Tin tức
Các dạng đau mạn tính thường gặp và cách khắc phục
- 12/03/2021 | Viêm đa dây thần kinh: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
- 03/05/2021 | Giải đáp thắc mắc: đau dây thần kinh liên sườn có nguy hiểm không?
- 01/01/2021 | Phương pháp chẩn đoán và cách chữa đau dây thần kinh tọa
1. Đau mạn tính và các dạng thường gặp
Đau là cảm giác khó chịu xảy ra khi gặp phải tổn thương mô tế bào, các dây thần cảm giác đóng vai trò truyền cảm giác đau đến não bộ. Theo thời gian và tính chất, có thể chia thành 3 loại là đau cấp tính, đau bán cấp và đau mạn tính. Trong đó, đau mạn tính là những cơn đau kéo dài trên 3 tháng, tái đi tái lại nhiều lần dù tổn thương đã lành.
Đau mạn tính ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh
Đa phần đau mạn tính xuất phát từ những bệnh lý mạn tính, khó hồi phục như: hội chứng ống cổ tay, viêm xương khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm gân, ung thư, đau sau phẫu thuật, đột quỵ,… Đau mạn tính có thể xảy ra sau một cơn đau cấp tính, nhưng kéo dài hơn do nhiều yếu tố tác động.
Đau mạn tính ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe tinh thần, là nguyên nhân dẫn đến trầm cảm, thay đổi tính cách, giảm hoạt động xã hội. Đặc biệt, những người bị cơn đau mạn tính hành hạ thường có thời gian ngủ ngắn hơn, chất lượng giấc ngủ kém dẫn đến nhiều hệ lụy sức khỏe. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đau này, thuộc 3 nhóm chính là: đau do nguyên nhân thần kinh, đau do thụ cảm thể và đau do thay đổi môi trường ngoại bào.
Có nhiều nguyên nhân gây đau mạn tính khác nhau
1.1. Đau mạn tính do ung thư
Ung thư là bệnh lý ngày càng phổ biến, cũng là nguyên nhân thường dẫn đến chứng đau mạn tính, phổ biến nhất là đau xương. Giai đoạn ung thư càng muộn thì cơn đau càng nghiêm trọng, nó có thể dữ dội, liên tục hoặc âm ỉ gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người bệnh.
Ung thư gây đau mạn tính với cả 3 cơ chế:
-
Khối u phát triển chèn ép các phần xung quanh trong cơ thể, gây đau theo cơ chế thụ cảm thể.
-
Ung thư làm tổn thương lớp màng bảo vệ dây thần kinh, gây phóng xung điện không kiểm soát, gây đau theo nguyên nhân thần kinh.
-
Tế bào ung thư phát triển mạnh, di căn đến nhiều cơ quan xa trong cơ thể và gây acid hóa môi trường, dẫn đến đau do môi trường acid ngoại bào.
Với tác động đồng thời 3 cơ chế, đau do ung thư rất nghiêm trọng, kéo dài và khó xử lý.
1.2. Đau mạn tính do nguyên nhân thần kinh
Tình trạng đau này thường gặp như thoát vị đĩa đệm, đau sau phẫu thuật, đau sau đột quỵ, đau đầu,…
Đau sau đột quỵ
Đột quỵ xảy ra khi dòng não lưu thông nuôi não bị tắc nghẽn hoặc cắt đứt đột ngột, tế bào não vùng ảnh hưởng bị thiếu oxy và sẽ hoại tử dần. Bệnh nhân còn sống sau đột quỵ thường phải chịu nhiều hậu quả nặng nề ở khắp các cơ quan trong cơ thể, trong đó có tình trạng đau nhức toàn thân. Nguyên nhân do đột quỵ khiến màng bao bọc myelin bảo vệ dây thần kinh bị phá hủy, xung điện phóng không được kiểm soát và cơn đau thường xuất hiện.
Đau sau đột quỵ do lớp bảo vệ dây thần kinh myelin bị phá hủy
Đau sau phẫu thuật
Phẫu thuật làm tổn thương tế bào thần kinh nghiêm trọng là nguyên nhân dẫn đến đau mạn tính kéo dài dai dẳng.
Với đau ở thần kinh trung ương, nguồn gốc cơn đau là từ não hoặc tủy sống, thường gặp sau phẫu thuật dây thần kinh ở khu vực này.
Với đau thần kinh ngoại biên, dây thần kinh bị ảnh hưởng là dây thần kinh ở tay và chân sau phẫu thuật thay thế khớp hoặc phẫu thuật tại khớp.
2. Làm gì để khắc phục đau mạn tính hiệu quả?
Những bệnh nhân gặp phải tình trạng đau mạn tính đều bị ảnh hưởng sức khỏe và tâm lý rất nghiêm trọng, do đó điều trị là cần thiết bên cạnh điều trị bệnh lý gây đau. Mục tiêu điều trị là giảm cường độ đau, giảm tái phát cơn đau. Nhiều người khi bị đau thường nghĩ đến sử dụng thuốc giảm đau, tuy nhiên loại thuốc này tác dụng nhanh nhưng không đem lại hiệu quả tốt với đau mạn tính. Tùy vào trường hợp mà điều trị đau mạn tính khác nhau, ưu tiên kết hợp điều trị với thuốc và biện pháp không dùng thuốc.
Dưới đây là 1 số biện pháp điều trị đau mạn tính dựa theo nguyên nhân:
2.1. Đau mạn tính không có viêm
Nếu mức độ đau nhẹ, điều trị đau bằng phương pháp không dùng thuốc như tập yoga, thư giãn, vật lý trị liệu.
Ở mức độ đau mạn tính từ trung bình đến nặng, sử dụng paracetamol để kiểm soát cơn đau kết hợp với phương pháp giảm đau không dùng thuốc.
Thuốc giảm đau không hiệu quả tốt với đau mạn tính
2.2. Đau mạn tính do viêm
Thuốc chống viêm không steroid như diclofenac, mobic, aspirin có tác dụng tốt với những cơn đau mạn tính do viêm ở mức độ nhẹ đến vừa. Nếu đau nặng không đáp ứng với thuốc trên, cần giảm đau với nhóm thuốc opioid gây nghiện như morphine.
2.3. Đau mạn tính do nguyên nhân thần kinh
Các thuốc giảm đau thần kinh có hiệu quả như: thuốc chống động kinh (depakine), thuốc chống trầm cảm (amitriptyline, paroxetine,…).
2.4. Đau mạn tính sau phẫu thuật
Điều trị đau sau phẫu thuật là cần thiết, cần kết hợp với điều trị phục hồi tổn thương. Bệnh nhân cần nghỉ ngơi, hoạt động đúng cách, có thể dùng thuốc giảm đau nhưng cần hạn chế tối đa sử dụng các nhóm thuốc gây nghiện.
Sử dụng thuốc giảm đau kéo dài gây ra nhiều biến chứng cho sức khỏe, do đó không nên dùng liên tục kéo dài trên 10 ngày và tuân thủ đúng hướng dẫn dùng của bác sĩ. Để kiểm soát cơn đau tốt hơn, các biện pháp không dùng thuốc luôn được khuyến khích như:
-
Châm cứu: Châm cứu giúp giải phóng adenosine ở vùng bị đau, từ đó cải thiện cơn đau.
-
Tập thể dục: Đi bộ mỗi ngày 30 phút giúp não sản sinh endorphin có tác dụng giảm đau tự nhiên.
-
Ngủ đủ giấc là cần thiết với người bị đau mạn tính mặc dù khó khăn, song giấc ngủ là cách tự nhiên để điều trị đau.
-
Hít thở sâu: Khi cơn đau mạn tính hành hạ, hãy đặt tay lên bụng, hít thở chậm và sâu, cơn đau sẽ được cải thiện sau vài phút.
Hít thở sâu giúp giảm cơn đau mạn tính
-
Thay đổi chế độ ăn: Hạn chế thực phẩm gây kích thích cơn đau như: rượu vang đỏ, phomat kích hoạt cơn đau nửa đầu, sữa và thịt mỡ khiến đau khớp trầm trọng hơn.
Hiện chưa có thuốc điều trị đau mạn tính tối ưu song điều trị là cần thiết để người bệnh cảm thấy dễ chịu hơn, giảm căng thẳng tinh thần cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!