Tin tức

3 yếu tố giúp phân biệt viêm phổi và viêm phế quản

Ngày 23/04/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Các bệnh đường hô hấp nói chung thường có triệu chứng khá giống nhau, gây khó khăn cho việc chẩn đoán, điều trị. Trong đó, phân biệt viêm phổi và viêm phế quản là thắc mắc của rất nhiều bệnh nhân bởi hai bệnh đều gây ảnh hưởng đến phổ, có nhiều triệu chứng giống nhau. Nếu phân biệt, điều trị sai, bệnh tình có thể nặng hơn kéo theo những biến chứng nguy hiểm.

1. Những đặc điểm cơ bản giúp phân biệt viêm phổi và viêm phế quản

Viêm phổi và viêm phế quản đều là các bệnh viêm đường hô hấp dưới, gây triệu chứng tương tự nhau và ảnh hưởng đến phổi. Tuy nhiên, cơ quan bị tổn thương và viêm khác nhau, do đó tiến triển bệnh và điều trị là khác nhau. Cần phân biệt chính xác hai bệnh để chẩn đoán sớm, điều trị bệnh hiệu quả. 

Phân biệt viêm phổi và viêm phế quản

Viêm phổi và viêm phế quản đều gây triệu chứng ho

Dưới đây là một số đặc điểm giúp phân biệt viêm phổi và viêm phế quản:

1.1. Vị trí tổn thương

Giống như tên gọi, viêm phổi và viêm phế quản do tổn thương gây viêm ở những bộ phận khác nhau thuộc đường hô hấp dưới, cụ thể:

Viêm phổi

Vị trí tổn thương là các túi khí, hay còn gọi là phế nang - nơi trao đổi oxy vào máu để vận chuyển đi khắp cơ thể. Bệnh viêm phổi sẽ khiến các phế nang bị sưng viêm, chứa đầy dịch và mủ ảnh hưởng tới trao đổi oxy.

Viêm phế quản

Vị trí tổn thương là lớp niêm mạc bên trong phế quản - nơi không khi cần đi qua trước khi ra vào phổi. Bệnh nhân có thể ở dạng viêm phế quản cấp tính do virus hoặc vi khuẩn gây bệnh hoặc mãn tính khiến niêm mạc phế quản trở nên nhạy cảm, dễ viêm khi tiếp xúc với tác nhân kích thích như: thời tiết, môi trường, vi sinh vật,…

Vị trí tổn thương là lớp niêm mạc bên trong phế quản nơi không khi cần đi qua trước khi ra vào phổi

Vị trí tổn thương là lớp niêm mạc bên trong phế quản - nơi không khi cần đi qua trước khi ra vào phổi

Viêm phế quản hoàn toàn có thể tiến triển nặng, gây viêm phổi song viêm phổi ít khi lan đến phế quản gây viêm cho cơ quan thứ hai này.

1.2. Triệu chứng

Triệu chứng là cơ sở để chúng ta phát hiện bệnh cũng như phân biệt với các bệnh lý khác, từ đó điều trị dễ dàng và hiệu quả hơn. Một điều khó khăn để phân biệt viêm phổi và viêm phế quản là hai bệnh có nhiều triệu chứng giống nhau như: sốt, cơ thể mệt mỏi, ho có đờm,… Tuy nhiên, nếu chú ý bạn vẫn có thể phân biệt triệu chứng hai bệnh này khác nhau như sau:

Triệu chứng viêm phế quản

Còn tùy thuộc vào thể bệnh cấp tính hay mãn tính mà bệnh nhân viêm phế quản có thể có triệu chứng hơi khác biệt. Nhận biết như sau:

Viêm phế quản cấp tính

Triệu chứng bệnh khá giống với viêm đường hô hấp trên như: Sốt, sổ mũi, đau họng, mệt mỏi, ớn lạnh, đau nhức cơ thể, đau đầu, ngạt mũi, ho (cơn ho có thể xuất hiện nhiều về đêm, có thể ho có đờm),… Do tác nhân gây viêm phế quản chủ yếu là vi sinh vật nên triệu chứng đặc trưng xuất hiện khá sớm, ví dụ như đờm màu vàng hoặc xanh lục nếu tác nhân là vi khuẩn. Viêm phế quản do virus ít gặp hơn song thường gây triệu chứng toàn thân khá rõ ràng, dịch hô hấp thường trong và loãng.

Triệu chứng viêm phế quản cấp tính thường không kéo dài và ít khi tiến triển nặng, sau khoảng vài ngày đến 1 tuần sẽ tự thuyên giảm. Riêng triệu chứng ho thường kéo dài lâu hơn sau khi triệu chứng khác đã biến mất.

Viêm phế quản mãn tính chỉ có thể kiểm soát và ngăn ngừa tiến triển bệnh

Viêm phế quản mãn tính chỉ có thể kiểm soát và ngăn ngừa tiến triển bệnh

Viêm phế quản mãn tính

Tình trạng ho thường kéo dài dai dẳng hơn so với cấp tính, kéo dài ít nhất 3 tháng. Tình trạng ho thường trầm trọng dần theo từng đợt khởi phát. Nếu liên quan đến bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, triệu chứng đi kèm có thể có như: Cơ thể mệt mỏi, thở nông, hay bị hụt hơi, thở khò khè, tức ngực khó chịu,…

Triệu chứng viêm phổi

Triệu chứng điển hình của viêm phổi cũng là ho nhưng thường nghiêm trọng và kèm theo đau sâu trong phổi, ho có thể theo đờm màu xanh hoặc màu vàng. Ngoài ra, bệnh nhân còn xuất hiện các triệu chứng khác như:

  • Đổ mồ hôi nhiều bất thường.

  • Thường xuyên buồn nôn, tiêu chảy, nôn mửa.

  • Hơi thở nông.

  • Sốt cao, thậm chí có thể sốt đến 40 độ C gây co giật.

  • Đau ngực nghiêm trọng, nhất là khi ho hoặc hít thở sâu.

  • Thường xuyên ớn lạnh, run người.

  • Tinh thần không tỉnh táo, thường xuyên lơ mơ.

  • Thiếu hụt oxy từ ít đến nhiều, gây da xanh xao, môi tái nhợt.

Viêm phổi càng nặng thì triệu chứng càng nhiều và rõ ràng, triệu chứng phân biệt rõ nhất với viêm phế quản là tình trạng ớn lạnh và sốt cao bất thường.

Như vậy có thể thấy, triệu chứng viêm phổi thường nặng hơn nhiều so với viêm phế quản, đặc biệt ở bệnh nhân cao tuổi hoặc từng mắc bệnh lý phổi khác. 

1.3. Tiên lượng bệnh

Không chỉ có triệu chứng bệnh nặng hơn, viêm phổi còn có tiên lượng và tiến triển bệnh nguy hiểm hơn nhiều so với viêm phế quản. Nếu không phát hiện sớm, viêm phổi có thể nặng dần và gây ra biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe.

Viêm phổi thường nặng và tiên lượng xấu hơn

Viêm phổi thường nặng và tiên lượng xấu hơn

Viêm phế quản thường đáp ứng điều trị tốt, triệu chứng cũng không quá nghiêm trọng. Thời gian triệu chứng khởi phát có thể là vài ngày đến vài tuần và có thể tự khỏi với thuốc điều trị thông thường. Song cần cẩn thận với viêm phế quản tiến triển vào viêm phổi, điều trị khó khăn và nguy cơ biến chứng cao hơn.

2. Lưu ý trong điều trị viêm phổi và viêm phế quản

Khi đã xác định chính xác được bệnh nhân bị viêm phế quản hay viêm phổi, việc điều trị sẽ dễ dàng hơn. Cụ thể như sau:

2.1. Điều trị viêm phế quản

Với bệnh nhân viêm cấp tính, cần phân biệt tác nhân gây bệnh là virus hay vi khuẩn để sử dụng thuốc điều trị phù hợp. Với bệnh do vi khuẩn, dùng thuốc kháng sinh liều phù hợp sẽ có hiệu quả. Nhưng nếu dùng thuốc kháng sinh cho bệnh nhân viêm phế quản do virus, không những không đáp ứng điều trị mà còn có nguy cơ nhờn thuốc. Đa phần bệnh nhân được điều trị triệu chứng, tự nghỉ ngơi chăm sóc để tăng cường hệ miễn dịch tiêu diệt virus.

Còn viêm phế quản mạn tính hiện chưa có cách chữa trị hoàn toàn, bác sĩ sẽ tập trung điều trị giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế bùng phát và ngăn ngừa biến chứng. Một số thuốc thường được chỉ định dùng là thuốc hít giảm viêm, thông thoáng đường thở, thuốc steroid.

Bệnh nhân viêm phổi cần được điều trị và theo dõi cẩn thận

Bệnh nhân viêm phổi cần được điều trị và theo dõi cẩn thận

2.2. Điều trị viêm phổi

Cần xác định viêm phổi là bệnh nguy hiểm, phải nhập viện theo dõi và điều trị theo chỉ định của bác sĩ. Đặc biệt những bệnh nhân viêm phổi nặng, không thể thở hoặc khó khăn khi thở phải dùng máy thở hoặc liệu pháp oxy để duy trì sự sống.

Không nên chủ quan dù bạn mắc viêm phế quản hay viêm phổi, bệnh hoàn toàn có thể tiến triển nặng gây biến chứng nếu không điều trị sớm và đúng cách. Vì thế, hãy đi khám bác sĩ để chẩn đoán chính xác bệnh cũng như điều trị bệnh sớm.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.