Tin tức

Bệnh chàm sữa: dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Ngày 19/05/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Trần Thị Kim Ngọc
Bệnh chàm sữa rất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, khiến các vùng da trên cơ thể trẻ bị viêm nhiễm, mẩn đỏ. Nếu không điều trị tốt, bệnh kéo dài, tái phát nhiều lần sẽ tiến triển thành chàm thể tạng có thể theo trẻ suốt đời. Hiểu rõ về căn bệnh chàm sữa này cũng như cách điều trị, phòng ngừa cho trẻ sẽ giúp cha mẹ chủ động chăm sóc bé yêu.

1. Bệnh chàm sữa là bệnh gì?

Bệnh chàm sữa là dạng bệnh viêm da dị ứng thường gặp ở trẻ sơ sinh cho đến trẻ dưới 2 tuổi. Khoảng 20% trẻ gặp phải căn bệnh này, mặc dù bệnh chỉ gây viêm da dị ứng, không lây và không nguy hiểm đến trẻ song bệnh dễ kéo dài và tái phát nhiều lần, có nguy cơ tiến triển thành chàm thể tạng. Với chàm thể tạng, điều trị rất khó khăn, hơn nữa các vùng viêm da dễ để lại sẹo vĩnh viễn.

bệnh chàm sữa là bệnh viêm da thường gặp ở trẻ sơ sinh

Chàm sữa là bệnh viêm da thường gặp ở trẻ sơ sinh

Đặc trưng của bệnh chàm sữa khác với các bệnh viêm da khác là sự xuất hiện của các nốt hồng nhỏ, ban đầu ở hai bên má rồi lan dần ra tay chân và toàn cơ thể. Theo thời gian, các nốt hồng nhỏ này dần phát triển thành mụn nước, chứa dịch và có thể vỡ ra. Sau khi vỡ mới bong vảy và hết viêm.

Bệnh chàm sữa được chia theo diễn biến của bệnh, gồm:

Bệnh chàm sữa cấp tính

Trẻ mắc bệnh chàm sữa này mới xuất hiện các mụn nước màu hồng, dịch bên trong có thể vỡ ra gây ngứa ngáy khó chịu.

Bệnh chàm sữa mạn tính

Ở mức độ bệnh này, tổn thương đã xuất hiện trên vùng da dày và rộng, khiến da trẻ trở nên khô ráp, bong vảy với nhiều rãnh ngang dọc, ngứa, nếu gãi nhiều có thể dày sừng, liken hóa. Tổn thương nghiêm trọng này rất lâu mới có thể phục hồi.

Bệnh chàm sữa mãn tính gây tổn thương da nặng và khó điều trị

Bệnh chàm sữa mãn tính gây tổn thương da nặng và khó điều trị

Bệnh chàm sữa bán cấp

Da của trẻ trẻ tiết dịch ít hơn, da đỏ ít, không còn phù nề.

Tìm hiểu nguyên nhân bệnh chàm sữa được nhiều bậc phụ huynh cũng như các nhà khoa học thực hiện, tuy nhiên hiện vẫn chưa xác định được chắc chắn. Song bệnh thường gặp ở những trẻ có cơ địa dị ứng, nhất là khi cha mẹ mắc bệnh như dị ứng da, hen suyễn, dị ứng thời tiết, nổi mề đay,…

Sự phát triển của bệnh chàm sữa là sự kết hợp của cơ địa dị ứng và gặp phải chất gây dị ứng. Chất gây dị ứng thường gặp như: thực phẩm (trứng, sữa,…), rối loạn tiêu hóa, trẻ bị nhiễm khuẩn, nấm mốc, khói bụi, lông động vật,… Thông thường, bệnh chàm sữa sẽ giảm dần khi được chăm sóc tốt và biến mất khi trẻ trên 1 tuổi.

Tuy nhiên, nếu cơ địa dị ứng nặng thường xuyên tiếp xúc với chất gây dị ứng, bệnh chàm sữa có thể tiến triển thành bệnh chàm thể tạng. Chàm thể tạng gây viêm da rộng và nặng hơn, điều trị cũng khó khăn hơn.

2. Nhận biết trẻ mắc bệnh chàm sữa qua các dấu hiệu điển hình

Dấu hiệu trẻ mắc bệnh chàm sữa khá rõ ràng, cha mẹ cần lưu ý các đặc điểm sau ở trẻ:

Đối tượng

Hầu hết trẻ mắc bệnh chàm sữa rơi vào khoảng 6 tháng  - 1 tuổi.

Vùng da xuất hiện

Chủ yếu bệnh chàm sữa sẽ xuất hiện đầu tiên ở hai bên má và mặt, sau đó lan dần ra toàn thân và các vùng da tay chân.

Da bị chàm sữa có thể bội nhiễm nếu không chăm sóc tốt

Da bị chàm sữa có thể bội nhiễm nếu không chăm sóc tốt

Đặc trưng và tiến triển

Ban đầu, chàm sữa chỉ gây ra những nốt mẩn đỏ trên da, khiến da trẻ trở nên nhạy cảm hơn. Những nốt mẩn này sẽ trở thành mụn nước nhỏ li ti, dễ vỡ và rỉ dịch, gây nứt da. Sau đó da đóng vảy và bong tróc vảy, tình trạng viêm mới dần hết. 

Ảnh hưởng của bệnh chàm sữa trên da là gây ra tình trạng tổn thương, thô ráp, khô căng cho trẻ. Đặc biệt trẻ có làn da rất mềm mại, sự xuất hiện của những vảy nhỏ li ti rất dễ nhận biết. Những vùng da bị chàm sữa này thường tái phát nhiều lần, nhất là vùng mặt và các vùng da bị gập như: mu bàn tay, cổ, khuỷu tay, mắt cá chân, sau đầu gối,…

Triệu chứng khác

Bệnh chàm sữa thường xuất hiện ở trẻ có cơ địa dị ứng, vì thế ngoài dấu hiệu chàm sữa, trẻ có thể xuất hiện các dấu hiệu dị ứng khác như viêm mũi, hen suyễn,…

Tình trạng ngứa ngáy, khó chịu có thể khiến trẻ bú kém, quấy khóc nhiều hơn, ngủ không ngon giấc.

Nên lưu ý không cho trẻ đưa tay lên gãi trên vùng da bị viêm ngứa này, móng tay trẻ dễ khiến mụn nước vỡ ra, gây tổn thương chảy máu. Với tổn thương da này, nếu vi khuẩn xâm nhập có thể gây bội nhiễm, tổn thương trở nên nặng hơn, khó điều trị và dễ để lại sẹo vĩnh viễn.

3. Điều trị và phòng ngừa bệnh chàm sữa ở trẻ

Điều trị bệnh chàm sữa không quá khó khăn, tuy nhiên cần kiên trì, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa tránh bệnh tái phát.

3.1. Biện pháp điều trị bệnh chàm sữa

Da dễ bị chàm sữa mỗi khi thời tiết thay đổi hoặc trẻ tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng trong môi trường, thực phẩm,… Vì thế việc đầu tiên là xác định và cách ly trẻ khỏi nguồn gây bệnh.

Dùng thuốc bôi da là cần thiết để điều trị chàm sữa

Dùng thuốc bôi da là cần thiết để điều trị chàm sữa

Bên cạnh đó, với những triệu chứng viêm da, cha mẹ nên lưu ý hơn trong việc chăm sóc, dưỡng da bằng các sản phẩm đặc biệt. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được hướng dẫn về thuốc bôi cho bệnh chàm sữa và cách chăm sóc da phù hợp, an toàn. Một số kem chăm sóc da khá tốt cho trẻ là Dexeryl, Ceradan,…

Lưu ý không nên tự ý mua thuốc bôi, thuốc uống cho trẻ khi không có chỉ định của bác sĩ, ngoài ra các bài thuốc dân gian cũng có thể khiến tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn.

3.2. Phòng ngừa bệnh chàm sữa ở trẻ

Phòng ngừa bệnh chàm sữa cho trẻ cần kết hợp các yếu tố sau:

Chế độ dinh dưỡng phù hợp

Trẻ sơ sinh cần được bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng đầu, có thể duy trì lâu nhất có thể. Trẻ chỉ nên bắt đầu ăn dặm từ 6 tháng tuổi để được nhận kháng thể từ sữa mẹ đầy đủ nhất, đồng thời nên cẩn thận khi cho trẻ bắt đầu ăn các thực phẩm dễ gây dị ứng như: lạc, trứng, hải sản, thực phẩm lên men,…

Vệ sinh cơ thể trẻ sạch sẽ

Nên cho trẻ tắm bằng nước ấm vừa dịu nhẹ vừa giảm tình trạng ngứa da, không nên ngâm da quá lâu với sữa tắm hoặc xà phòng. Nên lau khô, giữ da trẻ luôn khô thoáng sau tắm, cùng với đó là lựa chọn quần áo chất liệu thấm hút mồ hôi tốt.

Môi trường sống phù hợp

Phòng cho trẻ sinh hoạt nên thông thoáng, sạch sẽ, không bị thay đổi nhiệt độ quá đột ngột. Ngoài ra, hạn chế cho trẻ tiếp xúc với lông động vật, đây có thể là nguyên nhân gây dị ứng.

Bú sữa mẹ trong những tháng đầu đời giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh chàm sữa

Bú sữa mẹ trong những tháng đầu đời giúp hạn chế nguy cơ mắc bệnh chàm sữa

Bệnh chàm sữa rất phổ biến ở trẻ, hầu hết trường hợp chăm sóc và điều trị tốt, bệnh sẽ dần thuyên giảm cho đến khi trẻ trên 1 tuổi. Tuy nhiên các trường hợp viêm da dị ứng nặng, kéo dài dai dẳng cần đưa trẻ đi điều trị với bác sĩ da liễu.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ