Tin tức

Bị gãy xương bổ sung nhiều canxi có ảnh hưởng đến sức khỏe không?

Ngày 02/08/2021
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Gãy xương có thể là chấn thương do tai nạn giao thông, thể thao hoặc thậm chí cả tai nạn khi sinh hoạt hàng ngày. Những người có sức khỏe xương yếu, loãng xương, mắc bệnh lý về xương,… có nguy cơ gãy xương cao hơn. Trong đó, canxi được biết đến là dinh dưỡng quan trọng để hình thành và củng cố sự vững chắc của xương. Vậy bị gãy xương bổ sung nhiều canxi có tốt không, có ảnh hưởng gì không?

1. Tìm hiểu về tình trạng gãy xương

Gãy xương là tình trạng cấu trúc bên trong của xương bị phá vỡ cho chấn thương, lực tác động lớn hơn khả năng chịu đựng của hệ xương. Trong cơ thể người, hệ xương là cứng chắc nhất có vai trò nâng đỡ toàn bộ cơ thể, nên gãy xương nghĩa là chấn thương lớn và thường đi kèm với nhiều tổn thương khác.

bị gãy xương bổ sung nhiều Canxi

Nhiều người bị gãy xương phân vân về việc bổ sung canxi

Các dạng gãy xương thường thấy bao gồm:

  • Gãy hở: Da bị rách, một phần đầu xương gãy lộ ra và tiếp xúc với môi trường bên ngoài.

  • Gãy kín: Lớp da còn nguyên vẹn nhưng xương bên trong đã gãy nứt.

2. Bị gãy xương bổ sung nhiều canxi có sao không?

Gãy xương dễ xảy ra hơn ở những người bị bệnh loãng xương, các trường hợp này nên xem xét bổ sung thêm canxi. Canxi bổ sung có thể dưới dạng viên uống hoặc dịch uống với hàm lượng phù hợp được chỉ định cho đến khi quá trình lành xương diễn ra hoàn toàn, đồng thời xương trở nên vững chắc thì có thể dùng bổ sung.

Nhu cầu canxi với mỗi giới là khác nhau, ngoài ra còn phụ thuộc vào tính chất công việc, tình trạng gãy xương và sức khỏe xương để bổ sung phù hợp. Cần lưu ý không nên bổ sung quá mức canxi giới hạn trên, vượt quá ngưỡng này có thể gây ra vấn đề thừa canxi.

Canxi cần thiết cho việc xây dựng và củng cố cấu trúc xương

Canxi cần thiết cho việc xây dựng và củng cố cấu trúc xương

Cụ thể, nhu cầu canxi nên bổ sung với người gãy xương, người có sức khỏe xương yếu như sau:

Nam giới

  • Từ 19 - 50 tuổi: nhu cầu 1.000 - 2.500 mg mỗi ngày.

  • Từ 51 - 70 tuổi: nhu cầu 1.000 - 2.000 mg mỗi ngày.

  • Người từ 71 tuổi trở lên: 1.200 - 2.000 mg mỗi ngày.

Nữ giới

  • Từ 19 - 50 tuổi: nhu cầu từ 1.000 - 2.500 mg mỗi ngày.

  • Người từ 51 tuổi: nhu cầu 1.200 - 2.000 mg mỗi ngày.

Bổ sung nhiều hơn lượng canxi cần thiết hàng ngày có thể gây nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như: hội chứng kiềm sữa, suy thận, sỏi thận,… nguy hiểm hơn có thể gây tử vong. Nhìn chung, bổ sung canxi là cần thiết với người bị gãy xương cần phục hồi, song bổ sung bao nhiêu và qua hình thức nào thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ điều trị.

Một số trường hợp không nhất thiết phải bổ sung canxi dạng uống mà có thể thông qua thực phẩm giàu chất dinh dưỡng này. Bởi ngoài canxi, cơ thể còn cần cả dinh dưỡng khác để phục hồi sức khỏe, duy trì hoạt động sống hàng ngày tốt nhất.

3. Chế độ ăn phù hợp cho người bị gãy xương

Dù phương pháp điều trị gãy xương như thế nào thì chế độ chăm sóc cùng chế độ ăn khoa học, bổ sung đầy đủ dinh dưỡng đều rất quan trọng để xương nhanh chóng liền lại, cứng chắc hơn. Dưới đây là những dinh dưỡng quan trọng trong các bữa ăn của người gãy xương mà bạn cần lưu ý:

Người bị gãy xương cần lưu ý bổ sung đủ và đúng chất đạm

Người bị gãy xương cần lưu ý bổ sung đủ và đúng chất đạm

3.1. Chất đạm

Chất đạm là dinh dưỡng quan trọng nhất đảm bảo nhu cầu về năng lượng, bao gồm:

  • Đạm: thịt, sữa, trứng, cá, đậu nành,…

  • Chất béo: mỡ cá, dầu thực vật,…

  • Nhóm bột đường: khoai củ, cơm,…

Khi bị gãy xương, ngoài canxi thì cơ thể cũng cần một lượng lớn protein để thúc đẩy phục hồi xương, song không phải là tất cả các loại protein với lượng càng lớn càng tốt. Lời khuyên cho bạn là nên lựa chọn các loại thịt bổ sung protein nhưng ít hoặc không làm tăng cholesterol như: cá, thịt ức gà, thịt nạc,… 

3.2. Canxi

Nếu không bổ sung canxi dạng uống, canxi từ thực phẩm là nguồn duy nhất và có vai trò quan trọng trong sự phát triển, phục hồi, củng cố vững chắc cho xương. Việc thiếu hụt canxi trong thời gian này không những giảm phục hồi sau gãy xương mà còn gây các vấn đề khác như: loãng xương, yếu xương, nguy cơ bị tàn phế,…

Các thực phẩm giàu canxi có thể kể đến như: rau chân vịt, cải bắp, củ cải xanh, măng tây, bông cải xanh, cá hộp, rong biển, cần tây, sữa đậu nành, hạnh nhân, sữa chua, rau diếp,…

3.3. Vitamin D

Cùng với canxi thì vitamin D là dinh dưỡng quan trọng nuôi dưỡng cho xương chắc khỏe, hơn nữa cơ thể cần vitamin D để hấp thu và sử dụng canxi tốt hơn. Ở người bị gãy xương hay loãng xương, cần bổ sung kết hợp vitamin D với canxi hàng ngày.

Vitamin D tốt cho người bị gãy xương trong phục hồi

Vitamin D tốt cho người bị gãy xương trong phục hồi

Thiếu hụt vitamin D sẽ gây giảm hormone calcitriol, dù chế độ ăn giàu canxi thì cơ thể cũng không thể hấp thu đủ. Thực tế có 2 loại vitamin D3 và vitamin D2, song cơ thể dễ hấp thu vitamin D3 hơn.

Có 3 cách cơ thể hấp thụ loại vitamin này bao gồm qua da, qua viên uống hoặc từ thực phẩm. Khi cơ thể tiếp xúc với ánh nắng, vitamin D tự nhiên sẽ được cơ thể sản xuất ra, nên các chuyên gia khuyên rằng mỗi tuần nên phơi nắng 3 - 4 lần phơi trực tiếp 15 phút là đủ để tạo lượng vitamin D cần thiết. Người bị gãy xương càng cần lưu ý vấn đề này để xương phục hồi nhanh chóng hơn.

Với người gãy xương, loãng xương thiếu hụt và cần bổ sung vitamin D dạng uống, lượng khuyến cáo mỗi ngày phù hợp là từ 400 - 800 IU. Ngoài ra, có thể bổ sung từ các thực phẩm giàu vitamin D như: cá biển, lòng đỏ trứng, sữa, gan,…

3.4. Sắt

Với người vừa gãy xương, bổ sung sắt cũng cần thiết để sản xuất tế bào hồng cầu khỏe mạnh, phục hồi tổn thương mô quanh xương. Ngoài ra, sắt cũng tham gia vào quá trình tạo collagen của cơ thể để xây dựng xương, giúp đưa oxy nuôi dưỡng các mô tổn thương.

Thực phẩm giàu sắt có thể bổ sung bao gồm: sữa, trứng, huyết, thịt bò, các loại rau lá màu xanh đậm,…

3.5. Vitamin A và C

Tại sao người bị gãy xương nên bổ sung 2 loại vitamin này? Vitamin C giúp vết thương trên da và mô thịt nhanh lành hơn, ngoài ra cũng tham gia sửa chữa các mô liên kết và sụn nhờ việc hình thành collagen.

Còn vitamin A có nhiều trong các thực phẩm như khoai lang, cà rốt, cải xoăn,… tham gia vào quá trình tạo bạch cầu, chống lại nhiễm trùng sau gãy xương.

Bổ sung vitamin A là cần thiết để ngừa nhiễm trùng sau gãy xương

Bổ sung vitamin A là cần thiết để ngừa nhiễm trùng sau gãy xương

Bị gãy xương bổ sung nhiều canxi hơn bình thường là cần thiết để cơ thể phục hồi, xương khớp trở nên vững chắc hơn song bổ sung bao nhiêu nên theo chỉ định của bác sĩ. Ngoài bổ sung dạng uống, người bệnh nên ưu tiên bổ sung duy trì bằng các thực phẩm giàu canxi để nuôi dưỡng xương tốt hơn trong cả quá trình dài.

Nếu cần tư vấn thêm, liên hệ với MEDLATEC qua hotline 1900 56 56 56 để được hỗ trợ hoàn toàn miễn phí.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ