Tin tức

"Bách khoa toàn thư" các xét nghiệm nội tiết dùng trong chẩn đoán, sàng lọc và hỗ trợ sinh sản

Ngày 05/04/2024
Ban Biên tập
Nguyên nhân gây vô sinh hiếm muộn có thể là vợ, chồng, hoặc cả hai, để chẩn đoán nguyên nhân và hỗ trợ sinh sản không thể thiếu vai trò “dẫn đường” của các xét nghiệm nội tiết. Đó là những xét nghiệm nào? Thời gian “vàng” làm xét nghiệm? Ý nghĩa kết quả xét nghiệm... Tại hội thảo trực tuyến số 07: Giá trị của xét nghiệm trong chẩn đoán, sàng lọc và hỗ trợ sinh sản, do Hệ thống Y tế MEDLATEC tổ chức diễn ra chiều ngày 05/4 vừa qua, toàn bộ những vấn đề quan tâm của các cặp vợ chồng khó tìm con đã được chuyên gia đầu ngành - BSCKII. Phạm Thúy Nga - Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ về “bách khoa toàn thư” các xét nghiệm nội tiết.

Vì sao cần làm xét nghiệm nội tiết? 

Ước tính mỗi năm có hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Trong đó, khoảng 50% là cặp vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỉ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) đang gia tăng đến 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% các cặp vợ chồng vô sinh. 

Nguyên nhân gây vô sinh có thể đến từ nam, hoặc nữ hoặc cả hai, do đó, để xác định chính xác nguyên nhân vô sinh, theo các chuyên gia sản phụ khoa, những trường hợp này cả chồng và vợ nên đến các cơ sở y tế thăm khám. 


BSCKII. Phạm Thúy Nga - Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội chia sẻ toàn bộ xét nghiệm nội tiết dùng trong chẩn đoán, sàng lọc và hỗ trợ sinh sản tại hội thảo trực tuyến số 07, do Hệ thống Y tế MEDLATEC tổ chức ngày 05/4

Để truy tìm nguyên nhân gây vô sinh, từ đó có phương pháp hỗ trợ sinh phù hợp kịp thời, theo BSCKII. Phạm Thúy Nga - Trưởng khoa Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, các cặp đôi cần đến cơ sở y tế uy tín để được thực hiện làm xét nghiệm nội tiết. Các xét nghiệm nội tiết cần làm gồm những xét nghiệm nào? Ý nghĩa của những chỉ số xét nghiệm này thế nào? Đây cũng chính là nội dung được chuyên gia chia sẻ tại hội thảo trực tuyến số 07: Giá trị của xét nghiệm trong chẩn đoán, sàng lọc và hỗ trợ sinh sản, diễn ra chiều ngày 05/4 vừa qua. 

5 xét nghiệm nội tiết đầu tay trong sinh sản 

Theo chuyên gia, 5 xét nghiệm nội tiết quan trọng dùng trong chẩn đoán, sàng lọc và hỗ trợ sinh sản được bác sĩ sử dụng đầu tay gồm: AMH, FSH, LH, E2, Progesteron. Cụ thể thông tin về cơ chế nội tiết, thờ gian làm xét nghiệm, ý nghĩa kết quả... được chuyên gia chia sẻ cụ thể như sau: 

1. AMH (anti-mullerian hormone)

Xét nghiệm AMH là một xét nghiệm quan trọng để đánh giá sức khỏe sinh sản của nam/ nữ. Qua đó hỗ trợ chẩn đoán và điều trị cho các cặp vợ chồng hiếm muộn

Nói về sự xuất hiện AMH trong cơ thể, chuyên gia chia sẻ:  

Đối với nam giới: AMH được tiết ra bởi tế bào Sertoli trong tinh hoàn của bào thai bé trai để ức chế sự phát triển của ống Muller (Ức chế sự hình thành giới tính nữ). 

Đối với nữ giới: Từ thời điểm 36 tuần tuổi thai, trong cơ thể bé gái có sự hiện diện của AMH, được tiết ra từ tế bào hạt các nang noãn tiền hốc và các nang noãn có hốc nhỏ đang phát triển, nên có vai trò đánh giá dự trữ buồng trứng. Giá trị của AMH nhạy hơn FSH. 

Nồng độ AMH giảm dần theo độ tuổi, trong đó thường đạt đỉnh ở khoảng 25 tuổi và giảm dần đến lúc mãn kinh. Nếu kết quả dưới ngưỡng trung bình là giảm dự trữ buồng trứng. 

AMH đáng tin cậy nhất, tính ổn định cao. Xét nghiệm được tại mọi thời điểm trong chu kỳ kinh nguyệt

Xét nghiệm này được dùng để đánh giá tổn thương buồng trứng, hội chứng buồng trứng đa nang (khi kết quả tăng cao)… 

2. FSH (Follicle Stimulating Hormone)

Đây là chỉ số sinh sản quan trọng thứ 2, FSH có tác dụng kích thích sự phát triển nang noãn, được tiết ra từ tùy trước tuyến yên dưới tác động của GnRH vùng dưới đồi. 

Đối với nữ giới: Thường xét nghiệm vào ngày thứ 2- 3 chu kỳ kinh (còn gọi là FSH cơ bản).  

Giá trị bình thường: 2-10 mIU/ml. Chỉ số này tăng/giảm có ý nghĩa như sau: 

FSH cơ bản cao (>10mIU/ml): Đánh giả khả năng giảm dự trữ buồng trứng, suy buồng trứng. 

FSH thấp: Có thể nghĩ tới suy tuyến yên, rối loạn chức năng vùng hạ đồi… 

Đối với nam giới: FSH có tác dụng kích thích tế bào Sertoli sản sinh tinh trùng. Xét nghiệm này được chỉ định khi nam bệnh nhân có rối loạn sinh tinh, xét nghiệm tinh trùng kém 

FSH bình thường là từ 2-12 mIU/ ml. Khi tăng/giảm chỉ số này có ý nghĩa như sau:  

FSH tăng cao: Khi tinh hoàn không đáp ứng, hoặc đáp ứng kém với kích thích của nội tiết hướng sinh dục, gợi ý chẩn đoán quá trình sinh tinh bị tổn thương.  

FSH thấp: Là dấu hiệu của suy hạ đồi, suy tuyến yên.

3. LH (Luteinizing hormone)

Xét nghiệm nội tiết tiếp theo là chỉ số LH. LH được tiết ra từ thuỳ trước tuyến yên. 

Với nữ giới: LH có tác dụng kích thích tế bào vỏ nang trứng để tiết androgen, androgen kích thích tế bào hạt tổng hợp Estrogen. Đỉnh LH trong một chu kỳ kinh nguyệt thì đỉnh LH lập vào đoạn cuối pha nang noãn có tác dụng gây phóng noãn. 

Thời gian làm xét nghiệm LH: vào ngày thứ 2-3 của chu kỳ kinh (LH cơ bản). Nồng độ bình thường của LH cơ bản khoảng 2-10 IU/L. 

LH cơ bản cao: Suy buồng trứng, hoặc buồng trứng đa nang LH/FSH >1,5 IU/L. 

LH cơ bản thấp: Gợi ý suy hạ đồi, suy tuyến yên... 

Với nam giới: LH kích thích tế bào Leydig trong tinh hoàn sản sinh ra testosterone. Nồng độ bình thường của LH khoảng 2-10 IU/L. 

LH cao: Gợi ý chẩn đoán suy giảm chức năng tinh hoàn. 

LH thấp: Gợi ý suy hạ đồi, suy tuyến yên.  

4. E2 (Estradiol)

E2 là nội tiết vô cùng quan trọng, được tiết ra từ tế bào hạt của nang noãn dưới tác động của FSH. 

Thời gian làm xét nghiệm E2: Thường làm vào ngày đầu chu kỳ kinh, cùng FSH và LH.  

E2 có giá trị bình thường 20-80pg/ml. Kết quả tăng/ giảm có ý nghĩa tiên lượng bệnh lý như sau: 

E2 cao (> 80 pg/ml): Cho biết dự trữ buồng trứng giảm, tiên lượng kết quả điều trị IVF thấp, nang tồn dư... 

E2 thấp: Nghĩ đến nguy cơ suy buồng trứng, giảm dự trữ buồng trứng. 

Trong quá trình kích thích buồng trứng trong hỗ trợ sinh sản, E2 là xét nghiệm không thể thiếu để đánh giá đáp ứng với thuốc kích trứng. 

Lưu ý: Khi đánh giá E2 về dự trữ buồng trứng cần kết hợp với các xét nghiệm khác như AMH, FSH, hoặc siêu âm để đánh giá nang cả hai bên, không nên sử dụng một mình để đánh giá dự trữ buồng trứng (theo khuyến cáo của ASRM năm 2012).

5. Progesteron

Nội tiết sinh sản tiếp theo là Progesteron. Nguồn gốc Progesterone là một loại hormone sinh dục nữ, được tiết ra ở buồng trứng vào nửa sau chu kỳ kinh nguyệt, từ rau thai khi có thai và còn được tiết ra từ tuyến thượng thận. 

Tác dụng: Có vai trò quan trọng trong điều hòa chu kỳ kinh nguyệt và sự phát triển của thai nhi. 

Ứng dụng: 

  • Theo dõi phóng noãn: Định lượng P4 giữa pha hoàng thể (ngày 21-23 của chu kỳ 28 ngày). P4 > 3 ng/mL điển hình sự phóng noãn. 
  • Progesterone thấp khi mang thai nghĩ đến dấu hiệu cho nguy cơ bị sảy thai hoặc chuyển dạ sớm. 
  • Tiên lượng kết quả IVF: Nếu P4 > 1,5 ng/mL vào ngày tiêm rụng trứng: tiên lượng noãn chọc ra chất lượng kém và biến đổi tính chất niêm mạc tử cung. Hậu quả: giảm tỷ lệ có thai. 

6 xét nghiệm nội tiết hỗ trợ sinh sản 

Bên cạnh các chỉ số xét nghiệm nội tiết vô cùng quan trọng trong sinh sản nêu trên, chuyên gia chia sẻ, trong một số xét nghiệm khác được sử dụng trong một số trường hợp ít hơn, đó là các xét nghiệm sau: 

1. 17-OH progesterone 

Đây là hormon steroid do vỏ thượng thận tiết ra trong quá trình chuyển hoá Cholesterone thành cortisol, andosterone và testosterol. 

Xét nghiệm 17-OH-Progesterone là một trong những xét nghiệm giúp sàng lọc và chẩn đoán bệnh tăng sản tuyến thượng thận bẩm sinh (Congenital adrenal hyperplasia - CAH). 

Nồng độ bình thường khoảng từ 0 - 200 ng/dl. 

Nếu nồng độ đo được > 300ng/dl tức là đã mắc bệnh CAH.  

Nồng độ từ 200-300 ng/dl: cần kết hợp dấu hiệu lâm sàng - có thể chỉ định test kích thích với ACTH.

2. Prolactin 

Là hormone quan trọng do tế bào Lactotrope của thùy trước tuyến yên chế tiết, có vai trò quan trọng quyết định hoạt động và chức năng bình thường của cơ quan sinh dục, đặc biệt là kích thích sự phát triển của tuyến vú và tiết sữa sau khi sinh. 

Sự chế tiết prolactin có tính nhịp điệu trong ngày, vì vậy, nồng độ prolactin rất dao động. 

Nồng độ Prolactin bình thường là 22 - 406 mIU/ml. 

Prolactin cao gặp trong u tuyến yên, ở phụ nữ mang thai và cho con bú, stress… 

Tăng prolactin máu đối với nữ giới có thể gây rối loạn phóng noãn, vô kinh tiết sữa, rút ngắn pha hoàng thể… Đối với nam giới sẽ gây giảm ham muốn và bất thường sinh tinh. 

3. Testosterone 

Testosterone là nội tiết tố nam quan trọng, được sản xuất một lượng rất nhỏ ở tuyến thượng thận (4%), phần lớn nó được sản xuất từ tinh hoàn của nam giới (95%) và lượng nhỏ ở buồng trứng của nữ giới. 

Ở trong máu nó tồn tại dưới 3 dạng: dạng tự do, dạng liên kết lỏng lẻo với albumin và dạng gắn SHBG. Trong đó, chỉ dạng tự do và dạng liên kết lỏng lẻo với albumin là có hoạt tính sinh học.  

Có 2 chỉ số đánh giá Testosterone chính là Testosterone toàn phần và Testosterone tự do. 

3.1. Testosterone toàn phần 

Testosterone toàn phần là tổng nồng độ hormone testosterone có trong máu. Chỉ số này chỉ có ý nghĩa khi tỷ lệ giữa testosterone liên kết và testosterone tự do ở mức cân bằng sinh lý (98% dạng liên kết và 2% dạng tự do). 

Xét nghiệm được làm vào buổi sáng khi hormone này có nồng độ cao nhất.  

Nồng độ testosterone bình thường nằm trong khoảng 300-1.000 ng/dl. Nếu testosterone thấp sẽ khiến cho nam giới giảm hứng thú tình dục, không có khả năng cương cứng dương vật, vô sinh, mệt mỏi, giảm năng lượng và hứng thú trong hoạt động hàng ngày. 

3.2. Testosterone tự do 

Nồng độ free testosterone bình thường ở nam giới là 15-50 pg/mL. Ở nữ: <4,2 pg/mL 

Ở nữ, nồng độ quá cao Testosterone có thể là dấu hiệu của các bệnh u hiếm gặp hoặc tình trạng đa nang buồng trứng

4. 17-cetosteroid  

Là những chất tạo thành trong quá trình chuyển hóa các hormone giới tính nam như testosterone, androgen và các hormone khác do tuyến thượng thận sản xuất ra. Các chất này sẽ được bài tiết theo dòng nước tiểu để ra ngoài cơ thể. 

Ở nam giới, 17-cetosteroid có trong nước tiểu là từ 2 nguồn gốc: 1/3 là được chuyển hóa từ testosteron ở tinh hoàn và phần còn lại là từ các hormone androgen được sản xuất ở vỏ thượng thận. 

Ở phụ nữ và trẻ em, phần lớn chất này được sản xuất từ các hormone androgen của vỏ thượng thận do đó lượng 17-cetosteroid trong nước tiểu của nữ thường thấp hơn của nam. 

Thông qua việc định lượng 17-cetosteroid trong nước tiểu sẽ giúp đánh giá chức năng của vỏ tuyến thượng thận, tinh hoàn. 

5. SHBG (Sex hormone binding globulin) 

Là hormone giới tính gắn globulin, là một protein được sản xuất bởi gan và liên kết chặt chẽ với các hormone testosterone, DHT, estrogen. 

Ở nam giới, khoảng 45-65% lượng testosterone trong máu được liên kết với SHBG. 

Ở nữ giới, khoảng 66-78% lượng testosterone trong máu được liên kết với SHBG. SHBG đóng một vai trò không thể thiếu trong việc điều chỉnh các mức độ của hormone sinh dục nam (androgen) và estrogen lưu thông khắp cơ thể. 

Xét nghiệm đo lường mức độ SHBG trong máu thường được sử dụng để đánh giá sự thiếu hụt hoặc dư thừa testosterone. 

Giới hạn bình thường: 

  • Nam: 17,3 - 65,8 nmol/L; 
  • Nữ: tiền mãn kinh: 27,8-146 nmol/L, mãn kinh: 12 - 166 nmol/L.

6. Anti Phospholipid 

Đây là xét nghiệm nội tiết được bác sĩ chỉ định thường quy hơn. Xét nghiệm này được chỉ định khi phụ nữ có biến chứng thai nghén, sảy thai nhiều lần, thai chết lưu không rõ nguyên nhân. 

Xét nghiệm Anti Phospholipid 7 chỉ số: Anti Cardiolipin IgM, Anti Cardioilipin IgG, Anti beta 2 glycoprotein IgM, Anti beta 2 glycoprotein IgG, Anti Phospholipid IgM, LA... 

Nếu kết quả dương tính, cho thấy thai phụ có kháng thể Anti Phospholipid trong máu. Xét nghiệm 7 thông số này thường cho kết quả dương tính khi phụ nữ đang mang thai hoặc vừa mới sảy thai chưa quá 1 tháng. 

Cần chẩn đoán khi dương tính ít nhất 2 lần, 2 lần cách nhau ít nhất 12 tuần, kết quả dương tính cần làm lại sau mỗi 6 tuần. 

Tuy nhiên, nữ giới thường được chỉ định làm danh mục xét nghiệm này nhiều hơn. Xét nghiệm nội tiết chính là một trong những phương pháp thăm dò khả năng sinh sản ở nữ giới hoặc nam giới.  

Bên cạnh những thông tin chia sẻ về “bách khoa toàn thư” các xét nghiệm nội tiết dùng trong chẩn đoán, sàng lọc và hỗ trợ sinh sản, tại hội thảo này chuyên gia đã dành phần lớn thời gian giải đáp các câu hỏi, tình huống thực tế của bác sĩ, bệnh nhân ở khắp cả nước gửi về chương trình. 

Sau 1,5 giờ chia sẻ, giải đáp hăng say của chuyên gia, hội thảo trực tuyến số 07 “Giá trị của xét nghiệm trong chẩn đoán, sàng lọc và hỗ trợ sinh sản” đã khép lại thành công tốt đẹp. Hy vọng rằng những thông tin khoa học, cùng kinh nghiệm quy báu từ trong thực tế được chuyên gia chia sẻ ngắn gọn, xúc tích sẽ giúp các bác sĩ sản khoa trên cả nước trau dồi thêm kinh nghiệm giúp vững vàng hơn trong công tác chuyên môn để cùng mang đến niềm vui, hạnh phúc trên hành trình tìm con yêu của các cặp vợ chồng hiếm muộn được nhanh và tiết kiệm chi phí, thời gian nhất. 

Hệ thống Y tế MEDLATEC đáp ứng đầy đủ xét nghiệm nội tiết chẩn đoán, sàng lọc và hỗ trợ sinh sản

Tại Hệ thống Y tế MEDLATEC, với kinh nghiệm của đơn vị có gần 30 năm hoạt động trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, MEDLATEC là địa chỉ y tế uy tín phục khám chữa bệnh đa chuyên khoa. Riêng lĩnh vực sản phụ khoa, hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn đã đến và điều trị thành công tại đây. Bởi MEDLATEC sở hữu đầy đủ các thế mạnh như là nơi quy tụ đội ngũ chuyên gia/bác sĩ Sản khoa, Di truyền, Nhi khoa... đầu ngành, giàu kinh nghiệm, trang bị đồng bộ hệ thống máy xét nghiệm hiện đại bậc nhất Việt Nam thực hiện trên 2.000 danh mục xét nghiệm với hai tiêu chuẩn quốc tế ISO 15189:2012 và CAP, Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh hiện đại với đầy đủ máy móc, thiết bị tối tân, quy trình thăm khám khép kín, riêng tư... 

Bên cạnh đến thăm khám tại Hệ thống Y tế MEDLATEC – đơn vị có độ phủ rộng nhất cả nước với hơn 200 cơ sở trên toàn quốc, để tiết kiệm thời gian, công sức, người dân có thể lựa chọn dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tận nơi để được phục vụ kịp thời, nhanh chóng và tiện lợi bằng cách đăng ký dịch vụ qua tổng đài 1900 56 56 56, hoặc app My Medlatec. 

Chương trình tọa đàm tiếp theo, Hội thảo trực tuyến số 8: Vai trò của xét nghiệm AMH trong thực hành lầm sàng, sẽ được diễn ra vào 15h00-16h30, ngày 12/04/2024, do ThS.BS Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chủ trì. 

Hội thảo trực tuyến số 8: Vai trò của xét nghiệm AMH trong thực hành lầm sàng, sẽ được diễn ra vào 15h00-16h30, ngày 12/04/2024, do ThS.BS Nguyễn Việt Quang - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia, Bệnh viện Phụ sản Trung ương chủ trì

Chương trình được phát sóng trực tiếp tại fanpage Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Tham gia hội thảo, Quý bác sĩ có cơ hội được cấp chứng nhận CME với điều kiện nhận CME gồm: 

- Tham gia tối thiểu 80% thời lượng của chương trình. 

- Và làm bài Post-test đạt từ 50% điểm trở lên. 

Ngay bây giờ, quý vị đăng ký tham dự có thể truy cập TẠI ĐÂY. 

Mọi thông tin cần giải đáp về Hội nghị, quý vị vui lòng liên hệ ThS.BS Bùi Văn Long - SĐT: 038 881 2342. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.