Tin tức

Dị ứng thời tiết: Nguyên nhân, biểu hiện và cách chữa trị

Ngày 14/11/2020
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Dị ứng thời tiết là tình trạng bệnh lý hầu như ai cũng từng mắc phải, nhất là vào thời điểm giao mùa. Tình trạng này không gây nguy hiểm đến sức khỏe nhưng nếu không biết chữa trị đúng cách, sẽ làm chúng ta rất khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh hoạt, giao tiếp hằng ngày. Vậy làm thế nào để khắc phục được tình trạng này?

1. Thế nào là dị ứng thời tiết?

Khi nhiệt độ trong không khí đột ngột thay đổi nóng lạnh thất thường, điều này làm ảnh hưởng đến các dị nguyên như phấn hoa, nấm,... tồn tại trong không khí. Điều này làm rối loạn hệ miễn dịch của cơ thể khi ở trong môi trường đó và gây ra tình trạng dị ứng thời tiết.

Một bệnh nhân bị dị ứng thời tiết 

Một bệnh nhân bị dị ứng thời tiết

2. Dị ứng thời tiết có nguy hiểm đến sức khỏe không?

Theo các chuyên gia y tế thì dị ứng thời tiết gồm có hai dạng là cấp tính và mạn tính. Ở dạng cấp tính cơ thể sẽ có biểu hiện phát ban, ngứa ngáy, tình trạng này sẽ kéo dài trong vòng một ngày hoặc dưới sáu tuần.

Nghe tưởng như đơn giản nhưng nếu không được chữa trị kịp thời và đúng cách sẽ rất dễ dẫn đến giai đoạn mạn tính. Giai đoạn này có những biểu hiện như: Nhiễm trùng da, phù nề, để lại sẹo mất thẩm mỹ, hạ huyết áp, khó thở, trường hợp xấu nhất có thể bị sốc phản vệ gây nguy hiểm đến tính mạng.

Vì vậy cho nên khi bị các triệu chứng của dị ứng do thời tiết chúng ta không nên chủ quan mà cần phải chữa trị kịp thời đúng cách. Hoặc bạn nên đi đến cơ sở y tế gần nhất để thăm khám, tránh gặp phải những rủi ro không mong muốn.

 Dị ứng thời tiết gồm có hai dạng là cấp tính và mạn tính

Dị ứng thời tiết gồm có hai dạng là cấp tính và mạn tính

3. Một số biểu hiện

Đối với thể trạng người mẫn cảm với các thay đổi đột ngột của không khí, độ ẩm,... thì tùy theo cơ địa mỗi người mà sẽ có một số biểu hiện như sau:

3.1. Viêm mũi

Đây là biểu hiện mà nhiều người mắc phải nhất mỗi khi không khí thay đổi đột ngột, nhất là khi thời tiết đang nóng chuyển sang lạnh. Khi bị viêm mũi sẽ kèm theo các triệu chứng hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi, mệt mỏi, dẫn đến mất tập trung khi làm việc cũng như khó khăn trong giao tiếp. Các biểu hiện này sẽ kéo dài từ 1 đến 2 giờ hoặc lâu hơn tùy theo từng cơ địa khác nhau.

Viêm mũi dị ứng là biểu hiện mà nhiều người mắc phải nhất mỗi khi không khí thay đổi đột ngột 

Viêm mũi dị ứng là biểu hiện mà nhiều người mắc phải nhất mỗi khi không khí thay đổi đột ngột

3.2. Nổi mề đay

Nổi mề đay cũng là biểu hiện thường gặp khi bị dị ứng với thời tiết. Khi bề mặt da bị tác động bởi sự thay đổi đột ngột của độ ẩm sẽ gây ngứa ngáy và tạo thành những mảng mề đay nổi ở toàn thân, làm cho chúng ta cảm thấy vô cùng khó chịu.

3.3. Chàm bội nhiễm

Khi bị chàm bội nhiễm bề mặt da sẽ xuất hiện những nốt mụn nước nhỏ li ti, thậm chí chảy dịch vàng. Nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách chàm bội nhiễm sẽ kéo dài và gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.

3.4. Khó thở, ho khò khè

Đối với những ai bị dị ứng thời tiết có biểu hiện khó thở, ho khò khè, nhất là ở trẻ em cần phải đến các cơ sở Y tế để bác sĩ thăm khám và chẩn đoán có mắc hen phế quản hay không để có biện pháp chữa trị kịp thời tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của con trẻ.

3.5. Ngứa mẩn đỏ

Bề mặt da sẽ vô cùng ngứa ngáy khó chịu và nổi mẩn đỏ, nếu không khắc phục vùng mẩn đỏ sẽ lan rộng ảnh hưởng đến quá trình làm việc và sinh hoạt.

4. Nguyên nhân gây dị ứng thời tiết

Nguyên nhân chính gây dị ứng thời tiết đó là do hệ miễn dịch của cơ thể bị rối loạn. Khi thời tiết thay đổi đột ngột cơ thể sẽ sản sinh ra các kháng thể để chống lại các tác động từ bên ngoài, từ đó gây ra các phản ứng dị ứng, trong đó việc sản sinh Histamin là cơ chế hoạt động quan trọng của hệ miễn dịch làm ảnh hưởng trực tiếp đến tình trạng này.

Nguyên nhân chính gây dị ứng thời tiết đó là do hệ miễn dịch của cơ thể bị rối loạn

Nguyên nhân chính gây dị ứng thời tiết đó là do hệ miễn dịch của cơ thể bị rối loạn

5. Nên làm gì khi bị dị ứng do thời tiết?

Tùy vào các biểu hiện dị ứng khác nhau thì sẽ có cách chữa trị phù hợp. Có người rất dễ bị dị ứng khi thời tiết thay đổi nhưng cũng có trường hợp không bị ảnh hưởng.

Do liên quan đến hệ miễn dịch và cơ địa của mỗi người là không giống nhau nên rất khó để khắc phục dứt điểm được tình trạng này. Đối với những ai thường xuyên gặp phải vấn đề này thì tốt nhất bạn nên hạn chế tối đa tiếp xúc với những môi trường thời tiết khắc nghiệt và cần có các biện pháp phòng ngừa khi cần thiết.

6. Dị ứng thời tiết cần phải kiêng những gì?

Ngoài việc uống thuốc điều trị, khi bị dị ứng do thời tiết chúng ta cần phải hết sức chú ý đến chế độ sinh hoạt, ăn uống hàng ngày. Dưới đây sẽ là một số việc không nên làm khi bị dị ứng giúp mọi người khỏi bệnh nhanh nhất.

Người hay bị dị ứng thời tiết nên hạn chế ăn các đồ cay nóng và uống đồ uống quá lạnh

Người hay bị dị ứng thời tiết nên hạn chế ăn các đồ cay nóng và uống đồ uống quá lạnh

  • Không hút thuốc lá, sử dụng rượu bia, các thực phẩm có chất kích thích, hạn chế tiếp xúc với khói bụi và phấn hoa,...

  • Khi thấy bề mặt da có hiện tượng mẩn đỏ, ngứa rát, tuyệt đối không được gãi để tránh làm da bị tổn thương nặng hơn, trong trường hợp cần thiết phải đến gặp bác sĩ, tránh tình trạng nhiễm trùng da.

  • Hạn chế ăn các đồ cay nóng và uống đồ uống quá lạnh.

  • Tránh uống sữa và ăn các thực phẩm chế biến từ sữa.

  • Không nên ăn các loại thực phẩm dễ gây kích ứng như: Đậu phộng, hải sản, nhộng,...

7. Cách chữa trị

Để chữa trị dứt điểm được bệnh dị ứng thời tiết là rất khó. Nhưng chúng ta vẫn có những cách khắc phục để giảm thiểu tối đa các triệu chứng và không để cho bệnh nặng hơn, nhờ vào một số phương pháp như sau:

  • Luôn giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, thường xuyên xem dự báo thời tiết để có những chuẩn bị giúp cơ thể không bị thay đổi nhiệt độ đột ngột gây ra tình trạng dị ứng.

  • Mặc quần áo có chất liệu thoáng mát, thấm mồ hôi, nhằm giảm thiểu tình trạng dị ứng nặng hơn.

  • Đối với những ai bị viêm mũi cần phải đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, tránh tiếp xúc với khói bụi, phấn hoa, các loại động vật,...

  • Uống nước ép trái cây chứa vitamin C, ăn nhiều rau củ quả, uống nước thường xuyên để tăng khả năng miễn dịch cho cơ thể.

  • Tăng cường thể dục thể thao giúp nâng cao sức khỏe.

  • Sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Khi áp dụng các phương pháp nêu trên mà vẫn thấy tình trạng dị ứng không thuyên giảm, thì bạn cần phải đến ngay các cơ sở Y tế gần nhất để được các bác sĩ chẩn đoán và có cách chữa trị kịp thời, tránh được các rủi ro không đáng có.

Bất cứ ai cũng đều có thể bị dị ứng do thời tiết, chỉ là ở mức độ nặng hay nhẹ. Vậy nên mỗi người chúng ta cần trang bị cho mình các kiến thức cần thiết để phòng ngừa bệnh cũng như cách khắc phục khi bị dị ứng, để không bị dẫn đến các biến chứng nặng hơn.

Hy vọng qua bài viết trên các bạn đã có thêm những thông tin bổ ích về dị ứng thời tiết là gì? Các biểu hiện và cách chữa trị cũng như phòng ngừa chứng bệnh này cho bản thân cũng như các thành viên trong gia đình một cách hiệu quả nhất. Chúc các bạn và gia đình có thật nhiều sức khỏe!

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.