Tin tức

Bệnh Addison - nguyên nhân, triệu chứng và phương pháp điều trị

Ngày 30/01/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Bệnh Addison xảy ra khi lớp vỏ của tuyến thượng thận gặp tình trạng rối loạn hoạt động. Tuy tương đối hiếm gặp nhưng Addison lại tiềm ẩn biến chứng khủng hoảng Addisonian đe dọa sự sống của bệnh nhân. Người bệnh có thể duy trì cuộc sống bình thường và biến chứng xấu cũng được ngăn chặn nếu được hướng dẫn điều trị phù hợp. Bài viết dưới đây xin chia sẻ cụ thể hơn về bệnh lý này.

1. Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh Addison

1.1. Addison là bệnh gì?

Các tuyến thượng thận nằm phía trên mỗi quả thận, là một phần của hệ nội tiết,  giữ vai trò tạo ra hormone ảnh hưởng đến các cơ quan và lớp mô của cơ thể. Mỗi tuyến thượng thận có 2 lớp là lớp tủy sản xuất ra Adrenaline và lớp vỏ tiết ra Corticosteroid. Bệnh Addison là một dạng rối loạn hormone tiết ra bởi tuyến thượng thận, xảy ra khi có sự tổn thương ở lớp vỏ tuyến này. 

Addison là bệnh lý xảy ra khi tuyến thượng thận bị tổn thương

Addison là bệnh lý xảy ra khi tuyến thượng thận bị tổn thương

1.2. Nguyên nhân gây ra bệnh Addison

Nguyên nhân gây ra bệnh Addison được xác định là do hoạt động của tuyến thượng thận không hiệu quả. Bản thân tuyến này sản xuất ra hormone để duy trì hoạt động của cơ quan và mô như đã nói ở trên, khi nó bị tổn thương thì việc sản xuất ra hormone cortisol và aldosterone cũng bị suy giảm.

Những yếu tố được xem là tác nhân gây ra tổn thương nguyên phát bệnh Addison gồm:

- Hệ miễn dịch nhận nhầm tuyến thượng thận gây nguy hiểm cho cơ thể nên quay ra tấn công tuyến này.

- Tác động của các bệnh lý nhiễm trùng như: nấm, HIV,...

- Khối u hoặc tình trạng xuất huyết tuyến thượng thận.

1.3. Triệu chứng nhận diện bệnh Addison

- Mệt mỏi, cơ thể yếu, dạ dày khó chịu. Những tình trạng này thường đi kèm với các triệu chứng: bị tụt huyết áp, giảm cân, da và tóc có sự biến đổi bất thường, trầm cảm,...

- Sạm da vùng khuỷu tay, khớp ngón tay, môi hoặc ngón chân. Có thể sẽ kèm theo hiện tượng xuất hiện nếp nhăn trên niêm mạc và lòng bàn tay.

- Nếu bệnh Addison xuất hiện đột ngột do căng thẳng thì dễ gặp các triệu chứng: buồn nôn nghiêm trọng, nôn, tụt huyết áp về mức rất thấp, tiêu chảy, đau dạ dày hoặc đau nhức chân, hôn mê.

2. Biến chứng nguy hiểm do Addison gây ra

Bệnh Addison có thể gây ra biến chứng khủng hoảng Addisonian. Bệnh nhân đã điều trị Addison có thể gặp khủng hoảng này nếu họ trải qua căng thẳng về mặt thể chất như nhiễm trùng, chấn thương, bệnh tật,...

Bệnh Addison làm thay đổi sắc thái da của người bệnh

Bệnh Addison làm thay đổi sắc thái da của người bệnh

Để đáp ứng với những căng thẳng về thể chất, mỗi ngày, tuyến thượng thận sản xuất ra lượng cortisol cao gấp 2 - 3 lần. Do bị bệnh Addison nên cơ thể không thể tăng sản xuất cortisol khi bị căng thẳng, kết quả là người bệnh sẽ có các triệu chứng giống với người đang trong quá trình cai thuốc.

Ngoài ra, người bị mắc khủng hoảng này còn có thể gặp một số vấn đề nguy hiểm cho tính mạng như: hạ đường huyết và huyết áp; tăng nồng độ kali huyết. Đặc biệt, nguy hiểm nhất là bệnh nhân sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc các bệnh tự miễn liên quan.

3. Chẩn đoán và điều trị Addison như thế nào?

3.1. Chẩn đoán

Bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh Addison dựa trên thăm khám lâm sàng về tiền sử bệnh cùng với triệu chứng mà họ đang mắc phải. Bên cạnh đó, bác sĩ còn kết hợp với việc thăm khám hệ thống và xác định nồng độ hormone ở trong máu qua một số xét nghiệm như:

- Cortisol huyết.

- ACTH huyết.

- Công thức máu.

- Tự kháng thể tuyến thượng thận,

- Glucose máu.

- Điện giải đồ.

Một số trường hợp cần thiết bác sĩ còn cân nhắc thực hiện chẩn đoán hình ảnh hỗ trợ như: chụp MRI tuyến yên, chụp CT Scanner bụng, chụp X-quang phổi.

3.2. Điều trị

Phương pháp điều trị bệnh Addison cho bệnh nhân sẽ được bác sĩ đưa ra tùy theo trường hợp cụ thể. Các biện pháp thường sử dụng để điều trị gồm:

- Glucocorticoid tự nhiên sản xuất bởi tuyến thượng thận sẽ được thay thế bởi glucocorticoid nhân tạo trong suốt cuộc đời.

- Thay thế bằng mineralocorticoid với trường hợp bị suy tuyến thượng thận nguyên phát trầm trọng.

- Bù đủ dịch kết hợp điều chỉnh glucose máu, điện giải với trường hợp bệnh nhân bị suy tuyến thượng thận cấp.

-  Tăng liều hydrocortisone với trường hợp bệnh nhân có stress.

Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ hướng dẫn phương pháp điều trị Addison phù hợp

Tùy vào tình trạng của từng bệnh nhân mà bác sĩ sẽ hướng dẫn phương pháp điều trị Addison phù hợp

Hiệu quả điều trị bệnh Addison ở từng bệnh nhân phụ thuộc vào nhiều yếu tố nhưng quan trọng nhất là khả năng đáp ứng với thuốc, thực trạng sức khỏe, các bệnh lý đi kèm,... Bên cạnh việc tuân thủ điều trị đúng chỉ định của bác sĩ, người bệnh cũng nên có chế độ ăn khoa học:

- Chọn thực phẩm có hàm lượng đạm cao: người mắc bệnh lý này bị thiếu hụt glucose nên thực đơn hàng cần được bổ sung chất béo tốt và protein. Nguồn năng lượng từ những thực phẩm này có khả năng chuyển hóa thành glucose giúp cơ thể duy trì hoạt động bình thường. 

- Tăng cường thực phẩm giàu vitamin C: do bị suy giảm miễn dịch nên người bệnh cần được bổ sung thực phẩm giàu vitamin C - dưỡng chất có tác dụng cải thiện sức đề kháng, nâng cao hệ miễn dịch và thúc đẩy cortisol được sản sinh.

- Tăng cường bổ sung thực phẩm giàu vitamin B: đây là dưỡng chất tham gia trực tiếp vào hoạt động sản xuất hormone của tuyến thượng thận nên cũng cần được chú ý bổ sung.

- Uống đủ nước: là việc cần thực hiện hàng ngày nâng cao sức đề kháng.

Bệnh nhân bị Addison không nên lo lắng về tác dụng phụ từ prednisone hay hydrocortison vì bác sĩ sẽ kê liều thay thế cho lượng hormone mà cơ thể bị thiếu hụt để điều này không xảy ra. Tuy nhiên, người bệnh cũng cần định kỳ trao đổi với bác sĩ để đảm bảo rằng đang không dùng liều quá cao.

Về cơ bản, Addison không phải là bệnh quá nguy hiểm nhưng các triệu chứng do bệnh gây ra lại tác động xấu đến sức khỏe. Vì thế, thăm khám sức khỏe định kỳ hoặc khi phát hiện các triệu chứng cảnh báo nêu trên sẽ giúp quý khách điều trị kịp thời bệnh lý này.

Hy vọng với những thông tin trên đây, quý khách hàng đã hiểu rõ hơn về bệnh Addison. Nếu còn băn khoăn nào khác có liên quan đến bệnh, quý khách có thể liên hệ qua hotline 1900 56 56 56 để được Tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC giải đáp cụ thể.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.