Tin tức

Bỏ túi ngay cẩm nang mẹ bầu 3 tháng cuối nên lưu ý những gì

Ngày 27/10/2022
Tham vấn y khoa: BSCKI. Dương Ngọc Vân
Đan xen với niềm vui và sự hồi hộp khi sắp chào đón bé yêu ra đời, 3 tháng cuối thai kỳ cũng là giai đoạn chứa đựng vô vàn những nỗi lo của các mẹ bầu. Trong bài viết này, MEDLATEC sẽ chia sẻ cẩm nang mẹ bầu 3 tháng cuối để các thai phụ hiểu rõ hơn về sự thay đổi trong giai đoạn này của cả mẹ và bé, cũng như những lưu ý trong việc chăm sóc sức khỏe thai kỳ và chuẩn bị cho việc sinh nở sắp tới.

1. Sự thay đổi của mẹ và bé vào giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ

1.1. Những thay đổi trên cơ thể mẹ 

  • Bụng trở nên nặng nề và to hơn khiến mẹ cảm thấy khó thở, khó chịu, mệt mỏi và khó ngủ;

  • Đau lưng do áp lực cân nặng gia tăng, vùng hông và vùng xương chậu có cảm giác khó chịu vì dây chằng giãn ra để chuẩn bị cho quá trình sinh nở sắp tới;

  • Đầu vú tiết sữa non;

  • Xuất hiện cơn gò sinh lý Braxton-Hicks: đây là cơn gò giả chuẩn bị cho cơn gò thật xảy ra khi chuyển dạ. Mặc dù không mang tính chất dữ dội như cơn gò thật nhưng cũng gây nên không ít khó chịu cho mẹ bầu;

  • Tiết nhiều dịch âm đạo hơn: khi tiến  gần đến ngày dự sinh bạn sẽ thấy dịch âm đạo đặc hơn, trong, có khi lẫn máu. Đây là dấu hiệu cổ tử cung đã bắt đầu giãn nở, là nút nhầy báo hiệu kỳ sinh nở sắp đến. Nếu đột nhiên vùng dưới ra nhiều nước thì có thể bạn đã vỡ ối. Lúc này cần đi viện cấp cứu ngay;

  • Ra máu âm đạo: cảnh báo chuyển dạ hoặc nhau bong non, nhau tiền đạo, thậm chí là sinh non;

  • Đi tiểu nhiều lần: sự gia tăng về kích thước của thai nhi đã gây chèn ép bàng quang khiến mẹ bầu thường xuyên bị buồn tiểu. Thậm chí mẹ có thể bị són tiểu khi cười lớn, ho, hắt hơi hay tập thể dục;

  • Táo bón và trào ngược dạ dày: hàm lượng progesterone tăng cao vào những tháng cuối thai kỳ khiến các cơ tiêu hóa và cơ thực quản giãn ra;

  • Rạn da vùng bụng, mông, ngực hoặc đùi vì da bị kéo căng khi thai nhi lớn dần lên và cân nặng của mẹ gia tăng. Mỗi tuần mẹ bầu tăng trung bình từ 0,2 - 0,5 kg. Trong suốt thai kỳ mẹ sẽ tăng khoảng 11 - 15 kg. Đây là tổng hợp từ trọng lượng cơ thể bé, nước ối, nhau thai, thể tích máu và chất lỏng, mô vú,...;

  • Giãn tĩnh mạch chân, sưng nhẹ ở mặt và mắt cá chân: nguyên nhân có thể là do cơ thể tích nước, nếu tình trạng này nghiêm trọng thì hãy cảnh giác vì đây là một trong những triệu chứng của tiền sản giật;

  • Đau thần kinh tọa: cơn đau xuất phát từ lưng xuống dưới mông và chân, nguyên nhân là do thay đổi hormone khi mang thai hoặc thai nhi đè vào dây thần kinh tọa.

Tùy từng cơ địa, những vết rạn da sẽ bắt đầu xuất hiện trên cơ thể mẹ ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ

Tùy từng cơ địa, những vết rạn da sẽ bắt đầu xuất hiện trên cơ thể mẹ ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ

1.2. Em bé đã phát triển ra sao? 

Thời điểm 3 tháng cuối thai kỳ, thai nhi sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển các cơ quan trong cơ thể. Dự kiến khi chào đời cân nặng của bé có thể đạt tự 2,7 - 4kg, chiều dài cơ thể là 48 - 53cm. 

Cụ thể trong tam cá nguyệt thứ 3 sẽ chứng kiến những thay đổi như sau của thai nhi:

  • Ở tuần thứ 32 xương của bé dần đi vào ổn định và phát triển hoàn chỉnh;

  • Bé đã có thể nghe, nhìn và mút ngón tay cái;

  • Ở tuần thứ 36, đầu của bé sẽ dần di chuyển xuống vùng xương chậu của mẹ và duy trì ngôi thai thuận trong 2 tuần cuối trước sinh;

  • Bộ não, thận và phổi cũng tiếp tục hoàn thiện nhanh chóng;

  • Hình thành lớp sáp trắng (vernix caseosa) bao phủ toàn bộ cơ thể bé;

  • Bước sang tuần thai thứ 40, lớp lông tơ trên da bé rụng dần và biến mất.

2. Cẩm nang mẹ bầu 3 tháng cuối về chăm sóc sức khỏe và chuẩn bị lâm bồn

2.1. Lịch khám thai giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3

Thai kỳ trong giai đoạn 3 tháng cuối cần được theo dõi chặt chẽ hơn. Từ tuần thứ 30 mẹ nên đi khám thai 2 tuần/lần, đặc biệt từ tuần 36 trở đi lịch khám là 1 tuần/lần tùy thuộc vào lịch hẹn của bác sĩ chuyên khoa.

  • Tại mỗi lần khám mẹ sẽ được theo dõi cân nặng, huyết áp và kiểm tra cử động thai;

  • Từ tuần 35 - 37, thai phụ sẽ được bác sĩ chỉ định xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B;

  • Hoàn thành mũi tiêm vắc xin ngừa uốn ván trước sinh ít nhất 1 tháng;

  • Khám cổ tử cung, đo bề cao tử cung nhằm đánh giá độ mở cũng như độ dài để tiên lượng nguy cơ sinh non, từ đó có biện pháp khắc phục kịp thời;

  • Tiến hành siêu âm định kỳ để kiểm tra bánh nhau, nước ối, đánh giá sự phát triển của thai nhi.

2.2. Chế độ dinh dưỡng cho thai phụ 3 tháng cuối

Các mẹ bầu cần duy trì chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng sau:

  • Canxi: ngăn chặn nguy cơ loãng xương ở mẹ và thiếu canxi của bé;

  • Sắt và protein: phòng ngừa nguy cơ thiếu máu và đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi trong bụng mẹ;

  • Axit folic: tốt cho hệ thần kinh của bé và giảm thiểu nguy cơ dị tật ống thần kinh bẩm sinh;

  • DHA: hỗ trợ phát triển trí não cho trẻ;

  • Magie: hạn chế tình trạng chuột rút, phòng ngừa rủi ro sinh non, giúp cơ bắp của mẹ được thư giãn hơn;

  • Chất xơ: hạn chế táo bón thai kỳ.

Thai phụ vẫn cần đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết khi bước vào tam cá nguyệt thứ 3

Thai phụ vẫn cần đảm bảo bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết khi bước vào tam cá nguyệt thứ 3

Những chất dinh dưỡng nêu trên đều được tìm thấy qua các loại thực phẩm như thịt nạc, thịt đỏ, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây tươi, sữa, đậu nành, ngũ cốc, dầu cá,... Ngoài ra các mẹ cần lưu ý không nên ăn các món cay nóng, chứa nhiều dầu mỡ và đồ chua. Mỗi ngày mẹ nên bổ sung đủ nước để tránh mất nước, giảm tình trạng chuột rút và táo bón ở 3 tháng cuối thai kỳ.

2.3. Chế độ sinh hoạt cho mẹ bầu 3 tháng cuối

  • Mẹ bầu nên dành thời gian để nghỉ ngơi nhiều hơn, hạn chế làm việc căng thẳng hoặc quá sức sẽ không tốt cho sức khỏe và tinh thần của cả mẹ và bé;

  • Mẹ có thể tập thể dục nhẹ nhàng với các bài tập yoga, đi bộ hoặc tập kegel để giúp cơ sàn chậu trở nên săn chắc hơn;

  • Thai phụ nên nằm nghiêng sang trái khi ngủ, dùng gối dành cho mẹ bầu để cảm thấy thoải mái và có một giấc ngủ ngon hơn;

  • Mẹ nên mang giày đế thấp để giảm đau lưng, chuột rút và tránh té ngã;

  • Mẹ không nên uống nhiều nước vào buổi tối vì sẽ khiến ban đêm phải dậy đi tiểu nhiều lần ảnh hưởng tới chất lượng giấc ngủ.

2.4. Mẹ cần tránh làm những gì ở giai đoạn 3 tháng cuối thai kỳ?

  • Mẹ không nên uống bia rượu và đồ chứa caffeine, tránh xa khói thuốc lá và chất gây nghiện;

  • Không ăn thực phẩm chưa được nấu chín, rau mầm, các loại cá chứa nhiều thủy ngân, đồ hun khói, thịt nguội hay sữa chưa tiệt trùng;

  • Không được tự ý dùng thuốc, nhất là acitretin (trị vảy nến), isotretinoin chữa mụn trứng cá, thuốc ức chế men chuyển angiotensin và thalidomide trị cao huyết áp;

  • Hạn chế di chuyển bằng tàu xe công cộng và đi máy bay.

2.5. Trước khi sinh mẹ cần chuẩn bị những gì?

Khi ngày dự sinh cận kề, mẹ nên dành thời gian để chuẩn bị những điều sau:

  • Tham gia một lớp học tiền sản để tìm hiểu về dấu hiệu sinh, cách chăm sóc em bé sơ sinh và các vấn đề khác;

  • Mua sắm đồ cho mẹ và bé bằng cách lập danh sách chi tiết những thứ cần chuẩn bị;

  • Làm hồ sơ sinh tại bệnh viện đã lựa chọn, tìm hiểu thông tin về bảo hiểm và các dịch vụ sinh;

  • Quan sát các dấu hiệu của cơ thể để nhận biết các triệu chứng nguy hiểm như: xuất huyết âm đạo, tăng cân quá ít hoặc quá nhanh, đau bụng thường xuyên với mức độ ngày càng nặng, đau hoặc nóng rát khi tiểu tiện, em bé đạp ít hoặc không chuyển động,... Khi có các biểu hiện này mẹ cần tái khám ngay để được chẩn đoán và có biện pháp xử lý kịp thời.

Mẹ nên rục rịch mua sắm đồ sơ sinh ngay từ giai đoạn này để chuẩn bị chào đón sự ra đời của bé 

Mẹ nên rục rịch mua sắm đồ sơ sinh ngay từ giai đoạn này để chuẩn bị chào đón sự ra đời của bé 

Trên đây là cẩm nang mẹ bầu 3 tháng cuối nên bỏ túi khi có kế hoạch mang thai và sinh nở. Hy vọng những thông tin trên giúp ích cho bạn. Nếu bạn đang mang thai và cần được tư vấn thêm, hãy đến khám tại Chuyên khoa Sản phụ khoa của Bệnh viện Đa khoa MEDLATEC. Chuyên khoa quy tụ đội ngũ các chuyên gia đầu ngành giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực sản phụ khoa, đồng thời Bệnh viện còn trang bị hệ thống máy móc hiện đại phục vụ cho quá trình siêu âm, chẩn đoán thai kỳ; Kết hợp với đó là Trung tâm Xét nghiệm MEDLATEC  đạt chuẩn ISO 15189:2012 và CAP giúp hỗ trợ thăm khám và đưa ra kết quả chẩn đoán nhanh chóng, chính xác hơn.

Mọi thông tin chi tiết quý khách hàng vui lòng liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC, tổng đài viên sẵn sàng hỗ trợ quý khách 24/7.

Từ khoá: chuột rút siêu âm

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.