Tin tức

Bệnh tiểu đường ăn nho được không và cần lưu ý gì khi ăn?

Ngày 30/09/2024
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Nguyễn Thị Nhung
Nho là loại trái cây có vị ngọt, thơm phù hợp với khẩu vị của nhiều người. Tuy có nhiều lợi ích nhưng cũng có không ít thông tin cho rằng nho chứa nhiều đường, không nên sử dụng cho người đang điều trị tiểu đường. Vậy thực tế tiểu đường ăn nho được không và nếu ăn thì cần lưu ý gì?

1. Giá trị dinh dưỡng của nho

Nho từ lâu đã là loại trái cây được sử dụng phổ biến trên thế giới. Loại quả này có thể dùng trực tiếp, chế biến thành các món tráng miệng hoặc ủ rượu. Các giống nho phổ biến như nho xanh, nho đỏ thường có độ giòn, vị chua ngọt thanh và loại nho đen thường có vị ngọt đậm cùng vị chát nhẹ ở vỏ. Không chỉ ngon miệng phù hợp với khẩu vị nhiều người, từ trẻ nhỏ đến người lớn mà nho còn được biết đến nhờ giá trị dinh dưỡng dồi dào. 

Nho tươi giàu các loại vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe

Nho tươi giàu các loại vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe

Với mỗi 100g, thành phần dinh dưỡng của nho bao gồm:

  • 69 Kcal.
  • 80.54 g nước.
  • 15.48 g đường.
  • 0.9 g chất xơ.
  • 14.6 µg Vitamin K.
  • 0.086 mg Vitamin B6.
  • 3.2 mg Vitamin C.
  • 7 mg Mg.
  • 191 mg Kali.
  • 0.36 mg Sắt

Nguồn: USDA - Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ

2. Bệnh tiểu đường ăn nho được không?

Có thể thấy nho chứa hàm lượng đường cao lên đến 15.48 g trên mỗi 100g và điều này gây ra nhiều lo ngại bệnh tiểu đường ăn nho được không. Thực tế, người tiểu đường có thể ăn nho với lượng vừa đủ mà không ảnh hưởng đến tình trạng đường huyết. Ngược lại, đây còn là loại quả mang đến nhiều lợi ích cho sức khoẻ như:

Tiểu đường ăn nho được không là thắc mắc của nhiều người

Tiểu đường ăn nho được không là thắc mắc của nhiều người

2.1. Ổn định và ngăn ngừa biến chứng tiểu đường

Mặc dù đường trong nho khá cao nhưng phần lớn là đường glucose, một phần saccharose và fructose. Vỏ của quả nho có chất resveratrol. Hoạt chất này giúp cải thiện độ nhạy của insulin, chống viêm tốt và giúp loại bỏ gốc tự do. Qua đó phần nào giúp kiểm soát, ổn định chỉ số đường huyết đối với bệnh nhân đái tháo đường. 

Người thường xuyên bổ sung nho trong chế độ ăn hàng ngày với lượng vừa đủ sẽ hỗ trợ đẩy lùi biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường như: ảnh hưởng võng mạc, tổn thương thần kinh, nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp, tim mạch, gan, thận,... 

Vỏ của quả nho có chất resveratrol giúp ổn định đường huyết

Vỏ của quả nho có chất resveratrol giúp ổn định đường huyết

2.2. Hỗ trợ xương khớp

Trên thực tế, bệnh nhân tiểu đường thường có tỷ lệ mắc các bệnh lý về xương khớp cao với các triệu chứng như: loãng xương, viêm khớp, đau nhức khớp, hạn chế cử động ở khớp ngón tay, chân,... 

Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như: rối loạn chuyển hoá khiến lượng collagen tích tụ nhiều ở khớp, tổn thương dây thần kinh kiểm soát chuyển động, hệ miễn dịch kém gây viêm khớp, thừa cân gây áp lực lên xương,... Ngoài việc ổn định đường huyết, nho còn chứa hàm lượng kali cao giúp hỗ trợ cải thiện tình trạng về xương khớp do biến chứng tiểu đường gây ra.

2.3. Hỗ trợ tăng cường sức khoẻ mắt

Đối với người mắc bệnh tiểu đường, sức khoẻ mắt cần đặc biệt lưu ý bởi vì một trong những biến chứng thường gặp của bệnh này ảnh hưởng trực tiếp võng mạc. Khi nồng độ đường trong máu tăng cao sẽ gây tổn thương đến hệ mạch máu của mắt dẫn đến tình trạng giảm thị lực, mắt nhìn mờ, hạn chế tầm nhìn,... nguy hiểm hơn có thể gây mù loà. 

Trong quả nho tươi giàu chất chống oxy hoá, vitamin và khoáng chất có khả năng giúp bảo vệ mắt khỏi tác hại của tia UV ảnh hưởng đến võng mạc cũng như các tổn thương do biến chứng tiểu đường. Đồng thời, thường xuyên sử dụng nho xanh giúp ngăn ngừa thoái hoá võng mạc ở người lớn tuổi.

Chất chống oxy hóa trong quả nho giúp bảo vệ mắt khỏi biến chứng tiểu đường

Chất chống oxy hóa trong quả nho giúp bảo vệ mắt khỏi biến chứng tiểu đường

2.4. Tốt cho hệ tim mạch

Ngoài hỗ trợ kiểm soát tiểu đường, nho còn là trái cây có khả năng tăng cường sức khỏe tim mạch. Hàm lượng Kali dồi dào giúp làm giảm áp lực mạch máu, từ đó duy trì mức huyết áp ổn định. Đồng thời, nho còn chứa flavonoid, resveratrol và polyphenol là nhóm các chất chống oxy hoá có tác dụng làm giảm nguy cơ tắc nghẽn mạch máu và hỗ trợ giảm cholesterol giúp ngăn ngừa triệu chứng xơ vữa động mạch, đột quỵ và tăng cường sức khỏe tim.

3. Tham khảo lượng nho phù hợp với người tiểu đường

Có thể thấy, thông tin về những lợi ích của nho tươi đã giúp bạn giải đáp thắc mắc tiểu đường ăn nho được không. Mặc dù nho chứa nhiều thành phần dinh dưỡng có lợi cho sức khoẻ nhưng người tiểu đường chỉ nên sử dụng ở mức vừa đủ. 

Bởi vì ngoài nho thì chế độ ăn của người tiểu đường cần bổ sung đa dạng các loại thực phẩm khác để đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Chính vì thế, theo khuyến cáo người mắc bệnh tiểu đường, có thể sử dụng tối đa 40 - 60g nho tươi tương đương khoảng 10 quả mỗi ngày. Lưu ý chỉ nên ăn nho khoảng 2 - 3 lần/tuần để tránh gây ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Người bệnh chỉ nên ăn tối đa 10 quả nho mỗi lần và tối đa 2 lần trong tuần

Người bệnh chỉ nên ăn tối đa 10 quả nho mỗi lần và tối đa 2 lần trong tuần

4. Người tiểu đường ăn nho khô hoặc nước ép được không?

Nho không chỉ chứa nhiều chất dinh dưỡng mà còn có hương vị thơm ngon, phù hợp với khẩu vị nhiều người. Đây cũng là trái cây thường được chế biến thành các món như nho khô hoặc nước ép. Vậy người tiểu đường có thể ăn nho tươi thì dùng nước ép hoặc nho khô được không?

Mặc dù nho khô có nguồn gốc từ quả nho tươi nhưng thành phần đường trong sản phẩm này đã chuyển đổi trong quá trình chế biến và có nguy cơ làm tăng lượng đường trong máu rất cao. Vì thế, nho khô không phải là món phù hợp với người mắc tiểu đường. Đối với nước ép nho người bệnh nên kiểm tra thành phần sản phẩm, đảm bảo không thêm đường và sử dụng với lượng vừa phải sau khi đã tham khảo ý kiến bác sĩ.

5. Lưu ý khi ăn nho cho người tiểu đường

  • Lựa chọn sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
  • Rửa sạch nho trước khi ăn.
  • Kiểm soát lượng tiêu thụ nho mỗi lần ăn và không nên dùng thường xuyên.
  • Ăn nho trong các bữa phụ để cung cấp năng lượng hiệu quả.
  • Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh ảnh hưởng sức khoẻ

Nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng để tránh ảnh hưởng sức khoẻ

Hy vọng những thông tin chi tiết trong bài viết đã giúp bạn giải đáp được thắc mắc bệnh tiểu đường ăn nho được không. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để thăm khám, chẩn đoán cũng như tham khảo ý kiến về dinh dưỡng. Một địa chỉ y tế bạn có thể tin tưởng và lựa chọn là chuyên khoa Nội tiết thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Để đặt lịch khám, Quý khách vui lòng gọi đến tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ. 

Từ khoá: tiểu đường

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.