Tin tức
5 lưu ý giúp phòng ngừa viêm tuyến sữa
- 08/10/2024 | Góc giải đáp thắc mắc: Bị áp xe có nên cho con bú hay không?
- 18/11/2024 | Khắc phục tình trạng mẹ bị nứt cổ gà khi cho con bú đơn giản và an toàn
- 17/12/2024 | Mẹ bị đau bụng đi ngoài có nên cho con bú không và một số điều cần lưu ý?
1. Tổng quan viêm tuyến sữa
Viêm tuyến sữa hay viêm tuyến vú không phải tình trạng hiếm gặp, có thể xảy ra ở bất kỳ mẹ bỉm nào đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Viêm tuyến sữa là gì?
Đúng như tên gọi, viêm tuyến sữa là tình trạng tuyến sữa bị viêm. Cụ thể hơn, ống dẫn sữa (có thể một hoặc nhiều ống) trong vú bị viêm nhiễm khiến mô vú sưng nề, gây đau nhức. Mẹ bỉm nuôi con bằng sữa mẹ, đặc biệt trong 6 tuần đầu sau sinh rất dễ gặp hiện tượng này. Ngoài ra, một vài trường hợp viêm tuyến vú còn xảy ra ở người bị tiểu đường, suy giảm miễn dịch hay vừa trải qua phẫu thuật ngực.
Mô vú sưng to, gây đau nhức gọi là viêm tuyến vú
Nguyên nhân
Nguyên nhân chính gây viêm tuyến vú là nhiễm khuẩn. Bình thường, trên bề mặt da luôn có vi khuẩn trú ngụ. Khi da bị trầy xước hay có vết thương hở, vi khuẩn sẽ xâm nhập vào bên trong và gây viêm nhiễm. Do đó, khi núm vú của mẹ bỉm bị tổn thương do bé cắn mút quá mạnh hay nặn hút sữa không đúng cách sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn tiến sâu vào ống dẫn sữa và mô vú, gây nhiễm trùng.
Ngoài ra, tắc ống dẫn sữa cũng là nguyên nhân gây viêm tuyến vú. Lúc này, sữa bị tích tụ, ứ đọng lại ống dẫn sữa làm tăng nguy cơ viêm nhiễm. Bên cạnh đó, có nhiều yếu tố nguy cơ dẫn đến viêm tuyến vú như mẹ bỉm mặc áo ngực quá chật, tiền sử bị viêm vú, mắc các bệnh mạn tính,…
Triệu chứng
Các triệu chứng của viêm tuyến sữa rất rõ ràng, dễ nhận biết, bao gồm:
- Cảm giác đau và ngứa ở vú.
- Vú căng tức, sưng nề.
- Ấn, sờ vào vú thấy đau, nóng và có những “cục cứng”.
- Khi cho con bú, cảm giác đau nóng tăng lên và sữa không chảy liên tục.
- Núm vú tiết dịch lạ, màu trắng đục, màu vàng hoặc xanh hoặc lẫn máu.
- Viêm tuyến vú nặng gây sốt cao, mệt mỏi.
Khi viêm tuyến vú, sờ vào thấy vú căng, đau, nóng
2. Cách xử lý khi bị viêm tuyến sữa
Mẹ bỉm có thể tự xử lý tình trạng viêm tuyến vú bằng cách massage nhẹ nhàng vùng vú bị viêm, đồng thời, chườm ấm cho vú để giảm sưng đau và tăng cường lưu thông máu. Song song đó, mẹ hãy chú ý cho bé bú đúng giờ và thường xuyên hút sữa để tránh sữa tích tụ trong ống dẫn sữa. Đặc biệt, trước và sau mỗi lần cho bé bú, mẹ cần vệ sinh vú, nhất là núm vú sạch sẽ.
Nếu thực hiện tốt các hướng dẫn trên mà triệu chứng không thuyên giảm, mẹ cần nhanh chóng đi gặp bác sĩ. Thông thường, bác sĩ sẽ kê thuốc (kháng sinh, kháng viêm và giảm đau, hạ sốt) hoặc tiểu phẫu (nếu viêm tuyến vú gây áp xe). Đồng thời, mẹ cần vắt bỏ sữa, không nên cho trẻ bú sữa ở bên vú bị viêm. Tuyệt đối không để sữa ứ đọng bên trong khiến tình trạng nhiễm trùng nặng hơn.
3. Phòng ngừa viêm tuyến sữa
Để phòng ngừa viêm tuyến vú trong giai đoạn nuôi con bằng sữa mẹ, các mẹ bỉm hãy áp dụng những biện pháp sau.
Cho bé bú cả hai bên vú
Một số mẹ có thói quen chỉ cho bé bú một bên vú. Việc này sẽ khiến sữa của bên vú còn lại không thể được “giải phóng” ra ngoài mà tích tụ lại bên trong, làm tăng nguy cơ viêm tuyến sữa ở bên vú này. Do đó, mẹ hãy cố gắng cho con bú đều ở cả hai bên vú và linh hoạt thay đổi tư thế bú.
Mẹ chú ý cho bé bú đều ở cả hai bên vú
Để bé bú đúng khớp ngậm
Bé bú đúng khớp ngậm mang đến nhiều lợi ích như nuốt được nhiều sữa hơn, hạn chế sữa tràn ra ngoài miệng, xương hàm phát triển cân đối. Đặc biệt, bé ngậm đúng khớp còn giúp tránh tình trạng nứt đầu ti hay các tổn thương ở núm vú do bé cố gắng ngậm, mút, cắn núm vú. Đó là lý do mẹ cần cho bé bú đúng kỹ thuật, cụ thể là đúng khớp ngậm để phòng ngừa viêm tuyến vú.
Giải phóng hoàn toàn sữa
Như chia sẻ, tắc tia sữa cũng là nguyên nhân gây viêm tuyến vú. Đó là lý do mẹ cần cho bé bú hết lượng sữa trong bầu vú ở mỗi cữ bú. Trường hợp thấy bé no nhưng sữa vẫn còn, mẹ có thể thực hiện hút sữa ra ngoài. Thực hiện đều đặn việc này vừa giúp cơ thể tăng cường tiết sữa, tránh mất sữa; vừa phòng tránh sữa tích tụ gây viêm nhiễm.
Vệ sinh sạch sẽ trước và sau cho bú
Việc này không chỉ giúp phòng tránh viêm tuyến sữa mà còn ngăn ngừa được nhiều bệnh lý và vấn đề viêm nhiễm khác cho cả mẹ và bé. Mẹ cần vệ sinh sạch sẽ vú và núm vú trước và sau mỗi lần cho bé bú. Nếu đầu vú hơi lõm vào bên trong, cần vệ sinh cẩn thận hơn để vi khuẩn, mồ hôi, cặn sữa,… được làm sạch triệt để. Ngoài ra, mẹ cũng cần rửa tay thường xuyên trước và sau mỗi lần tiếp xúc với bé cũng như mặc áo ngực không quá chật.
Mẹ cần chọn áo ngực rộng rãi, thoải mái
Dinh dưỡng cân đối, lành mạnh
Đối với mẹ bỉm nuôi con bằng sữa mẹ, cần đặc biệt chú ý đến chế độ dinh dưỡng. Dinh dưỡng cân đối và lành mạnh vừa giúp mẹ nâng cao miễn dịch, phòng tránh viêm nhiễm; vừa tạo ra nguồn sữa dồi dào và chất lượng cho em bé. Theo đó, mẹ nên ăn uống đúng giờ, không bỏ bữa. Chế độ ăn tăng cường rau xanh, trái cây, tránh thực phẩm nhiều gia vị. Đồng thời, uống nhiều nước, ít nhất 2 lít/ ngày.
Trên đây là những thông tin giúp các mẹ bỉm biết được viêm tuyến sữa là gì và cách phòng ngừa hiệu quả. Nhìn chung, đây là tình trạng phổ biến, không quá nguy hiểm và hoàn toàn có thể phòng ngừa. Nhưng không vì thế mà mẹ chủ quan vì nếu để biến chứng xảy ra, việc điều trị sẽ khó khăn hơn, tăng nguy cơ nhiễm trùng huyết, đe dọa tính mạng.
Do đó, khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm tuyến vú hay các vấn đề về sức khỏe, mẹ bỉm hãy đến gặp bác sĩ. Chuyên khoa Sản Phụ khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC là địa chỉ uy tín để các mẹ bỉm đến kiểm tra tình hình sức khỏe và điều trị bệnh lý (nếu có). Để đặt lịch khám với các bác sĩ Chuyên khoa, quý khách có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!