Tin tức
Các nhóm thuốc trị táo bón và tác dụng phụ cần lưu ý
- 01/03/2024 | Top 5 thực phẩm trị táo bón ở người lớn - rẻ mà hiệu quả!
- 01/04/2024 | Hướng dẫn dùng thuốc trị táo bón cho trẻ 2 tuổi hiệu quả, an toàn
- 01/10/2023 | Giải đáp thắc mắc: trẻ sơ sinh bị táo bón có uống được Enterogermina hay không
- 01/03/2024 | Thực phẩm chức năng trị táo bón: công dụng và thận trọng khi sử dụng
- 01/02/2024 | Ba mẹ không nên chủ quan khi thấy trẻ bị táo bón
1. Tìm hiểu chung về tình trạng táo bón
Táo bón là hiện tượng rối loạn đường tiêu hóa, tần suất đại tiện không đều, vài ngày mới đi một lần, mỗi lần đi thường rất lâu. Phần khá khô, cứng và gây đau ở hậu môn. Tình trạng táo bón cấp tính có thể làm tắc ruột, thậm chí nhiều trường hợp cần phải phẫu thuật.
Táo bón có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây nên
Nguyên nhân gây táo bón được chia làm hai nhóm gồm táo bón nguyên phát và táo bón thứ phát, cụ thể:
- Táo bón nguyên phát:
- Người có nhu động bình thường: Do cơ chế tống phân bị rối loạn gây táo bón.
- Người có nhu động chậm: Đường ruột hoạt động kém sẽ gây nên tình trạng táo bón.
- Do rối loạn chức năng sàn chậu.
- Táo bón thứ phát:
- Do chế độ ăn uống ít chất xơ, quá nhiều chất béo động vật, lười vận động,...
- Do có bệnh lý thực thể như các bệnh về thần kinh, gặp vấn đề về tâm lý, rối loạn nội tiết,...
- Phụ nữ trong thời gian mang thai.
- Do một số loại thuốc điều trị.
2. Cách cải thiện tình trạng táo bón không cần dùng thuốc
Táo bón không phải một loại bệnh lý nên ở những trường hợp nhẹ, bạn có thể khắc phục được vấn đề mà không cần sử dụng thuốc trị táo bón như sau:
- Massage: Những người bị táo bón nên massage ở các khu vực gồm đáy chậu và vùng bụng thường xuyên. Cụ thể hơn, dùng tay xoa ở vùng quanh rốn, xoa nhẹ và theo chiều kim đồng hồ. Động tác này sẽ kích thích và giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
- Sử dụng các loại thảo dược dân gian an toàn, lành tính: Bạn có thể dùng một vài loại thảo dược tự nhiên hỗ trợ cải thiện tình trạng táo bón như: Nước chanh mật ong, nước ép quả mận tươi, muồng trâu,... giúp nhuận tràng khá tốt.
Một số loại thảo dược tự nhiên có công dụng cải thiện tình trạng táo bón
- Bổ sung thêm nhiều rau củ quả tươi: Các loại rau củ quả, ngũ cốc,... có chứa nhiều chất xơ giúp khắc phục tình trạng táo bón khá tốt. Một vài loại rau quả được kể đến như mồng tơi, đậu bắp, kiwi, táo, rau chân vịt,... Ngoài ra bạn cũng có thể sử dụng ngũ cốc hoặc yến mạch để điều trị chứng táo bón của mình.
- Vận động, tập thể dục đều đặn cũng hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn.
3. Các nhóm thuốc trị táo bón thường được sử dụng
Sau khi áp dụng các biện pháp trên, nếu tình trạng táo bón không được cải thiện, bạn nên cân nhắc đi khám để được kê đơn sử dụng thuốc điều trị. Hiện nay, một số nhóm thuốc trị táo bón được dùng nhiều là:
3.1. Thuốc nhuận tràng tạo khối
Loại thuốc này được sử dụng với đa số các trường hợp bị táo bón hiện nay. Thuốc khá lành tính, có độ an toàn cao, có tác dụng làm tăng hàm lượng nước, kích thước và cả khối lượng của phân. Các loại thuốc nhuận tràng tạo khối cũng có công dụng kích thích nhu động ruột, giúp đẩy phân ra ngoài dễ hơn.
Thuốc nhuận tràng được sử dụng khá phổ biến khi bị táo bón
3.2. Thuốc nhuận tràng kích thích
Nhóm thuốc này có tác dụng thúc đẩy các cơ ở bên trong đại tràng và làm tăng lực co bóp. Thuốc thường được chỉ định cho những trường hợp bị yếu cơ ruột kết và có tình trạng phân di chuyển chậm. Một số loại thuốc quen thuộc là natri picosulfat, dẫn xuất diphenylmethane,...
3.3. Thuốc nhuận tràng thẩm thấu
Thuốc hoạt động theo cơ chế chính là hút nước từ những mô ruột ở xung quanh nhằm làm mềm phân và hỗ trợ bôi trơn ruột kết. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc trị táo bón nhuận tràng thẩm thấu thì bạn cần phải bổ sung thật nhiều nước cho cơ thể.
3.4. Thuốc làm mềm phân
Loại thuốc này sẽ làm tăng thêm lượng nước vào trong phân. Đồng thời, phân cũng sẽ được bọc thêm một lớp dầu mỏng ở bên ngoài để chúng di chuyển trong ruột và được đẩy ra dễ dàng hơn. Hiện tại, Docusate đang là loại thuốc điều trị chứng táo bón được sử dụng nhiều nhất trong nhóm này.
Thuốc trị táo bón có công dụng làm mềm phân, hỗ trợ đẩy phân ra ngoài dễ dàng hơn
4. Tác dụng phụ khi sử dụng thuốc táo bón
Khi sử dụng thuốc trị táo bón, bạn có thể gặp phải một vài tác dụng phụ tùy thuộc vào từng loại thuốc như sau:
- Nhuận tràng tạo khối: Thuốc này có thể gây nên một số tác dụng phụ như đầy hơi, tiêu chảy, co thắt dạ dày. Khi uống, bạn nên tăng uống nước để tránh trường hợp bị táo bón ngược và tránh uống trước khi đi ngủ.
- Nhuận tràng kích thích: Có thể gây nên tình trạng co thắt ở nhiều cơ quan khác trong đường tiêu hóa, khiến bạn bị đau dạ dày, có cảm giác buồn nôn và nôn mửa. Vì đây là thuốc kích thích khiến đại tràng co bóp mạnh hơn nên dễ khiến bạn bị tiêu chảy, chuột rút và có thể đau bụng.
- Nhuận tràng thẩm thấu: Sau khi uống, bạn có thể bị đầy hơi, khó chịu. Thuốc có thể làm tăng lượng nước ở trong phân thông qua quá trình hút nước ở ruột kết. Vì vậy, bạn cần uống thêm nhiều nước để đề phòng cơ thể bị mất nước.
- Thuốc làm mềm phân: Khi dùng thuốc này, bạn có thể bị đầy hơi, chướng bụng. Bạn cần uống thêm nhiều nước để thuốc phát huy hết công dụng. Bởi lẽ, nếu uống ít nước, phân sẽ tạo thành những khối sệt, có nguy cơ gây tắc nghẽn hoặc bị nghẹt thở.
5. Các biện pháp phòng ngừa bệnh táo bón
Thông thường, các trường hợp bị táo bón đều bắt nguồn từ chế độ ăn uống thiếu khoa học, lười vận động, bị căng thẳng quá mức,... Vì vậy, để phòng ngừa táo bón, bạn nên áp dụng các phương pháp sau đây:
Bổ sung thêm chất xơ từ rau xanh để phòng ngừa táo bón
- Uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
- Bổ sung thêm nhiều chất xơ trong các bữa ăn hàng ngày với các loại thực phẩm như rau củ quả tươi, ngũ cốc nguyên cám.
- Không nên ăn các thực phẩm kém lành mạnh, giàu chất béo từ động vật, đồ ăn nhanh, các loại đồ uống có cồn, nước ngọt,...
- Nên luyện tập ít nhất 3 giờ mỗi tuần để cơ thể khỏe hơn.
- Hạn chế căng thẳng.
- Không nên tạo thói quen ngồi bồn cầu quá lâu và không nên rặn khi đi đại tiện.
- Xây dựng thói quen đi đại tiện vào một khung giờ cố định.
- Đối với trẻ em đang uống sữa bột nếu bị táo bón, ba mẹ có thể cân nhắc đổi sang loại khác để cải thiện tình trạng.
- Mọi người nên chủ động thăm khám sức khỏe định kỳ để có thể điều trị dứt điểm các bệnh lý có thể gây nên tình trạng táo bón.
Nhìn chung, táo bón là tình trạng thường gặp, không quá nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu tình trạng táo bón kéo dài có thể khiến sức khỏe của bạn bị ảnh hưởng ít nhiều. Vì vậy, sau khi áp dụng một vài phương pháp điều trị nhưng không hiệu quả, bạn nên tìm đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám và tư vấn loại thuốc trị táo bón phù hợp. Một đơn vị y tế bạn có thể lựa chọn là chuyên khoa Tiêu hóa thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC. Quý khách có thể liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để đặt lịch và và được hỗ trợ chi tiết hơn.
Bình luận ()
Lựa chọn dịch vụ
Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!