Tin tức
Bệnh viêm teo dạ dày gây ra biến chứng gì? Có điều trị bằng thuốc được không?
- 04/05/2025 | Những viên nhai dạ dày phổ biến hiện nay
- 07/05/2025 | Khi nào nên nội soi dạ dày trẻ em? Có ảnh hưởng gì tới sức khỏe của trẻ không?
- 08/05/2025 | Tìm hiểu về cắt ung thư dạ dày sống được bao lâu?
1. Viêm teo dạ dày là bệnh gì?
Viêm teo dạ dày là tình trạng niêm mạc dạ dày bị viêm lâu ngày dẫn đến tổn thương, mỏng dần và mất chức năng. Các tuyến tiêu hóa trong niêm mạc bị teo đi, giảm tiết axit và enzyme cần thiết cho tiêu hóa. Trong một số trường hợp, các tế bào tuyến còn có thể bị thay thế bằng mô bất thường (gọi là dị sản ruột).
Theo các chuyên gia y tế, những nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh lý này bao gồm:
- Nhiễm vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) mạn tính – nguyên nhân hàng đầu;
Nhiễm vi khuẩn HP là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh lý viêm teo dạ dày
- Rối loạn tự miễn – hệ miễn dịch tấn công nhầm vào tế bào tuyến dạ dày;
- Lạm dụng thuốc NSAIDs, corticoid lâu dài;
- Chế độ ăn thiếu lành mạnh: nhiều muối, thực phẩm lên men; hút thuốc, uống nhiều rượu bia…;
- Yếu tố tuổi tác và di truyền.
Mặc dù tiến triển chậm, nhưng viêm teo dạ dày có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt nếu không được theo dõi định kỳ:
- Rối loạn tiêu hóa mạn tính: đầy bụng, chán ăn, sút cân, thiếu máu do kém hấp thu;
- Dị sản ruột – tiền ung thư: các tế bào niêm mạc biến đổi bất thường;
- Tăng nguy cơ ung thư dạ dày, đặc biệt là dạng ung thư tuyến.
2. Viêm teo dạ dày có điều trị bằng thuốc được không?
Thực tế, viêm teo dạ dày là tổn thương mạn tính, khó phục hồi hoàn toàn, nhưng ở một số trường hợp nhẹ, có thể cải thiện sau điều trị đúng cách bằng việc sử dụng thuốc. Việc điều trị bằng thuốc hoàn toàn có thể giúp:
- Làm chậm hoặc ngăn tiến triển của bệnh;
- Cải thiện các triệu chứng như đầy bụng, chán ăn, mệt mỏi;
- Giảm viêm, phục hồi phần niêm mạc còn hoạt động tốt;
- Giảm nguy cơ biến chứng, đặc biệt là dị sản ruột và ung thư dạ dày.
Việc sử dụng thuốc mang lại nhiều ý nghĩa trong quá trình điều trị viêm teo dạ dày
Tùy vào nguyên nhân và tình trạng bệnh, các loại thuốc được sử dụng trong điều trị bệnh viêm teo dạ dày bao gồm:
Thuốc diệt vi khuẩn HP (nếu có HP dương tính)
- Phác đồ kết hợp từ 3-4 loại thuốc: kháng sinh + thuốc giảm axit;
- Điều trị từ 10-14 ngày.
Thuốc giảm tiết axit – bảo vệ niêm mạc
Chỉ sử dụng nếu bệnh nhân còn tăng tiết axit kèm viêm dạ dày hoạt động hoặc cần bảo vệ thêm niêm mạc trong giai đoạn đầu với những loại thuốc như sau:
- Nhóm PPI: omeprazole, esomeprazole, pantoprazole…;
- Thuốc bao phủ niêm mạc: sucralfate, rebamipide.
Thuốc hỗ trợ tiêu hóa và tăng miễn dịch
- Enzyme tiêu hóa, men vi sinh;
- Vitamin B12, sắt (nếu thiếu máu do kém hấp thu).
3. Biện pháp phòng ngừa viêm teo dạ dày
Mặc dù gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nhưng viêm teo dạ dày hoàn toàn có thể phòng ngừa nếu bạn chủ động chăm sóc sức khỏe và thay đổi thói quen sống. Dưới đây là các biện pháp quan trọng:
Tầm soát và điều trị vi khuẩn HP từ sớm
vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là nguyên nhân hàng đầu gây viêm dạ dày mạn tính và teo niêm mạc. Nếu bạn bị đau bụng, đầy hơi kéo dài, hoặc trong gia đình có người từng nhiễm HP, hãy:
- Thực hiện test hơi thở, xét nghiệm phân hoặc nội soi;
- Điều trị diệt HP theo phác đồ chuẩn nếu dương tính;
- Sau điều trị, nên kiểm tra lại để đảm bảo HP đã được tiêu diệt hoàn toàn.
Tầm soát và điều trị tình trạng nhiễm vi khuẩn HP là cách phòng ngừa bệnh viêm teo dạ dày hiệu quả
Ăn uống khoa học, đúng giờ, đúng cách
- Không bỏ bữa, đặc biệt là bữa sáng;
- Tránh ăn quá nhanh, quá no hoặc vừa ăn vừa làm việc;
- Hạn chế thực phẩm gây hại cho dạ dày như đồ chua cay, nhiều dầu mỡ; thức ăn chiên rán, lên men, chế biến sẵn;
- Ưu tiên món luộc, hấp, nấu mềm để dễ tiêu hóa.
Hạn chế các chất kích thích
Tuyệt đối tránh rượu bia, thuốc lá vì chúng là một trong những nguyên nhân phá hủy niêm mạc dạ dày;
- Hạn chế cà phê, trà đặc, nước ngọt có gas;
- Đảm bảo cơ thể được bổ sung đủ nước và ưu tiên các loại rau củ quả tươi.
Thận trọng với thuốc giảm đau và kháng viêm
- Thuốc nhóm NSAIDs (như ibuprofen, aspirin…) có thể gây tổn thương niêm mạc nếu dùng kéo dài, do đó chỉ dùng thuốc theo đơn và uống sau khi ăn no;
- Nếu bắt buộc dùng lâu dài, hãy tham khảo bác sĩ để được kê thêm thuốc bảo vệ dạ dày.
Giữ tinh thần thoải mái, giảm tình trạng căng thẳng
- Căng thẳng kéo dài là yếu tố thúc đẩy viêm dạ dày tiến triển nặng hơn;
- Tập thể dục nhẹ nhàng, ngủ đủ giấc, thiền, yoga giúp giảm áp lực tinh thần;
- Tránh làm việc quá sức, ăn uống thất thường do căng thẳng, ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa và sức khỏe tổng quát.
Chủ động thăm khám định kỳ
Nội soi là cách phát hiện sớm tổn thương tiền ung thư và có kế hoạch theo dõi chặt chẽ. Người dân, đặc biệt là những đối tượng nguy cơ cao như dị sản ruột nặng, loạn sản mức độ thấp, tiền sử gia đình mắc ung thư dạ dày cần nội soi mỗi 6-12 tháng, người viêm teo dạ dày nhẹ, không dị sản có thể chỉ cần soi lại 2-3 lần mỗi năm. Thông qua đây, bệnh lý viêm teo dạ dày ở giai đoạn đầu nói riêng và những bất thường khác của cơ thể nói chung sẽ được phát hiện kịp thời.
Phòng ngừa viêm teo dạ dày không khó, quan trọng là bạn cần chủ động thay đổi thói quen sinh hoạt hàng ngày bao gồm chế độ ăn uống, sinh hoạt, cho đến tầm soát y tế định kỳ.
Hiện nay, Hệ thống Y tế MEDLATEC đáp ứng thực hiện các kỹ thuật từ cơ bản đến chuyên sâu nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh lý viêm teo dạ dày, từ đó đưa ra phương án điều trị hiệu quả cho người bệnh. Bạn đọc có nhu cầu tư vấn các vấn đề sức khỏe có liên quan hoặc thực hiện thăm khám sức khỏe tổng quát nói chung và đường tiêu hóa nói riêng, hãy liên hệ tới MEDLATEC qua Tổng đài 1900 56 56 56 để được đội ngũ bác sĩ chuyên khoa hỗ trợ nhanh chóng, kịp thời.
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
