Tin tức
Bị đau mắt cá chân cần làm gì để phục hồi hiệu quả?
- 08/05/2022 | Cách xử lý và điều trị khi bị đau sưng mắt cá chân
- 31/08/2023 | Bệnh mắt cá chân là bệnh gì? Có cách điều trị dứt điểm không?
- 30/09/2023 | Gợi ý một số cách chữa mắt cá chân đang được áp dụng
1. Các nguyên nhân có thể gây đau mắt cá chân
1.1. Chấn thương do vận động hoặc tai nạn
đau mắt cá chân thường xảy ra sau chấn thương khi vận động thể thao hoặc tai nạn trong cuộc sống. Các hoạt động như chạy, nhảy, đá bóng hoặc đi bộ trên địa hình không bằng phẳng rất dễ gây bong gân hoặc trật khớp vị trí mắt cá chân.
1.2. Bệnh lý ở mắt cá chân
Các bệnh lý như viêm khớp nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, thoái hóa khớp,... thường gây đau mắt cá chân. Khi mắc phải một trong các bệnh lý này, người bệnh dễ bị sưng, đau và cứng khớp, thậm chí còn gặp khó khăn khi vận động.
Viêm khớp nhiễm khuẩn khiến người bệnh bị đau mắt cá chân
1.3. Bệnh gout
Gout là bệnh xảy ra do sự tích tụ axit uric trong máu tạo thành các tinh thể muối urat lắng đọng ở khớp, nhất là mắt cá chân và ngón chân cái. Bệnh thường gây đau đột ngột, sưng tấy, đỏ nóng tại mắt cá chân.
2. Người bệnh cần làm gì khi bị đau mắt cá chân
2.1. Nghỉ ngơi và hạn chế vận động
Khi đau mắt cá chân, người bệnh cần giảm tải cho vùng này bằng cách nghỉ ngơi, tránh đi lại hoặc đứng quá lâu. Khoảng thời gian nghỉ ngơi này sẽ giúp khớp được nghỉ ngơi, hạn chế tổn thương nặng hơn và giảm sưng viêm tại khớp.
2.2. Chườm lạnh
Chườm lạnh 15 - 20 phút/lần, ngày 3- 4 lần vào vùng mắt cá chân bị đau sẽ giúp co mạch, giảm sưng viêm và giảm cảm giác đau. Tuy nhiên, việc chườm lạnh chỉ nên thực hiện trong 48 giờ đầu sau khi bị đau hoặc chấn thương.
2.3. Thăm khám bác sĩ chuyên khoa
Nếu đau mắt cá chân kéo dài trên 1 tuần, đau nặng hoặc kèm theo sưng to, biến dạng khớp thì người bệnh cần đi khám bác sĩ chuyên khoa cơ xương khớp để được thực hiện các kiểm tra như chụp X-quang, chụp MRI hoặc siêu âm,... Qua kết quả kiểm tra, bác sĩ sẽ có hướng dẫn phù hợp như:
2.3.1. Sử dụng băng ép hoặc nẹp cố định
Các trường hợp đau mắt cá chân do bong gân hoặc tổn thương dây chằng, bác sĩ có thể hướng dẫn người bệnh sử dụng băng ép hoặc nẹp cố định. Mục đích của việc sử dụng công cụ hỗ trợ này nhằm ổn định mắt cá chân, bảo vệ dây chằng và gân, hạn chế tổn thương thêm.
Trong thời gian dùng băng ép hoặc nẹp, người bệnh cần nghỉ ngơi để đạt hiệu quả tối ưu. Người bệnh không nên tự ý dùng nẹp quá lâu mà chỉ cần nẹp trong khoảng thời gian do bác sĩ chỉ định để tránh gây cứng khớp và yếu cơ sau này.
Sử dụng nẹp cố định cổ chân cho bệnh nhân bong gân, giúp giảm đau và hạn chế tổn thương thêm
2.3.2. Dùng thuốc điều trị
Đối với trường hợp bị viêm khớp, bác sĩ sẽ kê thuốc chống viêm, thuốc đặc trị hoặc tiêm corticosteroid nếu cần. Trường hợp đau mắt cá chân do gout, người bệnh cần dùng thuốc đặc trị để kiểm soát axit uric máu.
Nếu tổn thương dây chằng hoặc khớp nặng, người bệnh có thể cần phẫu thuật để sửa chữa hoặc cố định khớp.
2.3.3. Tập phục hồi chức năng
Sau khi đã điều trị giảm sưng viêm và đau cấp, người bệnh nên bắt đầu tập phục hồi chức năng để khôi phục vận động và sức mạnh vùng cổ chân. Các bài tập cần được thực hiện đều đặn, đúng kỹ thuật và tăng dần cường độ theo khả năng chịu đựng của khớp.
- Bài tập về phạm vi chuyển động (ROM):
Người bệnh có thể ở tư thế ngồi hoặc nằm sau đó nhấc chân lên và dùng chân vẽ hình số 8 trên không. Tiếp theo, người bệnh kéo mũi chân về phía đầu gối rồi duỗi ngược ra. Làm đi làm lại bài tập này 10 - 15 lần, ngày 2 - 3 lần.
- Bài tập tăng sức mạnh cho cơ:
+ Chống lực với dây thun: Dùng dây kháng lực quấn quanh bàn chân, giữ cố định sau đó thực hiện động tác gập - duỗi cổ chân.
+ Nâng bắp chân: Ở tư thế đứng, tay chống vào tường, nhón gót chân lên rồi hạ xuống.
Mỗi bài tập trên cần làm đi làm lại 10 - 12 lần, mỗi ngày 2 - 3 hiệp như vậy để cải thiện sức mạnh cơ khớp chân.
- Bài tập thăng bằng:
Bài tập thăng bằng giúp cải thiện sự ổn định của khớp cổ chân, giảm nguy cơ tái chấn thương và phục hồi khả năng vận động. Những bài tập dưới đây rất quan trọng trong giai đoạn hồi phục sau đau hoặc bong gân.
+ Đứng một chân: Đứng thẳng người, một chân nâng khỏi mặt đất, chân kia giữ thăng bằng cho toàn thân, duy trì tư thế này trong 20 - 30 giây.
+ Đi ngang bằng trên vạch thẳng: Đi từng bước một trên một vạch thẳng được kẻ sẵn, mắt nhìn thẳng, giữ cho bàn chân không lệch khỏi đường thẳng được kẻ.
Nên tập bài tập thăng bằng 10 - 15 phút/lần, ngày 2 - 3 lần.
Đối với các bài tập phục hồi chức năng, người bệnh chú ý luôn khởi động nhẹ nhàng trước khi tập và kết thúc bằng bài tập giãn cơ. Nếu khi tập người bệnh cảm thấy đau quá mức thì hãy giảm cường độ hoặc tạm dừng. Người bệnh nên thực hiện bài tập dưới hướng dẫn của chuyên gia vật lý trị liệu để đạt hiệu quả tối ưu và đảm bảo an toàn.
Quá trình tập phục hồi chức năng cho bệnh nhân đau khớp cổ chân nên có sự hướng dẫn của chuyên gia
Đau mắt cá chân có thể xuất phát từ chấn thương nhưng cũng có thể là dấu hiệu của bệnh lý về khớp. Việc chẩn đoán sớm bởi bác sĩ chuyên khoa sẽ giúp người bệnh được đánh giá đúng mức độ tổn thương, nguyên nhân gây đau và áp dụng biện pháp giảm đau đúng cách. Nhờ đó, người bệnh sẽ sớm phục hồi khả năng vận động, thoát khỏi tình trạng đau nhức khớp dài ngày.
Nếu gặp phải các dấu hiệu bất thường tại khớp cá chân hoặc bất cứ vùng khớp nào khác, quý khách hàng có thể đặt lịch khám cùng bác sĩ chuyên khoa của Hệ thống Y tế MEDLATEC qua Hotline 1900 56 56 56 để tìm ra nguyên nhân và biết cách điều trị phù hợp.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!
