Tin tức

5 cách chữa cháy nắng hiệu quả ngay tức thì

Ngày 08/06/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Mùa hè với ánh nắng mặt trời ngập tràn là mùa được yêu thích nhất với nhiều hoạt động thể thao, giải trí. Tuy nhiên, nếu không bảo vệ tốt, làn da của bạn sẽ gặp phải vấn đề như cháy nắng, sạm đen. Vậy nếu không may bị cháy nắng, cần làm gì để khắc phục, giúp da phục hồi và trắng trở lại?

1. Nhận diện tình trạng da bị cháy nắng

Cháy nắng là tình trạng da bị tổn thương do tia UV năng lượng cao khi tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trong thời gian dài. Một số trường hợp da bị cháy nắng do tiếp xúc với những nguồn ánh sáng nhân tạo mạnh khác.

 chữa cháy nắng hiệu quả

Cháy nắng là tình trạng tổn thương da nặng do ánh nắng

Làn da bị cháy nắng sẽ gặp phải các tình trạng sau: sờ da thấy nóng, da bị đỏ ửng, đau, sưng nề và ngứa da, xuất hiện các bọng nước nhỏ ở bề mặt da đi kèm với các dấu hiệu toàn thân. Cháy nắng nghiêm trọng sẽ khiến người bệnh bị sốt cao, đau đầu, nôn mửa, ý thức mơ hồ bởi không chỉ làn da mà cơ thể cũng bị ảnh hưởng xấu bởi ánh nắng mặt trời.

Bất cứ phần da trên cơ thể nào cũng có thể bị cháy nắng khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời mạnh trong thời gian dài, kể cả các phần da được che chắn nhưng vật liệu che chắn mỏng không thể ngăn hoàn toàn tia UV xâm nhập.

Dấu hiệu da cháy nắng thường xuất hiện sau khoảng vài giờ sau khi da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và kéo dài nhiều ngày. Tùy vào mức độ tổn thương mà da cháy nắng có thể hồi phục khi lớp tế bào da mới hình thành sau vài ngày hoặc lâu hơn. Các biện pháp chăm sóc da tốt sẽ giúp da cháy nắng phục hồi nhanh và hoàn toàn hơn.

 chữa cháy nắng hiệu quả

Da bị cháy nắng xuất hiện sau khi tiếp xúc với nắng khoảng vài giờ

Thực tế, tình trạng cháy nắng da là do tia cực tím, còn gọi là tia UV năng lượng cao có trong ánh nắng mặt trời chiếu trên da. Các tia này có thể gây tổn thương tế bào da, mức độ nặng gây bỏng da, ung thư da. Melanin là thành phần sắc tố có vai trò quy định màu sắc da, tia UV là tác nhân làm tăng sản xuất melanin nên khiến da bị sạm đen khi tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời trực tiếp.

2. Bác sĩ Da liễu hướng dẫn cách chữa cháy nắng hiệu quả

Khi được xử lý nhanh chóng và đúng cách, da bị cháy nắng sẽ giảm tổn thương, hồi phục nhanh chóng hơn. Các biện pháp chữa cháy nắng hiệu quả được các chuyên gia khuyên nên áp dụng càng sớm càng tốt khi da bị cháy nắng bao gồm:

2.1. Sử dụng nước mát làm dịu da

Cháy nắng thực tế là phản ứng viêm của da, cách để làm dịu cháy nắng nhanh nhất là hạ nhiệt độ cho khu vực da bị ảnh hưởng. Do đó, ngay khi da có dấu hiệu bỏng rát cháy nắng, cần làm mát ngay bằng nước mát. Không cần thiết phải sử dụng nước đá vì có thể gây bỏng nặng thêm cho da, chỉ cần dùng nước sạch mát bình thường để làm dịu da.

Nên tránh dùng nước ở hồ bơi hoặc nước biển để làm dịu cho da bị cháy nắng bởi thành phần clo có thể gây kích ứng da, ngoài ra muối biển cũng khiến da bị ảnh hưởng bởi ánh nắng nhiều hơn.

 chữa cháy nắng hiệu quả

Dùng nha đam giúp làm dịu tình trạng da cháy nắng

2.2. Bôi gel nha đam cho da bị cháy nắng

Phần gel bên trong lá cây nha đam được rất nhiều chị em yêu thích, sử dụng trong làm đẹp da bởi thành phần cấp ẩm rất tốt. Khả năng làm mát, làm dịu da, giảm kích ứng này rất tốt cho những làn da bị bỏng cháy nắng.

Khi da bị cháy nắng, hãy bôi trực tiếp lớp gel nha đam lên da để cung cấp độ ẩm, giảm kích ứng và bỏng da một cách nhanh chóng. Tuy nhiên một số người có làn da nhạy cảm, bị kích ứng do 1 số chất trong gel nha đam thì không nên áp dụng cách này.

2.3. Làm dịu da với sữa chua không đường

Sữa chua không chỉ là thực phẩm bổ dưỡng, tốt cho tiêu hóa do chứa nhiều vi sinh vật có lợi mà còn có tác dụng làm dịu, xua tan cảm giác ngứa rát do cháy nắng rất hiệu quả. Sau khi bôi và giữ trên da từ 5 - 10 phút, bạn sẽ thấy cảm giác ngứa rát, mẩn đỏ trên da giảm đi đáng kể, da sau đó sẽ phục hồi tốt hơn.

 chữa cháy nắng hiệu quả

Dùng sữa chua không đường làm mát cho vùng da cháy nắng

Lưu ý trước khi bôi sữa chua, cần rửa mặt và vùng da cháy nắng sạch. Sau khi dùng sữa chua không đường, dùng khăn mềm để lau khô da, tránh chà xát khiến da tổn thương nặng hơn.

2.4. Dùng baking soda và bột yến mạch chữa da bị cháy nắng

Cách này được khá nhiều chị em áp dụng, vừa giúp giảm nhẹ tổn thương do cháy nắng trên da, vừa có tác dụng thư giãn rất tốt. Bạn sử dụng vài muống baking soda, pha với bột yến mạch vào bồn tắm cùng nước mát, ngâm mình trong khoảng từ 15 - 20 phút. Sau đó, da sẽ lấy lại độ ẩm tự nhiên, giảm tình trạng kích ứng ngứa rát đáng kể.

2.5. Dưỡng ẩm cho da

Da bị cháy nắng nói riêng và các dạng kích ứng khác nói chung, cung cấp độ ẩm cho da là bước vô cùng quan trọng để làm mềm, làm dịu da, tăng tốc độ hồi phục da. Ngoài các biện pháp xử trí ban đầu khi da bị cháy nắng, cần chăm sóc liên tục bằng cách dưỡng ẩm tốt cho da.

Kem dưỡng ẩm bạn nên lựa chọn chứa các thành phần lành tính, chuyên biệt dành cho da nhạy cảm hoặc da bị tổn thương, không chứa chất tạo hương, tạo màu. Những thành phần xấu trong kem dưỡng ẩm có thể gây kích ứng da ngược và khiến tổn thương cháy nắng da nghiêm trọng hơn.

Nếu tình trạng cháy nắng nghiêm trọng, người bệnh có các dấu hiệu như: nhiễm trùng đau sưng trên da, người lờ đờ mệt mỏi, mất ý thức,… thì cần đưa đến ngay cơ sở y tế gần nhất để can thiệp. Rất nhiều trường hợp say nắng can thiệp muộn gây ra hậu quả đáng tiếc.

 chữa cháy nắng hiệu quả

Đừng quên sử dụng kem dưỡng ẩm để da cháy nắng nhanh hồi phục

Những cách chữa cháy nắng trên đều cho hiệu quả ngay tức thì, bạn hãy lưu ngay lại để áp dụng khi cần thiết. Nếu cần tư vấn thêm về cháy nắng hay các dạng tổn thương da khác, hãy liên hệ với các chuyên gia MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ