Tin tức

Cách điều trị tắc nghẽn động mạch máu chân và lưu ý để phòng ngừa bệnh

Ngày 08/07/2025
Tham vấn y khoa: BS. Đinh Văn Chỉnh
Bệnh động mạch chi dưới là tình trạng các động mạch ở chân và bàn chân bị tắc nghẽn hay co hẹp lại. Tình trạng này cần được điều trị sớm để tránh gây ra những biến chứng nghiêm trọng. Dưới đây là những cách điều trị tắc nghẽn động mạch máu chân phổ biến và hiệu quả.

1. Bệnh động mạch chi dưới là gì?

Bệnh động mạch chi dưới hay tắc nghẽn động mạch máu chân là tình trạng những động mạch ở chân bị co hẹp hay tắc nghẽn. Tình trạng này thường là do sự tích tụ những mảng xơ vữa ở thành động mạch. 

Tắc động mạch chi dưới có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Tắc động mạch chi dưới có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra những biến chứng như sau: 

- Thiếu máu cục bộ chi dưới: Khi những thành động mạch bị co hẹp lại thì lưu lượng máu đến các mô, cơ ở chân cũng sẽ giảm đi. Chính vì thế, người bệnh dễ bị đau tức chân ngay cả khi nghỉ ngơi, vết thương không lành. 

- Nhồi máu cơ tim: Tắc nghẽn động mạch có thể ảnh hưởng trực tiếp tới lưu lượng máu đến tim và não, từ đó có thể gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim.

- Phình động mạch khoeo: Biến chứng này có thể xảy ra khi các động mạch ngoại biên giãn nở bất thường do thành động mạch bị suy yếu. 

- Hoại tử dẫn đến cắt cụt chi dưới: Trong một số trường hợp nghiêm trọng, tắc nghẽn lưu lượng máu có thể gây ra hoại tử chi và cần phải cắt cụt chi để tránh lây lan nhiễm trùng, bảo toàn tính mạng cho người bệnh. 

2. Dấu hiệu tắc nghẽn động mạch máu chân là gì?

Khi động mạch chi dưới bị tắc nghẽn, người bệnh có thể gặp phải một số triệu chứng như sau: 

- Đau cách hồi chi dưới: Là cảm giác đau co rút cơ. Cơn đau sẽ giảm khi nghỉ ngơi và tái phát khi người bệnh vận động. 

- Đau chi dưới khi nằm: Cơn đau có thể xảy ra khi người bệnh nằm, nhất là vào ban đêm. 

- Lạnh ở chân do không đủ máu và nhiệt ở các mô trong chân. 

- Tê hoặc yếu chân do giảm lưu lượng máu đến chân. 

- Đau chuột rút ở các chân do cơ bị thiếu máu và không nhận được đủ oxy.

- Da chân sáng bóng là tình trạng giảm dưỡng chất vì lưu lượng máu kém. - Móng chân phát triển chậm hơn.

- Vết loét ở ngón chân không lành.

Người bệnh bị tê bàn chân

Người bệnh bị tê bàn chân

Các bác sĩ có thể dựa vào các triệu chứng nêu trên và kết hợp với một số biện pháp chẩn đoán cận lâm sàng như siêu âm Doppler động mạch, chụp CT scan mạch máu đa lát cắt có dựng hình 3D, chụp động mạch số hóa nền DSA, chụp MRI mạch máu để chẩn đoán bệnh chính. 

3. Cách điều trị tắc nghẽn động mạch máu chân

Dưới đây là một số cách điều trị tắc nghẽn động mạch máu chân có thể mang lại hiệu quả tích cực và đang được áp dụng phổ biến hiện nay: 

- Điều chỉnh lối sống: Phương pháp này có thể giúp bệnh nhân cải thiện triệu chứng bệnh, nhất là ở giai đoạn sớm. Người bệnh nên từ bỏ thói quen hút thuốc lá, tăng cường vận động thể chất, lưu ý lựa chọn những bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình. 

- Điều trị bằng thuốc: Các bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để giảm triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng cho người bệnh, chẳng hạn như: 

+ Thuốc giảm cholesterol để phòng ngừa tích tụ mảng bám trong động mạch.

+ Thuốc điều hòa huyết áp để duy trì huyết áp ổn định. Tình trạng huyết áp cao có thể làm cứng và co rút các động mạch, giảm lưu thông máu. 

+ Thuốc điều trị đường huyết: Trường hợp người bệnh bị tiểu đường, việc kiểm soát đường huyết là vấn đề rất quan trọng. 

+ Thuốc chống đông máu. 

+ Thuốc giảm đau chân: Một số loại thuốc có thể làm rộng các mạch máu, cải thiện lưu thông máu tới các chân và giảm triệu chứng đau chân. Không tự ý tăng liều thuốc hoặc dừng thuốc để tránh gây ra những nguy cơ rủi ro không mong muốn. 

Dùng thuốc cũng là cách điều trị tắc nghẽn động mạch máu chân

Dùng thuốc cũng là cách điều trị tắc nghẽn động mạch máu chân

- Một số phương pháp can thiệp: Nếu cần thiết, bác sĩ có thể chỉ định cho người bệnh thực hiện một số biện pháp can thiệp như:

 + Nong mạch hoặc đặt stent: Mục đích của phương pháp này là mở rộng động mạch bị tắc. Bác sĩ sẽ đưa một quả bóng nhỏ vào động mạch bị tắc nghẽn, sau đó thổi phồng để mở rộng động mạch và cải thiện lưu thông máu. Với các trường hợp đặt stent, một ống kim loại nhỏ dạng lưới sẽ được đặt vào động mạch để đảm bảo động mạch luôn mở rộng và không bị tắc nghẽn. 

+ Phẫu thuật bắc cầu động mạch: Là phương pháp can thiệp và sử dụng một mạch máu khỏe từ một phần khác của cơ thể hoặc cũng có thể là một mạch nhân tạo để tạo ra một lối đi xung quanh động mạch bị tắc.

- Liệu pháp thrombolytic: Đây là phương pháp được áp dụng với những trường hợp có cục máu đang gây tắc nghẽn động mạch. Cụ thể, các bác sĩ sẽ tiêm trực tiếp thuốc tan máu thrombolytic vào động mạch bị ảnh hưởng bởi cục máu đông. Dưới tác động của các thành phần có trong thuốc, cục máu đông sẽ tan ra và loại bỏ tình trạng tắc nghẽn mạch máu. 

4. Phòng ngừa tắc nghẽn động mạch máu chân bằng cách nào?

Ngoài cách điều trị tắc nghẽn động mạch máu chân, phương pháp phòng bệnh cũng là vấn đề quan mà bạn không nên bỏ qua. Dưới đây là một số lưu ý cụ thể giúp bạn phòng tránh bệnh: 

- Duy trì lối sống khoa học như ngừng hút thuốc, tập thể dục, ăn uống đủ chất, hạn chế đường, muối, một số chất béo,... và kiểm soát căng thẳng. 

- Kiểm soát chặt chẽ các yếu tố nguy cơ bệnh lý bằng cách đo huyết áp thường xuyên, duy trì đường huyết ổn định, giảm cholesterol, điều trị các bệnh lý liên quan. 

- Theo dõi sức khỏe định kỳ. 

Bệnh nhân nên đi kiểm tra sức khỏe nếu có biểu hiện bất thường

Bệnh nhân nên đi kiểm tra sức khỏe nếu có biểu hiện bất thường

Trên đây là một số thông tin về cách điều trị tắc nghẽn động mạch máu chân cùng với một số cách phòng bệnh hiệu quả. Nếu còn thắc mắc cần được giải đáp hoặc có nhu cầu đặt lịch khám, quý khách có thể liên hệ đến tổng đài 1900 56 56 56 của Hệ thống Y tế MEDLATEC, các tổng đài viên luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn 24/7.

Bình luận ()

Ý kiến của bạn sẽ được xét duyệt trước khi đăng.

Lựa chọn dịch vụ

Quý khách hàng vui lòng lựa chọn dịch vụ y tế theo nhu cầu!

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà

Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà giúp khách hàng chủ động tầm soát bệnh lý. Đồng thời tiết kiệm thời gian đi lại, chờ đợi kết quả với mức chi phí hợp lý.

Đặt lịch thăm khám tại MEDLATEC

Đặt lịch khám tại cơ sở khám chữa bệnh thuộc Hệ thống Y tế MEDLATEC giúp chủ động thời gian, hạn chế tiếp xúc đông người.
bác sĩ lựa chọn dịch vụ