Tin tức

MEDLATEC điều trị thành công ca suy giãn tĩnh mạch phức tạp bằng công nghệ đốt laser

Ngày 08/10/2024
Ban biên tập
Tham vấn y khoa: ThS. BS Nguyễn Trí Kiên
Công nghệ laser được áp dụng vào điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch có ưu điểm nhanh chóng, ít xâm lấn, không gây đau đớn, tỷ lệ thành công cao, không để lại sẹo, đặc biệt người bệnh có thể ra về ngay trong ngày mà không cần lưu viện…

Ca bệnh phức tạp, thời gian làm thủ thuật kéo dài gấp 2 ca bình thường

Ngày 8/10, tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC, đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện đã kết hợp cùng với chuyên gia áp dụng công nghệ laser vào điều trị cho một bệnh nhân mắc bệnh suy giãn tĩnh mạch.

Bệnh nhân là bà V.T.X (SN 1952, trú tại Quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng). Cách đây khoảng 1 tuần, bà X. đến khám tại Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC với triệu chứng các mạch máu ở chân phình to, ngứa, gãi nhiều…


Hình ảnh ca bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới

Bà X. chia sẻ, ngày xưa, sau khi sinh nở, 2 chân bà xuất hiện triệu chứng ngứa, nổi gân xanh… bác sĩ khuyến cáo nên đeo vớ tĩnh mạch, nhưng do cảm thấy vướng, khó chịu nên bà không đi. Lâu dần, mạch máu phình to ra.

Thời gian gần đây, các mạch máu ngày càng phình to nên được con cháu đưa đến Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC thăm khám.

Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành siêu âm mạch máu, đây là phương pháp chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch hiệu quả nhất hiện nay. Quy trình siêu âm được thực hiện bằng máy VIVID S70N tân tiến, cho phép đánh giá chi tiết về kích thước, đường đi và các bất thường của tĩnh mạch, cũng như mức độ suy van một cách chính xác. 

Máy đốt laser với bước sóng 1.470nm được sử dụng điều trị suy giãn tĩnh mạch tại MEDLATEC

Dựa trên kết quả siêu âm, bà X. được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch chi dưới hai bên ở mức độ 3, với nhiều nốt tĩnh mạch giãn lớn ảnh hưởng đến thẩm mỹ. Bác sĩ khuyến nghị bệnh nhân cần thực hiện thủ thuật can thiệp triệt để.

Bác sĩ Nguyễn Trí Kiên - Chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh, Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC cho hay, với trường hợp suy giãn tĩnh mạch mức độ 3, nếu không can thiệp hoặc chỉ can thiệp bảo tồn ở mức độ tối thiểu, nguy cơ tiến triển thành độ 4 (có loét) rất cao.

Quan sát trên da chân bệnh nhân X. trước khi can thiệp đã xuất hiện vùng biến đổi sắc tố da (thâm, sạm) do vùng da thiếu oxy thường xuyên, nếu tình trạng kéo dài, chân bệnh nhân có nguy cơ loét.

Sau khi thực hiện các bước thăm khám và tư vấn, bệnh nhân được chỉ định làm thủ thuật điều trị bằng phương pháp đốt laser. Bệnh nhân được gây tê và hoàn toàn tỉnh táo, nói chuyện bình thường trong quá trình làm thủ thuật.

Dù ca bệnh có độ phức tạp cao, nhưng nhờ kinh nghiệm và sự hỗ trợ từ công nghệ hiện đại, các bác sĩ đã thực hiện thành công thủ thuật này.

Chia sẻ về trường hợp của bệnh nhân X. bác sĩ Kiên cho hay, với những bệnh nhân bình thường, tĩnh mạch hiển chạy theo đường thẳng, số lượng nhánh bên có nhưng kích thước nhỏ, số lượng ít. Riêng đối với bệnh nhân X., tĩnh mạch giãn nhiều, đường đi ngoằn ngoèo, số lượng nhánh bên nhiều, nhánh bên giãn to hơn nhánh chính… Chính các yếu tố bất thường đó gây khó khăn trong quá trình thông can thiệp, đường ống dễ bị lạc đường, dẫn đến việc kéo dài thời gian can thiệp.

Được đánh giá là ca khó nên thông thường thủ thuật can thiệp 2 chi với đầu đốt laser thường kết thúc trong 45 phút, nhưng trường hợp của bà X. kéo dài 1 giờ 20 phút mới xong

So với các ca điều trị suy giãn tĩnh mạch đã thực hiện trước đây thì đây không phải là ca khó nhất, đường vào cũng chưa phải khó nhất, mức độ kích thích của bệnh nhân không nhiều. Tuy nhiên, đây vẫn được đánh giá là ca khó, khi các lần đưa kim và dụng cụ vào không với được đến gốc của tĩnh mạch hiển.

Với bệnh nhân thông thường, thời gian tính từ lúc đưa kim vào da bệnh nhân đến lúc đưa được dụng cụ đến vị trí cần can thiệp sẽ dưới 5 phút, trường hợp này mất tới 25 phút mới có thể tiếp cận được vị trí quai tĩnh mạch hiển. Thời gian làm thủ thuật can thiệp 2 chi với đầu đốt laser thường kết thúc trong 45 phút, ca hôm nay kéo dài 1 giờ 20 phút mới xong.

Thời gian tuy có kéo dài hơn, nhưng ảnh hưởng trên bệnh nhân là hoàn toàn không có, không gia tăng số lượng mất máu, không gia tăng cảm giác đau, số lượng thuốc tê sử dụng trên bệnh nhân không đổi”, bác sĩ Kiên chia sẻ.

Ngay sau khi làm thủ thuật xong, bệnh nhân có thể ngồi dậy, ăn uống bình thường. Bà X. cho biết, bà cảm thấy thoải mái, không đau. Các bác sĩ, đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện quan tâm, tư vấn nhiệt tình, nhẹ nhàng. Cơ sở khang trang, sạch sẽ, hiện đại, quy trình nhanh chóng, không cần chờ đợi lâu.

Ekip chuyên gia, bác sĩ tận tâm trong suốt quá trình thực hiện thủ thuật trường hợp của bà X.

Chia sẻ về lý do lựa chọn Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC làm nơi chữa trị, bà X. nói: “Trước đây, thấy hàng xóm cũng điều trị bệnh như tôi phải nằm viện 7 ngày, về nhà kiêng 2 tháng vẫn không đi lại được nên tôi lo ngại, không đi chữa. Gần đây, đến bệnh viện khám, được bác sĩ ở MEDLATEC tư vấn về phương pháp đốt laser sóng cao tần, không đau và thời gian hồi phục nhanh, không gây cản trở trong sinh hoạt nên tôi quyết định điều trị.

Thêm nữa, các con, cháu của tôi cũng thường xuyên thăm khám, kiểm tra sức khỏe tại MEDLATEC, do đó, gia đình hoàn toàn yên tâm về chất lượng, cơ sở vật chất, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia đầu ngành tại đây”.

Những điều cần biết về bệnh suy giãn tĩnh mạch 

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), suy giãn tĩnh mạch thường gặp ở khoảng 35% người đang làm việc, khoảng 50% người đã nghỉ hưu, tỷ lệ mắc bệnh ở nữ giới cao gấp 3 lần nam giới.

Suy giãn tĩnh mạch được hiểu là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch chi dưới dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng lại ở vùng chân, gây biến đổi về huyết động và làm biến dạng các tổ chức mô xung quanh.

Khi bệnh ở giai đoạn 1, 2 xuất hiện triệu chứng nhẹ như buồn bực, tê bì, bứt dứt. Mức độ 3, 4 xuất hiện triệu chứng chuột rút, bàn chân không nghỉ (biểu hiện là không thể nằm yên, phải co gập, duỗi, dơ chân mới thấy dễ chịu). Mức độ 5, 6 xuất hiện dấu hiệu loét không lành.

Bác sĩ Kiên nhấn mạnh, bệnh suy giãn tĩnh mạch là bệnh mạn tính, không nguy hiểm đến tính mạng. Tuy nhiên, bệnh gây khó chịu, bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày như mỏi tức ở chân, đi lại khó khăn, nếu đứng nhiều sẽ xuất hiện phù nề.

Trường hợp nặng sẽ thấy tĩnh mạch nổi lên, ngoằn ngoèo dưới da, ảnh hưởng đến mặt thẩm mĩ, thậm chí gây ra biến chứng như loét da, áp xe, nhiễm khuẩn, nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết

Cũng theo bác sĩ Kiên, những người dễ mắc phải căn bệnh suy giãn tĩnh mạch là người thường xuyên phải làm việc trong môi trường ngồi nhiều, đứng nhiều như công an, bộ đội, công nhân, giáo viên, người làm văn phòng…

Bác sĩ khuyến cáo, phụ nữ trên 30 tuổi nên đi sàng lọc suy giãn tĩnh mạch. Ngoài việc là bệnh lý do thói quen sinh hoạt, thì bệnh còn xuất hiện do gen di truyền. Mẹ bị suy giãn tĩnh mạch, nguy cơ con gái có nguy cơ mắc cao gấp 4 đến 5 lần.

Laser tĩnh mạch - Giải pháp tối ưu điều trị suy giãn tĩnh mạch 

Việc điều trị suy giãn tĩnh mạch được quyết định dựa trên từng giai đoạn tiến triển của bệnh. Ở giai đoạn sớm (C0-C1), các biện pháp như thay đổi lối sống (tập luyện, điều chỉnh chế độ sinh hoạt), đeo vớ tĩnh mạch, sử dụng thuốc hỗ trợ tuần hoàn thường được khuyến nghị để giảm các triệu chứng ban đầu. 

Khi bệnh tiến triển sang giai đoạn muộn hơn (từ C2 trở lên), các phương pháp can thiệp nội mạch như laser nội mạch và liệu pháp nhiệt (radiofrequency ablation) được coi là hiệu quả nhất trong việc điều trị suy giãn tĩnh mạch lớn. 

Đối với các trường hợp nhánh tĩnh mạch nhỏ, các phương pháp như bơm keo sinh học, phẫu thuật, hoặc tiêm xơ được áp dụng để mang lại kết quả điều trị tối ưu.

Trường hợp bệnh nhân V.T.X được chẩn đoán suy giãn tĩnh mạch giai đoạn C3. Bác sĩ đã chỉ định bệnh nhân sử dụng phương pháp đốt laser. 

Điều trị suy giãn tĩnh mạch chi dưới bằng laser là nguyên lý dùng nhiệt từ ánh sáng laser để làm xẹp tĩnh mạch. Bác sĩ sẽ luồn sợi laser vào lòng tĩnh mạch bị giãn. Sau khi bật nguồn, tia laser được chiếu vào vị trí cần can thiệp và kéo từ từ ra khiến hai thành tĩnh mạch dính liền với nhau. Song song đó, quá trình gây tê kết hợp bơm nước xung quanh tĩnh mạch sẽ giúp giảm ảnh hưởng của tia laser lên các mô xung quanh, hạn chế làm bỏng mô cũng như tránh các biến chứng lên các dây thần kinh cảm giác.

Bà X. hoàn toàn tỉnh táo, có thể đi lại ngay sau khi điều trị

Những ưu điểm của phương pháp điều trị bằng laser đem lại gồm:

  • Quy trình thực hiện nhanh chóng, ít xâm lấn, ít biến chứng và không để lại sẹo;
  • Thời gian điều trị ngắn, bệnh nhân có thể xuất viện trong ngày;
  • Thời gian phục hồi khá nhanh, bệnh nhân có thể đi lại sau 1 giờ phẫu thuật;
  • Phương pháp có tỷ lệ thành công và tính thẩm mỹ cao nhất.

Công nghệ laser tĩnh mạch trên thế giới không phải công nghệ mới, được áp dụng lần đầu tiên cách đây 20 năm, nhưng chỉ là laser bước sóng ngắn (720 nm). Hiện tại bước sóng laser đang áp dụng tại Hệ thống Y tế MEDLATEC là bước sóng laser hiện đại nhất (laser ánh sáng xanh), tất cả các nước tiên tiến trên thế giới đều đang sử dụng là 1.470nm. 

Ưu điểm của phương pháp này là laser sẽ dùng nhiệt trực tiếp để đóng, dán 2 thành mạch vào nhau, trong khi các phương pháp khác sẽ đóng gián tiếp tĩnh mạch thông qua việc gây viêm. Sau khi can thiệp laser, bệnh nhân có thể đi lại nhẹ nhàng trong vòng 1 giờ và không cần phải nằm bất động như các phương pháp phẫu thuật khác. 

Sau khi kết thúc quá trình đốt laser, bệnh nhân được bác sĩ đeo vớ tĩnh mạch

Để đảm bảo hiệu quả điều trị, bác sĩ khuyến cáo, bệnh nhân cần tuân thủ việc đeo tất áp lực trong vòng 1-3 tháng sau can thiệp, giúp duy trì áp lực ổn định và ngăn ngừa tái phát bệnh.

Người dân có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến bệnh lý tĩnh mạch, vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 để được tư vấn và giải đáp.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ