Các tin tức tại MEDlatec
Xét nghiệm chẩn đoán lao phổi và những điều cần biết về bệnh lao phổi
1. Bệnh lao phổi: nguyên nhân gây bệnh
Bệnh lao phổi là bệnh truyền nhiễm qua đường hô hấp do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây ra. Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis hay còn được gọi là vi khuẩn lao xâm nhập, cư trú tại các cơ quan trong cơ thể, sinh sôi và phát triển, gây ra bệnh lao.
Có nhiều dạng bệnh lao như: lao hạch bạch huyết, lao màng não, lao màng bụng, lao xương khớp,... trong đó thường gặp nhất là lao phổi, chiếm tỷ lệ khoảng 85%.
Trực khuẩn lao phổi
Nguyên nhân trực tiếp dẫn đến lao phổi là do nhiễm vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis (trực khuẩn lao).
bệnh lao lây nhiễm qua con đường hô hấp. Khi người bệnh ho hen, khạc nhổ dịch đờm, hắt hơi, nói chuyện,... vi khuẩn lao được phát tán vào không khí, xâm nhập và gây bệnh khi người bình thường vô tình hít phải vài giọt bệnh phẩm.
Bệnh còn lây qua tiếp xúc với vết thương hở của người bệnh, dùng chung các đồ dùng cá nhân, các vật dụng ăn uống với người bệnh, lây truyền từ mẹ sang con trong giai đoạn thai kỳ,...
2. Các xét nghiệm chẩn đoán lao phổi phổ biến hiện nay
Xét nghiệm chẩn đoán lao phổi là các xét nghiệm được chỉ định trong chẩn đoán, phát hiện và điều trị bệnh lao, xét nghiệm lao phổi bao gồm: xét nghiệm nhuộm soi, ELISA, sinh học phân tử, nuôi cấy, giải phẫu bệnh (sinh thiết) và một số xét nghiệm hỗ trợ chẩn đoán khác,…
2.1. Xét nghiệm nhuộm soi
a. AFB trực tiếp nhuộm Ziehl Neelsen
Kỹ thuật này chỉ cho phép phát hiện vi khuẩn kháng cồn kháng toan (Acid Fast Bacilli - AFB).
- Ưu điểm: dễ thực hiện, kết quả nhanh, rẻ tiền và có thể thực hiện ở mọi nơi.
- Nhược điểm: độ nhạy thấp (trung bình đạt 30 - 40% khi làm một mẫu bệnh phẩm, 65 - 75% đối với nhiều mẫu bệnh phẩm (nên soi từ 2 mẫu bệnh phẩm liên tiếp trở lên).
Kết quả dương tính khi soi trực tiếp phụ thuộc chính vào số lượng vi khuẩn trong bệnh phẩm: số lượng vi khuẩn > 105 vi khuẩn/1ml bệnh phẩm thì kết quả mới dương tính khi soi 10 vi trường.
AFB trực tiếp nhuộm Ziehl Neelsen
b. AFB trực tiếp nhuộm huỳnh quang
Phát hiện sự có mặt của vi khuẩn kháng cồn toan trong mẫu bệnh phẩm. Tương tự như xét nghiệm AFB trực tiếp nhuộm Ziehl Neelsen, tuy nhiên xét nghiệm có độ nhạy cao hơn ở những mẫu bệnh phẩm ít vi khuẩn vì số vi trường được quan sát nhiều hơn và thực hiện được với hầu hết các loại mẫu bệnh phẩm.
2.2. Xét nghiệm sinh học phân tử
a. PCR lao
Dựa vào sự có mặt của đoạn gen IS6110 của vi khuẩn Lao để phát hiện sự có mặt của vi khuẩn Lao trong mẫu bệnh phẩm bằng phương pháp PCR.
- Ưu điểm: độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao (chỉ cần một vài BK trong bệnh phẩm kĩ thuật có thể dương tính, có thể tiến hành trên nhiều loại bệnh phẩm khác nhau (đờm, dịch phế quản, dịch màng phổi, dịch não tuỷ,...) .
- Nhược điểm: đòi hỏi trang bị tốn kém, dễ có dương tính giả khi bị nhiễm lại sản phẩm PCR (contamination) nếu không tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật vì kỹ thuật có độ nhạy cao; có thể cho âm tính giả do bệnh phẩm chứa nhiều chất ức chế phản ứng hoặc vi khuẩn lao (tỷ lệ khoảng vài phần trăm). Do vậy kết quả cần phải đối chiếu kết quả PCR với lâm sàng và Xquang trong chẩn đoán lao. Tỷ lệ âm tính giả do đột biến IS6110 theo các nghiên cứu nước ngoài thống kê được khoảng 3 - 5%.
b. MTBC/NTM Real Time PCR
Phương pháp này tương tự như PCR lao và ưu việt hơn ở:
- Tăng độ nhạy trong phát hiện trực khuẩn lao nhờ sử dụng kỹ thuật đa mồi (IS6110 và MPB24).
- Phân biệt phức hợp vi khuẩn lao (Mycobacteium complex: gồm M.tuberculosis, M.bovis, M. africanum, M. microti, M. canetti) và Mycobacteria không lao (NTM gồm M. avium, M. intracellulare, M. abscessus, M.kansasii , M. chelonae, M. scrofulaceum). nhờ trình tự 16sRNA.
c. MTB TRC Ready
Là xét nghiệm chẩn đoán mắc bệnh Lao, khuếch đại và phát hiện trình tự đích 16S rRNA của vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis dựa trên sự kết hợp của phản ứng phiên mã ngược và phiên mã.
Ưu điểm:
- Có độ nhạy và độ đặc hiệu rất cao và tối ưu được trên hầu hết các loại bệnh phẩm.
- Được thực hiện trong một chu trình khép kín, ít nguy cơ lây nhiễm.
- Phát hiện ngay cả với mẫu có mật độ vi khuẩn thấp.
- Thời gian thực hiện xét nghiệm nhanh chóng (40 phút).
Xét nghiệm chẩn đoán lao phổi
d. NTM (Nontuberculosis Mycobacteria) định danh LPA
Là xét nghiệm dùng để định danh các loại Mycobacteria không phải M. tuberculosis (vi khuẩn Lao) thường gặp trong lâm sàng: M. avium spp; M. chelonae; M. abscessus; M fortuitum; M.gordonae; M. intracellulare; M. scrofulaceum; M. interjectum; M. kansasii; M. malmoense; M. peregrrinum; M. marinum/M. ulcerans; M. xenopi.
Sử dụng kỹ thuật LPA (Line Probe Assay) để khuếch đại đoạn gene của chủng vi khuẩn NTM, sau đó lai với mẫu dò được thiết kế sẵn đặc hiệu cho từng loài Mycobacterium. Tùy theo đoạn gene của chủng NTM có trong bệnh phẩm lai đặc hiệu với mẫu dò nào thì sẽ xác định được tên của chủng NTM.
e. Mycobacterium tuberculosis đa kháng LPA
Mycobacterium tuberculosis đa kháng LPA là xét nghiệm sinh học phân tử phát hiện Mycobacterium tuberculosis và đồng thời phát hiện kháng với rifampicin (Rif) và isoniazid (H).
Mycobacterium tuberculosis đa kháng là chủng vi khuẩn Lao kháng với ít nhất 2 thuốc chống Lao hàng 1 là Rifampicin (RIF) và Isoniazid (INH) điều này làm cho việc điều trị kém hiệu quả và tốn kém và có thể dẫn đến điều trị thất bại.
f. Mycobacterium tuberculosis siêu kháng LPA
Mycobacterium tuberculosis siêu kháng LPA là xét nghiệm sinh học phân tử phát hiện các đột biến liên quan đến kháng thuốc fluoroquinolone và thuốc tiêm hàng hai (SLI) của vi khuẩn Lao đa kháng.
Mycobacterium tuberculosis siêu kháng là chủng vi khuẩn lao đa kháng thuốc có kháng thêm với 1 trong các loại thuốc thuộc nhóm Fluoroquinolone và một trong ba loại thuốc tiêm hàng hai như Capreomycin, Kanamycin, Amikacin.
2.3 Xét nghiệm ELISA
M.Tuberculosis Quantiferon (xét nghiệm Lao tiềm ẩn).
Định lượng Interferon Gama sinh ra khi cơ thể có tiếp xúc với trực khuẩn Lao.
Chẩn đoán nhiễm Lao tiềm ẩn, có ý nghĩa rất lớn nếu bệnh nhân là đối tượng trẻ nhỏ, bệnh nhân không lấy được đờm. Không có giá trị quyết định trong chẩn đoán bệnh Lao. Vì có thể người nhiễm vi khuẩn Lao ở trạng thái ngủ vẫn có xét nghiệm quantiferon dương tính nhưng chưa khởi phát bệnh Lao
2.4. Xét nghiệm nuôi cấy
- Cấy Lao MGIT: Đây là kĩ thuật xác định chắc chắn vi khuẩn lao (Bacilli de Koch-BK) - là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán Lao phổi
- Ưu điểm: phân lập định danh được BK và làm kháng sinh đồ với các thuốc chống lao. Nhược điểm: thời gian có kết quả lâu, đắt tiền, đòi hỏi trang bị phức tạp hơn, kỹ thuật phức tạp tỉ mỉ
2.5. Xét nghiệm giải phẫu bệnh
CellBlock, Sinh thiết - GFB - Tế bào học
Hình thái tế bào được thể hiện rõ, mẫu bệnh phẩm được lưu trữ lâu dài và có thể sử dụng cho các xét nghiệm khác.
Định hướng đến nhiễm Lao cơ quan bằng hình ảnh.
3. Xét nghiệm chẩn đoán lao phổi được chỉ định khi nào?
-
Bệnh lao phổi có thể gặp trong mọi độ tuổi, nhất là trẻ em, người già, người làm công việc nặng nhọc cơ thể suy kiệt, hệ miễn dịch kém. Các đối tượng sau đây có nguy cơ mắc lao phổi cao như:
+ Người nhiễm HIV, đang điều trị ung thư, có hệ miễn dịch suy giảm.
+ Người làm việc trong môi trường có nguy cơ lây nhiễm cao như: y tá, bác sĩ, điều dưỡng,....
+ Đang mắc các bệnh như: tiểu đường, viêm loét dạ dày, suy thận cấp,...
+ Sử dụng các chất kích thích như: bia, rượu, thuốc lá, ma túy, cần sa,...
+ Đang sử dụng thuốc ức chế hệ thống miễn dịch, hóa trị, xạ trị,...
-
Các đối tượng này cần xét nghiệm lao phổi định kỳ. Ngoài ra, khi xuất hiện các triệu chứng, dấu hiệu bệnh lao phổi cần đến ngay các cơ sở y tế, tiến hành thăm khám, kiểm tra sức khỏe.
+ Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu).
Xét nghiệm chẩn đoán lao phổi được chỉ định khi có biểu hiện ho khan, ho có đờm, ho ra máu
+ Gầy sút, kém ăn, mệt mỏi.
+ Sốt nhẹ về chiều.
+ Ra mồ hôi “trộm” ban đêm.
+ Đau ngực, đôi khi khó thở.
4. Các biện pháp phòng tránh bệnh lao phổi
Để phòng tránh bệnh lao phổi, cần:
- Thực hiện tiêm vắc xin ngừa lao phổi cho trẻ trong tháng đầu sau khi sinh.
- Cẩn thận thực hiện các phương pháp phòng tránh khi tiếp xúc với bệnh nhân lao phổi như đeo khẩu trang, găng tay, không chạm vào vết thương hở của người bệnh,...
- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, làm việc, tăng cường ánh ánh mặt trời.
- Không sử dụng chung các đồ dùng cá nhân, các vật dụng ăn, uống với bệnh nhân.
Ngoài ra, bệnh nhân lao phổi cũng có thể phòng tránh lây nhiễm cho mọi người xung quanh bằng các cách sau:
- Không khạc nhổ bừa bãi nơi công cộng, khi đến các nơi đông người nên đeo khẩu trang,...
- Không sử dụng các chất kích thích như bia, rượu, ma túy,...
- Ăn uống đủ chất, tăng sức đề kháng, thể lực cho cơ thể,...
5. Thực hiện xét nghiệm lao phổi ở đâu chính xác, uy tín và chất lượng?
Hiện xét nghiệm lao phổi được thực hiện ở nhiều bệnh viện trên cả nước. Tuy nhiên, người bệnh nên chọn những cơ sở khám bệnh uy tín, chất lượng, tránh tình trạng “ tiền mất, tật mang”.
Bệnh viện MEDLATEC với các trang thiết bị hiện đại
Tự hào là một cơ sở y tế, khám chữa bệnh uy tín, chất lượng với hơn 24 năm kinh nghiệm trong nghề, đội ngũ các y bác sĩ chuyên môn, kinh nghiệm, phục vụ và chăm sóc bệnh nhân tận tình, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cung cấp dịch vụ xét nghiệm lao phổi được thực hiện với các trang thiết bị hiện đại, đạt chuẩn ISO 15189:2012, đưa ra kết quả chính xác, nhanh chóng, từ đó có các phương pháp điều trị kịp thời.
Nếu có thắc mắc về xét nghiệm vui lòng liên hệ bệnh viện MEDLATEC qua số hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn chi tiết hơn.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!