Tin tức

Bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc trẻ F0 bị tiêu chảy

Ngày 08/09/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến rất phức tạp. Việc phát hiện, điều trị sớm và phòng ngừa bệnh vẫn là những vấn đề quan trọng được cả xã hội quan tâm. Trong bài viết dưới đây, bác sĩ sẽ hướng dẫn các bậc phụ huynh cách chăm sóc trẻ F0 bị tiêu chảy. 

1. Xác định tình trạng trẻ F0 bị tiêu chảy

Phần lớn trẻ bị nhiễm Covid-19 đều có thể xuất hiện với những triệu chứng khá giống với người lớn. Trong đó những triệu chứng bệnh có thể kể đến như sốt, ho, buồn nôn, ho, khó thở, tiêu chảy,… Trong đó, tiêu chảy được đánh giá là triệu chứng phổ biến ở trẻ. Dưới đây là hướng dẫn xác định trẻ F0 bị tiêu chảy

Trẻ F0 bị tiêu chảy dễ dẫn tới tình trạng mất nước

Trẻ F0 bị tiêu chảy dễ dẫn tới tình trạng mất nước

Tình trạng tiêu chảy ở trẻ F0 được xác định khi trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2 và đi ngoài phân lỏng, số lần đi trên 3 lần mỗi ngày. Tình trạng này, nếu không được xử trí sớm có thể gây ra mất nước và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ, thậm chí đe dọa tính mạng. Đặc biệt, ở những trường hợp trẻ bị thừa cân, béo phì,… tình trạng mất nước thường khó phát hiện thì càng cần theo dõi thận trọng hơn. 

Cha mẹ cần chú ý về một số dấu hiệu cho thấy trẻ đang bị mất nước: 

- Tiểu ít, nước tiểu sẫm màu hơn bình thường. 

- Mắt trẻ có biểu hiện trũng hơn bình thường. 

- Trẻ khóc mà không có nước mắt. 

- Có hiện tượng li bì, vật vã.

- Trẻ có biểu hiện khát và đòi uống nước. Khi phụ huynh cho trẻ uống nước, trẻ có cảm giác rất háo hức. Một số trường hợp trẻ còn khóc và với tay theo cốc nước khi cha mẹ đưa cốc nước ra xa. 

- Những trường hợp trẻ không uống được có thể là trẻ đã bị mất nước rất nặng, cần được cấp cứu kịp thời. 

- Với những trẻ thóp chưa liền, biểu hiện mất nước là thóp trũng xuống. 

- Nhịp tim tăng cao. 

Nếu thấy trẻ xuất hiện những triệu chứng này, phụ huynh cần đưa trẻ đi khám sớm để được các bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời, phòng tránh tình trạng mất nước nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của trẻ. 

2. Hướng dẫn chăm sóc trẻ F0 bị tiêu chảy

Ngoài việc điều trị giảm thiểu các triệu chứng ho, sốt, chảy nước mũi,… cho trẻ, cha mẹ cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bù nước và áp dụng chế độ ăn hợp lý đối với những trường hợp trẻ F0 bị tiêu chảy. Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể dành cho các bậc phụ huynh đang chăm sóc trẻ: 

Bổ sung nước cho trẻ

Bổ sung nước cho trẻ

- Bù nước cho trẻ: 

Cha mẹ có thể bù nước cho trẻ bằng một số cách như cho trẻ uống nước lọc, uống nước ép rau củ, trái cây, uống sữa,… Bên cạnh đó có thể bù nước cho trẻ bằng oresol. Khi sử dụng oresol, các mẹ cần làm đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất và cần lưu ý những điều sau: 

+ Pha hết một gói cùng với lượng nước khuyến cáo của nhà sản xuất. 

+ Không chia nhỏ gói thuốc hoặc pha ít một. 

+ Cho trẻ uống ngay sau khi pha xong, không dùng dung dịch đã để qua đêm. 

+ Khi cho trẻ uống, không để trẻ tu bình mà cần cho trẻ uống từng thìa. 

Thông thường: 

+ Đối với trẻ dưới 2 tuổi nên uống khoảng 50 đến100ml oresol sau mỗi lần trẻ nôn hoặc đi ngoài phân lỏng. 

+ Đối với trẻ trên 2 tuổi, sau mỗi lần trẻ bị nôn và đi ngoài lỏng, cần uống khoảng 100 đến 200ml. 

+ Đối với những trẻ lớn hơn 5 tuổi, mẹ có thể cho con uống theo từng ngụm nhỏ. 

- Bổ sung kẽm

Những trường hợp trẻ f0 bị tiêu chảy có thể bổ sung kẽm với liều lượng được khuyến cáo như sau: 

+ Trẻ dưới 6 tháng nên uống 10mg kẽm nguyên tố/ngày trong vòng 10 đến 14 ngày.

+ Trẻ trên 6 tháng nên uống 20mg kẽm nguyên tố mỗi ngày. Thời gian dùng là khoảng 10-14 ngày.

+Bên cạnh đó, mẹ cũng có thể bổ sung cho trẻ một số chế phẩm men vi sinh với liều lượng theo từng lứa tuổi. Có thể tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ để được tư vấn chi tiết. 

- Những lưu ý về chế độ ăn của trẻ

Khi trẻ bị tiêu chảy, mẹ vẫn nên cho trẻ ăn chế độ như bình thường. Trong trường hợp trẻ chán ăn, ăn kém thì cần chia nhỏ bữa ăn, nhưng không thay đổi tổng khẩu phần ăn,… để giúp trẻ có thể ăn uống dễ dàng và có cảm giác ngon miệng hơn. Mẹ có thể bổ sung thêm sữa chua vào chế độ ăn của trẻ. 

Đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây bệnh

Đeo khẩu trang để giảm nguy cơ lây bệnh

Bên cạnh đó, mẹ cũng nên cho trẻ kiêng một số thực phẩm không phù hợp trong giai đoạn trẻ bị nhiễm bệnh như:

  • Các loại ngũ cốc nhiều chất xơ, rau củ quả sợi thô,… những thực phẩm này khiến trẻ khó tiêu hóa khi đang trong thời gian bị bệnh. 

  • Nước ngọt, đồ uống có gas, một số đồ uống có chứa chất kích thích như cà phê, trà,..

  • Các loại đồ ăn có chứa nhiều đường có thể khiến cho tình trạng phân lỏng càng nghiêm trọng hơn. 

  • Cháo loãng có thể bù nước rất hiệu quả giúp trẻ nhanh no nhưng không chứa nhiều dinh dưỡng. 

- Có nên dùng kháng sinh cho trẻ?

Khi thấy con bị tiêu chảy, nhiều bậc phụ huynh vội vàng và tự ý dùng kháng sinh để cầm tiêu chảy cho con. Tuy nhiên, đây là một sai lầm cần loại bỏ. Cha mẹ không nên tự ý dùng kháng sinh cho trẻ mà cần đưa trẻ đi thăm khám. Trong trường hợp cần thiết phải sử dụng kháng sinh, các bác sĩ sẽ kê đơn thuốc hợp lý cho trẻ, để đảm bảo hiệu quả tốt nhất. 

Cần đưa trẻ đi khám kịp thời để tránh biến chứng

Cần đưa trẻ đi khám kịp thời để tránh biến chứng

- Theo dõi chặt chẽ mọi thay đổi của trẻ

Nếu trẻ đi ngoài nhiều lần, đi liên tục, phân lỏng, kèm theo biểu hiện nôn nhiều, khát nước, bú kém, co giật hay trong phân có lẫn máu, cần bù nước điện giải cho trẻ và đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt.

Tình trạng tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước, rất nguy hiểm. Dù có là F0 hay không thì vẫn cần chú ý khi xuất hiện triệu chứng tiêu chảy, nhất là khi bệnh nhân là trẻ em. 

Để được tư vấn chi tiết hơn về cách chăm sóc trẻ F0 bị tiêu chảy, mời bạn liên hệ đến đường dây nóng 1900 56 56 56 của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC.  

Từ khoá: kháng sinh

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.