Tin tức

Bệnh thiếu máu tán huyết: Nhận diện sớm để tránh biến chứng nguy hiểm

Ngày 11/01/2025
Tham vấn y khoa: ThS.BS Trần Thị Kim Ngọc
Thiếu máu tán huyết là một trong căn bệnh thiếu máu có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí có thể đe dọa sự sống. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu hơn về các triệu chứng và biến chứng của bệnh lý này để kịp thời bảo vệ sức khỏe của mình.

1. Thiếu máu tán huyết là bệnh gì?

Thiếu máu tán huyết là tình trạng thiếu máu do giảm đời sống hồng cầu lưu hành trong máu ngoại vi. Cụm từ tán huyết ám chỉ sự phá hủy hồng cầu trong máu, làm giải phóng hemoglobin vào hệ tuần hoàn. Quá trình này có thể xảy ra bên trong mạch máu hoặc trong các hệ cơ quan, nhất là lách gây ra thiếu hụt hồng cầu nghiêm trọng, ảnh hưởng đến khả năng vận chuyển oxy trong cơ thể.

Thiếu hụt hồng cầu quá mức trong bệnh thiếu máu tán huyết

Thiếu hụt hồng cầu quá mức trong bệnh thiếu máu tán huyết

2. Phân loại thiếu máu tán huyết và các yếu tố nguy cơ gây bệnh

2.1. Phân loại thiếu máu tán huyết

Dựa trên nguyên nhân gây bệnh, có thể phân thiếu máu tán huyết thành 2 loại:

- Thiếu máu tán huyết do các rối loạn ngoài hồng cầu ngoại sinh: 

+ Bất thường miễn dịch trong tan máu tự miễn, phản ứng truyền máu,...

+ Vi khuẩn và độc tố vi khuẩn.

+ Chấn thương cơ học: Đông máu rải rác lòng mạch.

+ Cường lách

+ Độc chất do rắn cắn, ong đốt,... 

+ Bỏng.

- Thiếu máu tán huyết do nguyên nội sinh (bất thường dòng hồng cầu) 

+ Các bệnh lý hồng cầu mắc phải: Hồng cầu hình bia, đái huyết sắc tố kịch phát ban đêm, các bệnh hồng cầu di truyền (như hồng cầu tròn, hồng cầu elip).

+ Các bệnh do bất thường hemoglobin: Thalassemia, hồng cầu hình liềm. 

+ Các bệnh di truyền do rối loạn chuyển hóa dòng hồng cầu: Thiếu men G6PD.

2.2. Yếu tố nguy cơ gây bệnh

Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh thiếu máu tán huyết ở một người gồm:

- Khiếm khuyết di truyền

Các rối loạn di truyền ảnh hưởng đến cấu trúc hoặc chức năng của hồng cầu, khiến hồng cầu dễ bị phá vỡ. Thường gặp nhất đối với trường hợp này là thiếu máu hồng cầu hình liềm và Thalassemia.

- Rối loạn enzyme

Rối loạn enzyme, điển hình là thiếu enzyme G6PD có thể làm tăng khả năng phá vỡ tế bào hồng cầu. Người mắc bệnh này sẽ gặp phải hiện tượng tán huyết khi tiếp xúc với một số chất như thuốc, thực phẩm hoặc nhiễm trùng.

- Bệnh tự miễn

Trong một số bệnh lý tự miễn, thường gặp là bệnh thiếu máu tán huyết tự miễn, hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm các tế bào hồng cầu, làm giảm số lượng tế bào hồng cầu và dẫn đến thiếu máu.

- Nhiễm trùng

Nhiễm trùng do virus hoặc vi khuẩn có thể làm tăng sự phá hủy tế bào hồng cầu trong cơ thể và dẫn đến tình trạng thiếu máu tán huyết.

- Thuốc 

Một số loại thuốc như penicillin, sulfonamide và thuốc hóa trị có thể làm tổn thương tế bào hồng cầu và gây phản ứng tán huyết. Khi cơ thể phản ứng với các loại thuốc này, hệ miễn dịch sẽ tấn công và phá hủy tế bào hồng cầu.

- Môi trường ô nhiễm và hóa chất

Môi trường ô nhiễm với hóa chất công nghiệp độc hại có thể gây tổn thương tế bào hồng cầu và dẫn đến tán huyết. 

 Thalassemia là một trong các yếu tố gây nên thiếu máu tán huyết

 Thalassemia là một trong các yếu tố gây nên thiếu máu tán huyết

3. Triệu chứng gặp phải ở người bị thiếu máu tán huyết

Nếu chưa biết triệu chứng của thiếu máu huyết tán là gì thì bạn có thể dựa trên một số hiện tượng thường gặp sau để nhận diện bệnh:

- Luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu năng lượng.

- Da xanh xao, nhợt nhạt.

- Cảm giác hụt hơi, khó thở, nhất là khi gắng sức.

- Vàng da và vàng mắt.

Trường hợp bệnh thiếu máu tán huyết trở nên nghiêm trọng sẽ gây nên triệu chứng:

- Bất thường nhịp tim hoặc nhịp tim nhanh.

- Đau ngực khi làm việc gắng sức.

- Sưng to lách.

- Sốt không rõ nguyên nhân.

4. Hậu quả của do thiếu máu tán huyết gây ra

Thiếu máu tán huyết nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

4.1. Suy tim

Thiếu máu là nguyên nhân tăng áp lực hoạt động cho tim để bơm máu đi khắp cơ thể nhằm đảm bảo cung cấp đủ oxy cho các cơ quan. Tình trạng này kéo dài dẫn đến rối loạn nhịp tim, nhịp tim nhanh, nặng nhất sẽ gây suy tim.

4.2. Suy gan

Hồng cầu bị phá hủy quá mức khiến gan phải hoạt động nhiều hơn để xử lý bilirubin được tạo ra từ quá trình phá hủy này. Chính vì thế người bệnh sẽ bị rối loạn chức năng gan, vàng da nghiêm trọng và suy gan cấp.

4.3. Lách sưng to

Lách là cơ quan chịu trách nhiệm lọc và loại bỏ các tế bào hồng cầu hư hỏng. Khi số lượng hồng cầu bị phá hủy tăng cao sẽ khiến lách phình to bất thường. Lách to khiến hệ miễn dịch suy giảm, người bệnh thường bị đau ở vùng bụng trái.

4.4. Sốc

Thiếu máu nghiêm trọng có thể gây ra tình trạng sốc do thiếu oxy trong các hệ cơ quan. Đây là tình trạng cấp cứu cần được xử lý ngay để tránh đe dọa đến tính mạng.

4.5. Nhiễm trùng

Tổn thương lách hoặc suy giảm miễn dịch do thiếu máu tán huyết làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị nhiễm trùng huyết và cần điều trị tích cực để bảo vệ sự sống.

Bệnh thiếu máu tán huyết nếu phát hiện sớm có thể kiểm soát dễ dàng. Để chẩn đoán bệnh lý này, bác sĩ thường yêu cầu xét nghiệm máu kiểm tra số lượng hồng cầu, hemoglobin; xét nghiệm miễn dịch để tìm kháng thể tự miễn và siêu âm lách để đánh giá lách to.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ kịp thời phát hiện bệnh thiếu máu tán huyết

Kiểm tra sức khỏe định kỳ kịp thời phát hiện bệnh thiếu máu tán huyết

Ngoài ra, khám sức khỏe định kỳ cũng là cách để phát hiện thiếu máu tán huyết, có phương án điều trị kịp thời để tránh xảy ra biến chứng.

Hy vọng những thông tin được đề cập trong bài viết trên đã giúp bạn hiểu hơn về mức độ nguy hiểm của bệnh thiếu máu tán huyết để chủ động theo dõi sức khỏe, kịp thời thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi nghi ngờ dấu hiệu bất thường.

Trường hợp phát hiện dấu hiệu bệnh nhưng chưa biết làm cách nào để xác định đúng, quý khách hàng có thể liên hệ đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ