Tin tức

Bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, những điều cha mẹ nên biết

Ngày 06/06/2023
Tham vấn y khoa: BSCKI. Vũ Thanh Tuấn
Bệnh viêm tiểu phế quản rất phổ biến ở trẻ nhỏ vì tiểu phế quản của trẻ chưa hoàn thiện, do virus gây ra với các triệu chứng kéo dài dai dẳng. Nếu không được điều trị hiệu quả, bệnh có thể dẫn đến các biến chứng: viêm tai giữa, suy hô hấp, viêm phổi, xẹp phổi vì tắc đờm,...

1. Nguyên nhân và triệu chứng bệnh viêm tiểu phế quản

1.1. Viêm tiểu phế quản là bệnh gì?

Viêm tiểu phế quản là nhiễm trùng đường hô hấp do virus với đặc trưng là ống thở nhỏ của phổi bị sưng lên làm cho quá trình lưu thông không khí qua phổi bị cản trở và trẻ bị khó thở. 

Bệnh viêm tiểu phế quản thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi

Bệnh viêm tiểu phế quản thường xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi

1.2. Nguyên nhân gây viêm tiểu phế quản

Đại đa số trường hợp trẻ bị viêm tiểu phế quản là do virus xâm nhập và lây nhiễm qua đường hô hấp:

- Virus hợp bào hô hấp (RSV): tác nhân chính gây nên viêm tiểu phế quản, chủ yếu tấn công trẻ em dưới 2 tuổi, gây viêm kèm theo sưng và tích tụ chất nhầy ở đường thở.

- Virus Adeno: tấn công vào màng nhầy ở đường thở, chiếm khoảng 10% ca bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp ở trẻ.

- Virus cúm: gây ra viêm nhiễm ở cổ họng, mũi, phổi. Cúm có thể bị ở cả người lớn và trẻ em nhưng nguy hiểm hơn với trẻ nhỏ vì hệ miễn dịch của trẻ vẫn chưa hoàn thiện.

1.3. Triệu chứng của bệnh viêm tiểu phế quản

Những ngày đầu bị viêm tiểu phế quản, trẻ có triệu chứng hơi giống với cảm lạnh: ngạt mũi, sổ mũi, ho, sốt nhẹ (có thể không sốt) nhưng sau 1 tuần trẻ sẽ có triệu chứng thở khò khè, khó thở, nhiều trẻ còn bị viêm tai giữa,... 

Nếu thấy con có các triệu chứng sau thì cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm khám bác sĩ nhi khoa ngay:

- Bỏ ăn.

- Sau ho bị khó thở.

- Ngủ li bì, ngủ cả khi bú, ngủ nhiều hơn mức bình thường.

- Dễ cáu gắt.

- Hay quấy khóc.

- Sốt cao trên 39 độ C, có thể sốt kéo dài không đáp ứng với thuốc hạ sốt.

- Nhịp thở nhanh (> 60 lần/ phút).

- Trẻ bị rút lõm ngực khi hít thở.

- Cơ thể có dấu hiệu bị mất nước: khô miệng, khô môi, 6 - 8 giờ liền trẻ không đi tiểu tiện.

- Trẻ sơ sinh có biểu hiện vùng thóp bị lõm vào bên trong.

- Thở nhanh, khó thở.

- Thở nhanh đến mức trẻ không thể ăn uống được.

- Da và môi trở nên xanh xao, nhợt nhạt.

- Trẻ từ chối uống nước.

Đặc biệt, trẻ sinh non, có vấn đề về tim, bị bệnh phổi bẩm sinh, suy giảm hệ miễn dịch,... thì khi có các triệu chứng nghi ngờ viêm tiểu phế quản, cha mẹ càng cần nhanh chóng đưa con đến cơ sở y tế để được hỗ trợ kịp thời.

Trẻ bị viêm tiểu phế quản ho nhiều và dễ bị khó thở sau ho

Trẻ bị viêm tiểu phế quản ho nhiều và dễ bị khó thở sau ho

2. Điều trị và phòng ngừa viêm tiểu phế quản như thế nào?

2.1. Điều trị viêm tiểu phế quản

Thời gian điều trị viêm tiểu phế quản cho trẻ thường kéo dài khoảng 2 - 3 tuần nhưng đại đa số trường hợp trẻ mắc bệnh đều có thể chăm sóc tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa. Trong quá trình chăm sóc trẻ, cha mẹ cần phải theo dõi và luôn cảnh giác trước các biểu hiện thay đổi về hô hấp.

Điều trị viêm tiểu phế quản cho trẻ không dùng đến kháng sinh vì đây là bệnh do virus gây ra, trừ trường hợp trẻ bị nhiễm khuẩn như viêm phổi thì có thể bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh để diệt khuẩn. Nếu trẻ có dấu hiệu dị ứng thì có thể bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc giãn phế quản.

Các loại thuốc corticosteroid đường hít hay đường uống để làm loãng chất nhầy không hiệu quả đối với viêm tiểu phế quản và cũng không có khuyến cáo sử dụng.

Một số nhỏ tỷ lệ trẻ cần được điều trị tại viện nhằm kiểm soát tình trạng diễn tiến bệnh. Những trường hợp này thường được thở oxy để nồng độ oxy trong máu được duy trì đủ, trẻ cũng sẽ được truyền nước qua tĩnh mạch để tránh rơi vào tình trạng mất nước. Nếu bệnh nghiêm trọng, trẻ sẽ được thở nội khí quản.

Trẻ có dấu hiệu nghi ngờ viêm tiểu phế quản nên khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn xử trí an toàn

Trẻ có dấu hiệu nghi ngờ viêm tiểu phế quản nên khám bác sĩ chuyên khoa để được hướng dẫn xử trí an toàn

2.2. Biện pháp phòng ngừa viêm tiểu phế quản cho trẻ nhỏ

Đã có nghiên cứu chỉ ra rằng trong 1 năm sau khi điều trị khỏi bệnh hoàn toàn, khả năng tái phát bệnh vẫn rất cao (đến 75%). Vì thế, chủ động áp dụng biện pháp phòng ngừa cho trẻ là rất cần thiết.

Cha mẹ có thể giúp trẻ được phòng ngừa viêm tiểu phế quản bằng cách:

- Cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời vì sữa mẹ có chứa kháng thể giúp cơ thể chống lại được nhiễm trùng và phòng ngừa hiệu quả bệnh viêm tiểu phế quản.

- Luôn rửa tay sạch sẽ bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi chạm vào trẻ.

- Cách ly trẻ với trẻ khác khi nhận thấy trẻ có các triệu chứng viêm tiểu phế quản. Đây là bệnh lý dễ lây lan nên bằng cách này có thể ngăn chặn nguy cơ lây lan virus sang trẻ khác.

- Tránh để trẻ tiếp xúc với môi trường ô nhiễm, nhiều khói bụi, có khói thuốc lá.

- Vệ sinh sạch sẽ đồ chơi, không gian sống và vật trẻ thường xuyên tiếp xúc.

- Tránh để trẻ dùng chung đồ cá nhân với người khác, nhất là người đang có biểu hiện ho, sốt, sổ mũi,...

- Luôn giữ cho cơ thể trẻ không bị nhiễm lạnh.

- Đảm bảo cho trẻ luôn được ăn uống đầy đủ dưỡng chất của cả 4 nhóm: chất béo, tinh bột đường, đạm, khoáng chất và vitamin.

- Luôn cho trẻ uống đủ nước.

Mặc dù hiện nay chưa có vắc xin phòng ngừa hai tác nhân chính gây ra bệnh viêm tiểu phế quản là virus Rhinovirus và RSV nhưng khi trẻ được từ 6 tháng tuổi trở lên, cha mẹ nên tiêm phòng cúm định kỳ cho trẻ để trẻ được tăng sức đề kháng, cải thiện hệ miễn dịch, giúp cơ thể trẻ có khả năng tự phòng vệ trước virus gây bệnh.

Mong rằng những chia sẻ này sẽ giúp ích cho các bậc cha mẹ trong quá trình chăm sóc sức khỏe cho trẻ. Nếu cần tới sự hỗ trợ y tế trong việc chẩn đoán, xử trí với viêm tiểu phế quản ở trẻ nhỏ, cha mẹ có thể liên hệ hotline 1900 56 56 56 để chia sẻ vấn đề mình đang gặp phải cùng Tổng đài viên của Hệ thống Y tế MEDLATEC. Tại đây cha mẹ sẽ được lắng nghe, được tư vấn và có những chỉ dẫn phù hợp để chủ động chăm sóc sức khỏe cho con một cách an toàn, hiệu quả.  

Từ khoá: khó thở

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.