Tin tức
5 dấu hiệu suy tim do cao huyết áp theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ
- 06/04/2021 | Suy tim mất bù: nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- 02/04/2020 | Xét nghiệm NT-pro BNP, dấu ấn không thể thiếu trong chẩn đoán bệnh suy tim
- 17/12/2020 | Dấu hiệu cao huyết áp dễ nhận biết và biến chứng của bệnh
1. Vì sao cao huyết áp có thể gây suy tim bạn đã biết chưa?
Huyết áp là lực tác động của máu lên thành động mạch. Chỉ số huyết áp >= 140/90 mmHg được định nghĩa là huyết áp cao (theo WHO).
Huyết áp thường được đo ở tĩnh mạch cánh tay
Suy tim do tăng huyết áp diễn ra âm thầm trong nhiều năm. Huyết áp tăng cao khiến tim bơm máu khó khăn hơn, cơ tim phải làm việc nhiều hơn, từ đó lâu dài dẫn đến cơ tim phát triển dày lên và thay đổi cấu trúc tim.
Ngoài ra, thành mạch máu cũng dày lên (hậu quả của tăng huyết áp) sẽ làm giảm tính đàn hồi của mạch máu và tăng khả năng tích tụ chất béo tại động mạch vành. Điều này dẫn đến chức năng tim rối loạn và người bệnh phải đối mặt với các cơn đau tim khá thường xuyên, nguy cơ mắc các bệnh lý như nhồi máu cơ tim, suy tim ứ huyết.
Cao huyết áp có thể gây suy tim nếu không kiểm soát tốt
2. Dấu hiệu suy tim do cao huyết áp dễ nhận biết
Cao huyết áp ban đầu chỉ khiến tim phải hoạt động nhiều hơn, dần dần mới khiến chức năng tim suy giảm. Triệu chứng giai đoạn đầu suy tim do cao huyết áp vì thế cũng không rõ ràng, khó phát hiện.
Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ đã đưa ra 5 dấu hiệu sớm FACES để phát hiện và chẩn đoán dấu hiệu suy tim do cao huyết áp, cụ thể như sau:
2.1. Mệt mỏi (Fatigue)
Triệu chứng này xảy ra khi cao huyết áp kéo dài, khiến chức năng tim suy giảm, hoạt động bơm máu không đảm bảo. Do đó, các tế bào của cơ thể không nhận được đủ máu chứa oxy và năng lượng để hoạt động, gây ra cảm giác mệt mỏi chung.
Mệt mỏi ở bệnh nhân suy tim do cao huyết áp có đặc điểm là xảy ra ở tất cả thời gian trong ngày, nhận thấy rõ ràng nhất khi bệnh nhân leo cầu thang, đi bộ kéo dài,…
2.2. Hạn chế vận động (Activity Limited)
Người mắc bệnh suy tim, đặc biệt suy tim tiến triển từ cao huyết áp thường cảm thấy mệt mỏi, khó thở kể cả trong các hoạt động bình thường lẫn gắng sức gây ra hạn chế vận động. Tình trạng này có thể nghiêm trọng hạn chế cả hoạt động sinh hoạt hàng ngày, ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe.
Suy tim do cao huyết áp gây hạn chế vận động cho bệnh nhân
2.3. Ứ trệ, sung huyết (Congestion)
Đây là triệu chứng cao huyết áp gây suy tim khiến cho hoạt động bơm máu giảm, chất lỏng tích tụ trong phổi gây sung huyết. Bệnh nhân sẽ xuất hiện tình trạng ho, khó thở, thở khò khè dai dẳng. Đôi khi bệnh nhân có thể ho ra chất nhầy trắng hoặc hồng là dịch lỏng ứ trệ.
2.4. Phù, sưng mắt cá chân (Edema)
Khi tiến triển thành suy tim, hoạt động bơm máu của tim để lưu thông máu từ các chi dưới trở về tim bị yếu đi, khiến chất lỏng tích tụ nhiều hơn. Kết quả là tình trạng sưng phù mắt cá chân, chân, đùi hoặc bụng. Bệnh nhân vì thế có thể tăng cân nhanh chóng nhưng chủ yếu tập trung ở vùng dưới cơ thể, cảm giác không chắc chắn.
2.5. Khó thở (Shortness)
Khó thở do suy tim thường gặp khi hoạt động, nhưng nếu suy tim trở nên nghiêm trọng, bệnh nhân sẽ thấy khó thở ngay cả khi ngủ hoặc nghỉ ngơi. Khi kê đầu cao hơn trên gối, tình trạng khó thở có thể suy giảm.
Triệu chứng này khiến cho bệnh nhân ngủ không sâu giấc, dễ mệt mỏi và tâm trạng lo lắng, bất ổn hơn. TÌnh trạng khó thở càng nặng càng cho thấy suy tim nghiêm trọng và dịch tích tụ nhiều trong phổi.
Nhận biết sớm suy tim ở bệnh nhân cao huyết áp từ 5 dấu hiệu FACES
Các dấu hiệu suy tim cho cao huyết áp trên có vai trò quan trọng để nhận biết sớm ở bệnh nhân cao huyết áp có nguy cơ suy tim. Để chẩn đoán xác định suy tim cần dựa trên kết quả thăm khám và xét nghiệm khác.
3. Làm gì để ngăn ngừa suy tim do cao huyết áp?
Muốn ngăn ngừa tiến triển suy tim từ bệnh cao huyết áp, người bệnh cần kiểm soát mức huyết áp ổn định bằng tuân thủ điều trị, thay đổi lối sống và ăn uống lành mạnh. Bên cạnh đó, có thể tăng cường sức khỏe tim mạch bằng nhiều cách để giảm ảnh hưởng của cao huyết áp đến hoạt động của cơ quan này.
Dưới đây là những biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả để bảo vệ sức khỏe tim mạch cũng như ngăn ngừa suy tim do cao huyết áp:
3.1. Kiểm soát muối
Hạn chế nạp quá nhiều muối mỗi ngày, thay đổi thói quen ăn mặn, không sử dụng thực phẩm chứa nhiều muối như: Thức ăn đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn, thức uống muối khoáng,…
3.2. Tăng cường rau xanh và hoa quả tươi
Rau xanh, hoa quả tươi là nguồn chứa Vitamin và khoáng chất vô cùng dồi dào, không những củng cố thành mạch, tăng cường sức khỏe trái tim mà còn giúp ổn định huyết áp.
3.3. Duy trì cân nặng.
Nếu bị thừa cân, béo phì, cần áp dụng thể dục và ăn uống hợp lý để giảm về mức cân nặng lý tưởng (BMI từ 18,5 - 22,9). Bên cạnh đó, vòng bụng lớn cũng khiến cao huyết áp dễ biến chứng hơn, nên duy trì vòng bụng ở nữ dưới 80cm, ở nam giới 90cm.
3.4. Hạn chế rượu bia
Với lượng vừa đủ, rượu bia giúp kiểm soát huyết áp và hỗ trợ hoạt động của tim. Song lượng phù hợp chỉ là 330ml bia hoặc 140 ml rượu vang hoặc 40ml rượu thông thường mỗi tuần. Uống quá nhiều sẽ gây tác dụng ngược lại, khiến huyết áp tăng cao và suy tim nghiêm trọng hơn.
Uống nhiều rượu khiến tăng huyết áp nghiêm trọng hơn
3.5. Hạn chế thực phẩm giàu acid béo no và cholesterol
Những chất này đều phá hủy, tăng hình thành mảng xơ vữa động mạch ảnh hưởng đến hoạt động của tim.
3.6. Thể dục hợp lý
Các bài tập được khuyến cáo cho bệnh nhân cao huyết áp là đi bộ, chạy bộ, vận động hợp lý từ 30 - 60 phút mỗi ngày.
Nắm được dấu hiệu suy tim do cao huyết áp trên đây sẽ giúp bệnh nhân và người nhà theo dõi tốt hơn tình trạng bệnh. Biến chứng suy tim có thể đe dọa đến tính mạng và sức khỏe của người bệnh cao huyết áp nên cần chủ động phòng ngừa, điều trị ngay khi có dấu hiệu.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!