Tin tức
7 triệu chứng thiếu máu thường gặp và phương pháp khắc phục
- 02/07/2024 | Thiếu máu thiếu sắt có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách khắc phục
- 16/07/2024 | Thiếu máu do bệnh mạn tính - Nguyên nhân và triệu chứng
- 18/07/2024 | Thiếu máu tan máu: Triệu chứng phổ biến, nguyên nhân và cách điều trị
1. Như thế nào được gọi là thiếu máu?
Thiếu máu là tình trạng giảm sút lượng hồng cầu có trong 1 đơn vị thể tích máu, gây ra tình trạng không đáp ứng đủ nhu cầu trao đổi chất của cơ thể, trong đó giảm sút hemoglobin đóng vai trò quan trọng. Hemoglobin là protein trong hồng cầu có nhiệm vụ vận chuyển oxy từ phổi đi đến khắp các hệ cơ quan. Sự thiếu hụt hemoglobin khiến cho máu không nhận đủ oxy nên xuất hiện các triệu chứng thiếu máu như sẽ nói đến dưới đây.
Hình ảnh mô phỏng sự suy giảm hồng cầu khi thiếu máu
2. Triệu chứng thiếu máu điển hình
2.1. Mệt mỏi và suy nhược
Mệt mỏi là triệu chứng phổ biến ở người bị thiếu máu, xuất hiện do cơ thể không được nhận đủ oxy để cung cấp năng lượng cho các cơ quan. Lúc này, người bệnh sẽ thường xuyên mệt mỏi, kiệt sức ngay cả khi thực hiện những hoạt động nhẹ nhàng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống của người bệnh.
2.2. Da nhợt nhạt
Sự giảm sút lượng hồng cầu trong máu làm giảm lượng oxy cung cấp cho da. Vì thế người bị thiếu máu thường có làn da nhợt nhạt, nhất ở mặt, lòng bàn tay, môi và niêm mạc mắt.
2.3. Chóng mặt
Thiếu máu khiến não không nhận đủ oxy, gây ra hiện tượng chóng mặt, choáng váng, đặc biệt khi bỗng nhiên đứng dậy. Đây là thiếu máu thường xuyên gặp phải, tái diễn liên tục và có thể kéo dài nếu không có biện pháp khắc phục sớm.
2.4. Khó thở
Khi thiếu máu, tim và phổi phải tăng khả năng làm việc để đưa oxy đến các cơ quan. Do đó, người bệnh dễ bị khó thở, nhất là khi gắng sức. Người bệnh có thể cảm thấy hụt hơi, khó hít thở sâu.
2.5. Nhịp tim nhanh hoặc không đều
Nhịp tim nhanh hoặc không đều là một trong những thiếu máu nguy hiểm. Khi cơ thể không đủ lượng hồng cầu để cung cấp oxy cho các mô và cơ quan, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn để bù đắp sự thiếu hụt này. Kết quả chính là hiện tượng nhịp tim tăng nhanh hoặc nhịp đập không đều.
Người bị thiếu máu thường dễ có cảm giác hồi hộp, tim đập mạnh, có thể đau tức ngực, nhất là khi vận động hay leo cầu thang. Nếu thiếu máu nghiêm trọng, nhịp tim nhanh kéo dài có thể dẫn đến đau tim, suy tim,...
Nhịp tim không đều thường xảy ra khi bị thiếu máu nghiêm trọng
2.6. Rụng tóc, dễ gãy móng tay
Thiếu máu kéo dài có thể ảnh hưởng đến tóc và móng tay. Do bị thiếu hụt hồng cầu và hemoglobin nên các mô và cơ quan không nhận đủ oxy, nang tóc vì thế cũng không đảm bảo điều kiện phát triển bình thường. Kết quả là tóc mỏng, yếu và dễ rụng hơn.
Cũng do thiếu máu nên móng tay không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng, trở nên khô, yếu, dễ gãy hoặc tách lớp. Tình trạng này thường không phải là dấu hiệu đầu tiên của thiếu máu nhưng có thể xuất hiện khi bệnh kéo dài.
2.7. Lạnh, tê, ngứa tay chân
Lạnh tay chân dễ xảy ra khi cơ thể không đủ lượng hồng cầu để vận chuyển oxy đến các mô ngoại vi. Khi lượng oxy cung cấp không đủ, các mạch máu ở tay và chân co lại để giữ lại nhiệt cho cơ thể nên người bệnh có cảm giác lạnh ở các vùng này. Điều này đặc biệt dễ nhận thấy khi trời lạnh hoặc khi người bệnh ít vận động.
Một triệu chứng thiếu máu khác cũng có thể gặp phải là tê hoặc ngứa râm ran ở các đầu ngón tay và ngón chân. Hiện tượng này sẽ gây nên nhiều khó chịu, nhất là khi người bệnh mệt mỏi và suy nhược toàn thân.
3. Phương pháp giúp chẩn đoán thiếu máu
Nếu xuất hiện các triệu chứng thiếu máu như đã nói ở trên, người bệnh nên gặp bác sĩ để được tư vấn phương pháp xét nghiệm phù hợp như:
- Xét nghiệm công thức máu toàn phần: Đo lường số lượng hồng cầu, nồng độ hemoglobin và hematocrit trong máu.
- Xét nghiệm vi chất: Tìm nguyên nhân gây thiếu máu, thường được chỉ định với các trường hợp nghi ngờ thiếu máu do chế độ dinh dưỡng.
- Xét nghiệm tủy xương: Một số ít trường hợp sẽ được bác sĩ chỉ định xét nghiệm này để kiểm tra quá trình sản xuất hồng cầu.
Người có triệu chứng thiếu máu nên gặp bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn xét nghiệm chẩn đoán
4. Xử trí và phòng ngừa triệu chứng thiếu máu
4.1. Xử trí khi bị thiếu máu
- Bổ sung sắt
Bổ sung sắt qua chế độ dinh dưỡng và thực phẩm hỗ trợ đường uống là việc cần được ưu tiên khi bị thiếu máu. Nhóm thực phẩm có hàm lượng sắt cao có thể kể đến như thịt đỏ, gan, đậu, rau xanh,... Trường hợp bổ sung sắt đường uống cần có sự tư vấn cụ thể từ bác sĩ chuyên khoa.
- Bổ sung vitamin B12 và folate
Nếu thiếu máu do thiếu vitamin B12 hoặc folate thì cần bổ sung các loại thực phẩm như trứng, sữa, ngũ cốc, và rau xanh. Ngoài ra, nếu cần thiết, bác sĩ cũng có thể kê viên uống bổ sung.
- Điều trị bệnh lý nền
Nếu thiếu máu do bệnh mạn tính thì việc điều trị căn nguyên như bệnh thận, viêm nhiễm hoặc ung thư cũng sẽ cải thiện tình trạng thiếu máu.
- Truyền máu
Người bị thiếu máu nghiêm trọng cần được truyền máu để kịp thời bổ sung hồng cầu và hemoglobin.
4.2. Biện pháp phòng ngừa thiếu máu
- Duy trì chế độ ăn uống cân bằng: Chế độ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là các thực phẩm giàu sắt và vitamin, giúp cơ thể sản xuất đủ hồng cầu và hemoglobin.
- Bổ sung sắt trong giai đoạn cần thiết: Phụ nữ mang thai, trẻ em và người lớn tuổi nên bổ sung sắt theo khuyến cáo của bác sĩ để phòng ngừa thiếu máu.
- Khám sức khỏe định kỳ: Giúp phát hiện sớm các triệu chứng thiếu máu để có phương án điều trị kịp thời.
- Tẩy giun định kỳ: Giun ký sinh trong ruột sẽ hút máu từ cơ thể và làm giảm số lượng hồng cầu, làm tăng nguy cơ thiếu máu. Do đó, tẩy giun định kỳ theo khuyến cáo của bác sĩ là cách hiệu quả để ngăn chặn tình trạng thiếu máu do ký sinh trùng.
Thiếu máu là tình trạng sức khỏe dễ gặp nhưng cũng dễ khắc phục. Khi được phát hiện sớm triệu chứng thiếu máu và xử trí đúng theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh sẽ cải thiện được sức khỏe và ngăn chặn được các biến chứng lâu dài.
Quý khách hàng có nhu cầu thăm khám sức khỏe, đặt lịch xét nghiệm công thức máu tận nơi có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC để được tư vấn cụ thể.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!