Tin tức

Các phương pháp điều trị ung thư hiện nay và trường hợp chỉ định

Ngày 24/07/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Các phương pháp điều trị ung thư hiện nay khá đa dạng. Dựa theo đặc điểm từng loại ung thư, giai đoạn tiến triển, thể trạng bệnh lý và khả năng đáp ứng điều trị của từng người bệnh, bác sĩ sẽ xem xét chỉ định phác đồ phù hợp.

1. Các phương pháp điều trị ung thư hiện nay

Sau đây là một số phương pháp điều trị ung thư phổ biến:

1.1. Phẫu thuật loại bỏ khối u

Phẫu thuật có thể được chỉ định trong điều trị nhiều dạng ung thư với mục tiêu chính là loại bỏ khối u chứa tế bào ác tính. Bên cạnh đó, phẫu thuật còn tập trung loại bỏ một phần mô và hạch bạch huyết lân cận khối ung thư. Với những hạch di căn, bác sĩ cần cố gắng nạo bỏ càng nhiều càng tốt. 

Phẫu thuật là một trong các phương pháp điều trị ung thư hiện nay

Phẫu thuật là một trong các phương pháp điều trị ung thư hiện nay

1.2. Xạ trị

Xạ trị là phương pháp điều trị ung thư bằng tia xạ hoặc tia năng lượng cao. Dưới tác dụng của tia xạ, tế bào ung thư sẽ bị tổn thương, không thể tiếp tục nhân lên và dần bị tiêu diệt. 

Xạ trị thường phối hợp cùng các cách điều trị khác như phẫu thuật, hóa trị. Kỹ thuật điều trị này đặc biệt hiệu quả trong giai đoạn đầu khi khối u chưa xâm lấn mạnh. Ngoài ra, xạ trị cũng được ứng dụng trong điều trị ung thư giai đoạn cuối giúp thu nhỏ khối ung thư, giảm nhẹ triệu chứng cho người bệnh. 

1.3. Hóa trị 

Hóa trị là phương pháp điều trị ung thư bằng hóa chất hay thuốc với mục đích tiêu diệt, kìm hãm tốc độ nhân lên của tế bào. Nhược điểm lớn nhất của hóa trị là không phân biệt được tế bào khỏe mạnh và tế bào gây bệnh nên khi điều trị, cả tế bào khỏe mạnh cũng bị ảnh hưởng. 

Hóa trị tác động lên toàn cơ thể, giúp kìm hãm sự phát triển của tế bào gây bệnh

Hóa trị tác động lên toàn cơ thể, giúp kìm hãm sự phát triển của tế bào gây bệnh

Thông thường, hóa chất được truyền vào cơ thể người bệnh theo đường tĩnh mạch. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể sử dụng hóa chất viên, dùng theo đường uống. 

1.4. Điều trị trúng đích

Khác với hóa trị tác động đến cả tế bào khỏe mạnh và tế bào gây bệnh, điều trị trúng đích nhắm đến thành phần bên trong hoặc phần bề mặt của tế bào ung thư. Từ đó làm gián đoạn quá trình truyền tín hiệu nhân lên của tế bào do protein truyền đi, ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư. 

Hiện nay, liệu pháp trúng đích được chỉ định trong điều trị nhiều dạng ung thư như ung thư vú, ung thư đường ruột (đại tràng - trực tràng), ung thư phổi,... 

1.5. Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch ứng dụng trong điều trị ung thư không tập trung tác động trực tiếp đến tế bào gây bệnh. Thay vào đó, phương pháp điều trị này lại kích thích, thúc đẩy hệ miễn dịch nhận biết và tiêu diệt tế bào ung thư. 

Tính ưu việt của liệu pháp miễn dịch nằm ở cơ chế tập trung vào tế bào cụ thể, hạn chế ảnh hưởng đến tế bào khỏe mạnh. Phương pháp này được ứng dụng phổ biến trong điều trị ung thư da, ung thư vú và nhiều dạng ung thư thường gặp khác. 

1.6. Liệu pháp hormone 

Liệu pháp hormone là phương pháp điều trị được ứng dụng phổ biến cho các dạng ung thư như ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt,.... Đây là những dạng ung thư có mối liên hệ với hormone. 

Liệu pháp hormone chủ yếu ứng dụng trong điều trị ung thư vú

Liệu pháp hormone chủ yếu ứng dụng trong điều trị ung thư vú

Mục tiêu của kỹ thuật điều trị này là ngăn chặn nguồn hormone cung cấp cho tế bào ung thư, ngăn chặn hoặc kìm hãm sự phát triển của chúng. Bên cạnh áp dụng đơn lẻ, liệu pháp hormone đôi khi cũng được phối hợp cùng hóa trị, xạ trị hoặc phương pháp phẫu thuật loại bỏ khối u. 

1.7. Điều trị chăm sóc giảm nhẹ

Điều trị chăm sóc giảm nhẹ có thể ứng dụng trong nhiều giai đoạn tiến triển của bệnh lý, thay vì chỉ tập trung vào giai đoạn cuối như nhiều người vẫn lầm tưởng. Mục tiêu chính của phương pháp điều trị giảm nhẹ là kiểm soát triệu chứng, hạn chế ảnh hưởng của tác dụng phụ của phương pháp điều trị đặc hiệu như xạ trị, hóa trị, liệu pháp miễn dịch. 

1.8. Một số phương pháp điều trị khác

Ngoài 7 phương pháp kể trên, nhiều loại ung thư còn có thể được điều trị bằng các kỹ thuật dưới đây: 

  • Ghép tế bào gốc: Sau khi trải qua quá trình hóa trị hoặc xạ trị, bệnh nhân có thể được truyền tế bào gốc vào cơ thể theo đường tĩnh mạch. Trong đó, tế bào gốc sử dụng ở đây là tế bào tự thân hoặc tế bào từ người hiến tặng. Ghép tế bào gốc được ứng dụng trong điều trị ung thư máu, u nguyên bào thần kinh, bệnh lý về tủy xương. 
  • Liệu pháp quang động (PDT): Tế bào ung thư bị tiêu diệt bởi các loại thuốc được kích thích bởi chất nhạy cảm với ánh sáng. Phương pháp điều trị này chủ yếu tác dụng tại chỗ. 
  • Đốt sóng cao tần: Kỹ thuật điều trị ít gây xâm lấn, dựa vào năng lượng điện và nhiệt tác động đến tế bào ung thư. Đốt sóng cao tần chủ yếu ứng dụng trong điều trị ung thư di căn đến các hệ cơ quan như gan, phổi, thận. 
  • Liệu pháp áp lạnh: Tiêu diệt tế bào ung thư và phần mô bất thường bằng nitơ lỏng, khí argon. Liệu pháp áp lạnh tác động tại chỗ, giúp loại bỏ khối u trên da hoặc một số khối u trong cơ thể. 
  • Iode phóng xạ (RAI): Ứng dụng trong điều trị cường giáp, ung thư tuyến giáp. Ưu điểm của phương pháp điều trị này là chỉ tập trung vào tế bào tuyến giáp, ít ảnh hưởng đến tế bào tại cơ quan khác. 

Ghép tế bào gốc mang đến nhiều cơ hội cho các bệnh nhân ung thư

Ghép tế bào gốc mang đến nhiều cơ hội cho các bệnh nhân ung thư

2. Mục tiêu cơ bản trong điều trị ung thư

Ba mục tiêu cơ bản trong điều trị ung thư nói chung cần nhắm đến là: 

  • Điều trị ban đầu: Loại bỏ càng nhiều tế bào gây bệnh ra khỏi cơ thể càng tốt. Trong đó, phẫu thuật được chỉ định phổ biến trong điều trị ban đầu. 
  • Điều trị triệt căn: Tập trung loại bỏ tế bào bệnh còn lại sau phẫu thuật. Phương pháp điều trị được ứng dụng lúc này thường là xạ trị, hóa trị, điều trị trúng đích, liệu pháp miễn dịch,... tùy loại ung thư, giai đoạn tiến triển. 
  • Điều trị giảm nhẹ: Giúp bệnh nhân giảm nhẹ triệu chứng, hạn chế sự ảnh hưởng của tác dụng phụ trong quá trình điều trị thông qua sự hỗ trợ của các loại thuốc, chế độ dinh dưỡng, vật lý trị liệu.

3. Tác dụng phụ người bệnh phải đối mặt trong quá trình điều trị

Trong quá trình điều trị ung thư, người bệnh khó tránh khỏi một số tác dụng phụ như: 

  • Chán ăn. 
  • Mệt mỏi. 
  • Táo bón hoặc tiêu chảy. 
  • Tóc rụng nhiều. 
  • Xuất hiện vết bầm tím trên da (dấu hiệu của giảm tiểu cầu). 
  • Buồn nôn. 
  • Rối loạn giấc ngủ. 
  • Mất tập trung, suy giảm trí nhớ. 
  • Có biểu hiện giống cảm cúm,…

Hóa trị thường gây ra tình trạng rụng tóc

Hóa trị thường gây ra tình trạng rụng tóc 

Lưu ý rằng tác dụng phụ thường thay đổi, không phải bệnh nhân nào cũng xuất hiện triệu chứng giống nhau dù áp dụng cùng một phác đồ điều trị. 

4. Có thể điều trị khỏi hoàn toàn ung thư không? 

Rất khó để khẳng định chính xác ung thư có chữa khỏi hoàn toàn được hay không. Bởi hiệu quả điều trị còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như loại ung thư, giai đoạn tiến triển, tuổi tác, thể trạng sức khỏe của từng người bệnh. 

Nếu kịp thời điều trị trong giai đoạn đầu, phần lớn bệnh nhân đều có thể duy trì cuộc sống bình thường. Với ung thư nói chung, bệnh lý được kiểm soát sau điều trị và không tái phát trong vòng 5 năm đã được xem là thành công. 

Bên cạnh tìm hiểu các phương pháp điều trị ung thư hiện nay, bạn nên cố gắng duy trì khám sức khỏe định kỳ, tầm soát ung thư hàng năm tại cơ sở y tế uy tín như Hệ thống Y tế MEDLATEC. Nếu cần đặt lịch khám, Quý khách hãy liên hệ tổng đài 1900 56 56 56 của MEDLATEC để được hỗ trợ.

Từ khoá: trị ung thư ung thư

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ