Tin tức
Suy tuyến giáp có nguy hiểm không, chẩn đoán nguyên nhân và điều trị như nào?
- 24/04/2022 | Góc giải đáp: Bệnh suy giáp có chữa khỏi được không và một số lưu ý
- 16/05/2023 | Suy giáp ở trẻ: những điều cha mẹ không nên bỏ qua
- 12/09/2024 | Điều trị suy giáp bằng phương pháp nào hiệu quả tối ưu?
1. Suy tuyến giáp có nguy hiểm không?
Suy tuyến giáp xảy ra khi tuyến giáp không sản xuất đủ hormone giáp. Hormone này giúp điều chỉnh quá trình trao đổi chất và duy trì các chức năng cơ thể. Vì thế, suy giáp sẽ gây nên những ảnh hưởng nhất định đối với các hệ cơ quan:
Mô tả các triệu chứng hay gặp ở bệnh suy tuyến giáp
1.1. Mức độ nguy hiểm của suy tuyến giáp
Khi cơ thể thiếu hụt hormone giáp, nhiều hệ cơ quan sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, suy tuyến giáp có nguy hiểm không tùy thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, thể trạng của người bệnh, thời gian mắc bệnh và việc điều trị sớm hay muộn.
1.1.1. Giảm trao đổi chất
Khi lượng hormone giáp giảm, các chức năng trao đổi chất của cơ thể cũng bị suy giảm, vì thế, người bệnh sẽ bị:
- Uể oải, mệt mỏi, luôn trong tình trạng thiếu năng lượng.
- Tăng cân dù không thay đổi chế độ ăn.
- Tóc mỏng, dễ bị rụng, da khô.
1.1.2. Tăng cholesterol và bệnh lý tim mạch
Suy tuyến giáp rất dễ khiến cholesterol trong máu tăng cao khiến cho nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng lên. Khi hormone tuyến giáp giảm, chức năng gan cũng bị ảnh hưởng, khả năng xử lý cholesterol kém đi. Điều này làm sự tích tụ cholesterol xấu trong mạch máu và dễ mắc bệnh lý tim mạch như xơ vữa động mạch, huyết áp cao và nhồi máu cơ tim.
1.2.3. Vấn đề về sinh sản
Ở phụ nữ, suy tuyến giáp có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến sinh sản. Những người bị suy tuyến giáp có thể gặp khó khăn trong việc mang thai do chu kỳ kinh nguyệt và khả năng rụng trứng bị ảnh hưởng.
Thai phụ không được điều trị suy giáp có thể sinh non hoặc sảy thai, suy giảm sức khỏe thai nhi.
1.2.4. Bướu cổ
Bệnh nhân suy giáp không được điều trị tích cực rất dễ phát triển bướu cổ. Nguyên nhân của biến chứng này là do tuyến giáp không sản xuất đủ hormone nên cơ thể sản sinh nhiều TSH hơn để kích thích tuyến giáp sản xuất hormone.
Bướu cổ hình thành không gây nguy hiểm ngay lập tức, nhưng nếu phát triển về kích thước sẽ gây khó thở và khó nuốt.
Suy tuyến giáp không điều trị tích cực có nguy cơ phát triển bướu cổ
1.2.5. Hôn mê do suy giáp
Người bệnh lo lắng suy tuyến giáp có nguy hiểm không cần đề phòng với biến chứng này. Trong trường hợp suy tuyến giáp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể gặp phải biến chứng nguy hôn mê do suy giáp. Đây là tình trạng cần cấp cứu ngay vì cơ thể không còn đủ hormone giáp để duy trì các chức năng sống cơ bản.
Người bị hôn mê do suy giáp thường có biểu hiện: da lạnh, chân tay phù nề, hôn mê. Nếu không được cấp cứu ngay, hôn mê do suy giáp rất dễ dẫn đến tử vong.
1.2. Nhóm đối tượng dễ gặp biến chứng
Vấn đề suy tuyến giáp có nguy hiểm không cần thận trọng với một số nhóm bệnh nhân có nguy cơ như:
- Người cao tuổi: Thường có xu hướng mắc suy tuyến giáp do lão hóa và có nguy cơ gặp phải các biến chứng nặng nề hơn như: bệnh tim mạch và suy giảm trí nhớ.
- Phụ nữ mang thai: Suy tuyến giáp không được điều trị trong thai kỳ có thể ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi: sảy thai, sinh non hoặc trẻ sinh ra có sự phát triển trí tuệ kém.
2. Phương pháp nào giúp chẩn đoán chính xác suy tuyến giáp?
Chẩn đoán suy giáp sớm giúp bệnh nhân được điều trị tích cực để tránh được các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Quy trình này thường gồm các phương pháp:
2.1. Khám lâm sàng và hỏi lịch sử bệnh
Bác sĩ sẽ kiểm tra vùng cổ của người bệnh và hỏi thông tin về các triệu chứng mà bệnh nhân gặp phải, tiền sử bệnh lý cá nhân và gia đình. Dựa trên các thông tin từ câu trả lời của bệnh nhân, bác sĩ sẽ có căn cứ chẩn đoán ban đầu để yêu cầu thực hiện thêm các xét nghiệm giúp xác định chính xác.
Khám và đánh giá bởi bác sĩ chuyên khoa giúp người bệnh biết suy tuyến giáp có nguy hiểm không
2.2. Kiểm tra cận lâm sàng
2.2.1. Xét nghiệm hormone tuyến giáp
Kết quả xét nghiệm là căn cứ để bác sĩ đánh giá tình trạng hoạt động của tuyến giáp, trong đó:
+ TSH cao thường cho thấy suy tuyến giáp do nguyên nhân tại tuyến giáp. TSH có thể giảm nếu như suy giáp do nguyên nhân từ tuyến yên.
+ T3 và T4 thấp giúp đánh giá tuyến giáp đang không đảm bảo chức năng bình thường.
2.2.2. Xét nghiệm kháng thể (Anti-TPO và Anti-TG)
Để chẩn đoán nguyên nhân gây ra nhược giáp, bác sĩ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm đo nồng độ kháng thể tự miễn trong máu:
+ Anti-TPO là kháng thể chống lại enzyme peroxidase, có vai trò trong tổng hợp hormone giáp.
+ Anti-TG là kháng thể chống lại protein thyroglobulin dùng trong quá trình tổng hợp hormone giáp.
Khi các xét nghiệm này cho thấy mức độ kháng thể cao có thể là dấu hiệu của bệnh lý tự miễn như bệnh Hashimoto gây suy giáp.
2.2.3. Siêu âm tuyến giáp
Kết quả siêu âm giúp bác sĩ quan sát kích thước và cấu trúc của tuyến giáp. Trong một số trường hợp, siêu âm có thể phát hiện các khối u, nhân giáp, hình ảnh viêm tuyến giáp hoặc sự thay đổi bất thường trong cấu trúc tuyến giáp. Qua siêu âm bác sĩ cũng có thể định hướng một số nguyên nhân gây suy giáp.
3. Phương pháp nào giúp điều trị hiệu quả suy tuyến giáp?
Điều trị suy giáp chủ yếu dùng thuốc bổ sung tuyến giáp để cải thiện các triệu chứng người bệnh gặp phải. Bác sĩ sẽ dựa trên tuổi, cân nặng, mức độ bệnh và kết quả xét nghiệm TSH để điều chỉnh liều thuốc phù hợp.
Bệnh nhân cần xét nghiệm định kỳ để đảm bảo liều thuốc phù hợp, tránh tình trạng quá liều gây cường giáp hoặc thiếu liều khiến triệu chứng suy giáp không cải thiện.
Ngoài ra, người bị suy giáp cũng cần:
- Bổ sung i-ốt từ muối, cá biển, rong biển,...
- Bổ sung thực phẩm giàu selen và kẽm như hạt óc chó, thịt gà, trứng để hỗ trợ chức năng tuyến giáp.
- Giảm tiêu thụ bông cải xanh, cải bắp và đậu nành.
- Nếu nguyên nhân suy giáp là do dùng một số thuốc ảnh hưởng đến tổng hợp hormon giáp, thì cần ngừng các thuốc đó nếu có thể.
Bệnh nhân suy tuyến giáp cần tái khám định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và có phương án điều chỉnh phác đồ điều trị khi cần thiết.
Suy tuyến giáp có nguy hiểm không cần được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra để đưa ra kết luận. Vì thế, khi có dấu hiệu nghi ngờ, người bệnh cần thăm khám để được đánh giá chính xác.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm tuyến giáp có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Hệ thống Y tế MEDLATEC qua tổng đài 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!