Tin tức
Bệnh tim bẩm sinh: Cập nhật phương pháp chẩn đoán và điều trị hiệu quả nhất
- 08/06/2022 | Dấu hiệu bệnh tim bẩm sinh ở người lớn và biến chứng thường gặp
- 29/03/2022 | Bệnh tim bẩm sinh - Những điều cha mẹ cần lưu ý
- 01/01/2024 | Phương pháp tầm soát bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
- 11/02/2025 | Bệnh tim bẩm sinh có di truyền không và phương pháp chẩn đoán
- 09/03/2025 | Bệnh tim bẩm sinh: Thông tin cơ bản về phương pháp chẩn đoán, điều trị
1. Bệnh tim bẩm sinh là gì?
Bệnh tim bẩm sinh (CHD) là dị tật ở tim xuất hiện ngay từ khi trẻ chào đời, ảnh hưởng lớn tới cấu trúc và chức năng quả tim. Tình trạng này ảnh hưởng tới sự lưu thông bất thường của dòng máu do các vấn đề như:
- Xuất hiện lỗ hổng trên vách ngăn của tim.
- Bất thường về mạch máu (quá nhiều, quá ít, lưu thông sai hướng hoặc không đủ máu đến các cơ quan).
- Rối loạn chức năng của van tim, làm cản trở sự thông suốt ổn định của máu.
Một số trường hợp bệnh tim bẩm sinh khá nhẹ, không gây triệu chứng rõ ràng, nhưng có những trường hợp nghiêm trọng cần can thiệp y tế ngay từ khi còn nhỏ. Tuy nhiên, cũng không hiếm những trường hợp, phát hiện khi đã trưởng thành. Chính vì vậy, việc tầm soát tim mạch định kỳ đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện và kiểm soát bệnh kịp thời.
Hai loại bệnh tim bẩm sinh phổ biến hiện nay
2. Dấu hiệu nhằm nhận biết bệnh tim bẩm sinh?
Bệnh tim bẩm sinh có thể biểu hiện ngay từ khi trẻ mới sinh hoặc xuất hiện muộn hơn khi trưởng thành. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu bệnh vô cùng quan trọng, giúp người bệnh được chẩn đoán và can thiệp kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng sau này.
2.1. Dấu hiệu nhận biết bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
Những khuyết tật tim bẩm sinh nghiêm trọng thường được y bác sĩ phát hiện ngay sau khi trẻ được sinh ra hoặc trong những tháng đầu đời. Cha mẹ cần đặc biệt lưu tâm nếu trẻ nhỏ có những dấu hiệu như sau:
- Da, môi, lưỡi hoặc móng tay tím tái: Do cơ thể không nhận đủ oxy, tình trạng này có thể dễ thấy hơn ở trẻ có làn da sáng màu.
- Thở nhanh, khó thở: Trẻ có thể thở gấp ngay cả khi nghỉ ngơi, đặc biệt là khi bú.
- Chậm tăng cân: Do tim hoạt động kém hiệu quả, trẻ có thể gặp khó khăn khi bú, dễ mệt và tăng cân chậm.
- Sưng phù bất thường: Sưng ở chân, bụng hoặc vùng quanh mắt có thể là dấu hiệu của suy tim.
Dấu hiệu nhận biết bệnh tim bẩm sinh ở trẻ sơ sinh
2.2. Dấu hiệu nhận biết bệnh tim bẩm sinh ở trẻ lớn và người trưởng thành
Một số trường hợp dị tật tim bẩm sinh nhẹ có thể không bộc lộ rõ ngay từ nhỏ mà chỉ xuất hiện khi người bệnh lớn lên như:
- Dễ cảm thấy khó thở khi vận động: Cảm giác hụt hơi, thở dốc khi leo cầu thang, chạy bộ hoặc tham gia các hoạt động thể chất.
- Mệt mỏi kéo dài: Người bệnh nhanh chóng kiệt sức, thậm chí sau những hoạt động nhẹ.
- Ngất xỉu khi tập luyện hoặc vận động: Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp tim hoặc lưu lượng máu không đủ đến não.
- Phù ở tay, chân hoặc mắt cá chân: Tích tụ chất lỏng do tim không bơm máu hiệu quả, gây sưng phù ở chi dưới.
Nếu phát hiện trẻ có biểu hiện tím tái, thở nhanh, chậm tăng cân hoặc bất kỳ triệu chứng nào kể trên, cha mẹ cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên khoa tim mạch càng sớm càng tốt. Với người lớn, nếu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi bất thường, khó thở hoặc có tiền sử gia đình mắc bệnh tim bẩm sinh, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ là vô cùng cần thiết để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
3. Bệnh tim bẩm sinh được chẩn đoán thế nào?
Bệnh tim bẩm sinh có thể được phát hiện sớm khi thai còn trong bụng mẹ hoặc sau mới khi sinh, thậm chí ở tuổi trưởng thành. Các phương pháp chẩn đoán hiện đại giúp xác định chính xác loại khuyết tật tim và mức độ ảnh hưởng của bệnh.
3.1. Chẩn đoán trước sinh
- Siêu âm tim thai: Phương pháp này được thực hiện khi bác sĩ nghi ngờ thai nhi có vấn đề về tim nhằm giúp quan sát cấu trúc tim và phát hiện bất thường của thai nhi ngay từ trong bụng mẹ.
- Xét nghiệm di truyền: Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định xét nghiệm di truyền để kiểm tra các rối loạn liên quan đến bệnh tim bẩm sinh.
3.2. Chẩn đoán sau sinh và ở người trưởng thành
- Khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra các dấu hiệu bất thường như da xanh tím, nhịp tim không đều hoặc tiếng thổi tim.
- Đo oxy xung (Pulse oximetry): Kiểm tra mức oxy trong máu của trẻ sơ sinh để phát hiện các vấn đề về tim.
- Siêu âm tim (Echocardiography): Sử dụng sóng siêu âm để tạo hình ảnh chi tiết về cấu trúc và chức năng tim, giúp xác định chính xác vị trí khuyết tật.
- Điện tâm đồ (ECG/EKG): Ghi nhận hoạt động điện của tim để phát hiện rối loạn nhịp tim và các bất thường khác.
Phương pháp điện tâm đồ trong chẩn đoán bệnh tim bẩm sinh
- Chụp X-quang ngực: Là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh giúp đánh giá kích thước, hình dạng tim và tình trạng của phổi.
- Thông tim (Cardiac catheterization): Sử dụng ống thông nhỏ đưa vào mạch máu để đo áp lực trong tim, kiểm tra lưu lượng máu và chụp hình chi tiết về các bất thường tim.
- Chụp cộng hưởng từ tim (Cardiac MRI): Cung cấp hình ảnh ba chiều chi tiết về tim, giúp đánh giá chính xác cấu trúc tim và các mạch máu liên quan.
4. Các phương pháp điều trị bệnh tim bẩm sinh
Mức độ nghiêm trọng của bệnh tim bẩm sinh sẽ quyết định phương pháp điều trị phù hợp. Một số trường hợp nhẹ có thể chỉ cần theo dõi định kỳ, trong khi các trường hợp nặng cần can thiệp y tế hoặc phẫu thuật.
4.1. Điều trị bằng thuốc
- Thuốc kiểm soát huyết áp: Giúp giảm áp lực lên tim và điều chỉnh lưu lượng máu.
- Thuốc lợi tiểu: giảm gánh nặng cho tim bằng cách loại bỏ chất dư thừa trong cơ thể.
- Thuốc chống loạn nhịp tim: Kiểm soát nhịp tim bất thường, giúp tim hoạt động ổn định.
- Prostaglandin E1: Được sử dụng để duy trì lưu thông máu ở trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh (CHD) nghiêm trọng.
4.2. Can thiệp tim mạch không phẫu thuật
- Thông tim can thiệp: Đưa ống thông vào tim để thực hiện các thủ thuật điều chỉnh mà không cần phẫu thuật mở.
- Đóng lỗ thông tim: Sử dụng thiết bị đặc biệt để bít lỗ thông liên nhĩ hoặc thông liên thất.
- Nong van tim hoặc động mạch: Dùng bóng hoặc stent để mở rộng van hoặc mạch máu bị hẹp, giúp cải thiện lưu lượng máu.
4.3. Phẫu thuật tim
- Phẫu thuật sửa chữa lỗ thông tim: Đóng các lỗ hở giữa các buồng tim để ngăn máu chảy sai hướng.
- Phẫu thuật thay van tim: Thay thế van tim bị tổn thương bằng van tim nhân tạo hoặc van tim sinh học.
- Phẫu thuật chuyển mạch máu: Điều chỉnh vị trí của động mạch để đảm bảo lưu thông máu bình thường.
- Phẫu thuật Fontan hoặc Glenn: Dành cho các trường hợp bệnh tim phức tạp nhằm cải thiện tuần hoàn máu.
Phẫu thuật tim là một trong những phương điều trị hiệu quả
4.4. Liệu pháp hỗ trợ và theo dõi lâu dài
- Liệu pháp oxy: Cung cấp trực tiếp oxy hỗ trợ cải thiện hô hấp và tuần hoàn.
- Chế độ dinh dưỡng hợp lý: Hạn chế lượng muối từ các thực phẩm và lượng muối được thêm vào trong quá trình chế biến. Việc tuân thủ một chế độ dinh dưỡng lành mạnh góp phần quan trọng trong quá trình phục hồi sau phẫu thuật
- Tái khám định kỳ: Theo dõi sức khỏe tim mạch để phát hiện và xử lý sớm các biến chứng.
4.5. Ghép tim
Trong một số trường hợp bệnh tim bẩm sinh quá nghiêm trọng, ghép tim là lựa chọn duy nhất để duy trì sự sống. Tuy nhiên, việc ghép tim phụ thuộc vào nguồn tạng hiến và yêu cầu theo dõi nghiêm ngặt sau phẫu thuật.
Bệnh tim bẩm sinh có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng nếu không được điều trị kịp thời. Nhờ sự tiến bộ của y học, nhiều phương pháp chẩn đoán và điều trị hiện đại đã giúp bệnh nhân có cơ hội sống khỏe mạnh hơn. Nếu bạn hoặc người thân mắc bệnh tim bẩm sinh, hãy thăm khám bác sĩ chuyên khoa tim mạch tại Hệ thống Y tế MEDLATEC hoặc liên hệ hotline 1900 56 56 56 để được tư vấn và có hướng điều trị phù hợp nhất.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
