Tin tức

Nứt hậu môn: Lý giải nguyên nhân gây nên và tính chất nguy hiểm của bệnh?

Ngày 02/07/2025
Tham vấn y khoa: BSCKI.BSNT Phạm Văn Quang
Nứt hậu môn là sự xuất hiện vết rách ở niêm mạc hậu môn, khiến người bệnh bị đau rát và khó chịu mỗi lần đi đại tiện. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng có nguy cơ cao hơn ở người thường xuyên bị táo bón hoặc có thói quen đi đại tiện không khoa học. Để hiểu hơn về tính chất nguy hiểm của bệnh lý này bạn có thể tham khảo chia sẻ từ bài viết sau đây.

1. Nguyên nhân gây nên và triệu chứng gặp phải ở bệnh nứt hậu môn

1.1. Như thế nào là nứt hậu môn?

Nứt hậu môn là sự xuất hiện của vết rách ở phần niêm mạc ống hậu môn. Tùy mức độ bệnh mà tình trạng vết nứt của mỗi người có thể nông hoặc sâu khác nhau, gây chảy máu và đau khi đi đại tiện.

Nứt hậu môn được chia thành 2 dạng:

- Nứt hậu môn cấp tính: Vết rách mới, nhỏ và thường tự lành sau vài ngày nếu được chăm sóc đúng cách.

- Nứt hậu môn mạn tính: Vết rách sâu, tái phát nhiều lần, có thể hình thành mô sẹo hoặc khối da thừa.

1.2. Nguyên nhân gây nứt hậu môn

Các yếu tố sau góp phần thúc đẩy sự hình thành của bệnh nứt hậu môn:

- Táo bón nhiều ngày, phân khô và cứng khiến người bệnh phải rặn mạnh để đẩy phân ra ngoài. Quá trình này có thể làm rách niêm mạc hậu môn.

- Tiêu chảy mạn tính khiến vùng niêm mạc hậu môn bị kích ứng và tổn thương hậu môn, làm tăng nguy cơ loét, nứt.

- Thói quen ngồi quá lâu khi đi đại tiện, rặn mạnh hoặc nhịn đại tiện dễ gây tổn thương hậu môn.

- Phụ nữ sinh thường, đặc biệt là sinh con to hoặc rặn nhiều có nguy cơ cao bị nứt hậu môn do áp lực từ quá trình sinh nở lên vùng đáy chậu.

- Các nguyên nhân khác: Quan hệ tình dục qua đường hậu môn, bệnh Crohn, viêm ruột, khối u vùng trực tràng, ung thư hậu môn.

Bị táo bón thường xuyên dễ gây nứt hậu môn

Bị táo bón thường xuyên dễ gây nứt hậu môn

1.3. Triệu chứng thường gặp khi bị nứt hậu môn

Nứt hậu môn khiến người bệnh gặp phải triệu chứng:

- Thường xuyên đau rát ở hậu môn, nhất là khi đi đại tiện, cơn đau rát có thể kéo dài tới tận vài giờ sau đó.

- Chảy máu tươi khi đi ngoài, máu dính lại ở phân hoặc giấy vệ sinh.

- Hậu môn bị ngứa ngáy, sưng nhẹ.

- Nếu quan sát bằng gương hoặc khám hậu môn có thể thấy vết nứt ở rìa hậu môn.

2. Bệnh nứt hậu môn có nguy hiểm không? Có tự khỏi được không?

2.1. Tính chất nguy hiểm của bệnh nứt hậu môn

Nứt hậu môn khiến niêm mạc ống hậu môn bị tổn thương. Những triệu chứng của bệnh lý này ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hàng ngày và sức khỏe của người bệnh:

2.1.1. Suy giảm chất lượng cuộc sống

Cảm giác đau buốt mỗi lần đi đại tiện khiến người bệnh cảm thấy lo lắng, sợ hãi và muốn nhịn đi tiêu. Điều này không chỉ làm cho tình trạng nứt hậu môn trở nên nghiêm trọng hơn mà còn gây Táo bón kéo dài, cứ như vậy tạo thành vòng luẩn quẩn khó dứt.

Ngoài ra, cảm giác đau rát, ngứa ngáy vùng hậu môn cũng khiến người bệnh khó chịu suốt cả ngày, ảnh hưởng đến tâm lý, công việc và sinh hoạt.

2.1.2. Nhiễm trùng hậu môn

Vết nứt hậu môn nếu không được chú ý vệ sinh sạch sẽ rất dễ trở thành nơi cư trú của vi khuẩn, gây nhiễm trùng nặng. Trường hợp nghiêm trọng, người bệnh có thể bị áp xe hậu môn, rò hậu môn, gây sưng đau rồi hình thành đường rò hậu môn - biến chứng điều trị khó khăn.

Vết nứt hậu môn không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng

Vết nứt hậu môn không được chăm sóc đúng cách có thể dẫn đến nhiễm trùng

2.1.3. Tiến triển nứt hậu môn mạn tính

Nứt hậu môn cấp tính nếu không điều trị dứt điểm hoặc người bệnh tiếp tục bị táo bón, tiêu chảy kéo dài thì vết nứt có thể tái đi tái lại nhiều lần và chuyển sang giai đoạn mạn tính. Lúc này, vết nứt có thể kèm theo mô sẹo, polyp hoặc nếp gấp da, khiến việc điều trị nội khoa trở nên kém hiệu quả, thậm chí bệnh nhân sẽ phải can thiệp bằng phẫu thuật.

2.2. Nứt hậu môn có thể tự khỏi được không?

Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng tự khỏi của bệnh nứt hậu môn. Trường hợp vết nứt nông ở phạm vi nhỏ, chỉ bị nứt nhẹ thì vẫn có khả năng tự khỏi. Đây là vết nứt thường xảy ra do đại tiện khó khăn làm căng, nứt da hậu môn tạm thời. Nếu người bệnh chăm sóc vết thương sạch sẽ, khô thoáng, không để vết nứt trở nên nghiêm trọng hơn thì vết nứt có thể tự khỏi. Ngược lại, nếu chăm sóc tổn thương không đúng cách, vết nứt dễ trở nên nghiêm trọng, thậm chí có nguy cơ nhiễm trùng.

Trong thời gian chăm sóc, theo dõi vết nứt tại nhà, nếu thấy bệnh có dấu hiệu nặng hơn thì người bệnh nên thăm khám bác sĩ chuyên khoa để được đánh giá, điều trị ngăn chặn nguy cơ bệnh tiến triển mạn tính. Nếu thực hiện điều trị đúng như chỉ định của bác sĩ, bệnh nứt hậu môn có thể khỏi. 

Trường hợp đã được chỉ định điều trị nội khoa nhưng vẫn gặp những tình trạng sau, người bệnh cần tái khám để có hướng khắc phục tốt hơn:

- Vết nứt hậu môn trên 6 tuần, đã điều trị thuốc theo đơn của bác sĩ nhưng không khỏi.

- Khi đi đại tiện người bệnh bị đau rát nghiêm trọng, chảy máu nhiều.

- Nghi ngờ áp xe, rò hoặc có khối u ở hậu môn.

3. Chăm sóc và phòng ngừa nứt hậu môn tái phát bằng cách nào?

Để nứt hậu môn không tiến triển nhiễm trùng hoặc tái phát thường xuyên, người bệnh cần:

- Vệ sinh sạch sẽ hậu môn bằng nước ấm sau khi đi đại tiện. Không nên dùng giấy khô cứng để vệ sinh vùng hậu môn vì rất dễ gây kích ứng.

- Duy trì chế độ ăn đủ chất, ưu tiên thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế đồ chiên rán, gia vị cay nóng.

- Tập đi vệ sinh vào một khung giờ cố định, không nhịn lâu, không rặn mạnh trong quá trình đại tiện.

- Tập luyện thể thao nhẹ nhàng với các bộ môn như bơi lội, yoga, đi bộ,... để kích thích tiêu hóa, ngăn ngừa táo bón.

- Nếu phải ngồi làm việc lâu thì nên cố gắng đứng dậy đi lại sau 1 - 2 giờ để giảm áp lực lên vùng hậu môn.

Thăm khám bác sĩ chuyên khoa giúp chẩn đoán đúng nứt hậu môn để kịp thời điều trị

Thăm khám bác sĩ chuyên khoa giúp chẩn đoán đúng nứt hậu môn để kịp thời điều trị 

Các triệu chứng đau nhức, chảy máu ở hậu môn trong bệnh nứt hậu môn có thể gây nhầm lẫn với bệnh Crohn, ung thư ống hậu môn, viêm loét đại trực tràng,... Vì thế, nếu có dấu hiệu bất thường nào ở hậu môn, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56. Qua quá trình thăm khám, chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra kết luận chính xác và giúp bệnh nhân có biện pháp điều trị phù hợp.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ