Tin tức

Bác sĩ tư vấn: tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng thế nào tới thai nhi?

Ngày 24/02/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng thế nào tới thai nhi là thắc mắc của nhiều mẹ bầu. Mặc dù tiểu đường khiến thai nhi có thể gặp phải nhiều biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên bằng các biện pháp ăn uống, tập luyện hợp lý, mẹ hoàn toàn có thể kiểm soát tình trạng này, đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho bé yêu.

1. Tiểu đường thai kỳ do nguyên nhân nào?

Tỉ lệ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ được thống kê ở nước ta rơi vào khoảng 4%, nghĩa là cứ 100 mẹ bầu lại có 4 mẹ mắc phải căn bệnh này. Bệnh thường gây triệu chứng và ảnh hưởng rõ rệt khi mẹ bầu mang thai từ 20 tuần tuổi trở đi, do rối loạn nội tiết tố hoặc vấn đề về tổng hợp hormon insulin.

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết bệnh lý ở phụ nữ mang thai

Tiểu đường thai kỳ là tình trạng tăng đường huyết bệnh lý ở phụ nữ mang thai

Trong thời gian mang thai, nhu cầu năng lượng của cơ thể cao hơn để vừa đáp ứng cho cơ thể mẹ bầu, vừa nuôi dưỡng thai phát triển nên có nhiều mẹ bầu cũng nạp nhiều đường hơn cho cơ thể. Khi tuyến tụy không sản xuất đủ lượng hormone insulin sẽ khiến chuyển hóa đường máu bị rối loạn, khiến đường trong máu cao. Không những thế, nội tiết tố do nhau thai tạo ra để thai nhi phát triển cũng gây ảnh hưởng xấu đến insulin và sự chuyển hóa của hormone này.

Những nguyên nhân này khiến mẹ bầu dễ mắc tiểu đường trong thai kỳ hơn, bệnh thường khỏi sau khi mẹ sinh con và đường huyết sẽ trở về mức bình thường. Bất cứ phụ nữ mang thai nào cũng có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ, tuy nhiên tỉ lệ cao hơn ở các nhóm đối tượng sau:

  • Phụ nữ mang thai khi đã ngoài 30 tuổi.

  • Phụ nữ bị thừa cân, béo phì trước và trong khi mang thai.

 Phụ nữ bị thừa cân có nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao hơn

Phụ nữ bị thừa cân có nguy cơ tiểu đường thai kỳ cao hơn

  • Người có gia đình mắc bệnh tiểu đường type 2, có thể mang theo gen bệnh.

  • Người từng bị tiểu đường thai kỳ ở lần mang thai trước.

2. Tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng thế nào tới thai nhi?

Tiểu đường thai kỳ gây ảnh hưởng tới cả sức khỏe của mẹ lẫn sự phát triển của thai nhi nếu không kiểm soát đường huyết tốt trong suốt thai kỳ. Với mẹ bầu, tiểu đường thai kỳ dễ dẫn đến cao huyết áp, làm tăng nguy cơ sinh non hoặc thai lưu. Với thai nhi, ảnh hưởng của tiểu đường thai kỳ nghiêm trọng hơn như:

2.1. Khiến thai tăng trưởng quá mức

Việc thai nhi nhận được lượng đường lớn hơn từ mẹ do mẹ bị tiểu đường thai kỳ sẽ khiến tuyến tụy của thai bị kích thích tăng tiết insulin. Từ đó, thai nhi sử dụng lượng đường lớn hơn, phát triển với kích thước to quá mức.

Do vậy, hầu hết mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ có cân nặng thai lớn hơn bình thường, điều này khiến việc sinh nở khó khăn và nguy hiểm hơn như: bé phải sinh mổ, sinh khó do kẹt vai, bé bị chấn thương khi sinh,…

2.2. Thai nhi có thể bị suy hô hấp

Tiểu đường thai kỳ làm tăng nguy cơ thai sinh ra mắc chứng suy hô hấp, đây là biến chứng nguy hiểm nhất khiến trẻ tử vong sớm ngay sau sinh. Với sự tiến bộ của y học hiện đại, những mẹ bầu mắc tiểu đường thai kỳ sẽ được sàng lọc đánh giá sự trưởng thành của phổi trước khi sinh. Từ đó, bác sĩ có thể can thiệp sinh nở để đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ sơ sinh.

Tiểu đường thai kỳ có thể khiến trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nguy hiểm

Tiểu đường thai kỳ có thể khiến trẻ sơ sinh bị suy hô hấp nguy hiểm

2.3. Trẻ sinh ra mắc bệnh lý chuyển hóa, hạ glucose huyết tương

Trẻ sơ sinh sinh ra ở mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ mắc bệnh lý chuyển hóa, hạ glucose huyết tương cao hơn so với trẻ thông thường. Nguyên nhân do gan của thai nhi kém đáp ứng với glucagon và từ đó giảm tân tạo glucose từ gan.

2.4. Vàng da sơ sinh

Tình trạng vàng da sơ sinh do tăng nồng độ bilirubin trong huyết tương thường xảy ra ở những trẻ sơ sinh sinh ra từ mẹ mắc tiểu đường thai kỳ không kiểm soát tốt. Vàng da bệnh lý sẽ cần can thiệp điều trị sớm, tránh nhiễm độc bilirubin gây nguy hiểm cho tính mạng và sức khỏe của trẻ.

2.5. Tình trạng tăng hồng cầu

Một trong những nguy cơ sức khỏe khác mà tiểu đường thai kỳ có thể gây ra cho trẻ sơ sinh là chứng tăng hồng cầu.

2.6. Ảnh hưởng khác

Ngoài những ảnh hưởng xuất hiện sớm ở thai nhi đang phát triển hay trẻ sơ sinh, mẹ bầu bị tiểu đường thai kỳ còn làm tăng nguy cơ trẻ lớn lên bị béo phì, tiểu đường type 2 hoặc các rối loạn tâm thần – vận động khác.

Trẻ sinh ra từ mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ béo phì cao hơn

Trẻ sinh ra từ mẹ bị tiểu đường thai kỳ có nguy cơ béo phì cao hơn

3. Biện pháp để kiểm soát tiểu đường thai kỳ

Kiểm soát tốt tiểu đường thai kỳ sẽ giúp đảm bảo sức khỏe cho mẹ bầu và thai nhi, ngăn ngừa các biến chứng trẻ có thể gặp phải và có thể phát triển khỏe mạnh bình thường. Dù thai nhi gặp nhiều nguy cơ song các chuyên gia cho biết, nếu tiểu đường thai kỳ được phát hiện sớm, điều trị tích cực bằng lối sinh hoạt và ăn uống lành mạnh thì hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh.

Dưới đây là những biện pháp điều trị, kiểm soát tiểu đường thai kỳ hiệu quả mà mẹ bầu mắc bệnh cần thực hiện.

3.1. Chế độ ăn lành mạnh

Chế độ dinh dưỡng phù hợp với mẹ bị tiểu đường thai kỳ là hạn chế lượng tinh bột, chất béo và protein trong khẩu phần ăn hàng ngày. Cụ thể về chế độ ăn hàng ngày, mẹ bầu sẽ xây dựng dựa trên tình trạng sức khỏe, cân nặng, tình trạng phát triển của thai nhi cũng như nồng độ glucose trong máu. Bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng sẽ giúp bạn lên thực đơn hàng ngày vừa kiểm soát đường huyết tốt vừa đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cơ thể mẹ và bé.

3.2. Kiểm soát cân nặng

Khi mang thai, cân nặng của mẹ sẽ tăng lên nhanh chóng theo sự phát triển của thai nhi song cân nặng tăng quá cao nếu bị tiểu đường thai kỳ thì nguy cơ biến chứng cũng cao hơn. Tốc độ tăng cân quá nhanh là khi mẹ tăng trên 1 kg/tuần, lúc này cần khám và kiểm soát cân nặng một cách chặt chẽ.

Yoga là bài tập tốt cho mẹ bầu để kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường thai kỳ

Yoga là bài tập tốt cho mẹ bầu để kiểm soát cân nặng, ngăn ngừa biến chứng tiểu đường thai kỳ

3.3. Tập thể dục phù hợp

Mẹ bầu tiểu đường thai kỳ cần có chế độ luyện tập phù hợp vừa giúp cơ thể khỏe mạnh, dẻo dai, giảm biến chứng thai kỳ vừa giúp giảm cân, kiểm soát đường huyết. Mẹ có thể tìm hiểu các bài tập dành riêng cho mẹ bầu như tập yoga, đi bộ nhẹ nhàng,…

Hiểu được tiểu đường thai kỳ ảnh hưởng thế nào tới thai nhi sẽ giúp mẹ chủ động hơn trong việc kiểm soát, ngăn ngừa biến chứng của bệnh. Nếu mẹ bầu gặp phải những dấu hiệu trên có thể đến trực tiếp Bệnh viên Đa khoa MEDLATEC để được thăm khám và làm xét nghiệm dung nạp đường huyết. Với đội ngũ y bác sĩ nhiều năm trong nghề, cơ sở vật chất hiện đại, trung tâm xét nghiệm hiện đại sẽ giúp mẹ bầu trải qua 9 tháng thai kỳ mạnh khỏe và an toàn nhất.

Nếu cần tư vấn hoặc đặt lịch thăm khám, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.