Tin tức
Bé mấy tháng biết ngồi - mối bận tâm chung của bậc làm cha mẹ
- 06/02/2023 | Bé sơ sinh bị sôi bụng kèm nôn trớ là dấu hiệu của bệnh gì?
- 01/02/2023 | Bé sơ sinh thở nhanh thoáng qua có nguy hiểm không?
- 05/01/2023 | Bé sơ sinh thở mạnh khi ngủ là biểu hiện của bệnh gì?
1. Biết ngồi - mốc quan trọng trong quá trình phát triển của bé
Biết ngồi là một trong các mốc phát triển kỹ năng vận động quan trọng của trẻ bởi vì:
- Giúp bé có cái nhìn mới trước thế giới xung quanh. Từ đây khả năng quan sát của bé được mở rộng, bé nhìn bao quát được mọi hướng chứ không còn bị giới hạn như thời kỳ nằm ngửa.
- Bé có thể chồm người về trước, chống được hai tay lên - tiền đề quan trọng để tập bò, tập đứng và tập đi. Cũng nhờ đó mà tay bé được tự do khám phá đồ vật theo cách của riêng mình.
- Quá trình ăn dặm của bé được thực hiện đơn giản hơn, việc tiêu hóa và nuốt thức ăn thuận lợi hơn, bé dễ dàng khám phá các món ăn mà mình yêu thích.
2. Bé mấy tháng biết ngồi và cách tập ngồi
2.1. Thời điểm nào bé biết ngồi?
Không có một câu trả lời chính xác về mốc bé mấy tháng biết ngồi mà chỉ có thể biết được về điều kiện để bé có thể ngồi là cần có sự cứng cáp và mạnh mẽ của cơ cổ và phần đầu. Chỉ khi bé có khả năng kiểm soát được phần đầu của mình thì bé mới ngồi được.
Các mốc phát triển trong 12 tháng đầu tiên của bé
Thời điểm ngồi của các bé không giống nhau. Khi bản thân bé thấy phần đầu của mình đã kiểm soát được bé sẽ tự chống phần thân trên của cơ thể lên bằng cả 2 tay và giữ để cho ngực của mình không chạm đất. Thường thì đến khoảng tháng thứ 6 - 7, bé sẽ chuyển sang giai đoạn chống tay để tự ngồi và đến tháng thứ 7 - 9 thì kỹ năng này sẽ được bé thực hiện thành thạo.
2.2. Các bài tập ngồi cho bé
Ngoài việc quan tâm bé mấy tháng biết ngồi thì các bậc cha mẹ cũng nên biết đến một số bài tập ngồi để bé sớm ngồi vững và đúng tư thế:
- Bài gập bụng
Khi thấy bé đã tự nâng đầu được thì mẹ hãy đặt bé ngồi lên chân của mình theo chiều đối diện với mẹ. Tiếp sau đó, mẹ giữ chặt tay bé rồi nhẹ nhàng kéo bé lên xuống như động tác gập bụng. Đây là bài tập giúp cho cơ bụng và lưng của bé trở nên khỏe hơn.
- Bài tập lăn
Đến khi bé được 6 tháng mẹ hãy đặt bé trong tư thế nằm ngửa rồi để đồ chơi trước mặt và di chuyển đồ chơi sang bên cạnh sao cho bé vẫn nhìn được món đồ chơi này và động viên bé tìm cách lấy nó. Đây là bài tập giúp tăng cường cơ lưng nhờ đó giúp bé học ngồi nhanh hơn.
- Bài tập đạp xe
Cha mẹ hãy cho bé nằm ngửa trên một bề mặt mềm khi con được 6 tháng tuổi sau đó nhẹ nhàng giữ chân bé rồi nâng lên, thực hiện động tác gập chân giống như đi xe đạp. Cứ sau 5 lần tập cha mẹ nên cho bé nghỉ vài giây. Việc thực hiện bài tập này sẽ giúp cơ bắp chân của bé khỏe hơn.
Bên cạnh quan tâm bé mấy tháng biết ngồi cha mẹ cũng nên biết về bài tập ngồi cho bé
- Bài tập squat
Nếu đến tháng thứ 8 mà bé vẫn chưa biết ngồi thì cha mẹ hãy đặt bé ở tư thế ngồi rồi nắm lấy tay con để nâng bé dậy một cách nhẹ nhàng, lặp đi lặp lại khoảng 3 - 4 lần. Mỗi lần tập lại động tác, hãy cho bé nghỉ vài giây. Duy trì đều đặn bài tập này sẽ tăng sức mạnh cho cơ bụng, lưng và đùi của bé.
3. Thời điểm bé biết ngồi khi nào là muộn?
3.1. Kỹ năng ngồi được xem là muộn khi nào?
Nếu quan tâm đến thời điểm bé mấy tháng biết ngồi chắc hẳn nhiều bậc cha mẹ cũng sẽ lo lắng sợ con mình chậm biết ngồi trong khi nhiều bé cùng độ tuổi đã ngồi được và thậm chí còn ngồi rất vững. Thực ra, mốc biết ngồi của các bé không giống nhau nên cha mẹ không nên quá áp lực về vấn đề này.
Đến khi đã được 4 tháng tuổi trở lên mà bé vẫn không thể tự nâng đầu lên hay không thể dùng tay để chống đỡ thì cha mẹ hãy cho bé khám chuyên khoa nhi để các bác sĩ kiểm tra xem bé có bị chậm phát triển kỹ năng vận động thô không. Một số dấu hiệu được xem là gợi ý bé chậm biết ngồi hơn bình thường mà cha mẹ cần lưu ý là:
- Tay chân bé cứng hoặc mềm hơn so với các trẻ khác.
- Các động tác chuyển động của bé tương đối yếu.
- Bé không thường xuyên đưa tay ra.
- Bé kém trong việc nâng và giữ phần đầu của mình.
- Hiếm khi thấy bé với theo đồ vật hoặc không cầm, không nâng hay đưa đồ vật vào miệng.
3.2. Một số lưu ý khi tập cho bé ngồi
- Tập ngồi cho bé quá sớm hoặc quá nhiều so với khả năng của bé có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đến các mốc phát triển kỹ năng khác. Vì thế cha mẹ hãy để cho con mình được phát triển tự nhiên hoặc khi nhìn thấy bé có dấu hiệu cứng cáp hơn hãy cho bé tập ngồi.
Cha mẹ nên tôn trọng phát triển tự nhiên và cho bé tập ngồi ở môi trường an toàn
- Trong quá trình cho bé tập ngồi cha mẹ nên đảm bảo sự an toàn cho bé ở môi trường xung quanh. Tuyệt đối không để các vật dụng gây nguy hiểm gần bé như vật sắc nhọn, ổ cắm điện, đồ chơi có kích thước quá bé,… vì bé có thể vươn tay chạm vào chúng.
- Luôn dõi theo để hỗ trợ bé nếu chẳng may bé té ngã.
- Chèn gối mềm hoặc lót thảm quanh khu vực bé ngồi để hỗ trợ cho bé.
- Không nên quá phụ thuộc vào các sản phẩm hỗ trợ cho quá trình tập ngồi vì nó dễ làm cho bé không cần nỗ lực tập ngồi từ đó lười ngồi hơn.
- Chú ý một số tư thế ngồi sai dễ ảnh hưởng đến cột sống của bé:
+ Ngồi gù lưng: cổ và đầu nghiêng về trước, phần lưng không thẳng.
+ Ngồi chữ W: ngồi nhưng má trong bàn chân và cẳng chân lại chạm xuống sàn và chĩa ra sau tạo thành hình giống chữ W.
+ Ngồi quỳ: ngồi lên trên gót chân.
Mặc dù đây là mốc kỹ năng rất cần thiết đối với bé nhưng cha mẹ cũng đừng vì quá nôn nóng và bận tâm bé mấy tháng biết ngồi mà hối thúc con mình tập ngồi. Cha mẹ hãy cố gắng chờ đến khi bé đã sẵn sàng và tự tập luyện một cách tự nhiên nhất để tránh ảnh hưởng đến tâm lý và các kỹ năng vận động khác của bé.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!