Tin tức
Bệnh cơ tim phì đại và những biến chứng nguy hiểm cần lưu tâm
- 09/12/2024 | Đốt cồn vách liên thất điều trị cơ tim phì đại như thế nào?
- 20/10/2024 | Người bị nhồi máu cơ tim sống được bao lâu - Bạn có biết!
- 20/10/2024 | Thiếu máu cơ tim sống được bao lâu? Điều trị như thế nào?
1. Bệnh cơ tim phì đại: Nguyên nhân và triệu chứng
1.1. Nguyên nhân
Bệnh cơ tim phì đại là tình trạng vách ngăn giữa hai buồng tim dày lên bất thường, khiến việc bơm máu ra khỏi tim gặp khó khăn. Khi cơ tim bị phì đại, tim không thể hoạt động như bình thường, ảnh hưởng đến khả năng cung cấp oxy cho cơ thể, người bệnh bị mệt mỏi, khó thở và gặp phải các vấn đề tim mạch nghiêm trọng.
Bệnh cơ tim phì đại liên quan mật thiết với yếu tố di truyền. Hầu hết các trường hợp bệnh cơ tim phì đại là kết quả của đột biến trong các gen kiểm soát sự phát triển của cơ tim, gây ra tình trạng cơ tim dày lên một cách bất thường.
Tuy nhiên, trong một số ít trường hợp, bệnh cũng có thể phát sinh do các yếu tố như: Tăng huyết áp kéo dài hoặc các bệnh lý tim mạch khác.
Thành tâm thất dày lên trong bệnh cơ tim phì đại
1.2. Triệu chứng
- Người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, thở gấp hoặc khó thở, đặc biệt là khi vận động mạnh.
- Đau hoặc khó chịu ở ngực do tim không đảm nhận được chức năng bơm máu và oxy.
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu khi chức năng tim không đảm bảo để cung cấp đủ máu cho cơ thể.
- Tim đập nhanh, đập không đều hoặc bất thường nhịp tim.
2. Bệnh cơ tim phì đại và những biến chứng nguy hiểm dễ gặp
2.1. Suy tim
Do cơ tim phì đại làm giảm khả năng bơm máu của tim, các hệ cơ quan trong cơ thể vì thế không được nhận đủ máu và oxy để hoạt động bình thường. Tim đáp ứng lại bằng cách tăng cường độ hoạt động để bù đắp, lâu dần sẽ dẫn tới tình trạng suy tim. Kết quả của tình trạng đó là cơ thể bị suy nhược, thường xuyên mệt mỏi. Suy tim sẽ gây nên các triệu chứng: Khó thở, yếu, mệt mỏi, phù nề ở chân và bụng,...
Nếu không được điều trị kịp thời, suy tim tiến triển nặng, làm suy chức năng nhiều hệ cơ quan và tử vong.
2.2. Tắc nghẽn động mạch
Trong bệnh cơ tim phì đại, nhất là phì đại vách ngăn giữa các buồng tim rất dễ làm cản trở dòng máu chảy từ tim vào các động mạch, khiến máu không thể lưu thông một cách bình thường. Do đó, động mạch bị tắc nghẽn và lưu lượng máu đến các cơ quan bị giảm sút nhanh chóng.
Khi máu không được cung cấp đủ, các cơ quan trong cơ thể sẽ thiếu oxy và dưỡng chất nên bị tổn thương. Biến chứng này có thể gây ra các cơn đau thắt ngực, đột quỵ hoặc những vấn đề tim mạch nghiêm trọng khác.
Tắc nghẽn động mạch do biến chứng bệnh cơ tim phì đại
2.3. Rối loạn nhịp tim
Sợi cơ tim bị rối loạn và không đồng đều về kích thước khiến tim đập không đều với các biểu hiện:
- Tim đập quá nhanh, gây khó thở, mệt mỏi và đôi khi bị ngất xỉu.
- Tim đập quá chậm, khiến cơ thể không đủ oxy và năng lượng để đảm bảo hoạt động thường ngày.
- Rung nhĩ làm tăng nguy cơ xuất hiện cục máu đông và gây đột quỵ.
2.4. Đột quỵ
Khi tim không thể bơm máu hiệu quả, cục máu đông có thể hình thành trong các buồng tim, đặc biệt là trường hợp có rối loạn nhịp tim. Những cục máu đông này có thể di chuyển ra ngoài tim và bị chặn lại trong các động mạch não gây nên đột quỵ.
Đột quỵ do bệnh cơ tim phì đại có thể để lại nhiều di chứng làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của người bệnh như mất khả năng vận động, mất khả năng nói, thậm chí nếu không được cấp cứu kịp thời rất dễ tử vong.
2.5. Suy thận
Suy giảm chức năng tim khiến cơ thể không nhận đủ máu và oxy, các hệ cơ quan trong đó có thận sẽ bị tổn thương. Chức năng thận suy giảm khiến cho cơ thể dễ rơi vào trạng thái không thể loại bỏ chất thải và nước dư thừa ra ngoài, ứ đọng bên trong cơ thể sinh ra tình trạng phù nề, rối loạn điện giải,...
3. Chẩn đoán và phòng ngừa bệnh cơ tim phì đại
3.1. Chẩn đoán
Đối với bệnh nhân nghi ngờ bị bệnh cơ tim phì đại, bác sĩ sẽ tiến hành quy trình thăm khám như sau:
- Khám lâm sàng
Người bệnh được bác sĩ nghe tim và kiểm tra biểu hiện lâm sàng. Ngoài ra, những yếu tố nguy cơ và vấn đề về tiền sử bệnh của gia đình cũng sẽ được bác sĩ khai thác.
- Siêu âm tim
Hình ảnh siêu âm tim giúp bác sĩ quan sát để nhận ra bất thường về chức năng, cấu trúc của tim.
- Điện tâm đồ (ECG)
Đây là phương pháp ghi lại hoạt động điện của tim nhờ đó phát hiện bất thường về nhịp tim.
- Chụp X-quang tim
Hình ảnh chụp X-quang tim giúp phát hiện phì đại và các bất thường khác ở tim.
- Chụp MRI tim
MRI tim đem đến hình ảnh chi tiết hơn về tình trạng của cơ tim và mạch máu trong tim.
Khám sức khỏe giúp dự phòng và phát hiện sớm nguy cơ bị bệnh cơ tim phì đại
3.2. Phòng ngừa bệnh
Mặc dù bệnh cơ tim phì đại có yếu tố di truyền, nhưng vẫn có một số biện pháp giúp giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc làm chậm tiến triển của bệnh:
- Kiểm soát huyết áp ở bệnh nhân huyết áp để giảm gánh nặng cho tim.
- Luyện tập đều đặn với các bài tập thể dục nhẹ nhàng để cải thiện sức khỏe tim mạch và khả năng hoạt động của tim.
- Ăn uống khoa học, hạn chế thực phẩm có hại cho tim như mỡ động vật, thực phẩm chế biến sẵn.
- Khám sức khỏe định kỳ, nhất là trường hợp có tiền sử gia đình mắc bệnh tim giúp phát hiện sớm nguy cơ mắc bệnh cơ tim phì đại để có hướng xử trí an toàn.
Bệnh cơ tim phì đại là có thể kiểm soát tốt nguy cơ biến chứng nếu phát hiện sớm và điều trị ngay. Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào của bệnh như đã được nói đến ở trên, người bệnh nên đi khám bác sĩ Tim mạch để được chẩn đoán đúng.
Quý khách hàng có vấn đề về sức khỏe tim mạch có thể liên hệ Hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!