khi đi đại tiện, uống nhiều nước, tăng cường chất xơ trong bữa ăn hàng ngày,... Nếu búi trĩ phát triển lớn, tái phát nhiều lần, bác sĩ có thể chỉ định phẫu thuật cắt trĩ.
  • Điều trị Áp xe hậu môn: Người bệnh sẽ được chỉ định rạch và dẫn lưu mủ để loại bỏ ổ mủ, giảm đau nhức. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để kiểm soát tình trạng nhiễm trùng. Nếu bệnh nhân bị biến chứng rò hậu môn, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật để loại bỏ đường rò.
  • Điều trị u nhú hậu môn: Trường hợp khối u nhỏ, không phát triển, không có triệu chứng hầu như không cần điều trị. Nếu khối u to, gây khó chịu, chảy dịch hoặc ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh, bác sĩ sẽ cân nhắc tiểu phẫu loại bỏ khối u.
  • Điều trị ung thư hậu môn: Tùy vào giai đoạn bệnh được xác định mà bác sĩ sẽ cân nhắc phương pháp điều trị như: phẫu thuật cắt bỏ khối u, xạ trị kết hợp hóa trị,...

Bệnh nhân được bác sĩ giải thích nguyên nhân và hướng dẫn điều trị bệnh lý hậu môn - trực tràng

Vành hậu môn có cục cứng là triệu chứng cảnh báo nhiều bệnh lý ở hậu môn - trực tràng. Nếu xuất hiện khối u cục vùng hậu môn, quý khách hàng không nên tự ý tìm hiểu, mua thuốc điều trị, không chích nặn để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Thay vào đó, quý khách có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để được chẩn đoán và điều trị sớm.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.