Các tin tức tại MEDlatec
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
- 01/07/2021 | Những triệu chứng không thể bỏ qua của bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn
- 15/02/2022 | Viêm khớp nhiễm khuẩn nguy hiểm như thế nào bạn biết chưa?
- 18/06/2022 | Thận trọng với những dấu hiệu cảnh báo viêm khớp nhiễm khuẩn cấp tính
1. Triệu chứng đặc trưng của bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn
- Sưng và đau khớp
Triệu chứng đặc trưng nhất của viêm khớp nhiễm khuẩn là sự xuất hiện của tình trạng đau và sưng ở các khớp. Cảm giác đau nhức có thể tùy mức độ nặng nhẹ ở từng bệnh nhân và thường đi kèm với cảm giác khó chịu khi di chuyển hoặc có áp lực lên vùng khớp bị ảnh hưởng.
- Đỏ, nóng khớp
Các khớp bị nhiễm khuẩn thường trở nên đỏ và nóng khi chạm vào. Đây là kết quả của phản ứng viêm nhiễm, khi cơ thể cố gắng loại bỏ tác nhân gây bệnh khỏi khu vực bị tác động.
- Hạn chế vận động
Do đau và sưng khớp nên người bệnh có thể gặp khó khăn trong việc di chuyển và thực hiện các hoạt động hàng ngày. Sự hạn chế vận động này có thể tăng dần theo thời gian và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người bệnh.
- Sốt, buồn nôn
Một số trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn có thể đi kèm sốt và buồn nôn. Sốt thường là dấu hiệu vi khuẩn tấn công cơ thể còn buồn nôn thường là do ảnh hưởng của vi khuẩn đến hệ tiêu hóa.
Người bị viêm khớp nhiễm khuẩn thường xuyên bị đau nhức, sưng đỏ khớp
2. Chẩn đoán và điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn
2.1. Cách thức chẩn đoán
Để chẩn đoán xác định bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn, bác sĩ thường chỉ định một số biện pháp kiểm tra như:
- Xét nghiệm máu: cung cấp thông tin về dấu hiệu nhiễm khuẩn.
- Xét nghiệm dịch khớp: xác định khớp có bị nhiễm khuẩn không, do loại vi khuẩn nào gây ra để định hướng điều trị phù hợp.
- Chẩn đoán hình ảnh: tùy từng trường hợp cụ thể mà bác sĩ chỉ định chụp X-quang, chụp CT-Scanner, chụp MRI,... để đánh giá tình trạng tổn thương, viêm và các biến đổi cấu trúc khớp.
2.2. Phương pháp điều trị
Dựa trên kết quả chẩn đoán cận lâm sàng, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng bệnh nhân như:
- Dùng thuốc kháng sinh
Bác sĩ sẽ dựa trên kết quả xét nghiệm để lựa chọn một loại kháng sinh hiệu quả, có đủ khả năng chống lại vi khuẩn gây viêm khớp. Quá trình điều trị bắt đầu bằng việc tiêm kháng sinh vào tĩnh mạch để tiêu diệt vi khuẩn sau đó người bệnh sẽ được kê đơn kháng sinh đường uống.
Thông thường, sau lần điều trị đầu tiên khoảng 48 giờ, các triệu chứng bệnh sẽ giảm tương đối. Điều trị viêm khớp nhiễm khuẩn bằng thuốc thường kéo dài 2 - 6 tuần. Trong quá trình dùng kháng sinh, người bệnh có thể gặp một số tác dụng phụ như: tiêu chảy, buồn nôn, nôn,...
- Hút dịch khớp
Đây là phương pháp sử dụng kim hút arthrocentesis để hút dịch khớp hàng ngày cho đến khi loại bỏ hoàn toàn vi khuẩn trong dịch khớp.
- Phẫu thuật
Nếu người bệnh bị viêm khớp nhiễm khuẩn ở khớp hông, một số trường hợp cần thiết sẽ phải mổ mở để thoát dịch. Một số bệnh nhân sẽ phải tiến hành phẫu thuật nhiều lần mới loại bỏ hoàn hoàn vi khuẩn có trong dịch khớp.
Đặc biệt, nếu bệnh mức độ nặng, người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật tái tạo khớp. Trường hợp nhiễm trùng tác động đến khớp tay, chân giả sẽ cần phẫu thuật thay thế khớp mới.
Một số trường hợp viêm khớp nhiễm khuẩn sẽ được chỉ định phẫu thuật
Khi tình trạng bệnh đã được kiểm soát, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh vận động nhẹ nhàng để khôi phục và bảo toàn chức năng khớp. Quá trình vận động cũng sẽ giúp ngăn ngừa yếu cơ, cứng khớp, cải thiện lưu thông máu để đẩy nhanh tốc độ hồi phục sau viêm khớp nhiễm khuẩn.
2.3. Chăm sóc và hỗ trợ điều trị tại nhà
Đối với bệnh nhân mắc viêm khớp nhiễm khuẩn, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ điều trị có ý nghĩa không nhỏ trong kiểm soát triệu chứng và tăng khả năng hồi phục sức khỏe của khớp bị tổn thương.
- Tuân thủ chỉ định từ bác sĩ
Người bệnh được kê đơn thuốc điều trị tại nhà cần thực hiện đúng chỉ định, không tự ý thay đổi loại thuốc hay liều lượng sử dụng thuốc.
- Nghỉ ngơi tốt
Người bệnh cần được nghỉ ngơi đủ thời gian cho khớp được hồi phục tốt nhất. Các hoạt động vật lý nặng cần được giảm thiểu để tránh gây căng thẳng và tạo điều kiện cho khớp bị viêm được nghỉ ngơi.
- Chế độ ăn uống cân đối
Bệnh nhân nên duy trì một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng để hỗ trợ quá trình phục hồi. Các thực phẩm giàu canxi và vitamin D có thể giúp duy trì sức khỏe xương khớp.
- Hoạt động vận động nhẹ
Các hoạt động vận động nhẹ như đi bộ, đạp xe hoặc yoga có thể giúp cải thiện sự linh hoạt mà không gây thêm áp lực lớn cho khớp. Tuy nhiên, trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình tập luyện nào, người bệnh nên thảo luận với bác sĩ để đảm bảo rằng đó là lựa chọn an toàn và thích hợp với tình trạng sức khỏe hiện tại.
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân
Người bệnh cần giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, trước khi tiếp xúc với vùng da bị tổn thương hay bề mặt có nguy cơ chứa vi khuẩn cần rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn. Các vết thương nhỏ (nếu có) cần được làm sạch và băng bó cẩn thận để vi khuẩn không có điều kiện xâm nhập vào cơ thể. Đặc biệt, chú ý làm sạch vùng da bị tổn thương hoặc vết mổ để phòng ngừa nhiễm trùng.
Giai đoạn đầu sau điều trị người bệnh nên vận động nhẹ nhàng dưới sự hướng dẫn của chuyên gia y tế
Trong trường hợp mắc các nhiễm khuẩn khác như: viêm phổi, tiểu đường,... người bệnh cần điều trị hiệu quả những bệnh lý này để tránh tình trạng lây nhiễm ra khớp.
Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn cần được điều trị sớm để ngăn ngừa tổn thương, viêm xương, thoái hóa khớp vĩnh viễn. Vì vậy, ngay khi nghi ngờ bất cứ triệu chứng nào, người bệnh cần đến khám bác sĩ chuyên khoa ngay nếu bạn bị đau hoặc sưng khớp, nhất là những người đang dùng khớp nhân tạo.
Hệ thống Y tế MEDLATEC với sự đầu tư hiện đại về trang thiết bị y tế như: máy siêu âm, máy chụp X-quang, máy chụp CT-Scanner,... cùng đội ngũ chuyên gia, bác sĩ đầu ngành; là địa chỉ uy tín trong thăm khám các bệnh lý cơ xương khớp. Quý khách hàng nghi ngờ viêm khớp nhiễm khuẩn có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa qua hotline 1900 56 56 56.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!