Các tin tức tại MEDlatec
Ý nghĩa lâm sàng của xét nghiệm kiểm tra tình trạng tổn thương thận - Microalbumin niệu
Microalbumin niệu là gì?
Microalbumin niệu hay còn gọi là albumin niệu vi lượng (microalbuminuria) xuất hiện khi thận rò rỉ một lượng nhỏ albumin vào trong nước tiểu, hay nói cách khác là khi có một độ thấm cao bất thường đối với albumin của cầu thận.
Mẫu bệnh phẩm của xét nghiệm này là nước tiểu.
Hiện nay, microalbumin niệu được định lượng bằng phương pháp miễn dịch đo độ đục (immuno-turbidimetric test) với máy phân tích hóa sinh Olympus, được thực hiện hàng ngày tại Bệnh viện MEDLATEC 42 - 44 Nghĩa Dũng, Ba Đình, Hà Nội.
Khi nào chỉ định xét nghiệm microalbumin niệu?
1. Xét nghiệm microalbumin niệu ngẫu nhiên (the random microalbumin test) hoặc tỷ số microalbumin/ creatinin (ACR) thường được chỉ định như là một xét nghiệm sàng lọc (a screening test) ở bệnh nhân bị các bệnh mạn tính như đái tháo đường [1] và tăng huyết áp [3] để đánh giá nguy cơ suy thận tiến triển.
2. Xét nghiệm microalbumin niệu có thể phát hiện bệnh thận ở giai đoạn rất sớm nên bác sĩ có thể chỉ định trong những trường hợp nghi ngờ bệnh thận, giúp điều trị kịp thời và chính xác [2].
3. Xét nghiệm microalbumin niệu cũng được sử dụng cùng với các xét nghiệm glucose máu, HbA1c máu, creatinin huyết tương (cùng với theo dõi huyết áp) để kiểm soát, ngăn cản và làm chậm sự tiến triển của bệnh thận do đái tháo đường.
4. Nếu phát hiện có microalbumin niệu với những lượng có ý nghĩa, cần khẳng định thêm bằng xét nghiệm microalbumin niệu 24 giờ (a 24-hour microalbumin test).
Sau khi thăm khám bệnh nhân, bác sĩ chỉ định những xét nghiệm cần thiết để kết luận bệnh.
Chẩn đoán bệnh dựa vào yếu tố nào?
1. Mức độ albumin vi lượng trong nước tiểu không thể phát hiện bằng phương pháp sử dụng que nhúng (dipstick) nước tiểu. Ở cơ thể khỏe mạnh, albumin thường không xuất hiện trong nước tiểu bởi vì nó được giữ lại trong dòng máu của thận. Xét nghiệm nước tiểu microalbumin nước tiểu xác định sự có mặt của albumin vi lượng trong nước tiểu.
2. Microalbumin niệu có thể được chẩn đoán từ nồng độ albumin trong một mẫu nước tiểu ngẫu nhiên (nếu nồng độ albumin từ 20 đến 200 mg /L) hoặc từ nước tiểu 24 giờ (nếu nồng độ albumin từ 30-300 mg/24 giờ), tính theo thời gian bài xuất albumin là 20-200 μg/phút . Cả hai giá trị đều phải được đo ở ít nhất hai đến ba lần trong khoảng thời gian tháng từ 2 đến 3 tháng. Các giá trị albumin niệu lớn hơn các giá trị này được gọi là “albumin niệu lượng lớn” (macroalbuminuria), hoặc đơn giản hơn là albumin niệu (albuminuria).
3. Để hạn chế sai số có thể gặp ở các mẫu nước tiểu được lấy một cách ngẫu nhiên, người ta thường so sánh lượng albumin với nồng độ của creatinin trong cùng mẫu nước tiểu. Sự so sánh này được gọi là tỷ số albumin /creatinin (albumin /creatinine rate: ACR) và microalbumin niệu được chẩn đoán chắc chắn khi tỷ số albumin /creatinin nằm trong khoảng 24-200 μg/ mg creatinin (xem bảng 1).
Bảng 1. Phân loại và các giới hạn cắt (cut-off limits) của microalbumin niệu và albumin niệu [5]
Nước tiểu |
Mẫu 24 giờ (mg/24 giờ)
|
Mẫu theo thời gian (μg/phút)
|
Mẫu ngẫu nhiên (mg/ L)
|
Mẫu ngẫu nhiên (μg/mg creatinin)
|
Bình thường |
< 30 |
< 20 |
< 20 |
< 24 |
Microalbumin niệu |
30-300 |
20-200 |
20-200 |
24-200 |
Albumin niệu |
> 300 |
> 200 |
> 200 |
> 200 |
Ý nghĩa lâm sàng của microalbumin niệu
Giá trị của microalbumin niệu trong chuẩn đoán lâm sàng là:
1. Đối với các bệnh nhân đái đường phụ thuộc insulin, microalbumin niệu dai dẳng phải được xem như một nguy cơ cao không những đối với sự tiến triển của bệnh thận, bệnh tim mà còn là một nguy cơ đối với cả bệnh võng mạc, thần kinh ngoại biên và sự tăng huyết áp.
Bệnh lý thận và bệnh tăng huyết áp có mối liên quan chặt chẽ với nhau.
2. Đối với các bệnh nhân đái đường không phụ thuộc insulin, microalbumin niệu không những là một chỉ dẫn về bệnh thận do đái đường tiến triển mà còn là một chỉ dẫn về tử vong sớm do bệnh tim mạch hơn là do bệnh thận.
3. Microalbumin niệu là một dấu hiệu lý tưởng đối với nguy cơ của bệnh thận (giai đoạn sớm của bệnh lý thận) và cũng là chỉ dẫn cho sự điều trị sớm đối với sự tăng huyết áp tiếp theo [5].
4. Microalbumin niệu còn có vai trò trong điều tra, quản lý, theo dõi biến chứng tim mạch và tỷ lệ tử vong của các bệnh nhân cao huyết áp vô căn, kể cả những người có nguy có di truyền về cao huyết áp.
5. Microalbumin niệu là chỉ điểm cận lâm sàng quan trọng của bệnh tim mạch: là một dấu hiệu của bệnh thiếu máu cục bộ cơ tim, của rối loạn chức năng nội mạc mạch máu, một yếu tố nguy cơ đối với nghẽn tắc tĩnh mạch (thromboembolism), là một trong các dấu hiệu chẩn đoán có hiệu lực của bệnh tim mạch ở những người không đái đường [3].
Tài liệu tham khảo
1. Abdelhafiz AH, Brown SH, Bello A, Nahaz M (2010). Chronic Kidney Disease in Older People: Physiology, Pathology or Both? Nephron Clin Pract; 116 (1): 19-24.
2. Andersen S, Blouch K, Bialek J, Deckert M, Parving HH, Meyer BD(2000). Glomerular permselectivity in early stages of overt diabetic nephropathy. Kidney Int. 58 (5): 2129–2137.
3. Gojaseni P, Phaopha A, Chailimpamontree W, Pajareya T, Chittinandana A (2010). Prevalence and risk factors of microalbuminuria in Thai nondiabetic hypertensive patients. Vasc Health Risk Manag; 6:157-165.
4. Lin J, Hu FB, Curhan GC (2010). Associations of diet with albuminuria and kidney function decline. Clin J Am Soc Nephrol; 5 (5): 836-843.
5. Lothar T. Urinary proteins. In: Clinical laboratory diagnostics: use and assessment of clinical laboratory results. TH-books Verlagsgesellschaft mbH 1998; Frankfurt , Gemany: 382-400.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!