Tin tức
Ai cũng nên biết: Nguyên nhân đục thủy tinh thể là gì?
- 08/11/2021 | Góc tư vấn: phẫu thuật đục thủy tinh thể cần chuẩn bị những gì?
- 24/09/2021 | Chuyên gia giải đáp: Phẫu thuật thay thủy tinh thể được bao lâu?
- 19/06/2021 | Đục thủy tinh thể khi nào cần phẫu thuật và cần chuẩn bị gì?
1. Bị đục thủy tinh thể nghĩa là thế nào
Các dạng bệnh đục thủy tinh thể
Thủy tinh thể là thấu kính dạng trong suốt có hai mặt lồi, nằm phía sau mống mắt (lòng đen). Ở điều kiện bình thường, bộ phận này có nhiệm vụ điều tiết, cho ánh sáng đi qua và hội tụ ở võng mạc để chúng ta nhìn thấy mọi vật.
Đục thủy tinh thể là tình trạng thủy tinh thể không còn trong suốt như bình thường nữa mà bị mờ đi, khiến cho ánh sáng khó đi qua và không thể hội tụ được ở võng mạc. Cũng chính vì thế mà người mắc bệnh này bị giảm thị lực, khả năng nhìn kém và nguy cơ bị mù lòa rất cao.
Đục thủy tinh thể có thể phân loại như sau:
- Dựa theo vị trí và hình thái
+ Đục nhân: bệnh xảy ra khi nhân thủy tinh thể bị chuyển màu vàng và xơ cứng vượt mức vùng trung tâm. Trong giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh sẽ bị một số tật khúc xạ ở mắt nên nhìn xa mờ. Hiện tượng đục nhân có thể chỉ xảy ra ở một bên mắt.
+ Đục vỏ: ở dạng này thì sẽ có hiện tượng to ra và nhập vào nhau để trở thành những vùng đục vỏ có kích thước lớn hơn. Nếu toàn bộ vỏ từ bao cho đến nhân chuyển sang đục trắng thì được gọi là đục chín. Đục vỏ xảy ra ở cả hai bên mắt và thường sẽ không cân xứng ở hai bên.
+ Đục bao: đây là loại vết đục nhỏ chỉ xuất hiện ở biểu mô và bao trước của thủy tinh thể mà không ảnh hưởng tới lớp vỏ.
- Dựa theo độ cứng của nhân thủy tinh thể: có 5 độ
+ Độ 1: nhân mềm, còn trong, ánh đồng tử hồng đều. Thường gặp ở người trẻ hoặc đục nhân bẩm sinh, chấn thương.
+ Độ 2: nhân mềm vừa phải, màu xanh vàng, ánh đồng tử màu vàng nhạt.
+ Độ 3: nhân cứng trung bình, màu vàng hổ phách, ánh đồng tử màu xám nhạt.
+ Độ 4: nhân cứng, màu nâu, ánh đồng tử tối.
+ Độ 5: nhân rất cứng, màu nâu đen hoặc đen, ánh đồng tử tối.
Mặc dù phân loại bệnh là khác nhau nhưng về cơ bản thì bệnh chủ yếu do sự biến đổi tỉ lệ và cấu trúc của các phân tử protein gây ra các vùng mờ đục trong thủy tinh thể, khiến cho ánh sáng đi đến võng mạc bị cản trở và kết quả là thị lực bị suy giảm.
2. Nguyên nhân đục thủy tinh thể là gì
2.1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh đục thủy tinh thể
Về cơ bản, nguyên nhân đục thủy tinh thể được chia thành:
Tiếp xúc với ánh sáng xanh phát ra từ màn hình của thiết bị điện tử trên 3h/ngày là một trong các nguyên nhân đục thủy tinh thể
- Nguyên nhân đục thủy tinh thể nguyên phát
+ Do bẩm sinh: rối loạn chuyển hóa, bệnh lý toàn thân biến chứng, rối loạn di truyền,...
+ Với người già: thống kê y tế cho thấy có tới 80% người già ở độ tuổi trên 65 bị đục nhân mắt là do quá trình lão hóa tự nhiên của cơ thể.
- Nguyên nhân đục thủy tinh thể thứ phát
+ Tiếp xúc trên 3 giờ/ngày với dạng ánh sáng xanh phát ra từ tia X, màn hình thiết bị điện tử,...
+ Bị các bệnh ở mắt như bệnh giác mạc, viêm kết mạc,… tái phát thường xuyên và không khắc phục đúng cách.
+ Tiếp xúc thường xuyên với tia cực tím mặt trời.
+ Tác dụng phụ của một số loại thuốc đến mắt: thuốc chống trầm cảm, corticoid,…
+ Cận thị bị thoái hóa.
+ Tai biến ở mắt, chấn thương ở mắt, di chứng của phẫu thuật mắt.
+ Mắc bệnh lý mạn tính: đái tháo đường, huyết áp cao, béo phì,…
2.2. Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể
Bệnh đục thủy tinh thể chủ yếu xảy ra ở độ tuổi trên 40 và có liên quan mật thiết với quá trình lão hóa. Ngoài ra, những yếu tố sau được xem là tăng nguy cơ trở thành nguyên nhân đục thủy tinh thể:
- Trong gia đình từng có thành viên bị bệnh lý này.
- Bị viêm mắt hoặc từng chịu tổn thương ở mắt từ trước đó.
- Đã phẫu thuật mắt.
- Uống rượu bia quá nhiều.
- Phơi nắng quá nhiều.
- Huyết áp cao.
- Tiểu đường.
- Hút thuốc trong thời gian dài.
- Bị béo phì.
- Sử dụng thuốc corticosteroid kéo dài.
- Tiếp xúc với tia phóng xạ ion hóa thường xuyên: tia X-quang, tia bức xạ điều trị bệnh ung thư.
3. Phòng ngừa đục thủy tinh thể bằng cách nào?
Trong số các bệnh lý về mắt thì đục thủy tinh thể được xem là nguyên nhân hàng đầu gây ra mù lòa. Vì thế, nếu bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo bệnh sớm sẽ khiến cho việc điều trị sau đó gặp nhiều khó khăn, hiệu quả kém, thậm chí không thể cứu vãn thị lực. Mất thị lực vĩnh viễn do đục thủy tinh thể sẽ khiến cho cuộc sống của người bệnh gặp nhiều khó khăn.
Khám mắt định kỳ giúp phát hiện sớm bệnh lý về mắt trong đó có đục thủy tinh thể
Thực tế hiện nay cho thấy bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa. Do đó, biết được nguyên nhân đục thủy tinh thể sẽ giúp chúng ta chủ động phòng ngừa sự xuất hiện của bệnh hoặc phát hiện bệnh kịp thời để chữa trị dễ đạt hiệu quả cao.
Chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh đục thủy tinh thể là cần phải có sự khoa học trong thói quen sinh hoạt của mỗi người kết hợp cùng một số biện pháp sau:
- Tăng cường ánh sáng trong nhà bằng cách chọn đèn sáng hơn hoặc tăng số lượng đèn lên. Khi ra ngoài tiếp xúc với khói bụi, ánh sáng mặt trời,… cần dùng mũ rộng vành hoặc đeo kính râm để che bớt ánh sáng mặt trời, giúp cho mắt được bảo vệ tốt hơn.
- Bỏ thuốc lá hoàn toàn.
- Bổ sung nhiều loại thực phẩm giàu vitamin A, C, E; lutein; kẽm; zeaxanthin;... vào chế độ ăn hàng ngày. Những chất này có nhiều trong cá, sữa, trứng, ngũ cốc, hoa quả, rau xanh,... Các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, đường, đồ mặn cần được hạn chế.
- Khám mắt định kỳ cứ 6 tháng một lần.
Những chia sẻ về nguyên nhân đục thủy tinh thể trên đây chỉ có tính chất tham khảo. Hãy lưu ý rằng, khi bạn không có yếu tố nguy cơ đối với bệnh lý này không có nghĩa là bạn không có khả năng mắc bệnh. Vì thế, bên cạnh việc theo dõi để phát hiện sớm dấu hiệu bệnh thì chớ nên bỏ qua việc khám mắt định kỳ để kịp thời nhận diện sự xuất hiện của bệnh để không bỏ qua thời điểm vàng để chữa trị.
Chuyên khoa mắt của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC từ lâu đã trở thành điểm đến tin cậy của rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh lý về mắt. Tại đây có sự tham gia khám chữa bệnh của đội ngũ bác sĩ đầu ngành cùng hệ thống thiết bị phục vụ khám chữa bệnh hiện đại nhất nên luôn mang đến cho người bệnh kết quả thăm khám chính xác trong thời gian ngắn, điều trị bệnh đạt hiệu quả cao.
Nếu còn băn khoăn nào khác về bệnh đục thủy tinh thể, bạn đọc cũng có thể gọi điện đến Tổng đài 1900 56 56 56. Bằng việc làm này, mọi thắc mắc của bạn sẽ được đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hoặc chuyên gia y tế của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC giải đáp một cách chính xác trong thời gian ngắn nhất.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!