Tin tức

Bệnh Lyme và những kiến thức bạn đừng nên bỏ qua

Ngày 01/07/2024
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Bệnh Lyme là tình trạng viêm nhiễm và nguyên nhân chính là do người bệnh bị bọ ve đốt. Khi các cơ quan trong cơ thể bị viêm nhiễm, bệnh nhân cần được điều trị kịp thời, nếu không có thể dẫn đến những biến chứng nặng như méo miệng, đau xương khớp, cứng cổ, tim đập nhanh,... Mời độc giả cùng tìm hiểu về bệnh Lyme trong bài viết sau.

1. Bệnh Lyme có nguy hiểm không?

Đây là bệnh do vi khuẩn gây ra và thường lây truyền từ động vật sang người khi bị bọ ve (đã nhiễm bệnh) đốt. Bệnh Lyme thường xảy ra đối với những trường hợp sống lâu dài ở vùng có nhiều cây cối vì đây là điều kiện thời tiết mà những con bọ ve mang mầm bệnh có thể phát triển tốt và lây truyền bệnh. Căn bệnh này hiếm gặp nhưng lại khó chẩn đoán và có thể gây ra những hậu quả rất nguy hiểm, do đó chúng ta không nên chủ quan. Dưới đây là một số biến chứng mà bệnh có thể gây ra: 

Bệnh lyme gây đau đầu

Bệnh lyme gây đau đầu

- Viêm khớp mãn tính, thường gặp nhất là ở khớp gối. 

- Một số biến chứng về thần kinh, chẳng hạn như tình trạng liệt mặt. 

- Suy giảm trí nhớ và một số vấn đề về nhận thức. 

- Rối loạn nhịp tim. 

Chính vì những biến chứng nguy hiểm này mà những người mắc bệnh cần được điều trị càng sớm càng tốt. Hơn nữa, nên tích cực thực hiện phòng ngừa bệnh ở những khu vực bị nhiễm bọ ve. 

2. Triệu chứng bệnh Lyme

Ở những giai đoạn khác nhau thì bệnh Lyme thường có các triệu chứng khác nhau. Cụ thể như sau: 

- Các triệu chứng ở giai đoạn sớm: 

+ Sau khi bị bọ ve đốt, bệnh nhân sẽ xuất hiện vết sưng nhỏ và có màu đỏ, gần giống với vết muỗi đốt. 

+ Trong khoảng 30 ngày sau khi bị bọ ve cắn: Vùng da có vết cắn sẽ tạo thành vùng màu đỏ mở rộng, có thể rộng đến 30 cm. Tuy nhiên, trên vùng da bị bệnh này thường không thấy đau hay ngứa. Nếu chạm vào sẽ có cảm giác ấm nóng. Bệnh Lyme có thể gây phát ban nhưng không phải tất cả các trường hợp bệnh nhân đều xuất hiện triệu chứng này. 

Sốt có thể do bệnh lyme

Sốt có thể do bệnh lyme

+ Ngoài ra, bệnh nhân còn mắc phải một số triệu chứng khác như ớn lạnh, sốt, mệt mỏi, cơ thể đau nhức, cứng cổ, sưng hạch, đi kèm với phát ban.

- Một số triệu chứng ở giai đoạn muộn: Nếu không được phát hiện và điều trị sớm, bệnh có thể gây ra những triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như: 

+ Tình trạng phát ban không chỉ xảy ra ở vị trí bị bọ chét cắn mà còn xảy ra ở nhiều vùng khác nhau trên cơ thể. 

+ Đau khớp nghiêm trọng. 

+ Viêm màng não, liệt một bên mặt, chân tay yếu, cơ bắp yếu. 

+ Một số triệu chứng khác, ít phổ biến hơn như tình trạng viêm mắt, nhịp tim không đều, viêm gan, mệt mỏi,...

3. Biện pháp chẩn đoán và điều trị bệnh Lyme

- Bệnh Lyme thường có những triệu chứng khá giống với các bệnh lý khác, do đó nếu chỉ dựa vào triệu chứng thì việc chẩn đoán bệnh sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì thế, bác sĩ không chỉ thăm khám lâm sàng mà còn cho bệnh nhân thực hiện một số biện pháp như sau: 

+ Bác sĩ sẽ khai thác một số thông tin như nơi sống của người bệnh có nhiều cây cối không, người bệnh thường xuyên làm việc ở ngoài trời hay trong nhà,...

+ Xét nghiệm miễn dịch ELISA: Đây là xét nghiệm để tìm kháng thể với loại vi khuẩn gây bệnh. Tuy nhiên, nó có thể cho kết quả dương tính giả nên không thể được làm cơ sở duy nhất để chẩn đoán. 

+ Phương pháp hai bước. Nếu xét nghiệm ELISA dương tính, xét nghiệm này thường được thực hiện để xác nhận chẩn đoán. Trong phương pháp hai bước này, Western blot phát hiện kháng thể đối với một số protein của B. burgdorferi.

- Phương pháp điều trị bệnh: Hiện nay, các bác sĩ thường dùng kháng sinh để điều trị bệnh. Nếu điều trị kịp thời và đúng liều lượng, phương pháp này có thể mang lại hiệu quả rất tốt: 

Thuốc kháng sinh thường được áp dụng để trị bệnh

Thuốc kháng sinh thường được áp dụng để trị bệnh

+ Kháng sinh đường uống: Thường được áp dụng với những trường hợp bị Lyme ở giai đoạn đầu.

+ Kháng sinh tiêm tĩnh mạch: Thường được áp dụng nếu người bệnh đã có những triệu chứng gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. Tuy rằng phương pháp này có hiệu quả khá nhanh nhưng cũng có thể gây ra những tác dụng phụ như giảm bạch cầu, tiêu chảy,...

Lưu ý, sau khi dùng thuốc kháng sinh để trị bệnh, người bệnh vẫn có thể có một số triệu chứng đau cơ, mệt mỏi. Vấn đề này được gọi là hội chứng bệnh sau Lyme.

4. Phòng ngừa bệnh Lyme

Để phòng ngừa bệnh Lyme, bạn cần lưu ý những điều sau: 

- Hạn chế đến những nơi có nhiều bọ ve, những khu vực có nhiều cây cối, cỏ dại, vùng rậm rạp. 

- Nếu thường xuyên phải sống ở môi trường có nhiều cây cối thì bạn cần đi giày, mặc quần dài và phải nhét quần dài vào tất, thường xuyên mặc áo sơ mi dài tay, đội mũ, đeo găng tay. Khi đi, hay đi theo những con đường mòn và tránh những nơi có bụi cây thấp, cỏ dài. 

- Nên sử dụng các loại thuốc chống côn trùng để bảo vệ làn da của bạn, đặc biệt là trẻ em. Lưu ý, cần sử dụng đúng cách để tránh gây hại cho cơ thể. 

- Thường xuyên cắt cỏ và dọn dẹp, nên để đồ đạc gọn gàng và ở nơi khô ráo nhằm hạn chế những loài gặm nhấm mang bọ chét.

- Kiểm tra kỹ xem quần áo hay thú cưng có bọ ve không, nhất là những trường hợp vừa đi vào khu vực rừng hay những nơi có nhiều cây cối. Bọ ve thường rất nhỏ, nếu không để ý hoặc cẩn thận tìm kiếm, bạn sẽ rất khó phát hiện ra chúng. 

Nên cho trẻ chơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, tránh những vùng có nhiều bụi rậm

Nên cho trẻ chơi ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, tránh những vùng có nhiều bụi rậm

- Sau khi đi từ vùng rậm rạp về, bạn hãy tắm và lau người cẩn thận để phòng ngừa tình trạng bọ ve còn bám trên cơ thể và quần áo. 

- Nếu phát hiện bọ ve, bạn nên dùng nhíp để loại bỏ chúng. Không nên bóp nát ve, hãy nhẹ nhàng nắm lấy con ve và kéo ra khỏi cơ thể. Khi đã loại bỏ con bọ ve ra khỏi cơ thể, bạn hãy bôi thuốc sát trùng nên vùng bị cắn và cho bọ ve vào dung dịch cồn hay xả xuống nhà vệ sinh. 

Trên đây là một số thông tin cơ bản về bệnh Lyme. Nếu bạn có những câu hỏi cần được giải đáp hoặc có triệu chứng bất thường và có nhu cầu thăm khám bệnh, mời quý khách hàng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC.

Từ khoá: bệnh lyme kháng sinh

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ