Từ điển bệnh lý

Nhiễm trùng thần kinh : Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và điều trị

Ngày 20-06-2025

Tổng quan Nhiễm trùng thần kinh

Nhiễm trùng thần kinh là tình trạng hệ thần kinh bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus, nấm hoặc ký sinh trùng. Đây là một nhóm bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng và để lại nhiều di chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh và vị trí tổn thương trong hệ thần kinh, triệu chứng lâm sàng có thể khác nhau, bao gồm sốt, đau đầu, cứng gáy, buồn nôn, nôn, rối loạn ý thức, co giật, rối loạn vận động, hoặc thậm chí hôn mê. Các bệnh lý thường gặp trong nhóm này gồm viêm màng não, viêm não, viêm tủy sống, áp xe não và các bệnh lý thần kinh khác.

Nhiễm trùng có thể xảy ra ở cả hệ thần kinh trung ương (não và tủy sống) và hệ thần kinh ngoại biên. Con đường xâm nhập của tác nhân gây bệnh vào hệ thần kinh có thể là qua đường máu, lan từ ổ nhiễm trùng lân cận như tai giữa, xoang, cột sống, hoặc trực tiếp qua tổn thương nhu mô não. Do bệnh có thể tiến triển nhanh và để lại hậu quả lâu dài, việc nhận biết sớm triệu chứng nghi ngờ và đưa người bệnh đến cơ sở y tế kịp thời là yếu tố then chốt giúp cải thiện tiên lượng và giảm tỷ lệ tử vong.

 Nhiễm trùng thần kinh là một nhóm bệnh lý nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến não, màng não, tuỷ sống hoặc các dây thần kinh

 Nhiễm trùng thần kinh là một nhóm bệnh lý nguy hiểm có thể ảnh hưởng đến não, màng não, tuỷ sống hoặc các dây thần kinh



Nguyên nhân Nhiễm trùng thần kinh

Nguyên nhân gây nhiễm trùng thần kinh rất đa dạng, bao gồm các tác nhân vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng kết hợp với các yếu tố từ bệnh lý toàn thân hay bệnh lý miễn dịch. Việc xác định chính xác nguyên nhân là yếu tố quan trọng để điều trị hiệu quả và ngăn ngừa các biến chứng lâu dài.

2.1 Nhiễm trùng do vi khuẩn

Nhiễm trùng thần kinh do vi khuẩn là nguyên nhân phổ biến, trong đó vi khuẩn gây màng não như Neisseria meningitidis, Streptococcus pneumoniae và Haemophilus influenzae là các tác nhân chính. Những vi khuẩn này có thể xâm nhập vào hệ thần kinh trung ương qua dòng máu hoặc do viêm nhiễm ở các cơ quan gần đó ( viêm xoang, viêm tai giữa) gây viêm màng não.

2.2 Nhiễm trùng do virus

Một số virus như herpes simplex virus (HSV), varicella-zoster virus (VZV), và enterovirus có thể gây nhiễm trùng thần kinh. Các virus này thường có khả năng ẩn náu trong cơ thể và tái hoạt động khi hệ miễn dịch suy yếu, gây ra các bệnh lý như viêm não, viêm màng não virus.

2.3 Nhiễm trùng do nấm

Nấm, đặc biệt là Cryptococcus neoformans, Candida và Histoplasma, có thể gây nhiễm trùng thần kinh ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu như HIV/AIDS. Nấm có thể xâm nhập qua đường hô hấp, vào hệ thống thần kinh và gây viêm màng não, viêm não.

2.4 Nhiễm trùng do ký sinh trùng

Các ký sinh trùng như Toxoplasma gondii, Naegleria fowleri và Plasmodium (gây bệnh sốt rét) cũng có thể gây nhiễm trùng thần kinh. Trong đó, Toxoplasma có thể gây viêm não ở những người có hệ miễn dịch suy yếu, Naegleria fowleri là amip ăn não có thể xâm nhập vào não qua đường mũi khi bơi lội trong môi trường không đảm bảo.

2.5 Nhiễm trùng do các bệnh lý miễn dịch

Nhiều bệnh lý miễn dịch tự thân, như bệnh sclerosis mảng (đa xơ cứng) hay bệnh Guillain-Barré, có thể gây nhiễm trùng thần kinh. Những tình trạng này thường do hệ miễn dịch tấn công các tế bào thần kinh, dẫn đến viêm và rối loạn chức năng thần kinh.

2.6 Nhiễm trùng do tác động từ bệnh lý toàn thân

Một số bệnh lý toàn thân như bệnh đái tháo đường, ung thư hay bệnh lý mạch máu có thể tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn hoặc virus tấn công hệ thần kinh. Các bệnh lý này làm suy yếu hệ thống miễn dịch hoặc làm tổn thương cấu trúc thần kinh, dễ dàng dẫn đến nhiễm trùng.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng này rất đa dạng, bao gồm các tác nhân vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng

Nguyên nhân gây nhiễm trùng này rất đa dạng, bao gồm các tác nhân vi sinh vật như vi khuẩn, virus, nấm, ký sinh trùng



Phòng ngừa Nhiễm trùng thần kinh

Để giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng thần kinh nguy hiểm, việc chủ động phòng ngừa đóng vai trò vô cùng quan trọng. Một số biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả có thể giúp bảo vệ hệ thần kinh trước các tác nhân gây hại, bao gồm:

5.1 Tiêm chủng đầy đủ 

Đây là biện pháp hiệu quả nhất giúp phòng ngừa các tác nhân gây nhiễm trùng thần kinh. Các vaccine quan trọng như phế cầu, Hib, não mô cầu, viêm não Nhật Bản B, sởi – quai bị – rubella (MMR), thủy đậu và vaccine dại. Trẻ em, người già, người suy giảm miễn dịch là các đối tượng cần ưu tiên tiêm phòng.

5.2 Dự phòng sau phơi nhiễm

Với những trường hợp tiếp xúc với yếu tố nguy cơ cao, cần điều trị dự phòng kịp thời. Điển hình như sau khi bị chó mèo nghi dại cắn cần tiêm vaccine và huyết thanh kháng dại; người tiếp xúc gần với ca bệnh viêm màng não do não mô cầu cần dùng đến gặp bác sĩ để dùng kháng sinh dự phòng; nhân viên y tế phơi nhiễm HIV cần dùng thuốc ARV trong vòng 72 giờ.

5.3 Hạn chế phơi nhiễm từ môi trường và động vật 

Hạn chế tiếp xúc với động vật hoang dã hoặc vật nuôi chưa tiêm phòng. Không nên tắm hoặc uống nước từ ao hồ ô nhiễm để tránh nhiễm các vi sinh vật từ môi trường như amip ăn não, leptospira, hoặc các loại nấm, ký sinh trùng khác.

5.4 Thực hiện lối sống lành mạnh

Một lối sống khoa học giúp nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng nói chung, trong đó có nhiễm trùng thần kinh. Cần duy trì chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, ngủ đủ giấc, tập thể dục thường xuyên và tránh các yếu tố làm suy giảm miễn dịch như hút thuốc, lạm dụng rượu bia hay căng thẳng kéo dài. Bên cạnh đó, giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống sạch sẽ cũng góp phần hạn chế lây nhiễm các tác nhân gây bệnh.

Một lối sống khoa học giúp nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng thần kinh
Một lối sống khoa học giúp nâng cao sức đề kháng và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng thần kinh



Các biện pháp chẩn đoán Nhiễm trùng thần kinh

Việc chẩn đoán nhiễm trùng thần kinh đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa khai thác lâm sàng và các phương tiện cận lâm sàng. Dưới đây là các bước cần thiết trong quá trình chẩn đoán:

3.1 Khám lâm sàng

3.1.1 Hỏi bệnh

Việc khai thác kỹ lưỡng bệnh sử đóng vai trò then chốt trong định hướng chẩn đoán. Cần lưu ý các yếu tố sau:

- Triệu chứng khởi phát: Sốt, nhức đầu, buồn nôn, nôn, co giật, rối loạn ý thức, cứng gáy, thay đổi hành vi, đau thần kinh...

- Diễn tiến triệu chứng: Cấp tính, bán cấp hay mạn tính.

- Yếu tố nguy cơ: Chấn thương sọ não, phẫu thuật thần kinh, đặt shunt dẫn lưu dịch não tủy, suy giảm miễn dịch (HIV, dùng corticoid kéo dài, sau ghép tạng...), tiền sử mắc các bệnh nhiễm trùng gần đây (viêm xoang, viêm tai giữa), du lịch hoặc tiếp xúc với nguồn nước, động vật không an toàn.

- Tiền sử tiêm ngừa: Đặc biệt là vaccine phòng các bệnh như viêm màng não do H. influenzae, phế cầu, não mô cầu.

3.1.2 Khám thực thể

Bác sĩ sẽ khám toàn trạng và tập trung phát hiện các dấu hiệu gợi ý tổn thương thần kinh trung ương, cụ thể:

- Khám toàn thân: Tìm ổ nhiễm nguyên phát (viêm tai, viêm phổi, áp xe...), dấu nhiễm trùng huyết, ban xuất huyết hoại tử (gợi ý nhiễm não mô cầu).

- Dấu hiệu màng não: Cổ cứng, dấu Kernig, dấu Brudzinski.

- Rối loạn tri giác: Lơ mơ, kích thích, mê sảng, hôn mê.

- Dấu hiệu thần kinh khu trú: Liệt nửa người, liệt dây thần kinh sọ, co giật khu trú.

- Dấu hiệu tăng áp lực nội sọ: Phù gai thị, nôn vọt, đau đầu dữ dội, co giật.

3.2 Cận lâm sàng

3.2.1 Xét nghiệm máu

- Công thức máu: Bạch cầu tăng, đặc biệt là bạch cầu đa nhân trung tính trong nhiễm vi khuẩn.

- CRP, Procalcitonin: Tăng trong nhiễm khuẩn nặng.

- Đường huyết, điện giải, chức năng gan, thận: Giúp đánh giá toàn trạng và các bệnh lý liên quan.

3.2.2 Chọc dịch não tủy 

Đây là xét nghiệm chủ yếu để xác định viêm màng não. Tuy nhiên, cần lưu ý không chọc dịch não tủy nếu nghi tăng áp lực nội sọ. Dựa vào các xét nghiệm dịch não tủy bác sĩ sẽ xác định được tình trạng viêm và nguyên nhân gây bệnh. Cụ thể: 

- Đánh giá hình thái học: Quan sát màu sắc, độ trong, áp lực dịch não tủy.

- Tế bào học: Tăng bạch cầu (đa nhân gợi ý vi khuẩn, lympho gợi ý virus/lao).

- Sinh hóa: Glucose (giảm trong viêm màng não vi khuẩn/lao), protein (tăng).

- Vi sinh: Nhuộm Gram, nhuộm Ziehl-Neelsen, nuôi cấy, PCR tìm ADN virus, vi khuẩn, kháng nguyên Cryptococcus...

3.2.3 Chẩn đoán hình ảnh

- CT scan sọ não: Đánh giá tổn thương cấu trúc, xuất huyết, phù não, áp xe não, hỗ trợ nhận diện tổn thương trong trường hợp chống chỉ định chọc dịch não tủy.

- MRI sọ não: Nhạy hơn CT trong phát hiện viêm não, áp xe nhỏ, viêm tủy sống, viêm màng não khu trú.

3.2.4 Các xét nghiệm khác

- Điện não đồ (EEG): Hỗ trợ chẩn đoán viêm não do HSV, đánh giá hoạt động điện não trong co giật.

- Xét nghiệm huyết thanh học hoặc PCR: Để phát hiện tác nhân virus (HSV, VZV, CMV…), nấm, ký sinh trùng (toxoplasma).

- Cấy máu: Giúp phát hiện nhiễm trùng huyết kèm theo.

Chọc dịch não tủy là phương pháp chẩn đoán nhiễm trùng thần kinh

Chọc dịch não tủy là phương pháp chẩn đoán nhiễm trùng thần kinh



Các biện pháp điều trị Nhiễm trùng thần kinh

Điều trị nhiễm trùng thần kinh cần được tiến hành khẩn trương, ưu tiên theo nguyên tắc “điều trị sớm, đúng tác nhân và kiểm soát biến chứng”. Cụ thể: 

4.1 Điều trị nguyên nhân 

4.1.1 Dùng thuốc

- Viêm màng não do vi khuẩn: Kháng sinh tĩnh mạch phổ rộng ngay lập tức. Phối hợp Cephalosporin thế hệ 3 (Ceftriaxone hoặc Cefotaxime) + Vancomycin ± Ampicillin (nếu nghi do Listeria ở người già hoặc suy giảm miễn dịch). Điều chỉnh theo kháng sinh đồ sau khi có kết quả nuôi cấy dịch não tủy.

- Viêm não do virus: Dùng Acyclovir tĩnh mạch nếu nghi do HSV hoặc VZV. Các loại virus khác (như enterovirus, arbovirus) thường chỉ điều trị hỗ trợ.

- Nhiễm trùng thần kinh do nấm: Điều trị theo phác đồ nấm đặc hiệu cho từng loài. Ví dụ:

+ Cryptococcus neoformans: Amphotericin B ± Flucytosine, sau đó Fluconazole duy trì.

+ Toxoplasma não (thường gặp ở bệnh nhân HIV/AIDS): Pyrimethamine + Sulfadiazine + Acid folinic.

4.2 Điều trị hỗ trợ

4.2.1 Kiểm soát áp lực nội sọ

- Duy trì tư thế đầu cao 30°, hạn chế dịch, theo dõi điện giải. 

- Dùng thuốc: Mannitol 0.25–1 g/kg TMC, lặp lại mỗi 6–8 giờ nếu có dấu hiệu tăng áp lực nội sọ.

4.2.2 Chống co giật

Nếu có động kinh bác sĩ có thể chỉ Diazepam, Phenytoin hoặc Levetiracetam tùy tình huống lâm sàng. Nếu co giật tái phát: cần dùng thuốc chống động kinh duy trì.

4.2.3 Dinh dưỡng và chăm sóc toàn thân

- Dinh dưỡng qua sonde nếu bệnh nhân hôn mê.

- Phòng loét tỳ đè, viêm phổi do nằm lâu.

- Kiểm soát đường huyết, huyết áp.

Trên đây là các thông tin cần thiết về nhiễm trùng thần kinh. Để chẩn đoán và điều trị tốt, bệnh nhân cần thăm khám tại cơ sở y tế uy tín. Hệ thống phòng khám, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với hệ thống trang thiết bị hiện đại và đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ người bệnh. Để đặt lịch khám hoặc lịch xét nghiệm, bệnh nhân vui lòng gọi đến hotline 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ 24/7.


Tài liệu tham khảo:

Tunkel, A. R., van de Beek, D., Scheld, W. M. (2023). Acute Bacterial Meningitis. In J. J. Bennett, R. Dolin, & M. J. Blaser (Eds.), Mandell, Douglas, and Bennett's Principles and Practice of Infectious Diseases (9th ed., Vol. 2, pp. 1085–1116).

Solomon, T., Michael, B. D., & Zandi, M. S. (2020). Viral Encephalitis. In D. Kasper et al. (Eds.), Harrison’s Principles of Internal Medicine (20th ed., pp. 2761–2772). McGraw-Hill Education.

Thwaites, G. E., van Toorn, R., & Schoeman, J. (2013). Tuberculous meningitis: more questions, still too few answers. The Lancet Neurology, 12(10), 999–1010.

Trường Đại học Y Hà Nội. (2022). Giáo trình bệnh truyền nhiễm (GS.TS. Đặng Đức Anh, Chủ biên). Nhà xuất bản Y học.


Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ