Tin tức
3 nguyên nhân dẫn đến viêm kết mạc cấp và cách phòng ngừa
- 23/09/2022 | Viêm bờ mi mắt có nguy hiểm không và điều trị như thế nào?
- 22/09/2022 | Tác nhân gây đau mắt đỏ và diễn biến của bệnh
- 07/09/2022 | Liên tục bị chói mắt là dấu hiệu của bệnh lý gì?
1. Những nguyên nhân gây viêm kết mạc cấp
Kết mạc là bộ phận có dạng màng mỏng trong suốt, bao phủ lên củng mạc của nhãn cầu, có chứa hệ thống mạch máu nhỏ phức tạp. Vì vậy, viêm kết mạc cấp tính thường gây đỏ mắt do các mạch máu tại đây bị viêm sung huyết, đây cũng là nguyên nhân bệnh còn được gọi là đau mắt đỏ.
Viêm kết mạc cấp còn gọi là đau mắt đỏ
Viêm kết mạc cấp có thể gặp ở bất cứ thời điểm nào trong năm, ở nhiều nơi có thể bùng dịch do bệnh có khả năng lây truyền nhanh. Nguyên nhân gây viêm kết mạc cấp tính rất đa dạng, song có 3 nguyên nhân chính là virus, vi khuẩn và dị ứng là phổ biến nhất. Tùy theo nguyên nhân mà tiến triển bệnh có thể khác nhau.
1.1. Viêm kết mạc do virus
Viêm kết mạc cấp tính do virus là phổ biến nhất, chiếm khoảng 80% tổng ca bệnh. Virus gây bệnh thường là Adenovirrus, Herpes hoặc Enterovirus. Người bệnh xuất hiện triệu chứng viêm kết mạc ồ ạt sau khi nhiễm virus một vài ngày như:
Viêm kết mạc cấp thường do nhiễm virus
-
Ghèn mắt nhầy lỏng.
-
Chảy nước mắt nhiều và liên tục.
-
Cảm giác cộm ở mắt như có vật lạ.
-
Xuất hiện hạch ở dưới tai, khi sờ vào thấy đau.
-
Hai mắt đỏ, sưng, cương tụ.
-
Hai mi mắt sưng phồng, có hiện tượng phù kết mạc.
Triệu chứng viêm kết mạc do virus thường xuất hiện nhanh và ồ ạt, tuy nhiên thường không quá nghiêm trọng. Tiến triển bệnh kéo dài trong khoảng 7 - 10 ngày, triệu chứng sẽ giảm dần và không để lại tổn thương mắt nếu được điều trị tích cực.
Virus gây bệnh có trong dịch mắt của người bệnh, bám vào vật dụng và lây nhiễm cho những người xung quanh. Đây là lí do khiến bệnh đau mắt đỏ dễ bùng thành dịch, đặc biệt vào thời điểm giao mùa khi virus phát triển mạnh.
1.2. Viêm kết mạc cấp tính do vi khuẩn
Dù ít phổ biến hơn viêm kết mạc cấp tính do virus nhưng tác nhân gây bệnh này thường làm tổn thương mắt nặng và kéo dài hơn. Vi khuẩn thường tấn công kết mạc gây viêm bao gồm: não mô cầu, lậu cầu, phế cầu, tụ cầu vàng,... Ngoài mắt, vi khuẩn có thể cùng tấn công vào nhiều cơ quan khác như cơ quan hô hấp, gây viêm đồng thời.
Viêm kết mạc cấp do vi khuẩn thường khá nặng
Vi khuẩn xâm nhập vào mắt thường từ vật dụng hàng ngày không được vệ sinh tốt hoặc tay dụi mắt mang theo vi khuẩn. Khác với virus, vi khuẩn gây viêm nhiễm kết mạc nặng hơn, các triệu chứng gây ra bao gồm:
-
Chảy nhiều nước mắt, cộm, ngứa mắt.
-
Dịch mắt trở nên đặc, chứa mủ khiến hai mí mắt dính lại, khó mở nhất là vào buổi sáng.
-
Mắt tiết nhiều mủ có màu vàng, trắng hoặc xanh lá, nhất là vào buổi sáng.
-
Viêm đỏ kết mạc, quan sát thấy có nhiều tia máu hằn rõ, thường ở 1 bên mắt và lây sang bên mắt còn lại.
Viêm kết mạc do vi khuẩn, nhất là lậu cầu hoặc Chlamydia trachomatis nếu không điều trị tốt có thể gây 1 số biến chứng nặng cho mắt như: loét giác mạc, thủng mắt, mắt hột, sẹo kết mạc,...
1.3. Viêm kết mạc cấp tính do dị ứng
Viêm kết mạc cấp tính là một trong những triệu chứng dị ứng ở người có cơ địa mẫn cảm, tiếp xúc với tác nhân dị ứng có thể là phấn hoa, lông động vật, mỹ phẩm, khói bụi,... Triệu chứng viêm kết mạc do dị ứng xuất hiện dồn dập như: mắt đỏ, cộm, phù hai mí mắt, mắt ngứa nhiều, ghèn mắt lỏng,...
Dị ứng cũng là một nguyên nhân gây viêm kết mạc cấp
Trường hợp viêm kết mạc cấp tính này không lây nhiễm và ít khi gây biến chứng nguy hiểm, người bệnh cần tránh xa tác nhân gây dị ứng. Từ đó phản ứng dị ứng sẽ giảm dần và các triệu chứng viêm kết mạc cũng dần biến mất.
2. Làm gì để ngăn ngừa viêm kết mạc lây nhiễm?
Viêm kết mạc mắt hầu hết không nguy hiểm đến mắt nhưng có thể ảnh hưởng đến thị lực nếu điều trị không tốt. Nhận biết sớm triệu chứng bệnh để điều trị tích cực là rất quan trọng, vừa rút ngắn thời gian tiến triển bệnh vừa phòng ngừa biến chứng cho mắt.
Thời gian viêm kết mạc diễn biến thường trong khoảng 1 tuần, dài hơn có thể từ 10 - 15 ngày. Đặc biệt viêm kết mạc do virus rất phổ biến, bệnh dễ lây lan bùng thành dịch lớn khi không có biện pháp cách ly người bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm.
Để ngăn ngừa lây nhiễm, nhất là vào thời điểm thời tiết chuyển mùa, bản thân người bệnh cần lưu ý tự cách ly như sau:
-
Hạn chế tiếp xúc với những người xung quanh khi mắc bệnh, trong trường hợp bắt buộc thì thông báo với mọi người về tình trạng bệnh của mình để tránh vô tình lây nhiễm.
-
Không sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm, cọ mi, đồ trang điểm, thuốc nhỏ mắt với người khác.
-
Rửa tay bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thường xuyên, nhất là sau khi chạm vào mắt để tránh tác nhân gây bệnh có trong nước mắt dính vào đồ vật.
-
Nên tự cách ly ở nhà, không đi học, đi làm khi bị bệnh, nếu cần thiết thì cần có thiết bị bảo hộ tránh lây nhiễm.
Người bệnh viêm kết mạc cấp cần cách ly ngừa lây nhiễm
Mặc dù viêm kết mạc cấp tính hầu hết không nguy hiểm nhưng bệnh dễ lây lan nên cần thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa. Chuyên khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC là địa chỉ được nhiều bệnh nhân tin tưởng khi có vấn đề sức khỏe về mắt cần thăm khám và điều trị.
Đội ngũ chuyên gia nhiều năm trong nghề, tận tâm với bệnh nhân, liên tục cập nhật kiến thức y khoa cùng hệ thống trang thiết bị hiện đại, hỗ trợ bác sĩ hiệu quả trong quá trình thăm khám bệnh, giúp bệnh nhân có thể tiếp cận phương pháp điều trị tối ưu.
Nếu cần tư vấn thêm, khách hàng có thể liên hệ MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn hoàn toàn miễn phí.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!