Tin tức

Các loại thịt cho người tiểu đường để kiểm soát bệnh hiệu quả

Ngày 15/09/2024
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Người mắc tiểu đường nên ưu tiên ăn rau củ và hạn chế ăn mỡ động vật và những loại thịt có lượng mỡ cao. Tuy nhiên, một số bệnh nhân lại quá lo lắng và kiêng ăn thịt tuyệt đối khiến cho cơ thể bị mất cân bằng dưỡng chất và luôn mệt mỏi. Theo chuyên gia dinh dưỡng, nếu biết ăn thịt đúng cách, bệnh nhân tiểu đường vẫn có thể kiểm soát lượng đường máu. Dưới đây là các loại thịt cho người tiểu đường và những vấn đề cần lưu ý.

1. Người tiểu đường có thể ăn thịt không?

Bệnh tiểu đường là tình trạng đường huyết trong máu cao hơn mức tiêu chuẩn. Nếu không phát hiện và điều trị, bệnh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tim, thận, não, có thể gây mù lòa,... làm giảm chất lượng sống của người bệnh. 

Bệnh nhân cần ăn uống hợp lý để kiểm soát đường máu

Bệnh nhân cần ăn uống hợp lý để kiểm soát đường máu

Trong đó, chế độ ăn là vấn đề có liên quan chặt chẽ đến sự phát triển của căn bệnh này. Nếu ăn uống đúng cách, bệnh sẽ được kiểm soát tốt. Ngược lại, nếu áp dụng chế độ ăn không phù hợp, bệnh có thể tiến triển nhanh chóng và gây nguy hiểm cho người bệnh. 

Những bệnh nhân mắc bệnh tiểu đường cần phải thực hiện uống thuốc và điều chỉnh lối sống theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt, họ cần duy trì chế độ ăn phù hợp với tình trạng sức khỏe. 

Rau xanh và trái cây là nhóm thực phẩm rất phù hợp với người bệnh. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng thường được khuyên là hạn chế ăn thịt. Tuy nhiên, nhiều người vì quá lo lắng nên kiêng thịt tuyệt đối. Đây là quan điểm sai lầm. Người bệnh chỉ nên hạn chế ăn thịt và không nên loại bỏ thịt ra khỏi chế độ ăn uống. 

Thịt động vật có thể cung cấp cho cơ thể protein và các axit amin quan trọng để chúng ta có thể duy trì những hoạt động trong cơ thể. Do đó, bệnh nhân tiểu đường vẫn cần bổ sung lượng thịt phù hợp trong chế độ ăn để có đủ năng lượng cho các hoạt động mỗi ngày. Điều mà người bệnh cần lưu ý đó là nên lựa chọn các loại thịt phù hợp với tình trạng sức khỏe. 

2. Các loại thịt cho người tiểu đường

Người bệnh nên chọn những loại thịt có chứa nhiều protein và ít béo. Do đó các loại thịt cho người tiểu đường bao gồm:

Bệnh nhân tiểu đường nên ăn ức gà

Bệnh nhân tiểu đường nên ăn ức gà

- Các loại thịt nạc: Là nguồn protein dồi dào nhưng loại thịt này lại có hàm lượng cholesterol rất thấp, ít chất béo, cung cấp nhiều năng lượng và giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả. Các loại thịt nạc mà người bệnh nên ăn như ức gà, đùi gà, thăn heo,...

- Thịt ít mỡ: Loại thịt này bao gồm thịt cừu, sườn heo, cánh gà,... Bệnh nhân mắc tiểu đường vẫn có thể ăn loại thịt này nhưng không nên ăn thường xuyên mà cần hạn chế. 

- Thịt lươn: Loại thịt này cung cấp nhiều đạm và cũng rất phù hợp với bệnh nhân tiểu đường. Theo đông y, thịt lương có thể góp phần kiểm soát đường huyết. Bạn có thể hấp cách thủy hoặc nấu canh. 

Thịt cá cũng phù hợp với người tiểu đường

Thịt cá cũng phù hợp với người tiểu đường

- Cá: Đây là nguồn cung cấp axit béo omega-3 dồi dào, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và phù hợp với bệnh nhân tiểu đường. Một số loại cá mà người bệnh có thể bổ sung trong chế độ ăn là cá hồi, cá ngừ, cá thu và cá chẽm,....

3. Các loại thịt người bệnh tiểu đường không nên ăn

Ngoài các loại thịt cho người tiểu đường, các chuyên gia cũng sẽ đưa ra một số loại thịt mà người bệnh cần hạn chế để kiểm soát bệnh tốt, hạn chế biến chứng, bao gồm: 

- Các loại thịt đỏ, gồm thịt bò, thịt lợn và thịt dê: Đây là những loại thịt có nhiều chất béo bão hòa và cholesterol. Nếu bạn thường xuyên ăn những loại thịt này, bạn có thể tăng nguy cơ mắc các bệnh lý về tim mạch. Chất béo bão hòa trong một số loại thịt đỏ cũng làm giảm khả năng phản ứng của các tế bào với insulin, tăng nguy cơ kháng insulin và khiến cho bệnh tiểu đường càng trở nên trầm trọng hơn. 

Bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế ăn thịt đỏ

Bệnh nhân tiểu đường nên hạn chế ăn thịt đỏ

- Các loại thịt chế biến sẵn, chẳng hạn như thịt xông khói, giăm bông, xúc xích,... Những loại đồ ăn này có chứa nhiều muối và chất phụ gia, gây ảnh hưởng đến tuyến tụy và cuối cùng có thể làm tăng đường huyết. Không những vậy, trong nhóm thực phẩm này còn có chứa nhiều chất bảo quản và chất phụ gia làm tăng nguy cơ ung thư và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. 

- Những loại thịt có chứa nhiều đường chẳng hạn như thịt nướng, thịt hầm và thịt kho,... Những món ăn này thường được tẩm ướp nhiều đường để tăng hương vị. Do đó, nếu ăn nhóm thực phẩm này thường xuyên thì lượng đường máu sẽ tăng nhanh, khiến bệnh ngày càng khó kiểm soát. 

4. Lưu ý

Dưới đây là một số lưu ý giúp người bệnh kiểm soát bệnh tiểu đường hiệu quả hơn: 

- Mặc dù đã lựa chọn đúng các loại thịt cho người tiểu đường nhưng người bệnh vẫn cần lưu ý đến cách chế biến món ăn sao cho phù hợp. Trước khi chế biến, nên loại bỏ mỡ và ưu tiên ăn phần thịt nạc tươi. Thay vì ăn đồ chiên nướng, bạn nên luộc hoặc hấp thịt để giữ lại tối đa dưỡng chất trong thực phẩm và hạn chế tình trạng tăng đường huyết. Nếu nướng thịt, bạn không nên nướng kỹ đến cháy khét. 

- Để giúp món ăn hấp dẫn, bạn có thể tẩm ướp thịt với các loại gia vị như gừng, hạt tiêu hay tỏi và hạn chế ướp thịt với đường. 

- Không nên thường xuyên ăn thịt, mỗi ngày chỉ nên ăn 70g thịt đã nấu chín. Bạn nên hạn chế ăn thịt đỏ và tốt nhất nên coi thịt như một món ăn phụ.

- Ngoài các loại thịt cho người tiểu đường, bạn có thể bổ sung protein từ những loại thực phẩm như các loại đậu, các loại hạt, trứng, sữa,...

- Chế độ ăn hàng ngày của người bệnh tiểu đường nên có nhiều thực phẩm chứa chất xơ, đặc biệt là các loại rau xanh và củ quả. Chất xơ sẽ giúp cơ thể chậm hấp thu đường và giúp đường huyết không bị tăng quá đột ngột sau bữa ăn.

- Người bệnh cũng nên ăn uống đúng giờ, ăn chậm và nhai kỹ, không nên ăn quá no một bữa mà hãy chia thành nhiều bữa trong ngày.

- Vận động thường xuyên để tăng cường sức khỏe và kiểm soát đường máu. 

- Kiểm tra đường huyết tại nhà và theo lịch hẹn định kỳ tại các cơ sở y tế để nhận biết sớm bất thường và có hướng xử trí kịp thời. 

- Tuân thủ uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ

Trên đây là các loại thịt cho người tiểu đường và một số lưu ý giúp người bệnh kiểm soát đường máu hiệu quả, tránh nguy cơ khiến bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Mời quý độc giả cùng theo dõi các bài viết của MEDLATEC để cập nhật thêm những thông tin y khoa bảo vệ sức khỏe!

Nếu có nhu cầu thăm khám trực tiếp tại bệnh viện, phòng khám của MEDLATEC hoặc muốn sử dụng dịch vụ lấy mẫu xét nghiệm tại nhà, mời quý khách hàng liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56, các tổng đài viên sẽ tư vấn chi tiết cho bạn. 

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.